Đứng nhìn đồng quê hiu quạnh của màn đêm trên mãnh đất xứ Quảng mà lòng buồn man mác.
Một cô gái lạc dòng thế nào mà từ Hà Nội vào Sài Gòn để rồi phải lòng một chàng trai xứ Quảng, và rồi tôi có quê nội là Quảng Nam. Ông bà nội là viên chức nhà nước, về hưu lâu rồi nhưng thuở bố tôi còn bé, ông bà gửi vào nhà họ hàng trong Sài Gòn để đi học. Còn mẹ tôi thì theo chân ông bà ngoại vào Sài Gòn để thăm bà cố lần cuối rồi lo hậu sự (ông cố gốc Hà Nội, ở rễ tại Sài Gòn và sinh ra ông ngoại lại trở về Hà Nội tiếp tục kế sinh nhai (Cái duyên, cái nợ khiến 2 người phải lòng nhau trong 23 ngày ít ỏi trên đất SG. Và rồi chia xa nhau trong cái buồn tương tư. Bố mẹ liên lạc qua thư tay, ngày ấy tiếng kinng koong của chiếc xe đạp bác đưa thư còn đó. Mỗi ngày bố phải hóng thư từ mẹ và mẹ lại mong thư từ bố.
Nỗi da diết, nhớ mong buộc mẹ phải vứt bỏ mọi thứ ở Hà Nội chỉ để đến bên bố với lý do “con muốn lập nghiệp ở Sài Gòn” mà mẹ nói với ông bà ngoại. Hai năm sau, bố mẹ về chung nhà bằng hai đám cưới cách nhau đến gần 1 tháng. Bố chọn ở rể vì nhà nội có hai người con trai cho nên chú Út sẽ là người chăm sóc nội sau này, mẹ là con gái một nên khó có thể xa ngoại mà rời đi. Thế là tôi được sinh ra với hai quê hương Quảng Nam và Hà Nội. Tôi thường về Quảng Nam vào dịp tết và hè, năm nay, tôi lại đứng đây và thầm mơ trở về thời thơ ấu, ngây ngô và thơ dại.
Với một đứa trẻ thành phố, về miền quê như cơn ác mộng mà những ngày đầu lạ lẫm. Và dần trở nên tò mò, thích thú khi đã dần quen thuộc với cuộc sống này rồi. Tôi quen đám nhóc ở quê, hè thì đi bắn chim, lội suối, leo trèo như một phần máu chảy dân dã trong mình. Xuân đến tết về, chúng tôi lại quây quần bên bếp lửa để cùng nội nấu bánh chưng, bánh tét
Nội tôi già lắm, bà thì mắt hơi kém, lãng tai một chút nhưng nếu tôi về đến đầu ngõ thì bà cũng biết mà mừng rỡ, Ông nội tuy già nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Mấy khi tôi về nội đều cười rất tươi, nhớ ông bà và lũ trẻ trong xóm đến mức phải thu xếp đồ đạc trước rất lâu, chỉ mong ngày được về quê nội thôi.
Tôi năm lớp 3, hè năm đó tôi lại về nội, có cái trò bóc kẹo cao su trúng thưởng tiền từ 500đ đến 5000đ khiến tôi vui thích đến mức dùng cả số tiền mẹ cho để bóc nó. Còn 3 cây kẹo và mệnh giá tiền còn lại trên đó là 5000đ và 1000đ, tôi nghĩ nếu có tiền để bóc nốt thì mình sẽ có lời, nhưng nếu xin mẹ thì mẹ sẽ không cho mà còn mắng tôi nữa. Thế là tôi quyết định lục lọi trong túi áo của ông nội, móc ra tờ 2000đ để đi bóc kẹo. Tôi bóc hết 3 cây còn lại nhưng chỉ trúng được 1000đ, 5000đ kia vẫn còn nằm ở đấy nhưng không còn kẹo để bóc nữa, hẳn là bị lừa rồi. Với 1500đ tôi sợ sệt, không dám trả lại nội nên dùng nó mua kẹo luôn. Hôm ấy nội bảo tôi đi mua đường phổi (một loại đường được tách ra trong quá trình làm đường từ thân cây mía), vì nội già cả lại hay đau ốm nên lúc nào uống thuốc miệng cũng đắng vô cùng, và những viên đường đó giúp nội giải toả được sự khó chịu đó. Nhưng lạ, 2000đ trong áo của nội mất rồi, và tôi biết người lấy nó là ai. Nội là viên chức nhà nước nghèo khổ, lương hưu cũng chỉ đủ sống qua ngày, những chiến công thời chống Pháp, chống Mỹ của nội cũng chỉ giúp nội có được bữa ăn qua ngày, nếu lỡ đau ốm cũng chỉ mong bố chu cấp để suôn sẻ tiền viện phí. 2000đ lúc đó mua được rất nhiều thứ, nội chỉ còn duy nhất số tiền ít ỏi đó để mua đường mà thôi. Nội biết ai là người lấy nó, nội chỉ im lặng rồi bảo tôi, con người sống ở đời quan trọng nhất là đức, của cải của người khác tức là của người khác, nếu mình có ý lấy nó thì mình là kẻ trộm cắp, là kẻ mà xã hội coi khinh. Lời dạy đó cũng giống như cốt cách của nội vậy. Làm chủ tịch xã mà gương sáng ngời ngời, vì suốt đời ông liêm khiết nên gia đình nội rất nghèo, những ngày bố tôi sống ở Sài Gòn cũng chỉ được chu cấp ít ỏi từ nội mà thôi, còn lại bố tôi tự gồng gánh lấy.
Tôi không dám thú nhận với nội về kẻ cắp nhưng mãi rất nhiều năm về sau này tôi vẫn không lấy một két bạc từ ai và cũng không dám suy nghĩ đến việc tự biến mình thành trộm cắp.
Tết lại về, và bà nội làm bánh chưng tết, bánh tét, bánh ít lá gai, bánh ú khoai xiêm. Bọn trẻ chúng tôi chỉ giúp nội chặt lá về gói bánh, ngồi nhìn các bác làm gà, mổ heo chia nhau quanh xóm, các cô thì gói bánh chở kịp giờ đun bếp. Vùng núi Quảng Nam se lạnh về đêm, ánh lửa hồng từ bếp mang đến một sự ấp áp, vui tươi ngày tết. Và năm nào, năm nào cũng thế, tôi lại về quay quần bên gia đình nội rồi lại trở về cuộc sống nhộp nhịp nơi phố phường Hà Nội.
Năm tôi lớp 6, bà ngồi chải tóc trước nhà, mái tóc bà bạc trắng, tôi lại nhìn mẹ chải cho bà, tôi nói rằng tóc bà bạc trắng hết cả rồi, mẹ tôi bảo đó là tóc mây, vì nó trắng như áng mây vậy. Mãi về sau tôi mới hiểu, khi con người về già, họ lại lo toan và suy nghĩ về rất nhiều chuyện, tuổi tác đã đi quá xa ngày còn trẻ, gọi là tóc mây chứ đừng gọi tóc bạc, như mây trắng kia, cứ lơ lửng rồi gió cuốn đi. Tôi có thể nói giọng như một người Hà Nội gốc với ngoại, cũng có thể trò chuyện với nội bằng giọng Quảng Nam chân chất thật thà, vì tôi thương cả nội lẫn ngoại, vì tôi yêu vùng đất Hà Nội nối Quảng Nam lại bằng hai trái tim cùng chung nhịp đập.
Nội ngày một già đi, nồi bánh chưng cũng mất dần theo năm tháng, hai năm trước chứng kiến nồi bánh chưng được nấu lên, ánh lửa mập mờ, khi tôi đã trưởng thành và lũ trẻ trong xóm ngày ấy cũng chỉ còn mỗi đứa mỗi nơi. Mấy năm cũng chỉ gặp lại vài người, cùng nhâm nhi chút rượu trắng cây xoè ôn lại chuyện cũ.
Tết năm trước vắng nội rồi, lòng buồn khôn xiết. Nội đã không thể ăn được cái tết cuối cùng ở tuổi 85 và 84. Vì bệnh tật mà ông bỏ bà đi trước, bà cũng theo ông sau 3 tháng nằm thương nhớ. Câu cuối cùng còn nghe được từ nội là tiếng khóc không thành tiếng, hai hàng nước mắt rưng rưng
– ông ác lắm, sao ông bỏ tui mà đi trước hỡi ông.
Rồi thân thể lạnh dần đi trong tiếng khóc thương của con cháu.
Cả cuộc đời bà phải chịu nhiều cực khổ khi ưng ông, bà phải buôn mắm để duy trì kinh tế khi ông còn là cán bộ nghèo nàn ở cái xã mà người ta chỉ sống được khi khai thác vàng mà thôi. Và rồi ông bà lại dắt tay nhau đi trên cầu Nại Hà, chén canh Mạnh Bà còn chưa uống chỉ vì thương trọn một kiếp người. Ở cái tuổi này, chứng kiến con cháu lập gia đình là niềm hạnh phúc lớn nhất của ông bà, con có hứa sẽ cưới vợ trước lúc ông bà mất nhưng rồi còn lại thất hứa rồi. Một lời hứa nhưng chẳng còn thực hiện được nữa rồi.
Năm nay con lại về, đứng trước nhà nhìn ra xa cánh đồng, tiếng ếch nhái kêu, tiếng côn trùng ríu rít, tiếng lòng buồn tiếc thương vô hạn. Con vào thắp đôi nhan cho ông bà, lại nhớ đến nồi bánh chưng ngày xửa ngày xưa.
Năm nay cháu lại mất đi ông ngoại, cũng gần dịp tết mà chưa hưởng được mùa xuân tuổi 89, buồn nối tiếp nhau, nhưng đời người rồi cũng phải có giây phút chia xa mãi mãi, chỉ còn niềm thương nhớ vẫn đọng lại qua thời gian.