Tháng giêng, năm thứ hai mươi tám, vua Hồng Đức băng hà tại tẩm điện Bảo Quang.
Tin tức nhanh chóng được truyền ra ngoài, khắp cả thảy thần dân đều than khóc. Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung được giao soạn bài tán đức thánh thượng.
Quách Hữu Nghiêm cho người vời hoàng thái tử đến điện Bảo Quang, thái tử lệnh dụ các vương công hầu bá cùng bá quan văn võ tạm gác lại mọi sự trong cung, mỗi sáng sớm phải đến cửa Đông Tràng An đợi lệnh, chờ hữu ty chọn ngày lễ. Khi triều tham buộc đội mũ sa đen, mặc áo cổ tròn đen, tiến đến ngoài Cảnh Môn mỗi sáng một lần, đợi làm lễ như nghi thức. Lại lệnh cho dân gian trăm họ phải để tóc dài như tang phục trăm ngày. Các quan và các hộ vệ phải để tóc dài như tang phục ba năm và đều phải mặc áo trắng mộc, khi làm việc ở nhà mặc áo xanh cũng không cấm. Ngoài trăm ngày thì phải dùng áo xanh áo đen, không được dùng các màu hồng màu lục. Các quân dân trai gái ở phủ Phụng Thiên và trong nước đều phải mặc áo trắng mộc, hoãn lấy vợ chồng trong ba tháng.
Thái tử quyết định để tang ba năm, bày tỏ nỗi nhớ tiếc vô hạn. Triều thần cảm động mà quỳ lạy. Định Công bá Trịnh Công Đán chấp tay tâu: “Hoàng thái tử hiếu độ, thấu động trời xanh. Nay, Đại Hành hoàng đế băng hà, xin kính mong điện hạ nối nghiệp đại thống theo mệnh tiên đế, chủ trì quốc tang.”
Thái tử không bằng lòng, nói: “Thánh thượng hoàng đế lìa bỏ trăm họ, sao ta có thể lấy ngày đau thương biến thành đại lễ lên ngôi? Thế thì đạo hiếu ở chỗ nào? Chi bằng hãy để sau.”
Bình Lương hầu Lê Chí khẳng khái tiếp lời: “Nay thánh thượng băng, đất nước không thể không có chủ. Càng để lâu, e rằng không tránh kẻ khác nổi lòng dòm ngó, có ý tiếm đoạt.”
Trịnh Công Đán tiếp tục thuyết phục: “Đạo hiếu chính là y theo di mệnh của đức thánh thượng. Nếu điện hạ không lập tức cử hành lễ lên ngôi, có kẻ không an phận làm loạn, chưa kịp để tang đã phải lo dẹp loạn giặc cỏ. Khẩn xin điện hạ suy xét!”
“Mẫu phi ta đâu?”
Thái tử trầm ngâm trong chốc lát nhưng chỉ thốt ra hỏi về Vĩnh Ninh cung quý phi. Trịnh Công Đán thầm nghĩ hẳn bà có ảnh hưởng rất lớn đối với thái tử bèn trả lời: “Quý phi đang túc trực bên linh cữu đức Đại Hành hoàng đế, đang cùng bá quan trông giữ ấn kiếm, chờ điện hạ nối ngôi chính thống.”
Năm Hồng Đức thứ hai mươi tám, ngày mồng sáu tháng hai, hoàng thái tử Lê Tranh tuân theo di chiếu, lên ngôi hoàng đế, đại xá thiên hạ, xưng làm Thượng Dương động chủ, lấy năm sau là năm Cảnh Thống nguyên niên. Ngài truy dâng tôn thụy hiệu vua Hồng Đức là Sùng Thiên Quảng Vận Cao Minh Quang Chính Chí Đức Đại Công Thánh Văn Thần Vũ Đạt Hiếu Thuần Hoàng đế, miếu hiệu Thánh Tông. Tôn sinh mẫu quý phi Nguyễn thị làm hoàng thái hậu, ban chữ Tranh và chữ Hằng trong húy thánh thượng cùng húy thái hậu tránh dân chúng phạm phải.
Quách Hữu Nghiêm theo lệnh thái hậu liền đến cung Trường Lạc yết kiến. Thái hậu ban tọa, thần sắc nghiêm trọng hỏi: “Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?”
Nghiêm đợi thái hậu cho chúng hạ nhân lui ra, mới bẩm: “Như Phan thái y đã nói, tiên đế trước khi băng có nôn ra màu nâu vàng, tay bấu chặt vùng thượng vị, bụng hơi trướng lên chứng tỏ bị trúng độc từ mật cá trắm.”
“Độc cá trắm?”, thái hậu ngạc nhiên tột độ, thân người hơi chồm đến rằng “Là ai đã cả gan như vậy?”
Quách Hữu Nghiêm lưỡng lự tựa hồ muốn nói tựa hồ không nhưng biết việc đại sự, không thể không nói ra, y thưa: “Bẩm thái hậu, bát canh tẩm bổ Kinh vương mang đến hôm ấy có chứa mật cá hòa tan.”
Thái hậu cả kinh, rùng mình một cái, giọng nói có phần run rẩy: “Ta nghe chúng nô rỉ tai nhau tiên đế khi còn tạ thế, có ý muốn đổi trữ quân, không lẽ Kinh vương ấy biết chuyện nên nảy sinh dã tâm?”
Nghiêm lập tức phản bác: “Bẩm đức bà, Kinh vương hãy còn thành niên, tính cách hiền lành, nghĩ gì nói đó, lại có phần hơi nhút nhát. Vương tuyệt đối không dám gây ra chuyện tày trời như thế.”
Thái hậu suy nghĩ một hồi cũng gật đầu đồng thuận. Nhưng trong bát canh mà Kinh vương đem đến đêm hôm tiên đế băng hà lại chứa độc, Quách Hữu Nghiêm là trung thần, y nhất định không làm chuyện đại nghịch bất đạo. Vậy độc chắc chắn phải bị bỏ vào trước khi Kinh vương yết kiến tiên đế. Ắt có kẻ đứng sau dựng nên vở kịch này.
Lại nhớ, Kinh vương được giao cho Nguyễn tu dung sau khi Quang Thục hoàng thái hậu băng, tu dung vốn suốt ngày nương tựa cửa phật, không mấy đoái hoài đến vương nên việc này dĩ nhiên không liên can đến bà. Thái hậu càng nghĩ càng không thể biết được kẻ nấp sau bóng tối là ai.
Quách Hữu Nghiêm đột ngột cắt đứt mạch suy nghĩ của thái hậu, y bẩm: “Nhắc đến việc trữ quân, từ sau khi tiên đế băng hà, thiên hạ không biết tại sao lại đồn thổi điều vô căn cứ. Rằng đức bà năm đó bị tiên đế cấm túc nên sinh hận mà nổi ác tâm.”
Thái hậu trợn tròn mắt, tức giận tột cùng, đập mạnh bàn tay lên bàn khiến cho tách trà không có thăng bằng mà phát ra tiếng keng rõ to. “Tiên đế truyền ta đêm đó ngoại trừ khanh và đám ngự y, không một ai hay. Chẳng phải khanh đã nói tiên đế cũng không muốn ai biết sao?
Quách Hữu Nghiêm cuối rập đầu thưa: “Bẩm đức bà đúng là như vậy. Có điều, hôm ấy có nhiều ngự y như vậy, họ lại có mặt trong lúc tiên đế hấp hối nên không tránh khỏi sơ suất…”
“Ta không ngờ khanh là kẻ tắt trách như thế!”
Thái hậu chợt hắt ra tiếng lạnh lùng, Nghiêm lo lắng nén hơi thở của mình: “Những tin thất thiệt bắt nguồn từ Quốc tử giám tư nghiệp Vũ Quỳnh thưa đức bà.”
Thái hậu nhíu mày, vẻ mặt bán tín bán nghi. Vũ Quỳnh từ lâu có mối quan hệ mật thiết với mẹ con Triệu vương nên không nghi ngờ gì khi y có liên quan đến mọi lời đồn về cái chết của tiên đế. Chỉ duy nhất điều thái hậu không rõ chính là giữa Kinh vương và mẹ con Triệu vương rốt cuộc có những bí mật gì.
Quách Hữu Nghiêm tường tận được nỗi nghi hoặc của thái hậu, liền bẩm: “Thật ra, từ sau chuyện tiên đế trách phạt Triệu vương, Thọ Am cung quý phi đó bỗng dưng sốt sắng kết thân với Kinh vương. Kinh vương tuổi nhỏ, sớm mất sinh mẫu nên khao khát được thương yêu. Thành thử, vương rất thật lòng với quý phi. Thần vẫn nhớ rất rõ lời vương nói hôm ấy rằng dẫu bản thân có nhận ngôi chí tôn hay chăng, vẫn sẽ đối đãi bà ấy thật tốt.”
Thái hậu tỏ rõ khó chịu mà nói: “Há chẳng phải nó có ý tiếm vượt?”
“Kinh vương không dám thưa đức bà.” Quách Hữu Nghiêm thận trọng trả lời, y muốn thái hậu thôi không nghi về vương nữa, y bèn đem chuyện thánh thượng mật bàn với mình mà nói với thái hậu, “Bẩm bà, chuyện của Lê Viễn Thức, đức thánh thượng muốn nhân đây gọi ông ta về nhậm lại chức vụ.”
Thái hậu nhấp ngụm trà nhỏ, tán thưởng mùi vị thơm ngon của vùng Thủy Đường. Bà chầm chậm đặt xuống bàn, đôi môi phượng nhẹ nhàng mỉm cười, cho rằng triều sự tùy ý theo quyết định của đức thánh thượng.
Vì thời gian quốc tang nên các vị phi tần tiền triều tạm thời được ở trong cung của chính mình. Khi nào mãn tang, ai có con cái thì được chiếu cố dọn về phủ đệ của các thân vương, vị nào kém may mắn mặt tử tôn, y theo quy chế mà cho vào cung Thiên An hoặc hầu lăng tẩm.
Thọ Am cung gần một năm nay vắng tanh hiu hắt. Một vài cung nữ lẫn vài tên ứng sai phụ giúp khuân vác đồ đạc dọn ra Triệu vương phủ đệ. Chúng ngừng việc, tất cả dập đầu khi được báo bề trên đang tiến vào.
Thái hậu cùng một vài hầu thân cận băng thẳng vào chính điện cung Thọ Am. Hai vị phi của tiên đế, một làm thái hậu vinh quý vô tận, một chỉ còn lại cái hư danh “tiên đế quý phi”.
Hai người phụ nữ giáp mặt, ánh mắt họ trao nhau như thể hai con hổ to lớn sẵn sàng sáp vào cuộc chiến tranh giành lãnh thổ.
“Không ngờ có một ngày, ta phải cúi đầu trước người bên trong Vĩnh Ninh cung.”
Quý phi bình thản một cách lạ thường. Bởi khi xưa, tính cách bà ngang ngược, hống hách, hỉ nộ ái ố đều thể hiện ra mặt. Thái hậu trong lòng cũng hết sức bất ngờ. Thái hậu chậm rãi bước lên bảo tọa chính điện, ngồi xuống chiếc ghế chủ vị.
“Trở thành Quý phi nhưng lại ở trong cung từng có chủ. Chiêu nghi nhưng không tự chủ một cung mà phải ở gian phụ. Cô cũng biết rằng Thọ Am cung xưa kia được ngự ban cho Kính phi, tiên đế muốn cô ở đây chính vì để cô theo tấm gương thục đức hiền hậu của Kính phi mà răn lại bản thân cho thật tốt.”
Thái hậu vừa nói, nhưng không bỏ sót từng cử chỉ trên nét mặt Quý phi. Bà nhìn một lượt chính điện, khóe miệng cong lên chán chường: “Nhớ xưa kia, cô từ dân gian được tiên đế chiếu cố đưa vào cung. Từ Mỹ nhân đạt đến Quý phi, cô hẳn phải làm rất tốt để hưởng biết bao vinh sủng. Còn nhớ khi cô vừa được phong Chiêu nghi đứng đầu cửu tần, ta đã dặn cô đừng nên quá khinh suất. Băng qua lắm chông gai mới đạt vinh quang nhưng chỉ cần nhắm đôi mắt đắc ý này lại, vực thẳm đang chờ đợi cô.”
Quý phi bấu chặt các ngón tay vào nhau, giấu vào trong tay áo dài thượt, đôi môi run run từng chữ: “Bà đe dọa tôi? Bà đến đây để giết tôi như bà giết chết tiên đế?”
“Hay cho bốn chữ “giết chết tiên đế” xuất phát từ cái miệng xinh đẹp của cô.”, Ánh mắt thái hậu sắc lẹm như xuyên thấu tâm can của Quý phi, Quý phi khẽ rùng mình, hơi thở có chút ngắt quảng. Thái hậu thản nhiên tiếp tục “Vũ Quỳnh không có mặt tại hôm tiên đế băng hà, cớ vì sao cô lại đổ tội cho ta?”
Quý phi không thể giữ được bình tĩnh, lớn tiếng: “Tiên đế trước khi băng hà có ý lập Kinh vương làm thái tử. Bà lo sợ địa vị mẹ con mình nên đã hạ sát tiên đế, giả truyền di chiếu!”
“Việc đại nghịch bất đạo, trời không dung đất không tha ngươi gây ra, ngươi phải tự chuốc lấy! Vu khống cho ta, lại vu khống chiếu chỉ truyền ngôi là giả, đó là phản nghịch. Ngươi không nghĩ đến bản thân ngươi nhưng hãy biết nghĩ đến Triệu vương.”
Giọng nói sang sảng của thái hậu lấn át cả Quý phi khiến bà ta nín bặt. Bà ta loạng choạng ngã xuống nền đất. Thái hậu đưa mắt ra hiệu cho tỳ nữ. Ả tỳ bưng bát nước nóng hổi, hai đứa tỳ khác giữ chặt Quý phi mặc cho giãy dụa mà không ngừng chế loại chất lỏng mùi vị kì lạ vào miệng bà ta.
“Ngươi đừng lo, ngươi sẽ không chết đâu. Chỉ là phương thuốc này ta vừa mới học được ở phương Bắc, ngăn không cho cái lưỡi cao quý ấy ba hoa xúc phạm đến ta và thánh thượng một lời nào nữa.”