“Cái thằng ấy nó vừa mới chết rồi đấy.”
Câu nói bâng quơ của bà cô chồng tôi ngày mùng một tết như giọt nước tràn ly, mở những cái máy phát thanh mang tên cô, dì, bác, mẹ; với những quả dưa chuột, dưa lê thơm phức được vứt lên bàn tiệc của những con nghiện chuyện.
Ừ thì ngày tết mà, cái ngày con cháu rỗi việc nhất trong năm, chẳng có cái gì làm nữa thì thôi túm năm tụm ba vào mà buôn chuyện cho đỡ buồn cũng là điều chính đáng.
Đủ mọi thứ chuyện linh tinh được lôi ra, nào là chuyện trên huyện, dưới xã, trong xóm làng, nơi nào có tin tức nào là y như rằng được đề cử. Mà mấy ngày này thì cũng chỉ có mỗi cái tin “thằng ấy” chết là mới nhất nên thành ra nó trở nên nóng hôi hổi; rồi thì cả già trẻ, gái trai ai cũng hào hứng góp chuyện.
“Cái thằng ấy” nó với gia đình nhà chồng tôi có họ bắn đại bác cũng chả tới, chẳng qua bố mẹ nó hay qua lại với nhà tôi, dần dà nói chuyện, kể tông ti gốc gác ra mới biết, hóa ra nó còn phải gọi tôi một tiếng bác.
Tôi còn nhớ hồi trong năm mẹ chồng tôi có nhắc tới nó, còn bảo nó sắp cưới vợ, vậy mà qua tết đã nghe tin dữ rồi.
Nó chết cũng chẳng phải tai nạn giao thông hay bệnh tật gì, nó chết bởi chính thằng cháu ruột, con bà chị gái.
Cô em chồng mới học lớp mười hai cứ nhắc đi nhắc lại cái điều đó vào lúc mấy chị em túm tụm rửa bát, nó nói
“Hôm hai sáu thằng ấy sang nhà bà chị đòi tiền để sau tết cưới vợ. Chẳng biết lớ ngớ thế nào va vào cái thằng cháu mất dậy kia, thế là hôm hai tám, nó gọi thêm mấy thằng lớp chín tới thịt luôn cậu mình.”
Một tiếng kêu khẽ vang lên, cô em dâu khác nhà tôi cùng rữa bát ngẩng lên với vẻ mặt không thể tin được. Tôi cũng quá đỗi kinh ngạc, người ta bây giờ giết nhau dễ dàng quá, sự việc nó cũng có gì đâu mà cháu phải giết chú; chả nhẽ lời xin lỗi rẻ mạt tới nỗi phải đền mạng mới đủ thành ý?
“Cái bọn kia tới nhà thằng này nhé, vừa thấy nó đã xiên một nhát thẳng vào mắt trái, qua cả óc vụt ra đằng sau; sau đó nó rút con dao ra nó lại đâm tiếp hai nhát nữa vào bụng thằng này, rồi bọn kia lại nhảy vào đâm tới tấp, đâm cho thằng này bê bết máu luôn…”
Cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng chị em tôi theo từng lời kể hồn nhiên của con bé. Mới nghe thôi đã thấy rùng rợn lắm rồi, một đứa trong nhóm vội vã ngăn con bé lại, mấy đứa khác chuyển chủ đề cho đỡ kinh.
Thế rồi từ xa vọng lại tiếng nói chuyện của những bậc bề trên, lại vẫn xoay quanh cái chuyện giết cậu đấy, tụi tôi chỉ im lặng vừa rửa bát, vừa lắng nghe bà thím kể.
Thì ra cái thằng cháu mất dạy ấy nó đã hư từ bé. Từ khi mới học mẫu giáo nó đã đẩy bạn ngã gẫy tay, bố mẹ nó đền người ta không biết bao nhiêu tiền rồi.
Mà cả nhà nó cứ bận làm ăn, chả chịu dạy con cái, chỉ biết quăng tiền ra cho các cô trông coi hộ. Các cô thấy bố mẹ nó đi lễ tết đầy đủ quá thế là đâm ra mù, nó đánh bạn mà cũng một mắt nhắm, một mắt mở cho qua; dần dà mới hình thành nên cái tính hỏng bét của nó. Bà thím nói
“Tôi còn nhớ rõ, cái hồi mẹ nó đưa nó ra nhà tôi mua đồ, nó vào rồi chẳng chào ai, chỉ nhăm nhăm vào đống đồ chơi lục tung lên, mẹ nó thấy mà cứ mặc kệ, nó lục cái gì ra mà thích là bóc chơi luôn, không cần phải biết là đã trả tiền chưa; mình lại tự nhìn rồi tính cho mẹ nó, tí nữa chúng nó đi mà tôi chết mệt vì thu dọn, tôi từng bảo với ông Bình nhà tôi là nó sau này có khi vào tù ra tội ấy thôi, thế mà y như thật.”
Mọi người ai cũng gật đầu, mỗi người thêm thắt vào một câu cho cái tính hư hỏng của thằng cháu nó thêm đầy đủ.
Thằng này nó được chiều lắm, nhà có mỗi cậu quý tử thôi mà; suốt thời còn đi học nó toàn nghỉ học, đánh bạn, chửi thầy cô, bao nhiêu lần tưởng đúp rồi; đến cuối năm bố mẹ nó lại im lặng đem tiền đến nhà cô giáo đút lót mua điểm mới được lên lớp.
“Các chị biết không, hôm thi cấp ba, nó ngồi ngay cạnh thằng bạn cùng lớp em, thế là nó cầm con dao nhíp đến nó đe dọa thằng này cho nó chép bài, không nó giết. Thằng bạn em sợ quá phải đưa bài cho nó. Nhờ thế nó mới vào được trường đấy.” Cô em chồng hăng hái kể chuyện của cái thằng cháu ấy, thằng này vừa đủ mười tám rồi, trước cái ngày nó gây chuyện mấy hôm đã là sinh nhật thứ mười tám của nó. Ngày còn bé vì nghĩ nó đẻ cuối năm còn non nớt nên bố mẹ nó để cho cứng cáp hẳn mới cho đi học, thành ra cùng khóa với cô em chồng tôi.
“Hồi hè năm nay nó kéo mấy đứa sang Nam Định hiếp dâm một con bé mười bốn tuổi, bị bắt rồi đấy nhưng bố mẹ nó bảo lãnh, vừa mới ra thôi; em còn nghe bố nó định cho nó đi bộ đội nhưng ngặt nỗi mẹ nó không cho vì sợ khổ con. Thế mà chưa kịp cãi nhau thì thằng tướng con đã gây ra cái chuyện tày trời này rồi.”
Cô em thở dài sau khi thỏa mãn cái cơn buôn chuyện, còn chúng tôi thì cũng hết luôn cái sự kinh ngạc của mình rồi. Thành tích mới có thế bảo sao dám cầm dao giết người, chỉ thương cho cái thằng cậu, một tí nữa thôi là chạm tay vào hạnh phúc rồi, vậy mà…
Tất cả cũng chỉ là hệ quả tất yếu của cả một quá trình dạy con sai lệch bởi những kẻ làm mẹ, làm cha và cả một sự khúm nhường của xã hội trước đồng tiền đã tạo nên một con quỷ đúng nghĩa.
Đồng tiền có thể nuôi con trẻ thành người, nhưng dùng nó để dạy con thì quả là tai hại, đặc biệt là khi tình thương của cha mẹ đặt sau thứ đó. Rốt cuộc thì chính bố mẹ gián tiếp hại con, giết con nhưng vẫn mù quáng không biết, vẫn cố gắng lún sâu vào tội lỗi, đẩy con xuống vực thẳm tối tăm, với những tâm hồn khuyết thiếu tình người.
Thằng cháu ấy cuối cùng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với những gì mà nó gây ra, nhưng tôi tự hỏi liệu cha mẹ nó sẽ lại vì thương con quá mà tìm mọi cách để cứu nó chứ. Có lẽ nào họ sẽ vất bỏ cả những đấng sinh thành, cả họ hàng lối xóm của mình chỉ vì không muốn nhìn cậu quý tử phải chết?
Tương lai không ai đoán trước được điều gì, chỉ hi vọng họ sẽ hiểu mà dừng lại.
Mấy chị em chúng tôi đã rửa xong bát rồi, giờ lại quây quần trên ghế ngồi im lặng nghe các bậc bề trên tán dóc; cái tin nóng hổi này mà nói mãi vẫn chưa hết mặc cho hội buôn đã săp tàn. Cuối cùng ông chú tôi vì giục vợ không được, sốt ruột quá mới buông ra lời tổng kết lại
“Tất cả cũng chỉ tại bố mẹ nó không biết dạy con, cứ chiều nữa đi, cứ yêu nữa đi, nó gây chuyện thì cứ cứu nó nữa đi. Đến bao giờ nó cầm dao nó đâm chết thì lúc đấy mới biết hối hận. Luật nhân quả nó ứng về nhanh lắm, chưa hết cái đời này nhưng mà đã phải chịu rồi thôi. Tóm lại nhà nó gây chuyện nhà nó tự chịu, mình có nói nữa cũng chẳng thay đổi được gì, giờ cả nhà tan cuộc, giải tán.” ./.