- Thuyết minh về con trâu trong đời sống Việt Nam
- Tác giả: Giai Mộc
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 2.382 · Số từ: 1864
- Bình luận: 6 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 2 Trà Sữa Trân Châu Moon Vit Nguyet
Về với các làng quê Việt, chạy dọc theo những cánh đồng bát ngát, mênh mông xa tít tận chân trời. Người ta lại có thể dễ dàng mà chìm đắm vào cái cảm giác yên bình ùa về trước những cảnh vật đơn sơ mà lại khiến lòng người xao xuyến đến lạ. Những cánh cò bay về phương nao, những mái nhà phía xa xa nơi những làng khói nghi ngút bốc lên cùng tiếng sáo vi vu đâu đó vọng về, xa dần, khuất dần theo những bóng mục đồng giữa ngàn hoa lúa phất phơ… Đến đây, lại như một bức tranh hiện lên tinh tế mà đơn sơ thanh bình. Nơi góc nhỏ của bức tranh ấy lại chẳng thiếu vắng mà như một nét quen thuộc hiện lên bóng dáng những người nông dân chất phát bên người bạn trâu chí cốt của họ ngày ngày thong dong ra đồng thật bình dị và thân thương.
Trâu là loài thuộc nhóm động vật nhai lại, bộ guốc chẵn, có tầm vóc lớn, khối lượng mỗi con từ 200 – 1200 kg ở các giống khác nhau, nên chúng được xếp vào nhóm đại gia súc. Chúng thích nghi rộng và chống chịu tốt với những điều kiện sống khó khăn, bệnh tật và cả nhiệt độ nóng bức như ở vùng nhiệt đới nước ta. Sừng trâu rỗng hình cánh cung, ở đầu nhọn. Tai dài linh hoạt, đuôi dài có túm lông rậm rạp dùng để xua đuổi ruồi muỗi hoặc các loài kí sinh khác luôn làm phiền chúng. Trâu có lớp da dày, lông rậm, cứng, thường có màu xám đen và một số con đặc biệt có màu trắng thường rất ít gặp. Trâu được chia làm hai nhóm là nhóm sừng ngắn, thường gặp ở Nhật, Bắc Trung Quốc, Ai Cập, Ý, Nam Liên Xô cũ và nhóm sừng dài thường gặp ở Miến Ðiện, Nam Trung Quốc, Việt Nam.
Trâu đứng thức thứ hai trong bảng “Mười hai con giáp” của Đông Dương và đứng trong lục xúc của ta. Trong tri thức về các loài vật của người Việt thì có lẽ tri thức về con trâu là có sớm nhất và đầy đủ nhất. Hình ảnh con trâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần từ hàng ngàn năm qua từ thuở khai hoang mở cõi, thời đại các vua Hùng cách đây 4000 năm. Những con trâu nhà hiện nay được cho là có nguồn gốc từ trâu rừng Ấn Ðộ, từ đó được thuần hóa lan theo hai hướng Ðông Nam Á và Nam châu Âu rồi lan rộng đến ta. Dù việc thuần hóa và nuôi dưỡng trâu không phổ biến bằng bò do phạm vi phân bố của trâu rừng hẹp hơn nhưng hình tượng con trâu vẫn luôn gắn bó một cách mật thiết với đời sống người nông dân các nước nói chung và Việt Nam nói riêng.
Hình ảnh con trâu không chỉ nằm trên các cánh đồng bình yên mà còn đi liền với nhiều sự kiện trong lịch sử các nước như quân sư Tôn Tẩn có giai thoại ông cưỡi trâu ra trận. Thời chiến quốc cũng có ghi lại chuyện Điền Đan dùng hỏa ngưu kế đánh bại quân địch, còn có Tào Tháo đã được trâu thế mạng và thoát nạn truy bắt của Mã Siêu… Hay còn nói về Đinh Bộ Lĩnh cùng từng đám trẻ chăn trâu cưỡi trâu tập đánh trận, ghi lại giai thoại về một vị vua Việt xuất thân từ cậu bé mục đồng.
Về sau, tượng Trâu bằng đất nung được giới khảo cổ học tìm thấy trong di chỉ Đồng Đậu mà được xác định là cách đây hơn ba ngàn năm. Xương trâu ở các di chỉ đá mới và đồng thau, các hóa thạch được tìm thấy trong nhiều hang động cùng hàng trăm lưỡi cày đồng cho trâu thuộc văn hóa Đông Sơn ở Cổ Loa… Điều đó cho thấy Việt Nam từ thời kỳ Vua Hùng dựng nước xa xưa trâu đã là loài vật thân cận mật thiết, dân ta đã biết lợi dụng sức trâu để cày bừa, kéo xe, phụ vụ đời sống… Đẩy hình tượng trâu thành loài gia súc quan trọng, góp phần xây dựng căn bản cho nền văn minh nông nghiệp trồng cấy lúa mạ, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế và sự giàu có, trù phú ở nông thôn Việt Nam xưa đến nay.
Nhiều cư dân bản địa ở vùng Trường Sơn, Bắc Tây Nguyên từ xưa đã nhận con trâu làm vật tổ trong tín ngưỡng của mình. Nhiều nghi lễ, hội đình được tạo ra xoay quanh con vật này như: tục giết trâu tế thần có từ thời thượng cổ vẫn truyền lại tới ngày nay ở một vài nơi miền núi như Tây Nguyên đặc biệt là Gia lai và Kon Tum. Hay trên mặt trống đồng Bắc Lý ở Hiệp Hoà còn chạm khắc hình ảnh hội đâm trâu của người Việt cổ… Và đặc biệt nổi trội nhất là lễ hội chọi trâu hằng năm luôn thu hút bao nhiêu con dân ùa về:
”Dù ai buôn đâu bán đâu,
Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề,
Mồng mười tháng tám trở về chọi trâu.”
Ngày nay, ngoài những lợi ích về sức mạnh, trong y học, nhiều bộ phận của trâu còn có thể giúp bảo vệ và nâng cao sức khỏe con người. Thịt trâu có vị ngọt, tính hơi hàn không độc, có tác dụng bổ khí huyết, mạnh gân cốt và có thể chữa được các chứng phong thấp sưng tê, đau lưng, phù chân. Tuy nhiên do đặc tính giàu đạm, trong thịt trâu chứa nhiều chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe của người mắc bệnh mỡ máu, huyết áp cao, các bệnh về chuyển hóa, tiêu hóa… Trong các bộ phận của con trâu dùng làm thuốc thì sừng trâu hay còn gọi là “ngưu giác tai” là bộ phận quý nhất. Sừng trâu được xếp trong nhóm thuốc thanh nhiệt lương huyết, là một nguồn thuốc dồi dào để trị các bệnh sốt xuất huyết, các viêm não cấp trong mùa hè… Ngoài ra còn rất nhiều bộ phận khác được tận dụng dùng trong liệu pháp phủ tạng “hư đâu bổ đấy, ăn gì bổ nấy”. Bênh cạnh là vị thuốc, da trâu còn dùng làm ra cái trống trường quen thuộc gắn liền với thế hệ học trò. Xương và sừng dùng làm lược và các đồ chạm khảm tinh tế… Đến phân trâu còn là loại phân bón tốt cho cây trồng mà bao nhà nông vẫn ưa chuộng:
Trời mưa trời gió đùng đùng
Bố con ông Nùng đi gánh phân trâu
Gánh về trồng bí trồng bàu
Trồng ngô, trồng lúa, trồng rau, trồng cà.
Trong quan niệm tôn giáo, đối với đạo Phật, con trâu cũng là một trong những con thú được nhắc đến trong đạo súc sanh. Được biết đến trong tín ngưỡng Ngưu đầu, Mã diện là hai sinh vật thuộc hạ của Diêm Vương chuyên thực hiện việc hành hạ, tra tấn người ở địa ngục. Là loại động vật thiêng liêng bị cấm giết hại và ăn thịt đối với những người theo Phật giáo. Hình ảnh con trâu siêng năng, cần cù gắn liền với nền văn minh lúa nước Việt Nam và cả Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, chú trâu đã vượt ra khỏi lũy tre làng, tham gia vào các hoạt động văn hóa thể thao. Với hình ảnh “trâu vàng” trong SEA GAMES 22.
Không chỉ gắn bó với người nông dân, trâu còn góp phần tạo nên những kỉ niệm đẹp tuổi thơ ở khắp mọi vùng quê đất Việt. Trâu là người bạn thân thiết với trẻ em nông thôn một buổi đi học, một buổi đi chăn trâu. Nhà thơ Giang Nam trong bài “Quê hương” đã là người trong cuộc để nói với lũ trẻ chăn trâu: “Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường, Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ. Ai bảo chăn trâu là khổ, tôi mơ màng nghe chim hót trên cao.”
Trong lúc các chú trâu thong thả gặm cỏ hay đầm mình trong dòng mương mát rượi, thì lũ trẻ bày trò chơi trận giả. Cũng có lúc ta gặp cảnh thật yên bình, yên ả biết bao khi các cậu bé, cô bé chăn trâu nằm nghỉ ngơi trên lưng trâu ngắm cảnh diều sáo vi vu trên bầu trời. Hình ảnh tuyệt vời của trẻ thơ chăn trâu được các nghệ nhân đưa vào tranh Đông Hồ, sơn dầu và là đề tài thân thuộc cho mỗi bức tranh quê hương. Nhìn tranh, ta lại nhớ câu thơ của nhà vua Trần Nhân Tông trong “Thiên trường vãn vọng”. Và cũng có thể, trên cánh đồng lúa, ta còn bắt gặp những em bé nông thôn vừa chăn trâu, vừa học bài. Thời thơ ấu ở làng quê thật đẹp biết bao!
Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
Bóng chiều man mác có dường không.
Mục đồng sáo vẳng, trâu về hết,
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.
Nhưng đến ngày nay, công nghiệp hiện đại hóa tăng cao. Những đồng ruộng thu hẹp dần, máy móc hiện đại bắt đầu thay thế những chú trâu ra đồng. Thời gian trôi qua cuốn theo bao hình ảnh mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu, hát nghêu ngao những bài đồng dao đi theo dòng lịch sử chìm vào quá khứ. Dù vậy, hình ảnh làng quê, đồng ruộng với những con trâu thong dong gặm cỏ bên bờ vẫn thấm sâu vào tâm hồn người con dân đất Việt. Đất nông nghiệp của ta vốn phân tán, địa hình lại không bằng phẳng. Như ở miền Tây, đất đai cò bay thẳng cánh thì việc cày bừa bằng máy có vẻ dễ dàng nhưng ở miền Trung, miền Bắc thì khác, thửa đất 2000 – 3000 mét vuông rất hiếm cho máy móc dụng võ. Máy móc chắc chắn sẽ chẳng có hiệu quả cày kéo bằng con trâu nếu thửa ruộng chỉ có vài trăm mét vuông, hay những thửa ruộng trũng, luôn ngập nước. Máy móc cũng chẳng thể phát huy tác dụng bằng con trâu nếu đó là đất đồi địa hình không bằng phẳng.
Thế đấy, trâu luôn đồng hành và giúp đỡ chúng ta ở nhiều mặt trong cuộc sống. Trâu đã trở thành loài vật thân thuộc gần gũi, trở thành một hình ảnh đại diện không chính thức của Việt nam nhưng lại tự hào đi vào trong các tác phẩm văn học Việt với nhiều bài thơ, ca vè truyền từ bao đời thế hệ ngày trước đến hôm nay và mãi về sau.
Moon Vit Nguyet (4 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 9
động viên cho tác phẩm
Moon Vit Nguyet (4 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 9
mình cực yêu thích con trâu, thương nó lắm.
Giai Mộc (4 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 4866
à, cảm ơn bạn đã góp ý nè ^^ do mình không để ý
Giai Mộc (4 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 4866
cảm ơn bạn nè, mình sẽ xem và sửa lại.
Trà Sữa Trân Châu (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 1469
Bài ban viết con có một số loại sai chính tả.
Bạn xem lại nha ở phần đầu bài viết đấy