Mỗi độ thu về, tiếng ve rả rích dần im ắng sau những tán phượng đỏ đã chóng tàn. Những cơn gió bắc thổi qua hành lang vắng vẻ cuốn theo chiếc lá úa vàng rơi lác đác trên sân. Khẽ đưa tay với tới những mảnh vỡ ký ức, tôi mơ hồ nhìn thấy những cảnh vật thân thương, những bóng hình, những thanh âm đầy quen thuộc. Giữa dòng hồi ức mơ hồ ấy, tôi nhận ra được dáng hình thân quen, một con người gầy gầy, cao cao ngồi bên chiếc bàn gỗ cũ kỹ. Ánh mắt nhìn xa xăm như mang đầy những nỗi suy tư thăng trầm. Rồi người quay qua nhìn tôi, đôi mắt hằn lên những nếp nhăn năm tháng, đôi môi nở một nụ cười ấm áp hơn cả ánh mặt mặt trời rực rỡ kia. Người đàn ông trong bộ quần áo cũ sờn mộc mạc, mái tóc điểm bạc lấm tấm bụi phấn với cái dáng ngồi điềm nhiên và cái khí điệu điềm đạm lại có phần trêu đùa tinh nghịch chẳng thể lẫn vào đâu được mà làm tôi bồi hồi mà nhận ra… Thầy tôi!
Trong suốt chặng đường học vấn mà tôi đang bước, đầy trắc trở và khó khăn hơn nhiều người. Nhưng tôi biết rằng tôi may mắn hơn nhiều đứa trẻ khác, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và may mắn khi còn có cơ hội cắp sắp đến trường. Ở nơi đây, tôi gặp nhiều người, học điều mới, chắc chiu từng kiến thức để tự hoàn thiện bản thân. Có vấp ngã, có dang dở, có tuyệt vọng, từng bỏ cuộc bởi những áp lực từ cuộc sống, gia đình hay nói trắng ra cũng chỉ là sự yếu đuối của bản thân… Nhưng rồi trên chặng đường đó, trong những lần tôi vấp ngã và bỏ cuộc, người nâng đỡ từng bước chân khập khiễng, người cho tôi những động lực để vững vàng bước tiếp là thầy tôi – Người mà tôi luôn khâm phục và kính trọng.
Thầy tôi cũng như bao thầy cô khác, người dành cả một đời âm thầm, lặng lẽ qua những tháng ngày chèo chống, đón đưa bao nhiêu thế hệ tương lai của đất nước. Năm tháng trôi qua, thầy mỗi ngày lại già đi vì thời gian, vì những căng thẳng mệt mỏi trong nghề nhà giáo, vì những đêm thức khuya soạn giáo án hay vì những sầu lo cho tương lai đám học trò dấu yêu. Bởi sau tất cả những công sức đổ ra trong mấy chục năm trồng người, thầy không cần hào quang chói loá hay những vinh danh bằng giải thưởng. Nếu những bậc vĩ nhân để lại cho đời những danh tiếng lèng lẫy, những nhà soạn nhạc để lại những ca khúc du dương, những nhà thơ văn để lại bao tác phẩm in tràn giấy… Thì còn thầy, có gì đâu ngoài những bước chân âm thầm, miệt mài cùng những dòng chữ tan biến theo từng hạt bụi phấn? Có gì hơn việc chứng kiến những đứa học trò thành người? Sâu trong lòng thầy không cần ai đó ghi nhận vì chẳng có sự ghi nhận nào lại lớn lao hơn thành công của lũ trẻ mà thầy chăm dạy dìu dắt trên con đường tương lai rực rỡ kia.
Thầy tôi rất hay cười. Lúc nào cũng thế, trên môi thầy luôn mang một nụ cười ấm áp. Nhưng mấy ai nhìn sâu vào đôi mắt kia, đôi mắt sáng bởi ánh sáng dịu hiền mà ẩn sâu bên trong đáy mắt hiện rõ lên những nỗi niềm tựa mang theo cả một bầu trời trĩu nặng những tâm tư thật khó tả. Để rồi đôi mắt ấy nheo lại làm những nếp nhăn càng hằn rõ nơi khoé mắt, nhìn đăm đăm vào tấm hình cũ kĩ trong chiếc ví da đã bạc màu mà đăm chiêu, tĩnh lặng cứ mỗi khi thầy kể cho chúng tôi nghe về đám học trò cũ tài giỏi của thầy. có lẽ đó là niềm vui, niềm tự hào về những đứa con thơ đã trưởng thành. Hay vì nỗi buồn nhung nhớ lớp học sinh đã rời xa thầy ngày ấy?
Lại một năm nữa, họ không về…
Dòng suy tư đứt đoạn đưa tôi trở về những mùa hè năm đó, dưới mái nhà nhỏ lót tôn lụp xụp bên hiên nhà thầy, những chiếc bàn gỗ dài đặt ngay ngắn, chiếc bảng đen cũ đã hỏng nhiều chỗ được cố định trên bức tường. Không gian nhỏ “thoáng mát” mà thầy trò tôi bắt đầu những buổi học thú vị mà cứ mỗi trưa về lại nghe đâu tiếng than thở của đám chúng tôi. Đến mãi sau này nơi đó thành nhà kho, chúng tôi có dịp thoát khỏi cái nóng hầm đó mà “hoà mình” vào thiên nhiên. Những chiếc bàn được khiêng ra giữa khoảng sân bé nhỏ, chiếc bảng đen được thay thế bằng bảng nhựa trắng mới nay treo lên một cái giá ba chân chẳng mấy cân bằng. Cả thầy trò gần mười người chen nhau giữa khoảng sân cùng ánh đèn điện le lói tựa như cảnh học chữ của sư đồ, sĩ tử thời xưa. Tôi thích nghe thầy giảng. Trong tiết học thầy vẫn hay đùa giỡn với học sinh, lại không quên chú ý quan xác những cô cậu học trò của mình một cách tỉ mỉ để chỉ ra những điểm sai sót rồi thừa dịp mà “truyền thông minh” cho chúng tôi. Thầy chẳng bao giờ có thể gọi lại nghiêm túc, những lúc la mắng, thầy luôn nhắc nhở với nụ cười và giọng điệu trêu đùa khiến chúng tôi bật cười và thoải mái nhưng cũng đủ để chúng tôi nhận ra và ghi nhớ những khuyết điểm ấy. Đến những buổi học cuối trước kỳ thi tốt nghiệp trung học, lần đầu tiên tôi thấy thầy thật sự tức giận. Mặt thầy sầm lại, đôi mắt trợn lên đầy sự tức giận mang đâu đó chút buồn lòng sâu thẳm. Thầy tức giận vì thái độ chủ quan của đám học trò khi không chịu ôn thi đàng hoàng, thầy tức giận khi chúng tôi đã coi nhẹ tương lai của mình. Tôi biết, cái tức giận ấy là sự yêu thương và quan tâm của thầy. Bởi lẽ thầy đang lo lắng cho tương lai của chúng tôi rất nhiều.
Thầy tôi là thế, bình thường thôi, nhưng tôi lại yêu cái bình thường ấy, cái bình thường của cả của một con người tận tâm với nghề. Cái bình thường đặc biệt duy nhất chỉ ở nơi thầy. Thầy đã giúp tôi nhận ra rằng cuộc sống luôn là những trải nghiệm, dù đôi khi ta vấp ngã thế nhưng đằng sau sự vấp ngã luôn là bắt đầu của một bước chân mới vững vàng hơn và hoàn thiện hơn. Cứ thế, thời gian vẫn mãi trôi, tôi vẫn sẽ tiếp tục bước trên con đường tương lai kia, con đường mà thầy đã vẽ nên, con đường mà thầy đã dìu tôi bước đi trên một chặng dẫu ngắn ngủi cũng đủ để khắc ghi trọn một đời công ơn.
Ai ơi bụi phấn một thời nhớ
Tóc thầy ai nhuộm sắc bơ vơ?
Chuyến đò âm thầm từng năm tháng,
Bóng thầy ngóng mãi đám con thơ…
Lan Anh Nguyen (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 4304
tặng bạn
Lan Anh Nguyen (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 4304
hay lắm
Mộc Linh Khuê (4 năm trước.)
Level: 4
Số Xu: 104
hay lắm