- Về
- Tác giả: Miuna/Mildrasas
- Thể loại:
- Nguồn: Gacsach, Facebook
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.077 · Số từ: 219
- Bình luận: 7 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 6 Phúc Lương Mashiro-miuna T H Hải Kiều Minh Cỏ Đạt Tửng Tửng
Con về với cội cùng cây
Mơ hoa sen trắng, bỏ mây chương đài
Giấc trai thơm xuyến hương nhài
Hồn êm ngỡ tiếng hoa mai rủ cành
Thầm gieo khẽ bước liễu xanh
Nghe chiền chiện hót mà thanh thản lòng
Mái cong đón những mưa đòng
Giọt yên, giọt lặng, giọt trong, giọt thuần
Ngẩn ngơ đã thấy tà huân
Nghỉ chân bên đá bao lần hàn ôn
Tích xưa rêu phủ cũ sờn
Can trường bẫng nhẹ, không còn ưu tư.
***
Một vài chú thích về bài thơ:
1. “Mơ hoa sen trắng, bỏ mây chương đài.”
Trong thơ Bà Huyện Thanh Quan có câu:
“Kẻ chốn chương đài, người lữ thứ.”
“Chương đài” chỉ cung điện, lầu đài, hoặc nhà sang trọng quyền quý.
2. “Ngẩn ngơ đã thấy tà huân.”
“Huân” là ánh sáng thừa của mặt trời, nắng còn sót lại lúc mặt trời lặn. “Tà huân” chỉ buổi trời tàn.
3. “Nghỉ chân bên đá bao lần hàn ôn.”
“Hàn” là rét, “ôn” là “ấm”, chỉ việc thăm hỏi về chuyện đời ấm lạnh.
Đại ý cả khổ thơ là: Nghỉ chân bên đá, hỏi về thời gian chảy trôi. Song chuyện đã sờn, vết tích nay chẳng rõ. Thế là lòng ta cũng nhẹ, việc cũ cứ để nó đi qua, không nên ưu tư mãi.
Mashiro-miuna (3 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1442
Mình đã giải thích "chương đài" là cung điện, nhà lầu quý rồi đó ạ. ^^
Mây chương đài là một hình ảnh tượng trưng cho nơi phú quý thôi, cũng như "hoa sen trắng" là ẩn dụ chỉ cõi thanh tịnh.
Cỏ (3 năm trước.)
Level: 11
Số Xu: 6968
Bài viết rất hay, tác giả có kiến thức nền tảng về văn học rất đáng để học hỏi ạ, chúc bạn thành công hơn nữa.
Phúc Lương (3 năm trước.)
Level: 11
Số Xu: 8589
Bỏ mây chương đài nghĩa là gì vậy tác giả.
Mashiro-miuna (3 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1442
Mình xin nói về từ "Chương đài" trước nhé.
● "Tầm nguyên từ điển" giảng rằng:
"Chương đài nguyên là tên một lòa cung điện do nhà Tần đời Chiến quốc dựng lên ở huyện Tràng An, tỉnh Thiểm Tây nước Tàu. Sau dùng làm tên chung trỏ các cung điện của chư hầu đời Chiến quốc.
Ca dao ta có câu:
"Công anh làm rể chương đài
Ăn hết mười một, mười hai vại cà."
"Chương đài" đây cũng có nghĩa là nhà giầu sang."
● Còn "tà huân" thì đúng như bạn nói đó, mình nói riêng nghĩa của từ "huân" để mọi người hiểu, "tà" thì hầu như ai cũng biết và quen thuộc rồi.
● Từ "can trường" đúng là danh từ, mình không chú thích nó vì mình vẫn hay sử dụng với nghĩa "ruột gan" như vậy nên mình quên bẫng là từ ít dùng, không nhiều người biết. ^^
Ngoài ra thì mình không có ý học theo Bà Huyện Thanh Quan, mình thấy từ hay và đẹp nên đưa vào thơ, chỉ chú giải nghĩa cho mọi người hiểu, chứ chưa băn khoăn nhiều đến các tích cũ.
Cảm ơn lời của bạn, mình không phật lòng. :3
Thanh Diep (3 năm trước.)
Level: 10
Số Xu: 11578
Chào bạn, đọc qua bài thơ này, mình mạn phép đoán trong đây có bóng dáng của thơ Bà Huyện Thanh Quan, qua những từ "chương đài" hay "hàn ôn".
Như mình được biết, Bà Huyện Thanh Quan làm thơ chữ Nôm, nhưng lại nghiêng về Hán nhiều, với các điển tích điển cố Trung Hoa và bút pháp ước lệ điển hình. Nếu bạn muốn học theo thì mình nghĩ bạn nên chú thích rõ ràng các điển tích điển cố mà bạn sử dụng để người đọc có thể hiểu rõ hơn.
Từ Hàn ôn có lẽ đã đủ rõ ràng, sau đây mình sẽ nói cụ thể về hai từ còn lại mà bạn chú thích.
1. "Chương Đài"
Đây là một điển cố Trung Quốc, không phải là cung điện hay gì cả. Bạn có thể trích dẫn phần giải thích nghĩa đó cho mình được không? Chứ mình không tìm thấy chỗ nào ghi như vậy cả.
Tích ghi: Hàn Hoàng đời Đường lấy một người vợ lẽ là Liễu thị (có bản ghi Liễu thị là kỹ nữ), ở Chương Đài. Chương Đài ở đây là tên một con đường ở thành Trường An. Hàn Hoành làm quan nơi xa, hai người chia cách. Hàn Hoành gửi thư, có bài thơ rằng:
Chương Đài Liễu! Chương Đài Liễu!
Tích nhật thanh thanh kim tại phủ?
Túng sử trường điều tự cựu thùy,
Dã ưng phan chiết tha nhân thủ.
Từ đó tích Chương Đài liễu dùng để chỉ tình yêu nam nữ bị chia cắt.
Truyện Kiều cũng có câu:
Khi về hỏi Liễu Chương Đài,
Cành xuân đã bẻ cho người chuyền tay.
Trong "Chiều hôm nhớ nhà" của Bà Huyện Thanh Quan, "Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ", nó không phải chỉ người chốn cung điện mà đang đồng thời nhắc tới hai nỗi buồn: xa người thân thương và xa quê nhà.
2. "Tà huân"
Đây là một từ Hán hoàn toàn, 斜曛. Trong đó
Tà (斜) là nghiêng, lệch.
Huân (曛) vừa có nghĩa là ánh nắng còn sót lại khi mặt trời lặn, chữ Huân này còn có nghĩa là bóng hoàng hôn, cũng có thể nói về sự tối tăm, u ám.
Chỉ khi ghép Tà huân 斜曛 mới để thành nghĩa những tia sáng xiên xiên còn lại khi mặt trời lặn, hay còn gọi là nắng quái lúc hoàng hôn.
Ngoài ra, mình muốn nói thêm về cụm từ bạn không chú thích, đó là từ "Can trường".
Can trường bẫng nhẹ, hiển nhiên can trường ở đây là danh từ. Mình mạn phép đoán nó là từ cũ, với can là gan, trường là ruột, can trường để chỉ lòng dạ, tâm tình của một người.
Đây là từ cũ, ngay cả từ điển cũng chú thích là từ ít dùng. Ngoài ra hiện nay mọi người quen với "can trường" mang nghĩa là tính từ, như "lòng dạ can trường" hơn.
Bạn không chú thích thì mình e sẽ có nhiều người khó hiểu.
Lời dài dòng, hy vọng không làm bạn phật ý.
Mashiro-miuna (3 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1442
Bài mình sáng tác đó ạ. :v Bạn có thể tìm trên Gác Sách với tên Mashiro-miuna và trên Facebook Murasaki Nareda, đều cùng một hình đại diện như bây giờ mình dùng.
Mình nói vậy đã đủ xác thực chưa?