Lượn lờ trên mạng thì bất chợt đập vào mắt là một topic trao đổi “Về hay ở sau một năm trải nghiệm văn hóa ở nước ngoài” đang được bàn tán sôi nổi trong cộng đồng giới trẻ người Việt ở nước ngoài. (Xin thứ lỗi không dẫn chứng cụ thể, vì bản thân ta cũng không muốn giới thiệu cụ thể ta là ai. À quên, vì là tản mạn nên từ đây ta sẽ xưng là “tôi”)
Tự ngẫm mình có lẽ cũng đã từng và đang băn khoăn rốt cuộc nên về hay ở lại, vấn đề mà tất cả các bạn trẻ tham gia chương trình một năm trải nghiệm này đều đau đầu. Cùng nghe tâm sự của các thế hệ đi trước, có rất nhiều ý kiến trái chiều, có người chia sẻ chính cảm nhận và tình trạng của bản thân họ khi đã quyết định. Hối hận có, hạnh phúc có, tiêu cực nhiều mà tích cực cũng không ít.
Một bạn đang học đại học ở Pari năm cuối chia sẻ: “ở nhà cứ nghĩ cuộc sống bên này tốt đẹp lắm, tương lai mở rộng lắm. Nhưng với mình, mình vẫn thích cuộc sống ở nhà hơn. Trong khi chúng ta mải mê cố gắng để đuổi kịp họ thì mình thấy con người nơi đây còn trì trễ hơn cuộc sống vồn vã ồn ào ở nhà. Rồi thì trên đường phố, những người da đen nhan nhản mọi nơi.” Có khi nào do bạn ấy quá nhớ nhà nên muốn về cho bằng được hay không?
Một bạn ở Canada từng nói: “Đừng nghĩ tuyết là thứ thơ mộng lãng mạn, nó là thứ bẩn nhất trên đời!” Liệu có phải ý bạn là đang ám chỉ mọi người đừng mộng tưởng cuộc sống màu hồng ở nước ngoài chăng?
Cùng nghe ý kiến của những bạn đã về nào.
Một bạn sau khi về nước một năm vẫn đang ở nhà chờ việc tỏ thái độ hối hận vì về nước. Về để làm gì để bỏ lỡ cả tương lai, để giờ phải ăn bám bố mẹ.
Một bạn khác thì khó chịu không phải quyết định về nước của mình mà là cách cư xử đối xử của những người xung quanh. Nói đến đây mới nhớ, đã từng có một khoảng thời gian cộng đồng mạng nổi lên vụ bức xúc khi một nữ sinh du học ở Nhật mua son về làm quà cho người thân.
Tôi không phải ám chỉ những người chưa ra nước ngoài có con mắt thiển cận này nọ, mà chỉ muốn hỏi suy nghĩ “cứ ra nước ngoài là sướng” đã trở thành một điều hiển nhiên trong tiềm thức của người Việt tự bao giờ?
Một bạn nữ hiện đang làm giáo viên trong nước rất hạnh phúc khi chia sẻ thật may mắn vì đã quyết định về, quê hương mình, văn hóa mình, nơi mà mình quen thuộc này khiến mình không còn cảm thấy lạc lõng nơi xứ người.
Có rất nhiều người sau khi được phép ra nước ngoài thì tìm mọi cách để trốn tránh pháp luật, tìm thật nhiều kẽ hở để được ở lại nơi xứ người. Điều gì khiến họ “tranh đấu” đến như vậy? Nói đến đây chắc mọi người lại nghĩ, bây giờ ra nước ngoài như cơm bữa, ở nước ngoài như ở trọ nên mọi sự là do tôi nói quá nên nhỉ. Không đâu, tôi từng nghe câu chuyện của một bạn nữ trẻ tuổi sau khi hết hạn visa, vẫn cố gắng trốn làm việc trong một tiệm mỳ của người quen ở Thái Lan. Cuộc sống của bạn ấy là ban ngày làm việc cật lực, tối muộn mới dám ra ngoài hóng gió, mà luôn phải ngó đông ngó tây sợ công an tóm. Cuộc sống như vậy thì sướng gì?
Rồi thì dạo gần đây hồ sơ đi trải nghiệm một năm văn hóa nước ngoài ở Áo, Đức, Thụy Sỹ liên tục bị đại sứ quán trả về. Lý do là gì vậy? Vì có quá nhiều bạn trẻ người Việt sau khi hết hạn thường trốn ở lại.
Lần đầu tiên tôi gặp người đồng hương trên miền đất mới này là do liên lạc với nhóm người trên mạng xã hội. Nhưng thay vì niềm vui, may mắn khi tìm được người có cùng tiếng nói lại là sự cô đơn, lạc lõng. Tại sao tôi lại nói như vậy ư, vì họ đều có người nhà ở bên này, thậm chí hồ sơ của đều do người nhà bên này tác động chứ không phải do tự lực cánh sinh như tôi. Họ nói, tôi thật liều lĩnh, không có người hỗ trợ mà cũng dám đến đây.
Tự nghĩ tuổi trẻ là để trải nghiệm là để trưởng thành hơn, đâu phải lúc nào cũng dựa vào bố mẹ được chứ? Liệu có phải vì họ có bố mẹ, người nhà ở bên này nên vấn đề ở lại sẽ chẳng khó khăn gì, và ngay từ đầu họ đã nghĩ làm mọi cách để ở lại đúng không? Tôi không giám khẳng định điều gì, nhưng tôi nghĩ chính người Việt chúng ta đang tự khiến cho con đường muốn trải nghiệm văn hóa nước ngoài trở nên khó khăn hơn cho các thế hệ sau.
Về hay ở là quyết định của mỗi người, chính bản thân tôi cũng thấy khó khăn khi phải đưa ra quyết định. Nhưng dù sao thì cũng là người trưởng thành nên tự trách nhiệm với quyết định của mình, tự đặt tay lên tim xem nó hướng về đâu, đặt tay lên trán nghĩ điều mình muốn là gì. Ý kiến của người ngoài cũng chỉ là để tham khảo mà thôi. Và khi quyết định rồi thì mạnh mẽ đương đầu với nó. Tôi hy vọng rằng các bạn trẻ ở nước ngoài dù về hay ở hãy sống và làm đúng theo pháp luật. Có rất nhiều cánh cửa mở ra, có rất nhiều cơ hội hợp pháp hóa cho tất cả các bạn về hay ở. Thế nên việc gì phải sống ở nước người trốn chui trốn lủi, việc gì phải trốn vé để về nước?
Chính những hành động nhỏ nhặt của các bạn trẻ ở nước ngoài, dù chỉ là một phần nhỏ thôi, nhưng các bạn đang khiến người nước ngoài nhìn vào mà đánh đồng toàn bộ người Việt là như vậy. Thế nên đừng để những hình ảnh xấu xí đi sâu vào lòng bạn bè quốc tế. Đúng là người sống phải là chính mình, sống cho mình, nhưng các bạn đang là những đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đấy. Người nước ngoài đâu thèm quan tâm mà về thử Việt Nam sống một lần cho biết, họ nhìn và ấn tượng về Việt Nam qua chính các bạn đấy chứ.