- Vài dòng thở than, cho đời thanh thản
- Tác giả: Bóng Ma Độc Hành
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 839 · Số từ: 2758
- Bình luận: 4 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 6 Thang Tran Hải Kiều Minh Phùng Tư Hạ Lý Hồng Tiểu Ngọc Ngọc Tử Nguyệt Rika
Đây là lần đầu tiên tôi viết nhật kí online, có lẽ cũng sẽ là lần cuối cùng.
Thật lòng mà nói, từ trước đến nay tôi không quen với việc viết nhật kí, ngay cả là trên giấy viết. Tôi không hiểu được viết nhật kí là viết cái gì, công việc hàng ngày sao? Một ngày có bao nhiêu công việc đâu, cuộc sống cứ lặp đi lặp lại, giống như mỗi ngày đều như mỗi ngày trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Viết về suy nghĩ hàng ngày sao? Một ngày con người nghĩ nhiều lắm, nhiều đến mức không thể nhớ nổi, làm sao mà viết đây.
Tôi càng không hiểu nên viết gì, lại càng không cầm bút viết được. Tôi nhận ra mình không phù hợp với việc này, nên thôi không làm nữa.
Nhưng là, đời lắm chữ ngờ, tôi nghĩ đến lúc tôi cần viết, ít nhất một lần.
Tôi sinh ra trong gia đình đủ ăn đủ mặc, nhà có ba chị em gái và tôi là con giữa. Đối với hoàn cảnh gia đình mình, tôi cũng không có phàn nàn, bởi vì so với một bộ phận người trên thế giới, tôi xem như hạnh phúc khi có đầy đủ cha mẹ.
Cha mẹ tôi làm mướn, từ khi tôi còn nhỏ đã rất ít khi thấy cha mẹ ở nhà. Mỗi ngày họ dậy rất sớm, đến tối muộn mới về. Một ngày chị em chúng tôi chỉ gặp mặt nói chuyện với họ chưa đầy một tiếng. Chị em chúng tôi cứ thế quanh quẩn bên nhau, học cách chăm sóc mình từ khi còn nhỏ.
Nhưng vì thiếu cha mẹ bên cạnh, nên đối với chúng tôi, được một lần cha mẹ cho quà đều rất vui.
Nhưng có lẽ mọi người biết, cha mẹ dù yêu thương con thế nào, đối với những đứa con, tình yêu thương đó không đồng, thậm chí là thiên vị.
Đúng, tôi nhìn thấy cha mẹ mình thiên vị em gái. Đặc biệt là sau khi em tôi không may té ngã từ trên nhà cao hai mét xuống đất. Nó năm đó một tuổi, cha mẹ đi đồng không có nhà. Bên cạnh chúng tôi chỉ có bà ngoại.
Nhưng là, bà ngoại lại chỉ thương cháu trai, đối với cháu gái chán ghét vô cùng. Em tôi ngã, bà ngay cả hỏi cũng không, chỉ đem quần áo vừa giặt đi phơi.
Chị tôi lúc đó mười tuổi, từ trên nhà nhảy xuống bế em từ đống gỗ lên. Tôi khi ấy sáu tuổi, chạy đi ra đồng gọi mẹ về.
Em tôi gần như chết khi ấy, nhưng may mắn cứu lại được cái mạng, chỉ là khi đó cha mẹ giành quá nhiều sự quan tâm cho em, khiến tôi ghen tỵ lắm.
Nhưng có lẽ do tôi là người ngồi đợi em chào đời cùng với cha, cho nên tôi chưa từng nghĩ đến việc không có nó. Đối với tôi, đợi đến khi nó khỏe lại, chắc hẳn mẹ sẽ không thiên vị em.
Sau đó không lâu, tôi đi học mầm non. Đây là khoảng thời gian tôi nhớ nhất trong đời mình, khoảng thời gian tôi biết cha mẹ thương mình thế nào.
Lớp tôi học có rất nhiều học sinh là con của nhà khá giả, thậm chí giàu có trong khu vực tôi. Cô giáo lúc đó thiên vị ra mặt.
Cùng chơi trò chơi, nhưng chỉ cần những cô chiêu cậu ấm này muốn, những đứa con nhà không có điều kiện như tôi đều phải nhường. Màu tô, đất nặn cũng vậy, cái gì nguyên thì của họ, cái gì hỏng thì đến tay những học sinh không có điều kiện.
Tôi ở lớp bị bắt nạt, cô giáo chỉ bảo họ không làm vậy nữa liền thôi, có lần mắt tôi bị đánh sưng, cha mẹ dẫn tôi ra, cô giao lại nói là do tôi tự chơi té ngã. Cha mẹ không tin, làm lớn, bọn người kia sợ nên nhận, nhưng cô giáo ngay cả phụ huynh của họ cũng không mời, đến hiện tại ngay cả một lời xin lỗi tôi cũng chưa được nhận.
Gần cuối năm, học viên mầm non khi ấy có hai quyển sách là bé tập tô màu và bé tập tô chữ. Hai quyển này sẽ được phát về nhà, nhưng tôi không được phát. Tôi nói với cô ngay tại thời điểm đó, cô nói sẽ tìm lại, kết quả hôm sau khi tôi hỏi, cô bảo là cô phát cho tôi rồi, không giữ cẩn thận làm mất còn đi đòi.
Tôi uất lắm, đi lục ở mấy góc tủ muốn tìm lại, nhưng kết quả không gặp. Vài hôm sau, bọn người bắt nạt tôi kia ngang nhiên đem quyển sách có tên tôi vào lớp vừa vẽ vừa xé, tôi lại nói với cô, cô nói đó không phải của tôi.
Gì chứ? Đã gần hết lớp mầm, bản chữ cái tôi đã thuộc, chị tôi là học sinh giỏi hạng nhất mấy năm liền, tên tôi chỉ có hai chữ cái không lẽ tôi còn không đọc được. Cô giáo cũng quá xem thường tôi đi.
Nhưng tôi làm được gì, không làm được gì cả. Ngay cả quyển sách cũng không lấy lại được, cứ thế đi hết một năm.
Năm tôi lớp một, do bẩm sinh thuận tay trái, liền bị cô giáo đánh bắt sửa lại tay phải. Khoảng thời gian đầu, cô còn kìm tay tôi, nhưng có vẻ như là mất kiên nhẫn hoặc do tôi quá cứng đầu, cô đánh tay trái tôi đến sưng, một khoảng thời gian động vào là đau.
Cha mẹ tôi lúc đó rất tin giáo viên, mà gần như phụ huynh nào cũng vậy, không giống như ngày nay cãi đông đổng bảo vệ con vô lý. Thật lòng thì đối với cô lớp một tôi không hận, chỉ sợ.
Mầm non bị thiên vị làm tôi ghét giáo viên, lớp một tuy không còn ghét nữa nhưng lại sinh ra sợ hãi, tránh xa. Nói thật lòng, đến hiện tại tuy theo ngành sư phạm, trong lòng tôi đối với giáo viên vẫn có khoảng cách rất lớn.
Năm lớp hai, cơ thể tôi trở nên ốm yếu, nhiều bệnh. Nhưng dù vậy, tôi vẫn xem như là con ngoan trò giỏi. Cô lớp hai thương yêu quan tâm tôi lắm, nhưng cứ như vậy, hoặc có lẽ do tôi, cái này tôi không rõ, một bộ phận bạn học ghét tôi lắm. Rất thường hay chỉ trỏ sau lưng.
Cũng vì bệnh, tôi thường xuyên nghỉ học, nên khoảng cách với bạn bè ngày càng xa.
Lớp ba, thầy giáo của tôi lại không đàng hoàng. Thiên vị, nhận hối lộ, thậm chí còn sàm sỡ học sinh nữ. Lớp tôi khi đó có hai bạn học nữ, do ở lại lớp nên so với bọn tôi phát triển hơn nhiều. Thầy dạy học trên lớp, nhưng rất hiếm khi ngồi trên bàn giáo viên hay đi xung quanh lớp. Thầy sắp hai bạn đó ngồi cùng nhau, và thầy ngồi bên cạnh cả hai ở phía cuối lớp.
Việc này mãi đến khi tôi lên lớp bốn, hai bạn đó vẫn ở lại lớp ba, phụ huynh vào trường nháo một phen mới lộ ra ngoài.
Cho nên dù tôi có dùng hai năm kéo gần quan hệ bạn bè, thì tôi cũng hoàn toàn mất lòng tin vào giáo viên.
Đến cuối năm lớp năm, công việc của cha mẹ tôi đỡ vất vả hơn, có nhiều thời gian bên chị em chúng tôi hơn. Cũng có nhiều thời gian đưa chúng tôi về nhà nội chơi hơn.
Bên ngoại không thương chị em tôi, bởi vì chúng tôi là con gái, cha mẹ tôi lại nghèo hơn các anh chị em khác trong nhà. Thậm chí từng bị nói là “tao không chơi với mấy đứa không có cục đất chọi chim”.
Bên ngoại đã vậy, tôi chỉ trông chờ vào bên nội. Nhưng là, nội thương chị hai tôi vì là đứa cháu đầu tiên, thương em gái tôi vì nó giống nội. Còn tôi, tôi không hiểu sao lại bị ghét.
Tôi muốn xem ti vi, vừa xin nội liền bị mắng tốn điện. Em tôi xin, ngay lập tức mở lên. Tôi ngồi xem cùng em, bị mắng lớn rồi không biết làm gì, tôi liền đi theo xuống bếp để cho sai việc vặt, kết quả lại bị đuổi lên, cái gì cũng không cho làm.
Mỗi lần về nội, liền là một lần áp lực, tôi thậm chí còn không biết mình nên làm cái gì để không bị mắng.
Cuối năm đó, em tôi nhận được nhiều phần quà do tham gia các cuộc thi năng khiếu khi còn học lớp mầm, chị tôi nhận được học bổng, còn tôi chỉ có phần thưởng hạng nhì.
Về đến nhà, cha mẹ khen em khen chị, ai đến nhà cũng chỉ khoe em khoe chị, còn tôi ngay cả hỏi tới cũng không. Tôi buồn lắm, giận sao năm tôi học mầm non, lại không có tổ chức các cuộc thi năng khiếu, tôi không giỏi hát múa, nhưng tôi biết vẽ, biết đóng kịch. Tôi ngay cả cơ hội thể hiện cũng không có, thì tại sao lại đem tôi so sánh với em?
Không tin tưởng thầy cô, ông bà không thể dựa, khoảng cách với chị em ngày càng xa. Tôi chỉ còn bạn bè cùng cha mẹ.
Nhưng tôi không thể tâm sự cùng cha mẹ, nếu vậy cha mẹ chắc sẽ buồn. Cũng không thể nói với bạn bè, chuyện gia đình đâu thể đem đi bêu xấu.
Ở thời điểm dậy thì nhạy cảm nhất, cũng là lúc tôi cô độc nhất, cảm giác cái gì cũng không thể nói, cảm giác không ai có thể nghe mình đè nặng trong lòng tôi.
Đầu năm lớp sáu, tôi bị hạ canxi máu. Do chị hai tôi cũng từng bị, nên tôi cũng nhận ra. Lúc đó tôi nghĩ, có lẽ mình nên mượn việc nói ra việc này, bắt đầu tâm sự với gia đình lại.
Người đầu tiên tôi nghĩ đến là chị, nhưng khi tôi nói, chị tôi trả lời, “chắc mày thấy tao bệnh nên suy nghĩ lung tung mới như vậy chứ gì?”
Có thể chị tôi lúc đó vô ý, nhưng với tôi, nó là cảm giác hụt hẫng, rất đau, cảm giác đau không thể nói, cũng không thể khóc.
Vậy là tôi làm ra quyết định, giấu bệnh. Dù sau hạ canxi máu, uống nhiều trà đường nóng vẫn được. Tôi đâm ra trở thành nghiện trà đường trong mắt bạn học và người bán căn tin.
Tôi cứ nghĩ như vậy là thôi, nhưng ai đâu chữ ngờ. Ùng một cái, tôi bị tẩy chay khỏi lớp học.
Lúc đó là thời điểm điện thoại lan rộng trên thị trường, đặc biệt là điện thoại phiếm có thể lên mạng xem video như nắp trượt. Các bạn học bắt đầu nổi lên việc thần tượng, họ lúc nào cũng là thần tượng, nhóm nhạc. Tôi không có điều kiện xem, liền bị coi là lập dị, bị tẩy chay khỏi lớp.
Tôi đi lại một mình, không người nói chuyện, chỉ có thể luyện vẽ qua ngày, sau đó liền viết truyện, bộ đầu tiên chính là bộ Hôn Quân.
Bởi vì điểm tôi có thể kéo lại bạn bè là những gì có trên báo Mực Tím được bán hàng tuần trong trường, cho nên tôi chú ý đến mười hai chòm sao, cái các bạn xem nhiều nhất.
Nhưng dù có cố, họ cũng không nhìn đến tôi, ngược lại càng xem tôi lập dị. Chỉ trỏ sau lưng, tuyên truyền với lớp khác.
Bốn năm cơ sở của tôi, là bốn năm tôi không tìm thấy ánh sáng. Bạn bè, thầy cô, gia đình. Những cái gần nhất lại trở nên xa lạ vô cùng.
Tôi trở nên ít nói, đến khi có điện thoại liền xem phim hoạt hình, tôi muốn tìm lại tuổi thơ của mình.
Khi phổ thông, bước vào môi trường rộng lớn hơn, tôi mới tìm thấy có người giống mình, cũng thích viết truyện, thích xem hoạt hình. Người ta cũng trưởng thành hơn, cũng không còn vì sở thích khác nhau mà tẩy chay tôi.
Nhưng tôi quen rồi, quen một mình rồi, nhất thời tôi không quen được. Họ nói với tôi, nhìn tôi thực khó gần, nhưng khi nói chuyện mới biết tôi tốt tính hơn họ tưởng.
Tôi sẵn sàng giúp họ bất cứ khi nào, mỗi cuộc thi cá nhân của thành viên trong lớp, chỉ cần tổ chức trong trường tôi đều đến ủng hộ. Tôi không nói chuyện với họ, nhưng tôi luôn lắng nghe họ khi cần. Với tôi, đây là cách tôi tìm thấy giá trị của mình, nhưng có lẽ trong mắt họ, đó là tốt tính.
Nửa năm mười hai, lần đầu tiên tôi biết bạn bè trong lớp quan tâm mình, là khi có một cô bạn chuyển trường đăng bài nói xấu tôi trên Facebook. Tôi bẩm sinh nói lớn tiếng, liền bị nói là ỷ làm tổ trưởng lên mặt, nói chuyện lớn tiếng nạt nộ. Tôi trước nay thà không nói, nghĩ gì nói đó, lại bị nói là chửi bới xiên xỏ.
Tôi có hai nick face (tên đăng nhập), đặc biệt không kết bạn với nhau, nick chính rất ít khi đăng, chủ yếu là để xem thông tin bên trường, nick phụ mới dùng để kết bạn với bạn bè trong lớp, nhưng người biết về nick đó là của tôi cũng không nhiều.
Vì vậy, tôi nhìn thấy, giận lắm nhưng không nói, “mọi lời giải thích chỉ là ngụy biện” là câu tôi học được trong lúc học tập viết truyện.
Tôi không nói, nhưng những người khác trong lớp vào bênh tôi nhiều lắm. Ở lớp không ai nói gì với tôi, xem như không có gì, nhưng trên face thì chửi con bạn đó nặng lời lắm.
Tôi cũng làm như không hay không biết, nhưng ít nhất tôi tìm ra ánh sáng. Chỉ là quá muộn đối với tôi. Mười tám năm cuộc đời, đến lúc tìm ra ánh sáng cũng là khi tuổi mười tám đã đi qua một nửa.
Đến hiện tại, đã bốn năm, cuộc sống sinh viên của tôi cũng kết thúc. Tôi cũng ít nhất xem như có thể thẳng thắn nhìn về tuổi thơ của mình, nói nói cười cười với đám bạn hiện tại.
Nhưng tôi biết, hai mươi mấy tuổi như tôi, suy nghĩ có lẽ vẫn chưa đủ chín chắn. Vừa bước chân ra khỏi ghế nhà trường, chưa chính thức vào đời đã phải đóng cửa ở nhà như tôi thì có bao nhiêu kinh nghiệm?
Đặc biệt là tình hình giáo dục trong mùa dịch này thật sự loạn, một giáo viên tiểu học vừa ra trường như tôi thì xin được việc làm sao?
Suy nghĩ của tôi, tình cảm của tôi, có lẽ vẫn còn đọng lại ở những tháng năm học trò, muốn đi tìm lại cho mình tuổi thơ đã mất.
Nhưng tôi biết, xã hội này không đợi ai cả, tôi không còn nhiều thời gian tìm lại. Cho nên, tôi muốn một lần viết lại, để đem những ký ức này đóng dấu lại đây.
Tôi nghĩ mình sẽ đi tìm một công việc khác thay vì cứ ngồi chờ thi viên chức, có lẽ sẽ là một đường vòng rộng cho đến khi tôi quay lại với cái bằng sư phạm trong tay. Nhưng đi tới phía trước, dù có vòng bao nhiêu vòng, vòng bao nhiêu xa, cũng tốt hơn là đứng tại một chỗ hoặc đi lại con đường đã đi qua.
Ít nhất tôi muốn, đem quá khứ của mình gói vào vị trí sâu nhất trong hành trang trên con đường mới này. Để một ngày nào đó, khi tôi nhìn lại, tôi thật sự không còn vì những điều này mà rơi nước mắt. Lúc đó, tôi sẽ mỉm cười mà đem nó ra khỏi trái tim tôi.
Tử Nguyệt Rika (3 năm trước.)
Level: 10
Số Xu: 4279
ko hiểu sao nhưng trong mắt tui các thầy cô mầm non cực kỳ thiên vị luôn đấy chứ. tui cũng từng bị thế nên cứ nghĩ đến là lại thấy chán. ngày nhà giáo đấy mẹ với tui mua hoa ở trường vào tặng cô, chỉ có 1 bông thôi nhưng cũng tầm 10 nghìn chứ ít gì đâu mà tầm được đến giữa trưa đi cô mang hết đống hoa vứt ra thùng rác. nhiều chuyện lắm, haizzz. 2 anh chị em đã khổ chứ nói gì đến 3 trời, đứa đầu là chị lớn thì cần quan tâm mà con em út cũng cần quan tâm nên suy ra đứa ở giữa thiệt thòi nhất
Tiểu Ngọc Ngọc (3 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 6558
Mẹ tôi cũng thiên vị với em trai tôi nên tôi có thể hiểu được.
Lý Hồng (3 năm trước.)
Level: 5
Số Xu: 362
Tôi cũng từng bị thiên vị với em hai đứa em, thật sự là tủi thân lắm
Phùng Tư Hạ (3 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 2670
Nhà tui có ba chị em gái và một đứa em trai, tuy bà nội có chút thiên vị em trai nhưng vì nó ít hơn chị em tôi quá nhiều tuổi và bà đối xử với mấy chị em cũng tốt nên tui thấy không sao. Cha mẹ tui thì không thiên vị nhưng vì nhiều con lại công việc nên không thể quan tâm nhiều. Tui có đọc qua mấy bài về việc thiên vị này, vì tui là con đầu nên thường được cha mẹ để ý nên nhiều lúc tui phải bảo mẹ xem các em, dành thời gian nói chuyện với chúng nó. Người ta thường nói không sợ chia ít, chỉ sợ chia không đều.