- Văn Nghị Luận Văn Học: Cái tui cảm nhận qua lần đầu tiên đọc “Cuộc chia ly màu đỏ” – Nguyễn Mĩ
- Tác giả: Linh Vũ
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 11.867 · Số từ: 1794
- Bình luận: 2 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 0
“Cuộc chia ly màu đỏ” có thể nói là một nhan đề đặc biệt. Trong tình huống tràn đầy nguy hiểm như ở chiến trường, đâu có ai muốn thốt ra từ “chia ly”? Họ chỉ tạm biệt, hoặc chia tay, rồi kèm thêm vài từ “giữ sức khỏe” và “hẹn ngày gặp lại”. Ấy vậy mà Nguyễn Mĩ lại viết “cuộc chia ly.” Nghe qua là đã thấy không có khả năng trùng phùng, cảm giác sẽ mãi mãi chẳng bao giờ về tới nơi, thật quá đau buồn. Và “cuộc chia ly màu đỏ”… Màu đỏ không phải là màu buồn, nó đại diện cho sự tươi sáng và rực rỡ. Thay vì mang màu sắc tươi sáng, nó lại toát lên một điều gì đó thật tích cực, thật tốt đẹp, và đó là một cuộc chia ly với đầy hy vọng.
“Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng.”
Câu thơ mở đầu thật sự gây ấn tượng với “chói ngời sắc đỏ” và “Tươi như cánh nhạn lai hồng.” Tại sao Nguyễn Mĩ lại sử dụng biện pháp so sánh ở đây? Có lẽ ít bạn biết rằng, “nhạn lai hồng” thật ra là một loài hoa của phương Tây. Chúng đặc biệt bởi sở hữu một màu đỏ vô cùng rực rỡ, khiến ai nhìn vào cũng thấy yêu thích. Ngoài ra, còn bởi vì ý nghĩa của chúng là sự gắn kết bền chặt của tình yêu đôi lứa. Nhân vật chính trong “Cuộc chia ly màu đỏ” chính là một đôi vợ chồng trẻ, ý nghĩa này quả thật không thể nào phù hợp hơn. Càng tuyệt vời hơn thế, có thể nói đây là sự bất tử. Vì người Đức cho rằng hoa nhạn lai hồng là biểu tượng của sự bất tử, và cũng là lời mà Nguyễn Mĩ muốn nhắn tới bài thơ.
“Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ.”
Cuộc chia ly ấy được diễn ra vào một ngày thu, thời điểm mà xuất hiện hầu hết trong tất cả các tác phẩm của Nguyễn Mĩ. Và đó là một ngày nắng rực rỡ, vô cùng lãng mạn, chẳng hề có chút bi thương đau đớn nào cả. Vô cùng chói mắt! Tuy vậy, “một ngày sắp ngả sang đông” đã nói tiếp lên tâm trạng của hai người họ. Mùa đông tới, gió lạnh ập đến, cũng giống như cảm xúc sắp đông đá của họ.
Tầm mắt của tác giả đã bị thu hút bởi cô gái với chiếc áo đỏ. Cô ấy đang tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa, rõ ràng là cảnh chia ly nhưng lại thật ấm áp, thật mơ mộng. Áo đỏ của cô, sắc vàng của nắng, có lẽ đã át đi nỗi buồn chia xa giữa hai người rồi.
“Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly.”
Ở đây tác giả đang dùng biện pháp hoán dụ, dùng “áo đỏ” để nói về “cô vợ”, hay cụ thể hơn là “tấm lòng cô vợ”. Nó đang rạo rực, đang nóng bỏng và da diết vô cùng cùng với sự lưu luyến không ngưng của cô.
“Vườn cây xanh và chiếc nón trắng
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
Không ngăn được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời.”
Khu vườn ấy ngoại trừ sắc vàng thì còn có xanh và trắng, thật sặc sỡ, ấy vậy nhưng vẫn phải lu mờ trước màu đỏ của tình yêu cô – “rực cháy”. Đó là một khu vườn tràn đầy sức sống, màu nào cũng như phô hết tài năng, nổi bật nhất là tông đỏ mạnh mẽ chói mắt người đọc. Giống như một bức tranh đa sắc màu được một người nghệ sĩ tô vẽ hết khả năng, ấn tượng và độc đáo. Giữa khung cảnh thiên nhiên không gì giống nhau đó, dù đã có sự kết hợp tới ba màu nhưng vẫn lu mờ trước “rực cháy” – đỏ – của tình yêu cô. Biện pháp nhân hóa “không giấu nổi”, “không ngăn được” như càng làm rõ ràng thêm hình ảnh cô vợ trẻ. Không gian cũng nhuốm màu cảm xúc của cô, xúc động, lưu luyến. Giọt nước mắt sáng ngời vừa là buồn, vừa là lưu luyến, lại vừa chan chứa hy vọng và niềm tin.
“Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
Và rạng đông đang hừng trên nét mặt
Một rạng đông với màu hồng ngọc.”
Nguyễn Mĩ đã miêu tả khuôn mặt cô bằng những từ vô cùng xa lạ: “bình minh”, “rạng đông”. Tại sao tác giả lại dùng những từ ấy? “Bình minh” và “rạng đông” đều là khoảng thời gian sớm nhất trong ngày, và cũng là khoảng thời gian rực rỡ và sáng chói nhất. Tác giả đã dùng biện pháp ẩn dụ để ngầm so sánh nụ cười và sự ngượng ngùng lưu luyến của cô. “Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi” – nụ cười chói mắt rạng rỡ như bình minh ban sáng, nhưng nước mắt vẫn đang rơi. Ta có thể hình dung ra hình ảnh cô gái trẻ dù đau lòng vẫn cố gắng cười tươi trấn an chồng, và bản thân cô cũng đang tự cho mình một hy vọng, hy vọng rằng chồng cô sẽ chiến thắng trở về. Chính khi cô vui vẻ, có thể thấy rõ nét “rạng đông màu hồng ngọc” trên khuôn mặt còn vương nước mắt, như một sự kiên cường kì dị, và dâng trào niềm tin và hy vọng bên trong ấy.
“Cây si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình nói tới ngày mai
Ngày mai sẽ là ngày sum họp
Đã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp!”
Cây si xanh “gọi” họ đến ngồi, tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hóa để tăng thêm thái độ tin tưởng tuyệt đối. Cây si là biểu tượng của sự trường thọ, của bất tử, tác giả có ý muốn nói về đất nước, cũng có thể là tình cảm giữa đôi vợ chồng đó, sẽ mãi mãi bất tử trường tồn với thời gian. “Trong bóng rợp của mình nói tới ngày mai/ Ngày mai sẽ là ngày sum họp.” Đây là một câu nói đầy hứa hẹn của cây si, là một lời khẳng định chắc chắn rằng đất nước sẽ nhanh chóng thoát khỏi chiến tranh, và đôi vợ chồng ấy sẽ lại sum họp. Mới đi hôm nay, ngày mai đã về rồi, thời gian chiến trận nhanh quá, thật chóng vánh, cũng bớt lo lắng phần nào. Và ngày mai sẽ tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp, nhấn mạnh và tin tưởng hơn nhiều.
“Nắng vẫn còn ngời trên những lá si
Và người chồng ấy đã ra đi
Cả vườn hoa ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ.”
Nếu trên kia là một đoạn thơ với niềm tin mãnh liệt thì dưới này lại nhuốm màu bi thuognw. Nắng vẫn còn xuyên suốt cả đoạn nhưng bên dưới là một câu chuyện buồn. Nguyễn Mĩ đã phải dùng biện pháp nói giảm nói tránh, rằng người chồng đã đi rồi, để trách chúng ta cũng buồn, cũng là tránh cho cô vợ đau khổ. Cả vườn hoa ngập tràn trong nắng xế nắng là nắng ban chiều, là thời điểm đã gần hết ngày. Chúng ta đều biết hoàng hôn thường gắn với những nỗi buồn, là khi mà con người suy sụp nhất. Hãy tưởng tượng ra khung cảnh cô vợ nghe tin dữ trong buổi trời chiều đỏ trời, thật là một khung cảnh đầy đau đớn mà! Một hình ảnh đối lập nữa chính là những cánh hoa đỏ. Màu đỏ bây giờ không là niềm tin mãnh liệt nữa, nó u uất hơn bao giờ hết, nó giống như màu máu của sự hy sinh, và rung lên nhè nhẹ như đang khóc lên.
Và trong phút giây đó, Nguyễn Mĩ như nghe thấy tiếng của thiên nhiên đang chứng kiến.
“Khi Tổ Quốc cần, họ biết sống xa nhau.”
Nhân hóa hiện tượng gió lên, thể hiện sự chứng kiến và xúc động, cảm thương cho đôi vợ chồng nọ. Và gió đã thốt lên, “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau.” Họ ở đây là ai, chính là đôi vợ chồng. Hai người đã hy sinh của bản thân vì quốc gia đại sự, đều vô cùng yêu nước và yêu hòa bình.
“Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
Một làng xa giữa đêm gió rét”
Câu thơ “Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy”, giống như một điều gì đó thật trường tồn, lặp đi lặp lại. Cụm từ “màu đỏ” xuyên suốt cả bài, rồi qua đoạn cuối hẳn chính là biểu tượng bất diệt, của cả lòng yêu nước, của cả tình yêu đôi lứa. Nguyễn Mĩ đã so sánh “cái màu đỏ ấy” với “bông hoa chuối” và “ánh lửa hồng”. Đầu tiên, “bông hoa chuối” là một hình ảnh thật sự gợi hình. Trong “Việt Bắc” của Tố Hữu, ta có thể thấy bông hoa chuối là một trong những biểu tượng mà tác giả nhớ tới khi trở lại Việt Bắc. Bông hoa chuối là đại diện cho rừng núi nước ta. Và nó đứng từ trên cao, vẫy gọi đoàn người như một sự chiến thắng đã được ấn định từ trước. Tiếp tới, “ánh lửa hồng” tựa hồ cũng có ý nghĩa riêng. Đối với một ngôi làng cách xa khu dân cư, lại trong mùa lạnh giá, thứ quý giá nhất chính là đồ ăn thức uống và nhiệt. “Ánh lửa hồng” vô cùng quý giá với người dân xứ lạnh, nếu không họ sẽ bị chết rét. Ánh lửa xua tan lạnh giá, bùng lên trong tim một hy vọng mong manh…
Đối với đoạn thơ cuối, thật sự là rất buồn.
“Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly.”
Qua đoạn thơ trên kia, ta có thể hình dung ra ngay rốt cuộc “cái màu đỏ” là điều gì. Đó là quốc kỳ Việt Nam, là là cờ Tổ quốc. Lá cờ ấy theo đoàn quân lên rừng xuống biển, đi khắp mọi miền đất nước. Nó liên kết mọi người mới nhau, giống như không có cuộc chia ly. Mặc dù hiện thực tàn khốc cách biệt, nhưng đối với tác giả, chưa ai phải xa gia đình, cũng chưa một đôi vợ chồng nào phải chia cắt để rồi đau buồn.