– Tiểu thư… – Liễu bất an gọi nhỏ – Thế này liệu ổn không thưa tiểu thư?
Cô bé Ngọc Hoàn chỉ vừa tròn mười tuổi, đương độ tuổi nghịch ngợm nên không đoái hoài đến ả hầu của mình, trong y phục cải nam trang, cô thích thú vì được tự do bay lượn, không câu nệ rắc rối như phận nữ nhi.
Nguyễn Bá Ký thời gian này đang giữ chức Hộ bộ Trung thư sinh lệnh Thị lang, được điều đến phủ Từ Sơn ở vùng thừa tuyên Kinh Bắc xem xét nhân khẩu trong vài ngày. Ngọc Hoàn do hiếu kì khi đến xứ mới, cô bé tìm cách lẻn ra ngoài. Liễu dù được căn dặn trông chừng tiểu thư nhưng lại không muốn thấy tiểu thư của ả buồn nên đành nhắm mắt liều theo những trò kỳ quái của cô gái nhỏ.
Bất cứ món hàng nào lạ mắt, Ngọc Hoàn đều không suy nghĩ nói Liễu gom hết về. Cả hai tuy giả nam nhưng điệu bộ vẫn còn vươn chút nữ tính khiến ai nấy đều dõi mắt theo phán xét. Ngọc Hoàn mặc kệ những ánh nhìn không mấy tốt đẹp, cô bé nhớ từng nghe cha nói về tích Việt Quốc công Lý Thường Kiệt anh dũng đánh bại mười vạn quân phương Bắc tại sông Như Nguyệt, liền kéo Liễu một mạch đến dòng sông lịch sử ấy.
Mặc dù đây chỉ là nhánh sông của một con sông rộng lớn trải dài khắp xứ Kinh Bắc nhưng Ngọc Hoàn vẫn cảm nhận được sự hiện diện sinh động của các sự kiện hào hùng ấy chỉ qua cách nhắm nghiền đôi mắt.
– Tiểu thư – Liễu chợt lên tiếng – Em ít học thành ra ngu dốt nên không rõ sông này có chi lại khiến tiểu thư say mê như vậy ạ?
Ngọc Hoàn nhoẻn miệng cười, đôi mắt xinh xắn cong hình vòng cung như thể chúng cũng biết cười theo. Cô bé từ tốn đáp:
– Dòng sông Như Nguyệt này là nhân chứng cho cuộc chiến vẻ vang của Đại Việt ta dưới triều Lý đấy.
Liễu gật gật đầu cũng cười nói:
– Tiểu thư quả nhiên kiến thức đầy mình.
Ngọc Hoàn chỉ về phía ngôi đền trên ngọn đồi gần đấy rồi giải thích:
– Nơi đó gọi là Đền Xà, thờ hai vị Thánh Tam Giang Trương Hống và Trương Hát, cũng là nơi bài thi ca Nam Quốc Sơn Hà vang lên.
Liễu nhìn cô bé tiểu thư của ả một lượt, tặc lưỡi tiếc nuối:
– Tiểu thư cải nam trang trông cũng rất tuấn tú, nếu như tiểu thư thật sự là nam tử, hẳn lão gia rất đỗi tự hào về tiểu thư.
Ngọc Hoàn nhăn nhăn phần da mũi, ý tứ không tán thành:
– Lẽ nào hiện cha ta không tự hào về ta sao?
Liễu vội xua tay cười trừ, Ngọc Hoàn bĩu môi rồi quay lưng đi dọc bờ sông. Khí hậu trong lành, mát mẻ làm cho cô gái nhỏ luôn nghĩ đến chuyện nhất định sẽ nói cha dựng một căn nhà chừng bốn hoặc năm gian cho mình.
– Giờ mụ có đưa không?
– Không!
– Ta đang nói chuyện rất nhẹ nhàng rồi đấy! Đừng để ta điên tiết lên!
– Ông quan trưởng giàu có như vậy, cớ sao lại ép uổng kẻ bần hàn như tôi?
– …
Tiếng đôi co của một lão trung niên ăn vận sạch sẽ và người đàn bà nghèo làm Ngọc Hoàn chú ý. Cô bé nhìn Liễu rồi cả hai cùng đi đến xem xét.
Số là, người đàn bà này may mắn bắt được một con cá to nhưng xui xẻo thay lại bị lão tri huyện của huyện Yên Phong này thấy được. Lão dạm ý muốn mua lại cá nhưng mụ ta nhất quyết không bán dẫu giá cả mỗi lần một tăng. Lão tri huyện tức lắm, đành giở thói hà hiếp dân đen, giằng lấy con cá từ tay mụ. Mụ cũng chẳng vừa mà nhảy chồm lên lưng lão trông chẳng ra một thể thống phép tắc nào cả.
Mụ đàn bà quá quyết liệt, con cá lão tri đang cầm bỗng vuột rớt. Liễu nhanh chân chạy đến lấy con cá rồi về đứng với tiểu thư ả. Hai kẻ lớn kia chợt dừng lại, lão tri hất mạnh mụ xuống đất khiến mụ ê ẩm cứ xoa xoa cái lưng mãi.
Lão tri huyện Yên Phong nhăn nhó thở dốc, nhìn Ngọc Hoàn nói chẳng thành câu:
– Thằng nhỏ… Mày… mau đưa con cá lại đây…
Ngọc Hoàn bắt chước lời của lão nói với mụ đàn bà kia, cô bé đanh đá trả lời:
– Con cá này trên tay ta, nó sẽ là của ta. Liệu, đem nó về chúng ta sẽ ăn một bữa thật ngon lành.
Lão tri nghe thế chặn đường, rũ rũ hai bên tay áo cho ngay. Trông phục y của Ngọc Hoàn, đoán rằng cũng là con cháu nhà khá giả, hắn dịu lại vài phần, nói:
– Ở đâu ra thằng nhãi láo toét như mày thế này?
Ngọc Hoàn vô cảm, nhướng một bên chân mày rằng:
– Ở đâu ra tên huyện ngang ngược như ông thế kia?
Tên tri huyện hùng hổ giơ bàn tay lên cao, người đàn bà ấy vội đứng chắn trước Ngọc Hoàn. Liễu chỉ thẳng mặt hắn, quát:
– Một kẻ tham lam chuyên dùng quyền hành ức hiếp người dưới, xứng đáng làm nơi nương tựa cho dân chăng?
Lão tri huyện máu nóng sùng sục sôi bên trong bởi cơn lửa giận không ngớt, hắn trợn mắt, lớn giọng thị uy:
– Hai thằng bây chán sống rồi. Để ông mày nói cho rõ nhé! Ông mày là tri huyện nơi đây, cả dòng nhà chúng mày có đến quỳ lạy cũng đừng hòng ông mày tha cho!
Liễu hất mặt kênh kiệu:
– Bẩm ông tri huyện, tiểu… công tử nhà chúng tôi, chỉ e là ông sẽ xanh cả mặt mày khi biết được thôi.
Ngọc Hoàn không đợi hắn phản ứng, lấy trong ngực áo một tấm thẻ bài, ngang nhiên giơ lên:
– Ông xem cái này là gì?
Dòng chữ khắc trên tấm thẻ bài “Đại Việt Hộ bộ Thị Lang”. Lão tri huyện trợn trắng, môi run run, nghĩ rằng chắc có lẽ thằng nhóc trước mặt hắn có thể trộm được ở đâu đó thẻ bài nhưng ý nghĩ nhanh tan biến. Nhớ vài hôm trước, Tuyên phủ sứ có nói triều đình cử người đến giám sát phủ Từ Sơn trong mấy ngày nên căn dặn các tri huyện, các xã trưởng không được có sơ suất. Lại trông Ngọc Hoàn ăn vận ra kiểu con nhà giàu có, hắn đâm ra e dè hơn hẳn.
Hắn nuốt vội nước bọt, thay đổi thái độ:
– Tiểu công tử… Là hạ quan sai rồi! Con cá to thế này, cả nhà hạ quan ăn cũng không trôi được, hạ quan biếu lại công tử, mang về cùng lệnh đường thưởng thức.
Nói rồi, hắn lật đật bỏ đi. Liễu cúi thấp người, ghé vào tai Ngọc Hoàn buông lời châm chọc:
– Sao bây giờ lại trông hèn hạ thế này!
Người đàn bà lúc bấy giờ lẳng lặng rời khỏi. Ngọc Hoàn chạy đến cảm ơn vì vừa nãy mụ không ngần ngại mà đứng chắn lên bảo vệ cô bé lúc tên tri huyện chuẩn bị giơ đánh. Liễu đương nhiên hiểu ý, trao trả con cá lại cho người đàn bà.
Mụ giờ đây cử chỉ nhẹ nhàng, khẽ lắc đầu nói:
– Tôi phải cảm tạ cháu đã giúp tôi mới phải. Coi như con cá này tôi biếu cháu.
Ngọc Hoàn xua tay nói:
– Ấy ấy không được đâu ạ! Bác đã khổ công thế nào khi đấu tranh với lão tri huyện không biết điều ấy, đây là cá mà bác bắt được mà.
Mụ cười hiền đáp:
– Bởi lão là kẻ xấu tính nên dẫu cho lão làm bất cứ gì tôi cũng không muốn đưa thành quả của tôi cho lão. Cháu là người tốt, tôi không tiếc con cá đâu.
Ngọc Hoàn ra vẻ cứng rắn, tuyệt đối không nhận. Tuy nhiên, người đàn bà cũng kiên định không kém, sau một lúc qua lại, mụ bèn nói:
– Vốn con cá này tôi định bụng nấu cháo cho đứa con gái đang bệnh ở nhà. Hay vậy đi, nếu cháu không chê tôi hèn mọn, hãy theo tôi về ăn một bữa cơm.
Ngọc Hoàn vui vẻ đồng thuận.
Người đàn bà trước kia ở huyện Đông Ngàn, có chồng là người hay chữ, mở lớp học nhỏ dạy đám trẻ trong làng không lấy tiền, ai có gì cho nấy nên dân làng ai ai cũng mến. Tuy nhiên, cả hai vợ chồng tuổi tác ngày càng lớn vẫn chưa có mụn con, vị không tiền chạy chữa, nghe nói nơi chùa miếu nào linh thiêng, họ không quản ngại đường xá mà đến thành tâm. Trời không phụ lòng ngống trông, một đứa bé gái kháu khỉnh ra đời. Niềm hạnh phúc ấy bỗng hóa chớp nhoáng khi không bao lâu, người chồng lâm bệnh qua đời. Quan xã trưởng cắc cớ làm khó, hàng xóm chung quanh nghèo khổ không kém nên chẳng giúp được chi. Mụ cùng đứa con gái nhỏ nương tựa nhau rong ruổi khắp nẻo cho đến khi dừng chân tại huyện Yên Phong, nhờ người tốt giúp đỡ dựng một cái chòi nhỏ sinh sống qua ngày.
Căn chòi hẹp chỉ vừa đủ cho hai người, ngoài ra, bất cứ hoạt động gì cũng đều thực hiện ở ngoài. Thật sự rất bất tiện. Con gái mụ khoảng mười ba tuổi nhưng trông khá ốm yếu, cảm tưởng như chỉ cần một ngọn gió nhẹ cũng đủ để thổi bay cô gái ấy. Ngọc Hoàn nhỏ hơn cô gái ba tuổi mà trông cả hai dáng vóc tương tự nhau.
Cô gái thấy người lạ thì gượng dậy.
– Mẹ ơi… Họ đến đuổi ta đi sao?
Mụ lắc đầu đỡ con rồi ôn tồn kể lại tường tận sự việc xảy ra. Cô gái mỉm cười, khẽ cúi đầu như tạ ơn.
Liễu tinh mắt thấy được những chấm đỏ trên người cô gái, vội lên trước chắn cho Ngọc Hoàn, chau mày tra hỏi:
– Con gái mụ bị đậu mùa sao?
Ngọc Hoàn chợt bất an, vô thức lùi một bước. Cô gái nhỏ bắt đầu ho nặng hơn, vài giọt máu tươi dính lên miếng vải sờn cũ. Liễu nhanh chóng nắm tay Ngọc Hoàn kéo ra khỏi cái chòi mà ả xem là dơ bẩn ấy.
Người đàn bà vội theo ra ngoài, quỳ xuống trước hai kẻ nhỏ hơn, tha thiết khẩn cầu:
– Tôi biết cháu là con cái nhà ông thị lang ở Kinh sư… Làm ơn… Làm ơn hãy giúp lấy con tôi…
Liễu trông vẻ bực bội, thúc Ngọc Hoàn:
– Tiểu thư, chúng ta mau đi thôi!
Ngọc Hoàn dằn lại. Do tuổi nhỏ nên dễ động lòng, cô bé tỏ ra thương cảm chấp nhận. Mụ vui mừng khôn xiết lạy tạ, rồi nói tiếp:
– Cẩn nhà tôi bệnh tật đủ điều từ khi vừa lọt lòng nhưng may mắn trời thương tôi neo đơn, dù trải qua bao cơn thập tử nhất sinh, nó vẫn ở lại với tôi. Gần đây Cẩn mắc chứng bệnh được thầy lang chẩn tên thủy đậu, ông ta bốc một vài món thuốc chỉ để cầm cự, không hề dứt bệnh cho con tôi khiến nó đau đớn hàng ngày.
Nhìn Ngọc Hoàn, Liễu biết ngay rằng thể nào tiểu thư nhỏ này của ả cũng sẽ kiên quyết gọi tên lang y kia đến. Ả liền lên tiếng xung phong đi.
Người đàn bà biết ơn lắm, nước mắt cứ tuôn ra không ngừng. Ngọc Hoàn đỡ mụ lên, bày tỏ muốn phụ giúp mụ những công việc hôm nay. Mụ thì đau phải mặt dày đến nỗi đã nhận ân của cô, lại đòi hỏi cô đỡ đần mình, bèn lấy ghế bắt bên ngoài để cô bé ngồi trông.
– Sáng giờ tôi vẫn chưa rõ tên cháu, cháu có thể cho tôi biết không?
Ngọc Hoàn toan nói tên thật nhưng sực nhớ mình đang cải nam trang, đành mượn danh khác:
– Cháu tên họ Nguyễn Kỳ Thạc, có cha là Thị lang Hộ bộ Nguyễn Bá Ký.
Mụ gật đầu cười hiền:
– Tiền đồ rạng rỡ, mong người tốt như cháu sẽ được như ý.
Bỗng, tiếng gọi “mẹ” yếu ớt vang vọng trong căn chòi. Mụ múc bát cháo, bốc vài nắm cá vụn cho vào. Con gái mụ nhăn nhó vì cổ họng đau rát. Ngọc Hoàn lấy ra trong tay áo lọ thuốc nhỏ, bên trong là những viên đan làm từ thảo dược giúp thông khí bổ phế, cô bé đưa cả cho mẹ con mụ.
Cẩn gắng sức thều thào:
– Tôi tạ ân cậu giúp đỡ. Có đền đáp cả đời tôi cũng cam tâm.
Ngọc Hoàn xua tay nói:
– Đạo Đức kinh của Lão Tử có viết: Thượng nhân vi chi nhi vô dĩ vi; thượng nghĩa vi chi nhi hữu dĩ vi. Nghĩa rằng người có đức cao, làm điều nhân chứ không có ý làm; người có lòng nghĩa cao thì làm điều nghĩa mà có ý làm. Ý tôi không phải cho mình là người nhân nghĩa cao, mà chiếu theo những ý tứ trong sách văn, những việc nhân nghĩa đều nên làm.
Cẩn chớm buồn nhìn sang mẹ, vốn muốn nói thêm nhưng ngay lúc ấy, Liễu đã đưa lang y đến.
Gã lang y này ban đầu thấy trang phục Liễu thì đoán rằng hầu của gia đình giàu có nào đó nên mừng rỡ đi theo. Cho đến khi y thấy khung đường quen thuộc, ngờ ngợ rằng sẽ lại gặp mẹ con nhà nghèo kia, y vội quay lưng đi thì bị Liễu cưỡng ép.
Ngọc Hoàn nghiêm mặt, lại dùng thẻ bài của cha cô uy hiếp. Gã lang y sợ hãi, quỳ xuống mà tâu:
– Bẩm công tử, con gái mụ bị đậu cũng đã lâu nên thành di chứng. Cơn ho này chính là viêm phế do thủy đậu mà ra. Bệnh này không gây chết người nhanh như đậu mùa nhưng…
Liêu hùng hổ cắt ngang:
– Nhưng cái gì? Thế ngươi muốn cho người ta chết dần chết mòn à?
Gã vội vàng phân trần:
– Không phải… không phải… Vì… mụ không có tiền mua thuốc, số thuốc chữa trị giá cao nên… Không phải hạ dân không muốn chữa, nhưng công tử nghĩ xem, nếu ai ai cũng được chữa bệnh không lấy tiền há chẳng phải lang y như tôi không sống được sao?
Lời y nói không hẳn không có lý nhưng việc y bốc thuốc không có lương tâm làm bệnh dai dẳng không dứt là điều không thể chấp nhận. Tuy nhiên, lang y giỏi trong vùng chỉ có mỗi y, không còn cách nào khác đành phải dùng y vậy.
Ngọc Hoàn lạnh lùng ra lệnh:
– Chữa đi!
Tên lang y hấp tấp bắt đầu. Trước tiên, y dùng những tấm vải nhỏ quấn quanh hai bàn tay, bên ngoài khoác một lớp áo khác rồi lấy miễng vải mềm bao quanh mũi miệng.
Thấy Ngọc Hoàn tỏ vẻ tò mò, y đáp:
– Nếu công tử không làm như tôi thì không được đặt chân vào chòi nửa bước. Bệnh này một khi đã tiếp xúc sẽ lây lan rất nhanh.
Liễu lo lắng hỏi nhỏ liệu tiểu thư của ả có tiếp xúc với cô gái bên trong không nhưng đương nhiên với tính cách của Ngọc Hoàn, cô bé không thể nào đứng ngoài mà nhìn.
Gần nửa canh giờ sau, lang y sau khi trút bỏ những đồ vật bảo vệ trên người vào một tay nải, y dặn người đàn bà phải đem chúng đi đốt ở nơi hoang vắng. Y bốc vài thanh thuốc, cam đoan là thần dược uống vào sẽ trông như chưa từng mắc bệnh. Xong xuôi đâu đó, y quay sang Ngọc Hoàn có ý nhắc nhở chuyện tiền nong.
Ngọc Hoàn hất mặt sang nơi khác, ra vẻ kênh kiệu bảo rằng không mang tiền. Tên lang y tức lắm nhưng vẫn sợ uy của ông Thị lang nên bấm bụng ra về.
Ngọc Hoàn lớn tiếng gọi với:
– Này! Tôi có nói không trả tiền ông sao?
Tên lang y chán nản, điệu bộ than phiền:
– Công tử, ngươi định giở trò chi đây?
Ngọc Hoàn lấy ra miếng ngọc bội nhỏ đưa y:
– Phủ cha tôi tạm trú ở huyện Tiên Du, cũng gần với nơi này. Ông cứ hỏi về quan triều đình được cử sẽ có người chỉ cho. Khi đến, hãy đưa miếng bội này ra, cha tôi sẽ tiếp ông chu đáo.
Lang y mừng rỡ nhưng lại không thể hiện ra. Y vẫn tỏ vẻ thanh cao, phất vạt áo không đoái hoài đến Ngọc Hoàn mà đi mất.
Mẹ con người đàn bà cùng dập đầu lạy tạ chủ tớ Ngọc Hoàn. Liễu liền chen lên phía trước chắn, cướp lời tiểu thư ả:
– Các người phải có phúc lắm mới gặp được công tử nhà ta. – Rồi kéo tay Ngọc Hoàn cũng rời khỏi – Trời đã chuyển sắc, chúng ta phải về thôi kẻo ông trách thì khổ công tử.
Ngọc Hoàn không kịp chào hỏi, chỉ có thể ngoái nhìn mẹ con họ vẫn dõi theo cô cho đến khi khuất hẳn.
Đinh Khả (5 năm trước.)
Level: 6
Số Xu: 1184
Em đã chỉnh xong :3