- [Truyện dự thi] Một Lần Nổi Tiếng
- Tác giả: Trăng Xanh
- Thể loại:
- Nguồn: vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 7.046 · Số từ: 3531
- Bình luận: 40 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 16 Phan Hồng Tiểu Vũ Tee dangson Thế Kiệt Tiểu Long Thiên Phong Pho Bui Vũ Sỹ Long Hoa Hoa Tự Vũ Lam San Minh Hàn Xoài Xanh Ly Lưu Thái Yu Dạ Yết
Tên truyện: Một Lần Nổi Tiếng
Tác giả: Trăng Xanh
Thể loại: Truyện ngắn
*************************
“Chào chị Nguyệt, em gọi đến từ trung tâm X…”
Thỉnh thoảng, tôi vẫn thường nhận được những cuộc gọi tiếp thị như vậy. Việc để lộ thông tin cá nhân thật sự rất phiền phức, đặc biệt là số điện thoại liên lạc của bạn. Khi còn trẻ, ta ít khi ý thức được tầm quan trọng của thông tin cá nhân. Đến lúc ra trường, có việc làm ổn định hay thất nghiệp nằm nhà, đủ thứ cuộc gọi mời chào bất động sản, tiếp thị bảo hiểm hoặc mời gọi đầu tư cho những cuộc làm ăn “béo bở”, chúng ta mới thấy hối hận vì những lần để lộ những thông tin đời tư. Ai mà để ý mình đã rải bao nhiêu tờ đơn xin việc trên khắp các trang mạng việc làm? Ai mà quan tâm mình đã tự khai báo cho Facebook, Twitter, LinkedIn… tất tần tật về bản thân từ họ tên, số điện thoại, email, sở thích, năng khiếu, tâm trạng hằng ngày? Ai mà bận tâm khi vô tư giới thiệu bản thân những lời mời gởi chia sẻ đời tư, giao lưu kết bạn trên các diễn đàn ảo? Đến lúc gặp phải rắc rối vì hành động những việc tưởng chừng nhỏ bé ấy, ta chỉ còn biết hối hận không thôi.
Những năm đầu đại học tôi phớt lờ những cảnh báo về việc giữ an toàn thông tin cá nhân vì nghĩ rằng cá nhân mình chẳng có thông tin đáng giá. Mà hình như cũng chẳng có người nào nói tôi phải làm vậy. Bốn năm đại học đã trôi qua, không hẳn là vô ích với những kiến thức nặng tính lý thuyết như nhiều người vẫn tin rằng như thế. Ít ra, tôi học được một điều: bảo vệ sự riêng tư.
Hồi năm nhất, còn khù khờ và ham thích thử nghiệm, khám phá nhiều thứ, tôi đăng kí tham dự rất nhiều hội thảo do các câu lạc bộ của trường tổ chức. Đến giờ, chẳng có được mấy câu chữ của các diễn giả còn đọng lại được trong đầu tôi. Hầu hết các buổi hội thảo đều gắn cái mác miễn phí. Khi ấy tôi còn ngô nghê và thích thú với chữ “miễn phí” lắm. Giờ mới thấm thía điều đó một cách đau đớn. Lẽ ra phải có quy định hẳn hoi cho việc sử dụng từ “miễn phí” này. Nhiều người lầm tưởng “miễn phí” với “miễn tiền”. Theo định nghĩa được học, “tiền” là vật ngang giá chung có tính thanh khoản cao nhất dùng để trao đổi hàng hoá và dịch vụ. Còn “phí” ở đây có nghĩa rộng hơn, gồm tiền, hiện vật có giá hay những chi phí ẩn hình khác như thời gian, chi phí cơ hội… Hiểu đơn giản thì chi phí là cái giá mà bạn phải trả để đặt được điều gì đó. Ở các buổi hội thảo, bạn có thể tự do vào cửa, hay thậm chí còn được tặng thêm một chai nước ngọt của nhà tài trợ, với cái giá rẻ bèo: hãy điền vào mẫu khảo sát và gởi lại cho ban tổ chức để rút thăm trúng thưởng.
Cái thời còn chưa biết gì, tôi hào hứng điền một cách đầy đủ vào các phiếu khảo sát cho các công ty nước ngọt, thức ăn vặt, các trung tâm Anh ngữ, kỹ năng mềm, dạy làm giàu… Khi đó tôi nghĩ mình làm vậy để giúp các công ty đưa ra những sản phẩm tốt hơn cho người tiêu dùng. Quá ngây thơ! Điều mà ban tổ chức cần ở người tham gia chỉ đơn giản là tên, email, số điện thoại, năm sinh, chuyên ngành… Họ muốn tất tần tật những thứ có thể hỏi về thông tin cá nhân. Nhưng mấy ai cảnh giác để có ý thức bảo vệ điều đó! Những hội thảo miễn phí như thế thường dễ dàng dụ dỗ những con cừu sinh viên bị hoang tưởng sức mạnh, trở thành miếng mồi béo bở và có khi sa vào cái bẫy đa cấp của nhiều kẻ khoác trên mình bộ vest hào nhoáng.
Tôi thật may mắn khi chưa tiếp xúc với cái thế giới đa cấp mà thiên hạ đang khóc than hằng ngày trên báo chí. Chỉ thi thoảng, tôi mới gặp phải những cú tiếp thị qua điện thoại mà không hề biết vì sao người ta có được số của mình. Những lần bị làm phiền ấy vẫn còn nằm trong tầm chịu đựng nên tôi chưa đổi qua sim điện thoại mới. Cho đến khi, tôi nổi tiếng.
Hồi mười tám đôi mươi, tôi luôn tự hào mình là một công dân quan tâm đến các vấn đề xã hội. Không có gì ngạc nhiên khi tôi trở thành bạn hàng của bà bán báo ở ngã tư gần nơi trọ. Một lần tình cờ thấy được quảng cáo hấp dẫn của một nhà xuất bản có uy tín trên báo T., một tờ báo rất phổ biến với người Việt Nam, tôi bị thu hút bởi cuộc thi thử tài các mọt sách trên trang web mới của nhà xuất bản đó. Máu nóng của một con mọt ưa gặm sách trong tôi trỗi dậy mãnh liệt. Tạo một tài khoản trên trang web, tôi chơi say sưa với những kiến thức được hỏi dưới dạng trắc nghiệm. Toàn những câu hỏi dễ òm hoặc không khó để suy đoán ra đáp án bằng cách loại trừ hay Google trực tuyến, tôi dễ dàng giành được điểm số tối đa sau vài lần chơi đến chán chê. Không bận tâm nhiều lắm, tôi chỉ ghé qua như một vị khách qua đường ghé xin chén nước, quên hẳn mình vừa tham gia một cuộc thi. Cho đến vài ngày sau đó, tôi nhận được một cú điện thoại lạ hoắc:
– Chào em Nguyệt! Chúc mừng em đoạt giải nhất nhé! Thật là giỏi!
Tôi sửng sốt, ngạc nhiên, không thể tin, phải hỏi lại để rõ một hai:
– Chào chị! Cho em hỏi giải nhất gì ạ? Thật tình em không rõ lắm điều mà chị đang nói.
Bên kia đầu dây, giọng một người phụ nữ trung niên, cũng ngạc nhiên khi tôi hỏi, rồi cười nói:
– Chị đọc báo T. hôm nay thấy tên em đoạt giải nhất cuộc thi trên đó. Gọi điện đến để chúc mừng em và cũng muốn làm quen với một bạn trẻ tài giỏi. Hôm nào chúng ta gặp nhau uống cà phê em nhé. Chị đang làm ở công ty bảo hiểm P. chi nhánh quận C., khi rảnh em cứ ghé đấy bảo là tìm chị L. nói chuyện phiếm.
Nghe vậy, tôi sướng rơm người khi được khen và biết mình đoạt giải, tuy có hơi ngượng ngùng vì trò chơi quá dễ và có nhiều lỗ hổng để tôi đoạt giải. Cảm ơn lời chúc và hẹn nhau trao đổi thư từ qua email cho tiện việc. Có phải là trời đang ban may mắn không khi tôi đang đau đầu vì việc tìm kiếm nhà tài trợ cho chương trình lớn của nhà trường? Nghe công ty P. tôi nghĩ ngay đến chuyện móc nối xin tài trợ. Động cơ quen biết lúc này thật sự không được chân thành, quả thật tôi có chút ái náy. Chúng tôi thư từ qua lại. Cô ấy làm tôi thật hâm mộ khi kể về chuyến đi Sa Pa do công ty tổ chức, hoặc những mức tiền hoa hồng cao ngất mà từ việc bán bảo hiểm, hay chức vụ cao cấp ở chi nhánh với những lần chữa sai lầm cho đồng nghiệp khi lỡ kí hớ một hợp đồng mà chắc phải chi tiền bảo hiểm đền bù. Khi ấy tôi cũng mơ tới việc bớt chuyện học hành mà “dấn thân” vào đời tìm kiếm đồng tiền. Đến khi tôi ngỏ lời xin tài trợ cho một cuộc thi cho Đoàn trường, cô ấy từ chối. Chúng tôi cũng liên lạc ít dần rồi ngưng hẳn. Mấy tháng sau đó, chạy ngang trụ sở chi nhánh mà cô ta làm việc, bảng hiệu công ty P. không còn và căn nhà được treo bảng cho thuê văn phòng. Tôi chẳng biết nói nên lời gì cả. Có lẽ một “quý nhân” trong cuộc đời tôi đã biến mất.
Còn về chuyện mình đạt giải nhất gì đó, tôi cũng tò mò lục tìm báo cũ để xác định lại. Nhà xuất bản cho đăng danh tính ba người đoạt giải “Thử tài mọt sách” trên trang nhất phụ trương quảng cáo: tên họ, ngày tháng năm sinh, địa chỉ cư trú, email cá nhân, số điện thoại của người đoạt giải đều hiện lên đủ hết. Tôi cảm thấy có chút vui mà chưa ý thức rằng mình cũng đang rất bực. Khi thông tin cá nhân tôi được công khai trên mặt báo, cả ngày hôm đó tôi tiếp nhiều cuộc gọi, tin nhắn từ số lạ khắp mọi miền. Họ nhắn gửi đến để chúc mừng, có người muốn làm quen. Ban đầu những cuộc gọi đến chúc mừng đều rất tuyệt và tôi thật sự rất vui, quen biết được nhiều người mà họ lại khen lấy khen để thì không có lý gì mà tôi không vui cho được. Thế nhưng, hằng ngày có khoảng hơn chục cuộc gọi, tin nhắn gởi đến di động của tôi và kéo dài hơn một tháng. Cũng có người lịch sự nhã nhặn, nói năng ngọt ngào nhưng tất nhiên không thiếu những tin nhắn gạ gẫm. Có kẻ còn trực tiếp hơn, hẹn cả địa chỉ khách sạn, số phòng. Càng ngày tôi càng thấy mệt mỏi. Cuộc sống bắt đầu phiền phức lên.
Tôi nổi tiếng rồi. Hòm thư điện tử, Yahoo chat đầy những người bạn xa lạ. Tôi được những chàng trai mới làm quen định vị sẵn là một cô nàng uyên bác. Con nhóc mới mười tám tuổi bỗng chốc được thần thánh hoá và trở thành chuyên gia tư vấn tâm lý bất đắc dĩ. Chẳng ai trả lương cho thời gian tôi bỏ ra cho chuyện trò thay vì học tập, tự chịu phí tin nhắn khi hồi âm qua lại. Tôi được tung hô, được khen ngợi, được nhiều chàng trai ngỏ lời theo đuổi và có vài ba cuộc hẹn chẳng mấy thú vị cho lắm. Những lời khen có cánh làm tôi ngủ quên trên vinh quang chớp nhoáng mà không hề biết cảnh giác trước lưỡi dao bén ẩn sâu trong đó.
Nhưng rồi, được vài tuần tôi chẳng còn đủ sức lực và bình tĩnh để tiếp chuyện điện thoại hay trả lời bất cứ tin nhắn nào. Chỉ là một chuyên gia tâm lý rởm, tôi ngó lơ tất cả. Nhiều người không hài lòng, trách tôi kiêu kỳ, chảnh và ra vẻ dạy khôn. Những tưởng bấy nhiêu đã đủ phiền phức, một hôm mệt mỏi về đến nơi trọ, bác bảo vệ lại đưa một lá thư mà đọc xong tôi chỉ thấy lạnh người cùng sợ hãi. Đó là một bức thư viết đầy hai mặt giấy tập ô ly khổ A5 bởi những con chữ hơi to và nghiêng về phải, được gởi từ trại giam.
“Trại giam B.P, ngày… tháng… năm 20xx,
Chào Nguyệt,
Tôi tên là H.
Tôi đọc được tin em trên báo và cảm thấy vô cùng xúc động.
Em là thần tượng của tôi.
Lá thư này được tôi viết từ trại giam B.P., nơi tôi đang thụ án tám tháng tù giam vì tội trộm cắp tài sản.
Còn hơn ba tháng nữa được mãn hạn tù, được sự khuyến khích và cảm hoá của cán bộ trong trại giam, tôi rất ăn năn vì những gì sai trái mình đã làm.
Tôi muốn nhờ em định hướng giúp mình làm lại cuộc đời.
Sau khi ra tù tôi cần làm gì để trở thành một người có ít cho xã hội? Tôi nên đọc những quyển sách nào để trở nên tốt hơn?
Tôi cần em làm người hướng dẫn hoà nhập lại với xã hội. Mong em giúp tôi!
Kí tên
H.”
Đọc xong là thư tôi chỉ biết sợ hãi. Mô Phật! Amen! Tôi chỉ là một con nhóc vừa qua mười tám, vào đại học không bao lâu và chưa từng nếm trải cay đắng cuộc đời. Tôi biết gì để mà khuyên anh, hướng dẫn anh làm lại cuộc đời. Hơn nữa, tôi còn quá trẻ để biết thế nào là khoan dung và không kì thị lỗi lầm của người khác. Chẳng biết nói gì, tôi chỉ đành lặng im dù trong lòng cũng ray rứt lắm.
Những tưởng mọi việc chỉ là cơn ác mộng thoáng qua, sự nổi tiếng qua báo chí cũng giảm xuống và tôi ít bị các cuộc gọi đến làm phiền hơn trước. Tối nọ, di động của tôi nhận được vài cuộc gọi nhỡ từ một số điện thoại bàn. Vì số lạ nên tôi không bắt máy ngay, cho đến khi nhận lượt gọi thứ ba, tôi đành nhận. Biết đâu có việc quan trọng nào đấy. Bên kia đầu dây, tiếng một thanh niên cất lên:
– Chào em! Anh là H. đang gọi đến từ trại giam B.P. Anh có gởi cho em một lá thư, không biết em có nhận được chưa?
Tim tôi giật thót. Hoàn hồn, tôi đành nửa thực nửa giả mà nói:
– Chào anh! Em đã nhận được rồi và đang suy nghĩ để hồi âm.
Từ điện thoại, tôi nghe có tiếng vui mừng đáp lại:
– Thế thì tốt quá! Anh hi vọng em sẽ cho anh những lời khuyên để làm lại cuộc đời. Anh chỉ được gọi điện trong thời gian giới hạn thôi. Sau khi ra tù em muốn được gặp em lắm.
Nghe vậy tôi càng sợ, nhưng không dám từ chối:
– Em cũng mong là vậy. Giờ em đang ở lớp học thêm không tiện nói chuyện, khi khác ta lại nói chuyện nhé.
– Được rồi! Hẹn gặp em khi khác anh gọi lại!
Tôi nói dối, trốn tránh, và hèn. Lẽ ra khi ấy tôi nên hỏi thăm cuộc sống của anh trong tù, tìm hiểu về anh nhiều hơn, hoặc ít ra là an ủi đôi chút. Anh cần tôi cho lời khuyên, tôi cũng cần một người cho tôi lời khuyên vào lúc ấy. Nhưng cả hai chúng ta đều tội nghiệp như nhau, chẳng có ai có thể giúp được chúng ta cả!
Một tuần sau anh lại gọi điện và tôi vẫn chỉ đáp qua loa và tìm cớ gác máy. Tôi còn dối rằng đã gởi thư, anh bảo chưa nhận được. Anh nói mình có viết lá thư thứ hai gởi cho tôi, tôi đáp mình chưa thấy ai gởi đến. Thật tình là tôi không nhận được lá thư thứ hai. Nhưng điều đó không quan trọng vì tôi đang ước ao hệ thống chuyển thư của bưu điện đang phạm sai lầm và những lá thư sẽ không bao giờ tới nơi chúng cần phải tới.
Chúng tôi có thêm vài cuộc trò chuyện ngắn ngủi mà phần lớn tôi giả vờ nghe những lời tâm sự của anh. Tôi không còn nhớ rõ anh nói gì. Những phút ngắn ngủi để gọi về cho người thân anh lại dành cho tôi, nhưng tiếc rằng điều đó thật lãng phí và tôi không xứng đáng. Có lần một người thân anh nhắn tin muốn tặng tiền điện thoại để tôi gọi cho anh nhưng cũng bị tôi từ chối. Quả thật tôi sợ anh lắm, một con nhóc mới vào đời chỉ biết kì thị và sợ hãi người tù.
Sợ hãi, lẩn tránh, nói dối, không biết ai đã dạy những thói xấu ấy mà tôi đã vận dụng hết kĩ năng của mình để né anh. Đến cuối cùng, tôi cũng đành chia tay với số điện thoại bị công khai trên báo. Đoạn tuyệt hết thảy liên lạc, hằng ngày tôi nơm nớp lo sợ vì cái địa chỉ nhà vẫn còn ở đó, chỉ mong cho bác bảo vệ khó tính và không chỉ số phòng mà tôi đang ở trọ.
Theo thời gian, tôi cũng dần buông lỏng cảnh giác và rồi quên mất những chuyện ấy sau đầu. Không biết anh ấy đang sống ra sao? Đường hoàn lương của anh có thuận lợi hay không? Anh có tìm được cho mình một người hướng dẫn xứng đáng hay không? Anh, có đang sống hạnh phúc? Xin lỗi anh vì tôi quá hèn nhát!
Tôi không biết chuyện gì xảy ra với anh sau đó. Con nhóc ngây ngô ngày nào cũng đã trưởng thành. Nó không ngừng suy xét lại những điều đã làm ở quá khứ để tự kiểm điểm. Thật không dễ chịu khi thẳng thắn với bản thân mà thừa nhận sai lầm. Nếu được làm lại, tôi muốn mình quan tâm anh nhiều hơn, chia sẻ và đồng cảm với anh nhiều hơn. Tôi sẽ không kì thị chỉ vì anh là một người tù mà mình chưa từng tiếp xúc hay gặp gỡ trực tiếp.
Một lần nổi tiếng khiến tôi sợ hãi nhiều thứ và càng lặn sâu hơn vào thế giới nội tâm của mình. Sâu đến nổi hơn bốn năm trời tôi mới lấy hết dũng cảm mà nhìn lại. Giá mà ở cái tuổi mười tám đôi mươi tôi thật sự trưởng thành ở tâm hồn chứ không phải ở số tuổi của thể xác. Giá mà khi đó tôi gặp được “người hướng dẫn” của đời mình.
Dẫu sao thì, con nhóc cũng đã mua được một bài học đắt giá.
Cho tôi gởi lời chào đến nhóc con tuổi mười tám, hãy ngủ ngoan em nhé!
08/09/2016
TX.
Mr. Robot (8 năm trước.)
Level: 10
Số Xu: 8192
Thay mặt BTC Cuộc thi viết Quý III năm 2016, xin gởi tặng tác giả 100 xu cho truyện dự thi.
Cảm ơn tác giả đã tham gia cuộc thi. Mong rằng trong những cuộc thi viết sắp tới tác giả cũng sẽ đăng kí tham gia cùng BTC.
Mr. Robot
Trăng Xanh (8 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 5964
Bữa thấy phần đăng kí thông tin cá nhân để tham gia cuộc thi. Bức xúc viết bài này :v Thật ra thì nó là truyện ... có thật...
HaukiNo (8 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1264
Tại em thích bài này, hụ hụ. =))) Cho xuyên lục địa luôn.
Trăng Xanh (8 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 5964
Sao lại cmt vào bài này. Nữa có tặng xu cmt vào bài khác cho nó lên top với :v Bài này nó lù lù ở trang chủ quài. Trong khi mấy bài tâm huyết kia nó nằm xó xỉnh nào ấy.
HaukiNo (8 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1264
HaukiNo (8 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1264
HaukiNo (8 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1264
HaukiNo (8 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1264
Ôi chắc là câu đó rồi. TT_____TT Thất vọng về bản thân quá. Ahuhu.
Trăng Xanh (8 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 5964
Chắc câu này gây nhầm lẫn, để sửa lại. Nói thiệt đọc lại nhiều lần lắm mà ứ tìm thấy lỗi! Hu hu! Cám ơn iêm nhiều nhe! :((
HaukiNo (8 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1264
À à à, ý em là nếu người tinh ý sẽ đoán ngay là nhân vật H. gọi đến số điện thoại bàn của phòng trọ mà nhân vật chính lại nói là đang ở lớp học thêm í (vì nếu trường hợp ở lớp học thêm thì phải gọi bằng di động). Nghe là biết ngay nói dối. =)))) Thoai xem như đang học gia sư cũng được. TTvTT =)))