- Trung Thu Của Tôi
- Tác giả: Dưa Hấu
- Thể loại:
- Nguồn: vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.886 · Số từ: 2132
- Bình luận: 20 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 17 Mr. Robot Trăng Xanh Tiến Lực Thiên Phong Nhật Hạ Nhật Hạ Tee Diễm Quỳnh Ngạo Sư Phúc Lương Cô Hồn Co Le Hoàng Dương Hanabi Minh Hàn Nadeshiko Nguyễn Uyên
Đọc truyện: Trung Thu Của Tôi
Bút danh: Dưa Hấu
Thể loại: Truyện ngắn cuộc sống, gia đình
Tình trạng: Đã hoàn thành (Update 31/12/2016)
Trung Thu của tôi ngày trước khác xa so với Trung Thu bây giờ. Với tôi, mười lăm năm trước, Trung Thu là ngày mà trẻ con tụi tôi háo hức chờ đợi thứ hai sau ngày Tết, là ngày mà tôi có thể khóc thét lên và cáu bẳn với thời tiết khi trời vẫn mưa và chẳng có dấu hiệu chịu ngớt, là ngày chỉ với một quả bưởi và một nải chuối xanh, chui rúc trong tấm lều bạt thủng lỗ chỗ, siêu vẹo với ngọn đèn dầu lập lòe, chúng tôi cũng đã mãn nguyện và cho rằng đó là một Trung Thu tuyệt vời và hết sẩy!
Tuổi thơ tôi, mỗi câu chuyện đều là một điều tuyệt vời, điều tuyệt vời cho tâm hồn, cho ký ức của một cô bé nông thôn mà sau này khi đã lớn, cô gái ấy bắt đầu học tập và làm việc tại những thành phố xa lạ. Nhưng, nó cũng là sự tiếc nuối, một sự tiếc nuối dai dẳng và đem đến những cảm xúc khôn nguôi.
Trung Thu của ngày hôm nay, không giống Trung Thu của ngày xưa. Và tôi cũng thế, tôi của ngày hôm qua đã đi qua rất xa tôi của bây giờ. Đó là một lời trách móc. Tôi trách móc thời gian và trách móc những góc nghiêng của cuộc đời.
Tôi… không còn là trẻ con.
Tôi còn nhớ, ngày tôi bảy tuổi, đó là một ngày nắng gắt và không khí thoang thoảng mùi rơm nồng, làn gió nóng từ chiếc quạt đồng cũ kĩ phả ra đưa tôi vào giấc ngủ với cái bụng đói cồn cào. Mẹ tôi, trên chiếc xe đạp cà tàng đi bán cá rong tới quá nửa trưa mới về, đang múc nước từ giếng lên và dội ào ào. Tôi nằm im, mơ màng nghe thấy tiếng bà cùng tiếng con vàng kêu ríu rít ngoài sân, cả tiếng gót chân của chị nện thình thịch dưới nền đất, tai tôi nghe rõ từng nhịp một. Các ngón tay của tôi trở nên mệt lử và chẳng buồn nhúc nhích, tôi vẫn nằm im dưới nền nhà, cạnh mâm cơm đã lạnh ngắt. Mâm cơm chị tôi đã dọn ra từ lâu nhưng chúng tôi chưa ăn vì muốn đợi mẹ về. Tôi đói.
Cơn đói khiến tôi thành ra cáu gắt khi chị bắt đầu lay tôi dậy. Tôi kêu ré lên và giãy đành đạch. Tôi hờn dỗi mẹ khi bà về muộn, hờn dỗi cái thời tiết oi bức này và hờn dỗi mẹ nhiều hơn khi hôm nay là Trung Thu mà chúng tôi vẫn chẳng có gì. Nhưng rồi, tất cả sự hằn học đó biến mất ngay sau khi mí mắt tôi nâng lên và hình ảnh một chiếc đèn ông sao dần dần hiện ra. Tôi tỉnh ngủ, quên luôn cơn đói, quên luôn cả những câu mà chị tôi đang nói. Cầm lấy cây đèn được làm bằng giấy bóng kính xanh đỏ, tôi reo lên thích thú bằng cái giọng khàn khàn sau khi ngủ dậy:
– Cây đèn ông sao này là của em!
Sau khi nghe tôi đòi hỏi cây đèn cho riêng mình, không như mọi cuộc tranh giành vẫn thường xảy ra giữa chúng tôi, chị nhe răng ra cười, nói:
– Mẹ mua hai cái lận, tao xí cái đẹp hơn rồi!
Luôn luôn, tôi sẽ là đứa khóc toáng lên và đòi bằng được cái đẹp hơn, nhưng hôm nay thì khác. Đây là một cây đèn ông sao, dù xấu hay đẹp thì tôi cũng sẽ là đứa oách nhất đám rước đèn hôm nay vì bọn trẻ con trong ngõ tụi nó làm gì có đèn ông sao như tôi. Tôi cười khoái chí, cầm lấy cán đèn và vung vẩy nó trước mặt, liên tưởng đến những ánh mắt thèm thuồng của bọn trẻ trong xóm tối nay. Cây đèn đẹp quá, hẳn nó phải ngốn một khoản tiền không nhỏ của mẹ. Nghĩ vậy, tôi hỏi chị, chợt thấy băn khoăn:
– Mẹ mua hai cây đèn này hết bao nhiêu thế nhỉ?
– Bảy ngàn rưỡi một cây, hai cây hết mười lăm ngàn. Thấy mẹ bảo thế. – Chị tôi nói rồi mở vung, dùng đũa đánh cơm tơi, mùi cơm thơm phảng phất trong sống mũi. Có chút gì đó rất khó tả len lỏi trong tôi. Tôi bỏ cây đèn sang bên cạnh, mặt nhăn nhó:
– Mắc thế mà mẹ cũng mua. Phí cả tiền! – Tôi vừa nói vừa ngồi dậy, xoay người nhìn ra ngoài sân vàng nắng.
Mẹ tôi đang tháo dây buộc mấy thứ cồng kềnh ở sau xe, con vàng thừa lúc ấy sục mõm vào giỏ đồ để tìm cho mình thứ nó muốn. Sau khi dỡ hết đồ xuống, mẹ lại khệ nệ bê chúng vào bếp. Trời nắng quá, mắt mẹ tôi cứ nheo lại và đôi dép lê mẹ đi xem chừng đã mòn cả gót. Một cơn gió thổi qua, cây dừa trước nhà bắt đầu xào xạc và giàn sắn dây trên đống rơm khẽ rùng mình, một vài sắc tím rơi xuống sắc vàng, văng vẳng đâu đây tiếng gáy của một con gà trống choai choai. Lòng tôi thoáng buồn đến lạ.
– Mẹ mua cái này làm chi, đắt thấy nội! Sang năm mẹ đừng có mua mấy thứ như này nữa. Hôm bữa cũng vậy, miếng mực khô mẹ mang về ăn dai nhách, chả ngon tí nào! – Tôi nói dối, cái món mực khô mà hôm trước mẹ tôi mang về, đó là lần đầu tôi được ăn và cái vị của nó khiến tôi thèm thuồng hơn cả các thức kẹo.
Tôi không biết một ngày mẹ kiếm được bao nhiêu, chỉ biết mẹ hay sắm những thứ xem chừng có vẻ đắt đỏ về cho chúng tôi. Tôi tất nhiên lấy làm sung sướng và vui mừng lắm, nhưng cái cảm giác khó chịu và buồn bã cứ đeo bám lấy tôi đằng đẵng suốt cả một thời gian dài trong ký ức tuổi thơ, khi mà mẹ phải vất vả, cực nhọc nhiều như thế nào mới mua được cho chúng tôi những thức quà như thế.
Không như lũ trẻ ở thành phố, lũ trẻ ở nông thôn chúng tôi không có loa nhạc xập xình, không có lều bằng vải hoa, không đèn nhấp nháy xanh đỏ trắng vàng, và tất nhiên là chẳng có trò hát karaoke. Chúng tôi đơn giản chỉ là túm tụm lại ở bên hiên nhà, chờ đợi vầng trăng tròn trịa, e thẹn, ngại ngùng đi lên từ phía sau những rặng tre để giả vờ bình phẩm, ca thán về nó mặc dù từ trước đến nay chúng tôi nhìn thấy nó suốt. Nhưng hôm nay là Trung Thu mà, là ngày đặc biệt thì nó phải khác chứ!
Gió bỗng thổi mạnh, khóm tre nghiêng ngả và kẽo kẹt nghe như một cái kèn Trumpet hỏng. Kìa, vầng trăng vàng đã lên rồi! Chúng tôi bắt đầu giả bộ như những vị thi sĩ, tướng ngồi trịch thượng, cái chân trần này vắt lên cái chân trần kia, sau đó bỏ tọt một miếng kẹo dẻo vào miệng, nhấp một ngụm nước lọc mà chúng tôi định hình gọi nó là nước trà hoặc thứ rượu hảo hạng nào đó, nói những câu nghe oách kinh khủng mà chúng tôi học được trong những bộ kiếm hiệp chiếu trên tivi.
Tôi để ý từ đầu cho đến giờ, con Oanh cùng thằng Tiến cứ mải dòm ngó đến cái đèn ông sao của tôi và chị. Tôi lấy làm sung sướng, càng ra vẻ là người hào phóng, cố ý để cho chúng cầm lấy cây đèn của tôi trong vài phút. Tôi biết chúng nó chắc hẳn là ghen tị với tôi lắm đây! Còn về phần anh trai tôi, mẹ biết anh là người hay nghịch ngợm và phá hỏng mọi thứ, thế nên anh ấy tất nhiên cũng chẳng có cây đèn ông sao nào. Và để chứng minh cho sự phá hoại của mình, anh tôi đề ra một ý tưởng:
– Đèn ông sao gì mà chẳng thấy phát sáng. Hay mình thử đốt nến rồi để vào trong nhỉ?
Và đó cũng là thời khắc cây đèn ông sao của chị tôi được định đoạt. Năm phút sau cả lũ chúng tôi ngồi nhìn cây đèn của chị bốc cháy, còn chị tôi thì mếu máo chạy về nhà mách mẹ. Thế đấy!
Chúng tôi ngồi nhìn cây đèn cháy một lúc lâu, chỉ còn trơ lại cán, một đứa nào đó đề xuất chơi trốn tìm. Tôi thì không giỏi trò này lắm, bạn biết vì sao không? Đó là bởi vì:
– Thôi nghỉ, ngõ lắm phân chó lắm, chỗ nào cũng có phân chó hết!
– Hay chơi bịt mắt bắt dê? – Con Oanh đề nghị.
– Càng không được, dẫm phải phân chó như chơi. – Tôi phản đối lần thứ hai.
– Hay chơi ô ăn quan đi! Ra ngõ nhặt đá rồi một đứa kẻ ô đi!
– Lỡ tay nhặt phải phân chó thì sao? Thôi thôi, ngõ tối không có đèn rồi, để ban ngày rồi chơi.
Anh tôi cốc đầu tôi một cái rõ đau, móc một bộ bài trong túi ra. Cả lũ la ó ầm ầm rồi bắt đầu chia chỗ ngồi. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, có một lũ con nít đang túm tụm chơi tú lơ khơ và thi thoảng lại cười rộ lên, vang khắp cả xóm nghèo. Một mùa Trung Thu vui vẻ lại kết thúc.
***
Hôm nay, khi tôi tỉnh dậy, không có những con đường đất hoa cỏ mát lành, không có chân trần lấm lem đi qua nắng gió, không có tiếng cười giòn tan những buổi trưa hè khốn khó, không có giai điệu chán ngắt của một con chim nào đó mỗi buổi chiều. Tôi, với nỗi lòng đăm chiêu, suy nghĩ về những điều rêu xanh cũ kỹ. Những đứa trẻ, chúng không còn ở đây nữa. Chúng đã lớn và đi rồi. Tôi nhận ra, Trung Thu hay ngày Tết cũng chỉ như bao ngày bình thường khác. Ngày hội đẹp đẽ trong cuộc đời tôi, chính là những ngày được cùng lũ trẻ trong ngõ vui chơi, nô đùa. Còn đâu thóc vàng, còn đâu rơm rồng, còn đâu tiếng gà và tiếng nắng khô? Giờ đây, người cũ không còn, cảnh vật cũng khác lạ.
Trung Thu của ngày hôm nay, không giống Trung Thu của ngày xưa. Và tôi cũng thế, tôi của ngày hôm qua đã đi qua rất xa tôi của bây giờ. Đó là một lời trách móc. Tôi trách móc thời gian và trách móc những góc nghiêng của cuộc đời.
Tôi… không còn là trẻ con.
Hết.