Không biết ai đó từng nói với tôi, thể loại văn học khó viết nhất: “Truyện ngắn”.
Tôi không bắt đầu “sự nghiệp” (nói từ này có vẻ hơi to tác) viết văn của mình bằng truyện ngắn. Nhưng rồi, như một bước tất yếu phải đặt chân lên của bậc thang dài, tôi cũng bắt đầu viết truyện ngắn.
Một điểm cực kỳ đặc trưng của truyện ngắn nằm ở hai chữ “truyện” và “ngắn”. “Truyện”, đó là một chuỗi các sự việc có đầu cuối, sắp xếp và dẫn dắt. Còn “ngắn”, đó là nói về dung lượng và kích thước của câu chuyện.
Khi đã muốn kể “chuyện”, người viết thường dễ dàng bị những ý tưởng của mình kéo căng về nhiều phía. Chúng ta sẽ muốn có thêm một nhân vật. Mà có thêm một nhân vật, có nghĩa chúng ta phải miêu tả họ, phải giải thích mối quan hệ của họ với các nhân vật sẵn có. Sau đó là đưa thêm tình huống để nhân vật mới thêm vào kia “có đất diễn”… Cứ theo cấp số nhân đó, gần như ý tưởng người viết có thể đưa vào câu chuyện của mình gần như là vô hạn.
Tuy nhiên, chúng ta lại có một chữ “ngắn” ở đây. Dĩ nhiên chẳng ai đi đếm số chữ chúng ta đã viết trong truyện ngắn của mình, nhưng rõ ràng, chẳng ai nghĩ rằng một truyện quá mười mặt giấy là ngắn. Chuyện ngắn bị giới hạn dung lượng.
Kết hợp một cái vô hạn là “truyện” với cái hữu hạn là “ngắn” chúng ta có “truyện ngắn”. Chính sự khập khiễng của hai khái niệm này yêu cầu người viết một sự cân bằng hoàn hảo giữ phần “truyện” và phần “ngắn”.
Chúng ta không thể đem cả thế giới vào một câu chuyện ngắn, nhưng nếu cắt một lát quá nhỏ bé từ sự diệu kỳ của thế giới thực đặt vào trang chữ, câu chuyện của chúng ta lại quá thiếu thốn. Còn nếu chúng ta quá chú trọng tới tính ngắn của từ ngữ, chúng ta sẽ tạo ra một tác phẩm “da bọc xương”. Xương ở đây là kết cấu, là tình tiết tạo hình cho câu chuyện. Còn phần da thịt, là phần câu chữ, hình thể của văn đoạn, âm hưởng của văn phong,… Của tác phẩm.
Chẳng có một bộ xương nhỏ nào chịu được phần xác thịt quá nặng nề. Cũng chẳng có một uyên dạng tươi đẹp nào được tạo ra chỉ bởi một cấu trúc xương đẹp đẽ.
Khi đã đặt bút viết, là đặt một nét đẽo gọt lên phôi. Và cái phôi của truyện ngắn, theo cá nhân, là một viên ngọc nhỏ. Một viên ngọc đủ nhỏ để chúng ta bao quát từng chi tiết. Cũng là một viên ngọc nhỏ, chúng ta có thể mang đi trong chiếc túi nhỏ. Đồng thời cũng là một viên ngọc nhỏ, để những đôi bàn tay tinh xảo nhất phải chăm chút từng chi tiết để cưa gọt.
Có thể đó là chính là lý do khiến “truyện ngắn” chắc chắn là một trong những thể loại văn học khó viết nhất và cơ bản nhất đối với mỗi câu viết.
Nói lan man về “truyện ngắn” mãi cũng không thể quên nhiệm vụ chính của bài viết này: viết bao nhiêu, bao nhiêu là viết?
Có một người bạn thường trêu tôi rằng: “Mấy thằng viết văn như mày đúng là thiên vị. Không viết về siêu nhân, thì cũng toàn viết về trai xinh, gái đẹp, hoặc ít nhất cũng là một người nào đó đời đầy sóng gió. Chứ về đời mấy thằng sinh viên sáng dậy muộn, tối ăn mỳ tôm như hai thằng thì chẳng bao giờ viết”.
Người bạn đó nói đúng. Vì trong những điều ai cũng có, trong một cuộc sống tẻ nhạt, thường nhật với ba bữa mỳ tôm, tôi thật khó để tìm ra một cái gì đó “đáng để viết“. Văn học và trí tưởng tượng có cả sức mạnh để tạo nên một thế giới, và tất nhiên, tại sao chúng ta không thể lý tưởng hóa thế giới đó bằng những điều đẹp nhất, bằng những thứ kỳ ảo nhất, và bằng những con người lý tưởng nhất.
Đó cũng là lý do tôi đến với việc viết lách. Chắc hẳn nhiều người cũng sẽ như vậy. Chúng ta có một cái gì đó “đáng để viết” thế nên chúng ta mới “viết“, phải không?
Nhưng, chính cái lý tưởng viết đó là cái bẫy đầu tiên với bất cứ ai đặt chân vào con đường này. Không phải chúng ta cứ đặt càng nhiều chấm màu, càng phong phú chấm màu lên nền giấy trắng là chúng ta có một bức tranh đẹp. Không phải một câu chuyện dài vô tận mới có thể khiến độc giả mãi mãi quan tâm tới tác phẩm. Và cũng không phải tả càng nhiều càng hay, miêu tả càng chi tiết càng tốt.
Người dân trồng hoa quả, tỉa những cành xấu để cành tốt phát triển, cho những trái ngọt chất lượng nhất. Và trong viết lách cũng vậy. Chỉ một chi tiết đặc trưng cũng đủ để làm nhân vật đó nổi bật. Vết sẹo của Harry, cây búa của Thor, khiên của Captain, nỏ thần của An Dương Vương,… Những chi tiết tưởng nhỏ đó, ấn tượng, có giá trị hơn nhiều so với việc viết: “hắn thức dậy. Hắn đánh răng như thường lệ sau đó ba mươi phút”
Nếu bạn không theo đuổi các tác phẩm góc nhìn thứ nhất, tâm lý, độc thoại nội tâm,… Thì viết quá nhiều chi tiết nhỏ nhặt, sẽ khiến tác phẩm của bạn dài, nhưng không chất. Chúng ta không thể kể những điều ngoài lề chán chê, trong khi cùng một chương đó, miêu tả tình tiết chính như: một cuộc hội thoại, cảnh chiến đấu, một góc nghiêng đẹp của cảnh vật,… Trong một đoạn tương quan quá ngắn được.
Với những câu chuyện tình tiết nhanh như thể loại fantasy – huyền ảo, yếu tố then chốt đó là số lượng thông tin. Rất ít người đọc đủ kiên nhẫn để đọc 1 chương dài 3000 nghìn từ nhưng chỉ có một đoạn hội thoại ngắn cùng vài tình tiết không có giá trị liên kết. Trong khi đó, với 1000 từ, nhiều cây viết có thể kể nguyên một chuỗi sự kiện dài như đi gặp một người bạn, được đưa một đoạn đường dài đến võ đường của một kiếm sĩ, tham gia một cuộc tỷ thí khiến mọi người kinh ngạc và sau đó là một phần thưởng bất ngờ.
Vậy thì phải viết bao nhiêu?
Hãy viết thật nhiều. Hãy đọc lại, loại những chi tiết thừa, thêm những chi tiết mới. Làm như vậy thật nhiều lần, bạn sẽ biết được mình phải viết bao nhiêu cho từng thể loại cụ thể.
Vậy thì bao nhiêu là viết?
Có người chỉ cần viết một bài thơ bốn câu, mỗi câu bốn chữ đã có thể gọi là viết. Nhưng cũng như câu chuyện về “truyện ngắn”, nếu bạn muốn viết gì đó, bạn phải hiểu được giới hạn của thể loại bạn đang viết. Thứ hai, đó là bạn dành câu chuyện này cho ai? Một tác phẩm viên mãn cho bạn, hay một cái kết lửng lơ để mọi người suy nghĩ, hay kỳ cục là một mớ hỗn độn chi tiết để người ta phải chắp nối lại đầu đuôi… Thứ ba, đó chính là sự hài lòng. Hãy thực sự hài lòng mỗi khi đặt dấu chấm, bởi, nếu ngay chính người viết không thể hài lòng với điều mình viết ra, làm sao có thể làm hài lòng được người đọc.
Và điều cuối cùng trước khi ngừng viết. Chúc tất cả các bạn thành công trên chặng đường văn học còn dài phía trước.
Linh Imao (5 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 1389
Hay ạ
Chúc bạn có thêm nhiều tác phẩm hay
Bé Con (5 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 8120
mình đọc thấy hơi rối mắt, bạn có thể tachs đoạn rõ ràng để dễ đọc hơn nhé
Thùy Linh Đặng Thị (5 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 8185
Cảm ơn tác giả nhé! Đúng cái mình đang cần. Đọc xong cảm giác như được khai sáng vậy.
Thyy Nguỹn (5 năm trước.)
Level: 9
Số Xu: 3
hay quá
Lục Minh (5 năm trước.)
Level: 13
Số Xu: 666
Cmt này có lẽ hơi vô duyên nhưng phần đầu bài viết còn một ít lỗi chính tả. Bô lão hãy sửa lại cho bài viết hoàn thiện hơn nhé.
Uchiha Norekarin (5 năm trước.)
Level: 3
Số Xu: 3
hay mà
Mía (5 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 3444
chúc tác giả thành công nha
Tha Nhân Ánh Sáng (5 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 497
Cứ dần dần mà luyện thôi. Muốn tay to phải luyện thôi :v.
Gia Lập (5 năm trước.)
Level: 4
Số Xu: 41
Đệ vẫn chưa biết viết truyện ngắn :(
"Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn." (5 năm trước.)
Level: 15
Số Xu: 20
Cụ ơi
Trong bài viết vẫn còn một chỗ có màu cam. Cụ kiểm tra và sửa lại nha cụ.