Ngày thuở nhỏ, đi học. Giờ luận văn, thầy đọc một bài luận văn kiểu lòng thòng, thày cáu, gọi học trò :
– Em viết cái gì vậy hả em? Bài luận của em dài ngoằn, thiếu phẩy, thiếu chấm xuống hàng. Đây không phải là văn.
Thằng nhỏ gãi đầu, mặt đỏ ké :
– Thưa thầy, em là học trò, em không phải là nhà văn.
Thầy nản chí, lắc đầu bảo trò ngồi xuống và thầy giảng một lèo về cách phân đoạn và cách viết văn. Thằng nhỏ thấy bắt đầu buồn ngủ. Nó nhìn ra khoảng trời xanh bên ô cửa lớp và tìm cách thoát hồn.
…
Thời gian trôi.
Thằng nhỏ không còn là thằng nhỏ ngồi mơ mộng ở ô cửa sổ.
Thằng nhỏ đã thành người lớn. Đã là người lớn thì phải đối diện và ngã lên, ngã xuống với cuộc đời. Đôi lúc hoặc lắm lúc đụng phải chuyện đắng cay, đắng ngắt ở đời, thằng ” người lớn ” bỗng ngậm ngùi nhớ lại một câu nào đó ai đã nói :
“Đời không như là mơ”
Ừ, mà thật. Đời trần như những màn kịch mà mỗi nhân vật đời đã và đang là những nhân vật diễn tuồng. Có kẻ thiện, có kẻ ác, rất ác.
Thằng mang tên “Người Lớn” biết mình không bao giờ có thể trở thành một nhà văn. Cái căn cước của hắn không có cái khoảng nào để ghi cái nghề nghiệp nghe rất hãi hùng: Nhà Văn – Écrivain – Writer .
Nhà văn là cái gì vậy ?
Có phải là kẻ hì hục ngồi nặn tim óc để viết ?
Viết gì cho ra hồn? Và đọc gì để viết ?
Thằng nhỏ mang tên Người Lớn bỗng thảng hoặc, giật mình nhớ lại lời nói của ông thầy xưa :
” Hãy tập trung vào điều mình suy nghĩ để viết, và hãy viết rất ngắn gọn ”
…
Thầy ơi !
Em không đi học để trở thành một nhà văn.
Đời sống này đã dạy em cách nhìn nhận đôi điều về nó. Và em viết.
Em đã không mơ thành một nhà văn.
Vì thế – em đang học cách suy nghĩ để viết gọn và nhanh.
đăng sơn. fr