- Vẻ đẹp tâm hồn và triết lí sống “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm
- Tác giả: Giai Mộc
- Thể loại:
- Nguồn: Vnkings.com
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 16.631 · Số từ: 1689
- Bình luận: 9 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 1 Thùy Linh Đặng Thị
Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, còn có tên gọi là Trạng Trình. Ông là người học vấn uyên thâm, thông minh, chính trực, coi thường danh lợi. Ông sống trong thời đại phong kiến bắt đầu khủng hoảng khi Lê – Mạc xưng hùng, Trịnh – Nguyễn phân tranh. Vì gặp thời buổi loạn lạc nên ông chỉ làm quan 8 năm rồi lui về ở ẩn, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ, được người đời suy tôn là Tuyết Giang phu tử và qua đời ở tuổi 94 vào năm 1585. Lúc sinh thời, ông để lại cho nền văn học hai tập thơ: “Bạch Vân am thi tập” viết bằng chữ Hán với gần 700 bài và “Bạch Vân quốc ngữ thi” viết bằng chữ Nôm với gần 170 bài. Thơ của ông mang đậm triết lí, giáo huấn, ca ngợi chí của kẻ sĩ và cái thú thanh nhàn. Trong đó, bài thơ mang ý nghĩa sâu sắc và phong phú, nói lên triết lí sống cao đẹp của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong suốt hơn 40 năm sống ẩn dật. Bài thơ số 73 trong tập “Bạch Vân quốc ngữ thi” cho ta thấy một cách rõ ràng quan niệm sống nhàn và vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm – “Nhàn”.
Thế nào là sống nhàn? Ngay từ câu thơ đầu tiên, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cho ta câu trả lời. Sống nhàn chính là nhàn ở thân, nhàn ở công việc:
“Một mai, một cuốc, một cần câu”
Tác giả liệt kê ra các công cụ “mai”, “cuốc”, “cần câu” với số từ “một”, kết hợp với nhịp thơ chậm rãi, nhẹ nhàng, tái hiện cuộc sống lao động thôn quê đều đặn, thong thả. Một cuộc sống không tư lợi, bon chen, chỉ cần đáp ứng những nhu cầu tối thiểu rất giản dị và đơn sơ. Chân dung Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện lên với dáng vẻ của một lão nông tri điền thuần hậu, chất phác, thư thái, ung dung, ngày ngày đào đất, cày ruộng, câu cá, tìm kiếm niềm vui trong công việc lao động chân tay vốn dành cho nhà nông. Câu thơ thứ hai càng thể hiện rõ hơn thái độ, tâm trạng của Nguyễn Bỉnh Khiêm khi trực tiếp nói lên quan điểm sống của mình. Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, “nhàn” không chỉ là ở thân mà còn là thảnh thơi, ung dung, mặc kệ những thú vui người đời:
“Thơ thẩn dù ai vui thú nào”
Câu thơ cho thấy ông rất an nhàn qua cụm từ “thơ thẩn”, gợi ra trạng thái thảnh thơi, lấy làm bằng lòng với cuộc sống đơn sơ, giản dị. Một con người đức cao vọng trọng, tài đức hơn người, được muôn dân kính trọng như thế mà nay tìm về nơi thôn dã, hoá thân thành một lão nông tri điền với những dụng cụ thô sơ. Nguyễn Bỉnh Khiêm hoàn toàn kiên định với lựa chọn của mình, dù cho ai có “vui thú nào”, có tìm đến những vinh hoa phú quý với cuộc sống đủ đầy, ông vẫn chẳng màng danh lợi, không bận tâm tới cuộc sống bon chen kia, ông an nhiên với lối sống “thơ thẩn” mình đã chọn. Từ đó cho thấy tâm trạng của ông là một kẻ sĩ “an bần lạc đạo” vượt lên trên nỗi lo lắng bon chen tầm thường của người đời, từ ông toát lên một vẻ đẹp nhân phẩm khó có thể tìm được ở thời bấy giờ.
Lối sống nhàn vẫn được tiếp tục thể hiện qua cách sống thường ngày của ông ở hai câu luận:
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”
Nguyễn Bỉnh Khiêm mô tả cuộc sống của mình khi về ở ẩn, tìm kiếm thú vui nơi thôn quê qua chuyện ăn uống, sinh hoạt. Câu thơ ngắt nhịp 1/3/1/2, kết hợp với nghệ thuật đối giữa bốn mùa xuân, hạ, thu, đông cùng với những từ ngữ hết sức giản dị, gần gũi. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã vẽ nên bức tranh tứ bình độc đáo với nhịp điệu tuần hoàn của thời gian đều đặn, thong thả, gợi ra hình ảnh của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở tâm thế chủ động, ung dung khi hoà nhịp sống của mình với nhịp điệu thiên nhiên. Câu thơ mở ra bức tranh bốn mùa với mùa nào thức ấy, có hương vị, có màu sắc. Tuy giản dị, đạm bạc với những món ăn dân dã, những sinh hoạt đời thường nhưng đó là lối sống thuận theo lẽ tự nhiên, hoà hợp với thiên nhiên, hưởng những thức có sẵn theo mùa nơi thôn dã mà không cần phải mưu cầu tranh đoạt. Tất cả đều không hề khắc khổ bởi nó là điều đáng quý, bởi đó mà lại tạo ra khí điệu thanh cao nơi con người ông. Với lối sống này, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có sự gặp gỡ với thi hào Nguyễn Trãi ở thế kỉ XV:
“Ao cạn vớt bèo cấy muống
Đìa thanh, phát cỏ, ươm sen”
Cuộc sống tự do, thảnh thơi, tự tại mà biết bao bậc Nho sĩ mơ ước đến, nhưng mấy ai lại có được chữ “nhàn” này ở cái thời buổi loạn lạc kia?
Trở về hai câu thực, ta có thể thấy nhàn đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm là xa rời phường danh lợi, quyền quý:
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao.”
Hai câu thơ không chỉ nói về lối sống nhàn, mà còn nói lên quan niệm dại – khờ đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nơi vắng vẻ và chốn lao xao là hai hình ảnh đối lập giữa hai không gian sống khác nhau. Một nơi yên tĩnh, ít người qua lại, không phải cầu cạnh, tranh đua, cũng chẳng phải bon chen, luồn cúi, giành giật – đó là “nơi vắng vẻ”, nơi thiên nhiên trong lành, con người có thời gian nghỉ ngơi, thư giản, nơi mà ông lui về ở ẩn, nơi Bạch vân am ông mở lớp dạy học. Còn nơi kia, nơi đô thị sầm uất, nhộn nhịp, nơi kinh thành quyền quý, tranh đoạt, con người phải đua chen, luồn cúi, sống giữa quan trường đầy mưu mẹo, lừa lọc, cả thiên nhiên và con người đều vô tình trật nhịp nhau, nơi mà ông gán cho cái danh: “chốn lao xao”.
Ông nhận “dại” về mình, nhường “khôn” cho người, thực ra là cách nói tinh tế, khéo léo thể hiện lối sống an bần lạc đạo, coi thường danh lợi. Cách nói ngược nghĩa này không chỉ hóm hỉnh, sâu sắc mà còn thể hiện khái niệm “dại” – “khôn” đầy ý vị theo quan niệm của riêng Nguyễn Bỉnh Khiêm mà ông cũng đã từng nói đến ở nhiều bài thơ khác:
“Khôn mà hiểm độc là khôn dại
Dại vốn hiền lành ấy dại khôn.”
Thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm là sự phủ nhận danh lợi: “Để rẻ công danh đổi lấy nhàn”. Mọi thứ công danh, tiền tài đối với ông đều là vô nghĩa, chỉ có một chữ “Nhàn” là có nghĩa. Qua đó, nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm lại được nâng lên một tầm cao mới, toát lên vẻ đẹp nhân cách, trí tuệ, thoát khỏi vòng lợi danh cuộc đời, một con người thanh cao, uyên thâm và sáng suốt.
Nguyễn Bỉnh Khiêm ông sống nhàn là thế, nhưng một chữ “nhàn” này lại khác biệt so với nhiều bậc Nho sĩ ẩn dật khác:
“Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.”
Câu thơ đã nhắc điển tích Thuần Vu Phần uống rượu, nằm mộng thấy mình được đến nước Hoè Nhai và được sống trong vinh hoa phú quý, đến khi tỉnh dậy chỉ thấy bản thân nằm dưới gốc cây hoè cạnh tổ kiến. Từ việc mượn điển tích đã thể hiện sự thông tuệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có lẽ chính bởi nền học vấn uyên thâm của ông về lý học cho nên ông rất hiểu về sự biến chuyển tuần hoàn của vạn vật, ông hiểu được rằng:
“Càng khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh”
Hiểu được có rồi sẽ mất, thịnh rồi sẽ suy… Chính vì hiểu rõ là thế, nên Nguyễn Bỉnh Khiêm mới nhìn những điều diễn ra với một con mắt rất bình thản. Ông mang phong thái của một vị tiên, một bậc cao hơn thế nhân để mà đứng nơi cao nhìn xuống, để tìm đến rượu mà say, tìm đến say để tỉnh, tìm đến tỉnh để nhận ra rằng: công danh phú quý cuối cùng chỉ là một giấc mộng thoáng qua, như áng mây trôi bồng bềnh giữa trời, tất cả đều hư vô. Hai câu kết như một lời khẳng định về ý nghĩa của triết lí sống nhàn, thể hiện sự thức tỉnh, tự cảnh tỉnh mình và đời, khuyên mọi người nên xem nhẹ vinh hoa phù phiếm.
Từ bài thơ ta rút ra được rằng phú quý không phải là đích đến cuối cùng trong cuộc đời mỗi người, cái tồn tại với con người mãi mãi là nhân cách, phẩm chất cao đẹp. Ta học được cái giữ gìn môi trường đang sống bằng cách chọn lối sống hoà hợp với thiên nhiên, thuận theo tự nhiên.
Bài thơ có sự nhuần nhuyễn giữa yếu tố Đường luật khi sử dụng các điển tích, hình ảnh ước lệ với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, tuân thủ chặc chẽ các niêm luật. Kết hợp với các yếu tố Việt hoá khi sử dụng chữ Nôm, các hình ảnh dân giã, quen thuộc và gần gũi, dãn dị. Đi cùng với sự ngắt nhịp hết sức linh hoạt, sáng tạo và hài hoà. Bài thơ là tiêu biểu cho quan niệm sống “nhàn” và vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Để lại ấn tượng đẹp trong lòng người đọc về một nhân cách lớn, một lối sống bình dị, thanh cao của một Bạch Vân cư sĩ.
Giai Mộc (5 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 4866
Cảm ơn bạn đã đọc ?❤?
Trương Thảo (5 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 30
Híc quà ít lòng nhiều ha
Trương Thảo (5 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 30
Thật sự rất bổ ích với mình luôn
Thùy Linh Đặng Thị (5 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 7912
Chúc bạn ngày càng có nhiều tác phẩm thành công!
Giai Mộc (5 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 4866
Cảm ơn bạn đã đọc và góp ý ? mình sẽ đọc và sửa lại các lỗi ^^
Thùy Linh Đặng Thị (5 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 7912
Cá nhân mình cảm thấy bài viết khá hay. Mình thích việc bạn mở rộng ra ngoài phạm vi tác phẩm, liên hệ với các tác phẩm khác.
Tuy nhiên, mình thấy bài của bạn còn mắc một số lỗi như:
- Nên đưa tên hai tập thơ vào trong dấu ngoặc kép. (Hai tập thơ được nhắc đến ở câu thứ tư.)
- Một số lỗi dùng sai từ như: "chất phát" (đoạn phân tích câu thơ "Một mai, một cuốc, một cần câu") phải là "chất phác", "cần cạnh" (trong đoạn phân tích hai câu thực) chắc ý bạn là "cầu cạnh"... Bạn có thể đọc lại bài viết một lượt và sửa lại để bài được chỉn chu hơn.
Chúc bạn một ngày tốt lành!
Giai Mộc (5 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 4866
Cảm ơn bạ đã góp ý ^^ mình sẽ sửa lại ?
Khánh Đan (5 năm trước.)
Level: 12
Số Xu: 5532
Dựa trên phần tiểu dẫn về Nguyễn Bỉnh Khiêm của sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 1 (trang 128), thì Trạng Trình là tên hiệu của Nguyễn Bỉnh Khiêm như bạn đề cập phía trên là không chính xác.
Bởi theo sách giáo khoa thì, Nguyễn Bỉnh Khiêm được phong tước Trình Tuyền hầu, Trình Quốc Công nên có tên gọi là Trạng Trình. (Dân gian thường gọi là Trạng Trình)
Mạo muội góp ý, rất mong nhận được sự phản hồi từ tác giả. Thân! :3