- Tuổi thơ và những chuyện lặt vặt
- Tác giả: Ngọc Ánh
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Chưa hoàn thành
- Lượt xem: 1.785 · Số từ: 2320
- Bình luận: 15 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 9 Eugene Cipher Ngọc Ánh DT Minh Nhật Mai Ngọc Thoa Nguyễn Kim Thoa Lê Ngọc Hoa Layla TR Â N Thắm Thắm
Sau khi nghe được những lời tâm sự của một thính giả trẻ tuổi trong chương trình mà tôi dẫn lúc mười bảy giờ. Qua Đài phát thanh, tôi an ủi:
“Chúng ta giống như loài sâu bướm khi chui ra khỏi được cái kén chật hẹp của mình, sẽ trưởng thành với một diện mạo xinh đẹp hơn. Hãy tin rằng mọi nỗ lực của bạn đều được đền đáp. Tôi là Thỏ Bắc Cực. Chương trình hôm nay dừng lại ở đây. Tôi hi vọng mọi người về nhà thật an toàn. Hẹn gặp lại các bạn vào ngày mai.”
Khi tôi bước ra khỏi Đài chuẩn bị về thì ngoài trời mưa phùn lành lạnh. Nhìn ra đường dòng người đông như mắc cửi. Tôi lại nhớ đến quê nhà.
Nơi tôi sinh ra ở một vùng thôn quê hẻo lánh. Phía trước nhà là đồng lúa hoa màu rộng mênh mông, phía sau tựa lưng vào núi. Căn nhà gia đình tôi ở là một căn nhà cấp bốn với mái ngói nung cũ kỹ đã ngả sang màu ố đen. Tiết đông vốn đã buồn, kèm theo mưa không ngớt. Ngôi nhà nho nhỏ nằm giữa khu vườn trơ trụi toàn lá khô càng trở lên cô đơn. Hồi nhỏ, vào những ngày âm u gió bão, tôi thường nghe tiếng mưa đập xuống từng viên ngói. Tôi lại chạy ra thềm đưa tay lên hứng lấy. Càng đưa tay lên cao, những hạt nước lại dốc ngược vào trong ống tay áo ướt nhẹp. Không khí ẩm quện lẫn mùi mưa xộc vào mũi tôi, luồn xuống phế quản. Bố mẹ tôi nấu ăn ở dưới bếp, quát vọng lên:
– Đi vào nhà ngay.
Chái bếp là nơi để chứa những bồ thóc cao gần chạm nóc nhà, cũng là nơi chồng chất củi lớn củi bé đun trong những ngày mưa gió. Xế chiều, ngoài trời đã mờ mờ tối, làn khói trắng từ bếp bốc lên nghi ngút bay là là ra khắp vườn. Tôi chẳng những không thấy mùi khói hôi hắng mà chỉ thấy được mùi bình yên khó tả. Nhà hàng xóm chắc cũng đang nổi lửa để nấu cơm. Băng qua lối nhỏ ở hàng rào xương rồng, chú Tiến đội miếng vải mưa, tay cầm chiếc bát sang nhà tôi, chú nói với bố:
– Bác cho em xin ít mỡ với. Sáng nay vợ em đi chợ mà nó lại quên mua.
Ở quê ngày ấy cứ thiếu gì là mang bát đi xin, hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau.
Không khí ở quê tôi vô cùng trong lành, con người ở đây cũng chất phác thật thà. Gia đình tôi làm nông nghiệp, bố mẹ quanh năm đều bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Làm lụng vất vả suốt bốn mùa cũng chỉ đủ ăn chứ không bao giờ dư dả. Thuở tôi bé tí, bố tôi phải đi làm gỗ xa nhà, cả tháng mới về được một vài lần. Thời gian đó một tay mẹ tôi lo toan công việc gia đình, một tay chăm sóc cho tôi. Chừng tôi được ba, bốn tuổi thì đã theo mẹ ra chợ. Mỗi khi tiếng gà gáy o o, ngoài trời còn chưa sáng mẹ tôi đã thức dậy tất bật chuẩn bị đi chợ bán hàng. Mẹ tôi bán gà con, bán ngô, khoai, sắn. Mẹ đặt tôi một bên thúng còn bên kia đặt hàng. Đôi quang gánh kẽo cà kẽo kẹt đi bộ tám kilomet mới ra đến chợ Huyện. Tiếng nói cười rôm rả của từng tốp phụ nữ cũng đi chợ từ tờ mờ sáng, phần nào xua đi sự ảm đạm của vùng quê này. Bán hàng về chưa kịp nghỉ ngơi, mẹ lại lanh lẹ gửi tôi cho bà nội rồi ra đồng làm việc. Thời ấy ở làng tôi, gia đình nào cũng làm nông nghiệp. Trên cánh đồng luôn có những bóng lưng nhấp nhô từ sáng sớm đến lúc mặt trời xuống núi. Tôi chỉ được đi theo, khi mẹ làm việc trên ruộng khoai sọ, cây cao quá đầu che đi cái nắng nóng.
Cả thôn có vài chục hộ gia đình nhưng chỉ một, hai nhà có ti vi. Buổi tối, sau khi công việc nhà đã được thu xếp ổn thỏa mẹ lại cõng tôi sang hàng xóm xem phim. Chiếc ti vi đen trắng bé xíu, thỉnh thoảng bị ruồi chủ nhà vừa chỉnh ăng ten vừa đập đồm độp vào vỏ của nó để lấy nét. Ấy thế mà tối nào cũng đông khách, đi muộn không còn chỗ ngồi. Hết phim ra về, cũng là lúc tôi đã ngủ ngặt nghẽo trên lưng mẹ. Mẹ tôi năm đó còn rất trẻ, chỉ mới hai mươi mấy tuổi. Mẹ làm tất cả những công việc nặng nhọc để vun vén cho gia đình tốt đẹp hơn mỗi ngày. So với mẹ ngày ấy, tôi bây giờ chỉ có thể hết lòng nể phục.
Năm tôi đến tuổi đi học mẫu giáo, người dẫn tôi đến trường không phải là mẹ mà là dì của tôi. Bị dì bỏ lại, tôi khóc như mưa. Lớp mầm non tôi học không rộng, không đẹp cũng chẳng có nhiều đồ chơi. Chỉ có một con ngựa gỗ màu vàng, thấy tôi khóc mãi không chịu nín. Cô giáo dỗ dành tôi.
– Trúc Anh lại đây cô cho cưỡi con ngựa gỗ này. Vui lắm.
– Con ngựa này của ai thế ạ?
– Của Trúc Anh đó.
Tôi ngừng khóc và cả ngày hôm đó tôi không nhường con ngựa gỗ cho ai. Năm tôi lên sáu tuổi thì mẹ sinh em bé. Lúc mẹ tôi sinh em thì bố tôi cũng về làm ở nhà để chăm sóc cho mẹ con tôi nhiều hơn. Thỉnh thoảng tôi cũng phải trông em và ra đồng chăn trâu cho bố. Một lần nọ, bố tôi đưa dây thừng cho tôi bảo:
– Con dắt trâu ăn ba bờ cỏ nữa thì cho trâu về nhé. Bố về trồng mướp với mẹ.
Tôi vâng dạ, đợi bố tôi đi xa. Tôi liền leo qua sừng rồi ngồi lên lưng trâu, hóng gió phả nhẹ vào mặt. Mùi rơm rạ từ đồng ruộng vẫn còn thơm thoang thoảng. Vừa ngồi lên được vài phút chưa kịp tưởng tượng mình oai vệ như nhân vật trong phim thì nó đã tế qua mấy ruộng lúa người ta mới gặt làm tôi ngã lộn nhào, bẩn hết quần áo. Tôi nổi giận, hùng hổ dắt nó về. Bố tôi ngạc nhiên:
– Sao con đã cho trâu về rồi?
Tôi vẫn còn tức, mặt đỏ phừng phừng:
– Con cưỡi có một tí mà nó tế làm con ngã bẩn hết quần áo. Trâu nhà cái Yến, suốt ngày bị cưỡi mà có tế đâu.
Bố tôi giải thích:
– Trâu nhà mình từ bé đã không ai cưỡi, tự nhiên con leo lên ngồi nó sẽ sợ. Phải có một người dắt thì con mới được cưỡi.
Những năm cấp một, tôi học ở trường làng. Từ nhà tôi đến trường muốn nhanh hơn thì phải đi tắt một đoạn qua cánh đồng. Trường học nằm cách nhà chắc độ hai đến ba cây số. Con đường dẫn tới trường bằng đất đỏ, hai bên không có lấy một cây cao bóng mát. Vào mùa hè, gió cuộn bụi bay lên quá đầu, chúng tôi thời ấy chẳng biết khẩu trang là gì, đầu cũng chẳng đội nón. Mùa mưa, con đường đất sét đỏ dính như keo, trơn trượt nhưng để tới trường chúng tôi phải xắn quần lên mà lội nước lõm bõm. Sau mỗi lần như thế, tôi lại bị ghẻ nước ăn chân. Tôi than thở với bố:
– Đường bẩn lắm bố ạ, con chẳng muốn đi học đâu.
Bố lại cầm ô cõng tôi tới trường, những năm đó nhà tôi còn chưa có xe đạp. Trên đường đi tôi tò mò hỏi:
– Bố ơi, ghẻ nước không ăn chân bố à?
Bố tôi ân cần trả lời:
– Da chân bố dày. Ghẻ nước ăn thua gì.
Mấy ngày sau, tôi nhìn thấy bố lấy lá ổi non để xát vào kẽ chân.
Ngôi trường tôi học đã quá cũ, cổng trường bị hư hỏng đổ nát chỉ còn một chiếc cột trơ trọi phủ lên bằng lớp rêu phong đen xì như minh chứng cho tuổi đời già nua của nó. Sân trường toàn cỏ mỡ và cỏ may. Vào năm học mới, cô giáo dặn dò chúng tôi mang theo liềm để cắt cỏ trên sân. Nếu không dọn sạch, hoa cỏ may sẽ bám đầy lên ống quần. Trên sân trường cấp một còn có hai cây bàng to xòa bóng mát. Khoảng sân tuy không quá rộng nhưng cũng đủ để chúng tôi nô đùa sau mỗi tiết học. Những âm thanh năm ấy vẫn còn vang vọng:
“Thả đỉa ba ba chớ bắt đàn bà, phải tội đàn ông. Cơm trắng như bông, gạo tiền như nước. Đổ mắm đổ muối, đỏ chuối hạt tiêu…”
Ngôi trường vỏn vẹn có ba phòng dành cho học sinh của năm khối. Lớp học không có bóng điện, chỉ có ba chiếc cửa sổ lúc nào cũng mở để đón ánh sáng từ bên ngoài. Những thanh gỗ trên trần nhà đã nứt nẻ, bàn ghế sau mỗi năm học lại bị lũ mối mọt đục nhiều hơn, những nét mực trên bàn càng chằng chịt. Có một kỷ niệm mà tôi vẫn còn nhớ như in, một hôm chúng tôi đang chăm chú nghe cô giảng bài, thì mây đen kéo đến mang đi hết ánh sáng của ban ngày. Cơn mưa đổ xuống xối xả, sấm đánh ầm ầm như hồi trống ba quân, tia sét sáng rực xẻ đôi bầu trời. Những hạt mưa thấm dần qua lớp ngói cũ rồi nhỏ giọt xuống. Cô giáo ôm chúng tôi núp dưới bàn học gỗ. Chúng tôi hệt như lũ gà con được mẹ che chở. Giọng cô lạc trong tiếng mưa:
– Các em đừng sợ. Ngồi sát lại gần cô.
Cơn bão đi qua, cô giáo nói với chúng tôi: “Khi các em có bạn bè để cùng nhau trải qua khoảnh khắc của cơn bão thì các em sẽ không bao giờ cảm thấy sợ hãi và cô đơn”
Thuở ấy, lớp chúng tôi rất thích chơi trò công chúa, hoàng tử và thích khách. Tôi thường đảm nhận vai thị vệ, Huyền công chúa ra lệnh:
– Nào đi hái hoa đi, hoàng tử sắp đến rồi đó.
Tôi đóng góp:
– Tất cả người hầu đều đi hái hoa thì công chúa sẽ bị thích khách bắt, hay là công chúa đi hái hoa cùng đi.
Cái Quyên, vai người nô tỳ thân cận nói thêm:
– Đúng đấy. Hoàng tử muốn cưới công chúa thì phải chờ đợi.
Dần dà, đi học đã trở thành niềm vui đối với tôi. Bọn trẻ con chúng tôi sau giờ học ở lớp, thường xuyên kéo nhau về nhà cái Quyên ăn cơm rồi chơi đến tối mới chịu về. Bố mẹ thì quá bận để quản lý chặt giờ giấc của tôi. Vào hôm sinh nhật Quyên, mải chơi lúc ra về thì ngoài trời đã tối mịt. Anh trai cái Quyên phải dẫn tôi với chị họ tôi về. Anh Quang cầm đèn pin đi trước, tôi và chị Nhung thì bám sát theo sau vừa đi vừa liếc xung quanh. Mấy bụi cây ven đường thỉnh thoảng lại phát ra tiếng sột soạt, thân cây tre cọ vào nhau kèn kẹt như có ma. Con đường mòn ngoằn ngèo đầy sỏi đá, từ trên cao mặt trăng tỏa xuống một luồng ánh sáng thanh khiết. Những con đom đóm cũng không chịu lép vế, chúng phát ra ánh sáng yếu ớt nhưng vô cùng đẹp mắt.
Tuổi thơ tôi cứ thế trôi đi với những kỉ niệm tinh nghịch. Năm tháng đó, chúng tôi đã học tập ở một nơi không đủ ánh sáng nhưng sau này tất cả chúng tôi đều tự tỏa sáng theo cách của riêng mình.
Ngọc Ánh DT (3 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 319
cảm ơn mn ạ.
Ngọc Ánh DT (3 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 319
cảm ơn mn ạ
Xanh Trúc (3 năm trước.)
Level: 1
Số Xu: 8
Bạn viết chắc tay lắm, đọc văn bạn cảm giác rất giản dị, mộc mạc, gần gũi. Yêu ạ
Thoa Nguyễn Kim Thoa (3 năm trước.)
Level: 1
Số Xu: 12
phải chăng chúng ta đã lớn nhanh quá ^^
Ngọc Ánh DT (3 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 319
Mai Ngọc (3 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 1465
kỉ niệm ùa về
Minh Nhật (3 năm trước.)
Level: 1
Số Xu:
Ngọc Ánh DT (3 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 319
Cảm ơn cậu ^^ Đúng vậy, càng lớn càng cô đơn và ít cảm thấy hạnh phúc hơn.
Thắm Thắm (3 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 1747
Thích nhất câu " Khi các em có bạn bè để cùng nhau trải qua khoảnh khắc của cơn bão thì các em sẽ không bao giờ cảm thấy sợ hãi và cô đơn". Câu này cô giáo vừa đang nói về khoảnh khắc cùng trải qua cơn bão của Trúc Anh với các bạn trong lớp, vừa dạy mọi người rằng nếu khó khăn mà có bạn bè bên cạnh thì chẳng lo âu, sợ hãi nữa. Thật sự rất thích câu này!
Vẫn là trân trọng những kỉ niệm ngày xưa thật sự, ngày nay cuộc sống bon chen qua, bạn bè cũng khó gặp được nhau.
Ngọc Ánh DT (3 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 319
“Ta chỉ có một lần được sống như một đứa trẻ, nhưng nếu bạn mang theo tuổi thơ bên mình, bạn sẽ chẳng bao giờ già đi!”