- Thu vàng vọt
- Tác giả: Izerghin
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.129 · Số từ: 1266
- Bình luận: 0 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 1 Thu Pham
Chớm vào thu, nắng vàng au tô màu lên những tán lá bàng già như sự vương vấn của tiết trời mùa hạ. Tôi đi qua mùa thu ấy, qua những ngày sầu muộn đợi chờ đôi mắt kia khẽ mở, đôi môi kia chớm nở nụ cười. Đã nhiều ngày, tôi cắp chiếc thau màu hồng nhạt đi từ nhà vệ sinh xuống khu phơi đồ bệnh nhân. Đôi mắt lúc nào cũng ươn ướt trong ánh nhìn xa xăm về hướng mặt trời lặn. Bất chợt tôi nhận ra, có những nỗi buồn trộn lại cùng lúc khiến con người không thoát khỏi đau khổ, cũng có những niềm vui giản dị hòa quyện vào làm nhạt bớt vị chát mặn của nước mắt.
***
Anh tôi, người vẫn nằm ngủ yên trên chiếc giường đơn chưa tỉnh. Ngồi cạnh đó là vẻ hốc hác của người mẹ sau nhiều đêm thức trắng đợi một chuyển động nhẹ nhàng của cơ thể. Tôi chẳng nói gì. Chỉ đứng dựa vào thành lan can bệnh viện nhìn về phía những cánh đồng ngô trơ hạt vàng dưới những đợt gió heo may. Tiếng bước chân đi lại của y tá, tiếng khóc của bọn trẻ bị tiêm, tiếng rên rỉ của vài bệnh nhân chịu đau kém không làm lòng tôi xáo trộn. Bóng người di chuyển về phía tôi, một người con trai lạ có màu da rám nắng. Anh cười để lộ hàm răng trắng và núm đồng tiền khi nhìn vẻ mặt non nớt của tôi với những ý nghĩ trong đầu chẳng ai biết được.
– Anh trai em tỉnh lại chưa?
Tôi nghĩ trong đầu, chắc phải để ý lắm mới biết mình đi chăm anh nằm viện. Tôi đáp lại cụt ngủn:
– Chưa…
Chẳng biết hỏi han anh điều gì, tôi gượng cười rồiđi xuống sân phơi rút đồ đã hong khô.
Cánh cửa thang máy đóng lại. Hai người, bốn con mắt nhìn nhau.
– Anh xuống lấy đồ đã hong khô.
***
Trong bệnh viện, trừ lúc đi mua đồ ăn, giặt quần áo cho anh trai, tôi có nhiều khoảng trống để suy nghĩ về chuyện này, chuyện nọ. Tôi ngồi một mình ở hàng ghế đợi ngoài sảnh. Tiếng trẻ khóc cắt ngang dòng suy nghĩ xa vời. Mắt tôi bắt đầu kiếm tìm âm thanh ngây thơ ấy. Tôi lại bắt gặp người con trai có nước da rám nắng. Anh đang dỗ dành một đứa trẻ khóc.
– Anh làm nó khóc à?
Không tỏ vẻ ngạc nhiên hay khó chịu, anh đáp lại:
– À, không.
Anh ôm đứa trẻ, má còn ướt nước mắt tiến lại gần, ngồi xuống chiếc ghế trống cạnh tôi:
– Sáng mai con bé mổ. Nó chẳng chịu ăn cứ quấy khóc suốt.
Tôi tưởng đứa bé là cháu anh nhưng chẳng phải. Chỉ là một bệnh nhi nằm cạnh giường mẹ anh trong phòng B304. Ban đầu, chúng tôi chẳng có nhiều chuyện để nói với nhau. Tôi chỉ hỏi để biết anh đến chăm ai trong viện, và kể qua loa chuyện anh trai mình bị tụ máu não do tai nạn giao thông. Điều duy nhất lúc này tôi quan tâm: Sau ca mổ đã vài ngày, anh tôi vẫn chưa tỉnh dậy.
Còn anh cũng đi chăm người thân. Mẹ anh bị thương ở chân. Bác chỉ nằm một chỗ. Mỗi chiều muộn, anh hay dìu bác đi lại một chút để cơ chân hoạt động trở lại.
Ở bệnh viện, người ta chỉ mong ngóng ngày người thân của mình được xuất viện. Chẳng ai muốn kéo dài chuỗi ngày mệt mỏi và đau khổ khi nhìn người nhà mình đau đớn vật lộn hay nằm bất tỉnh. Trong khoảng thời gian đợi vết thương lành hẳn, dây thần kinh âm thanh của anh tôi hầu như không hoạt động. Anh chưa trò chuyện được với mọi người xung quanh, có khi không nhận mặt những người thân. Anh chỉ thở dài và lắc đầu. Người bạn mới hơn tôi ba tuổi. Anh trai tôi mỗi lần thấy anh đứng trò chuyện với tôi bên ngoài hành lang cũng nhìn ra chăm chú, rồi mỉm cười một cách dễ chịu. Anh tôi có khi không nhận ra bố mẹ, không nhận ra tôi nhưng lại xem anh bạn kia như người thân quen duy nhất. Anh bạn tôi nói chuyện, còn anh tôi chỉ cười và nhìn khẩu miệng.
Anh ân cần hỏi han anh trai tôi, đôi khi họ dìu nhau ra ngoài sảnh ngồi hóng những đợt gió nhè nhẹ. Anh bạn tôi nói cười, hỏi những câu chuyện dường như chỉ những người đàn ông bằng tuổi mới dễ dàng tâm sự. Tôi không biết câu chuyện của họ. Chỉ thấy bạn tôi hả hê cười cười, nói nói. Hai cánh tay rám nắng, chắc khỏe hoạt động liên tục từ khuỷu tay đến những ngón tay. Còn anh trai tôi nghiêng đầu về phía anh bạn chăm chú theo dõi câu chuyện, thỉnh thoảng gật đầu hưởng ứng, hoặc lắc đầu phản đối lại. Họ trò chuyện hàng giờ như thế. Có khi, anh tôi víu tay anh bạn tôi lại mỗi khi anh nói phải về phòng xem mẹ thế nào.
***
Cũng trong mùa thu ấy, gia đình tôi phải trải qua những ngày dữ dội trong bệnh viện. Hiệu ứng của bệnh khiến anh tôi giẫy giụa làm cả nhà vất vả. Bác sĩ trói chân, trói tay anh tôi lại để những cơn vùng vẫy qua nhanh. Những lúc anh tôi đau, tôi không dám đứng nhìn thẳng vào anh. Bao giờ tôi cũng bụm miệng chạy ra ngoài, lẩn vào một xó tối thút thít khóc không thành tiếng. Nếu không có anh ở đây, không hiểu ai sẽ cùng tôi đi qua những ngày giông bão. Anh không nói gì, chỉ ôm tôi vào lòng vỗ về.
Những ngày tháng cứ trôi, chẳng ai nói “chúng ta làm bạn nhé”, anh cứ lặng lẽ bên cạnh tôi mỗi lần đi mua đồ ăn, phơi đồ, rút quần áo khô, đi dạo hóng gió trời. Anh bảo “để em đỡ phải đi đâu, làm gì đó một mình”. Mỗi lần mẹ anh nằm nghỉ, anh lại sang trò chuyện để anh tôi phục hồi dần hệ thần kinh tiếng nói.
Ba ngày trước lúc xuất viện, anh tôi bắt đầu ăn uống điều độ và trò chuyện với mọi người xung quanh. Câu đầu tiên anh tôi phát âm là: Mẹ ơi. Anh bạn đứng cạnh tôi, nhìn về phía giường bệnh hỏi:
– Cậu có nhận ra tôi không?
– Tôi không quen cậu.
Cả nhà ai nấy đều bật cười. Bố tôi dí dỏm chỉ đùa bảo đó là bạn tôi chứ không nhắc lại những câu chuyện hai người đã nói với nhau lúc anh tôi chưa bình phục.
***
Chiều muộn buông xuống, nền trời rực ánh hoàng hôn hắt xuống mặt đất. Anh rủ tôi xuống phố:
– Đi ăn kem nhé!
Tôi đứng như phỗng một chỗ, anh kéo tay tôi xuống cầu thang bộ. Ngày mai, mẹ anh được xuất viện. Chắc là anh không quay lại nữa…
Anh nắm tay tôi trở về tầng 3 khu điều dưỡng. Trời vừa sẩm tối, từ dưới mặt đất nhìn lên cao về hướng những tấm kính lớn, hai bóng người chạm vào nhau. Anh hôn nhẹ lên bờ môi tôi vụng dại. Tôi không cười, cũng không hề phản ứng lại. Anh nói với tôi đó là nụ hôn tạm biệt nhau, tạm biệt mùa thu.