TÂY TIẾN (Khổ 3)
Bài làm
Nhà thơ Sóng Hồng đã từng nói: “Thơ là thơ, đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”. Là một nhà thơ đa tài, Quang Dũng đã dùng ngòi bút tài năng của mình để viết lên những bài thơ giàu chất nhạc, chất họa. Trong số đó, Tây Tiến là một bài thơ tiêu biểu, gợi biết bao cảnh đẹp nơi núi rừng Tây Bắc cùng sự lạc quan, yêu đời của người lính dẫu chặng đường hành quân có khó khăn, gian khổ:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
…
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Quang Dũng sinh năm 1921, mất năm 1988. Quê ở làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây. Là một nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp, Quang Dũng không chỉ viết thơ hay mà còn có thể vẽ tranh, soạn nhạc. Lớn lên tại Hà Nội có lẽ là nguyên nhân cho tâm hồn thơ mộng của người nghệ sĩ tài ba. Có lẽ vì thế mà thơ ông vô cùng phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa.
Tây Tiến là một phân hiệu bộ đội được thành lập năm 1947 với lực lượng chủ yếu là các thanh niên tri thức Hà thành. Nhiệm vụ của họ là phối hợp với quân đội Lào đánh tiêu hao sinh lực địch tại vùng núi Tây Bắc và Thượng Lào cùng một phần của tỉnh Sầm Nứa. Bài thơ “Tây Tiến” được viết khi tác giả đã rời đơn vị. Những kỉ niệm xưa cũ ùa về, thôi thúc tâm hồn lãng mạn để rồi ông đã sáng tác “Nhớ Tây Tiến”, được in lại và đổi tên thanh Tây Tiến trong tập “Mây đầu ô”, bởi có lẽ bản thân Tây Tiến cũng đã chính là nỗi nhớ rồi.
Bằng bút pháp lãng mạn, Quang Dũng đã khắc họa lên vẻ đẹp bi tráng nhưng rất oai phong, lẫm liệt của người lính:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm”
Hình ảnh “đoàn binh không mọc tóc” và “quân xanh màu lá” được lãng mạn hóa, từ đó cho thấy khí thế hiên ngang, bất khuất của các anh bộ đội. Ở nơi “rừng thiêng nước độc” ấy có biết bao chiến sĩ đang ngày đêm chật vật cùng căn bệnh sốt rét, đến nỗi tóc rụng hết, da dẻ xanh xao. Dẫu bệnh tật hoành hành, khó khăn, thiếu thốn về vật chất, các anh vẫn luôn lạc quan, toát lên khí thế “dữ oai hùm” của loài hổ báo. Đây là cách ví người hùng theo lối cổ chứ không phải “làm xấu đi hình ảnh những anh bộ đội” như người ta nghĩ. Viết về người lính, Quang Dũng không hề né tránh những gian khổ, hy sinh. Chỉ có điều hiện thực không được miêu tả một các trần trụi mà được nhìn qua cảm hứng lãng mạn. Bệnh sốt rét, cái thiếu thốn của người lính cũng từng được nhắc đến trong thơ của Thôi Hữu:
“Khuôn mặt đã lên màu bệnh tật
Đâu còn tươi nữa những ngày hoa”
Lính Tây Tiến đa phần xuất thân là học sinh, sinh viên. Chính vì thế mà tâm hồn họ vẫn còn mang nhiều nét “mộng và mơ”:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Họ mơ về những thắng lợi, về một tương lai tươi sáng. “Mắt trừng” hướng về phía kẻ thù. Tập trung cao độ, làm tăng sức mạnh chiến đấu. Tâm hồn người lính không chỉ mang nhiều nét mộng mà còn nhiều mơ. Họ mơ về một tà áo dài trắng, mái tóc đen óng ả, về những “dáng kiều thơm” nơi Hà thành rộng lớn, thanh lịch. Chiến tranh thật tàn khốc nhưng cũng không thể nào cướp đi được chất hào hoa của những chàng dân quân, bộ đội.
Hai câu thơ tiếp theo cho ta thấy lý tưởng cao đẹp, “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, cùng sự hy sinh cao đẹp của người lính:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”
Viết về người lính, Quang Dũng không hề né tránh sự mất mát, đau thương mà lại gợi lên bằng những nấm mồ “rải rác” nơi biên giới, nơi đất khách quê người. Họ đã anh dũng hi sinh trên mảnh đất của những người anh em không chung dòng máu. Ấy vậy mà những chàng thành niên ấy lại chẳng ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng ra chiến trường bảo vệ hòa bình. Ý chí cao đẹp ấy cũng đã từng được Thanh Thảo thể hiện qua những dòng thơ đầy chân thành và xúc động:
“Chúng tôi đi không tiếc đời mình
Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ Quốc”
Dẫu họ đã hi sinh vô cùng anh dũng nhưng hiện thực tàn khốc, những thiếu thốn vẫn không hề mất đi mà vẫn hiện hữu ở nơi ấy một cách vô cùng bi tráng:
“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Thật thương cảm và xót xa làm sao khi đã về nơi an nghỉ cuối cùng nhưng một manh chiếu che ngang thi hài cũng không có. Chỉ có chiếc áo đã cùng các anh đi qua biết bao mùa sương gió, biết bao trận bom rơi, nay lại được nâng lên thành hình ảnh “áo bào” sang trọng. Không một manh chiếu, không một người thân, chỉ có “khúc độc hành” của sông Mã. Tiếng sông Mã ầm ầm gào thét, chảy ngược về tim, cuốn theo biết bao đau thương cùng những nỗi uất hận. Đây cũng chính là tiếng kèn tiễn đưa các anh vè với đất mẹ. Nghệ thuật nói giảm nói tránh “anh về đất” vừa làm vơi đi đau thương, vừa vĩnh viễn hóa sự hi sinh của người lính. Đối với họ, cái chết chưa phải là kết thúc, các anh “về đất” là về với đất mẹ, về với Tổ Quốc thân yêu:
“Ôi đất nước đã bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”
Hai câu thơ trên của Nguyễn Khoa Điềm đọng lại trong tim ta, gợi lên những hình ảnh rực rỡ của người lính, không ngại gian khổ, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng để giành lại nền hòa bình, độc lập.
Qua đoạn thơ trên, nhà thơ Quang Dũng đã thành công khắc họa lên vẻ đẹp người lính vừa bi tráng, oai phong, lẫm liệt lại vừa lãng mạn. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, họ vẫn giữ tinh thần lạc quan, hướng về lý tưởng cao đẹp, sẵn sàng hi sinh thân mình bảo vệ Tổ Quốc. Từ đó, tác phẩm “Tây Tiến” đã để lại cho độc giả biết bao cảm xúc cùng những ấn tượng khó phai về tượng đài của người lính Tây Tiến mãi về sau.