Chương 20 – Phần 1: Trọng bạn
Paris, năm 1910.
Trời xuân xanh trong, lá non điểm xuyết quanh những tán hoa anh đào phấn hồng vừa chớm nở. Những đôi tình nhân dắt dìu nhau trên con đường đi bộ lát gạch hoa, chốc chốc đưa tay hứng cánh hoa rơi, có khi chàng sẽ đem bông hoa ấy cài lên mái tóc nàng, thì thầm bên tai những lời có cánh. Bên kia góc đường, chàng nghệ sĩ hát rong chơi tây phong cầm, hát vang những bản tình ca, gửi trao niềm hạnh phúc của bản thân đến tất cả mọi người.
“Xin gửi anh món quà mọn. Cảm ơn anh.”
Sang đặt vào trong nón người hát rong một tờ tiền và khúc bánh mì kẹp thịt. Chàng ta cười tít cả mắt, tay đàn càng sôi nổi gấp bội, hai má chẳng thoa phấn cũng hồng, mày mắt chẳng vẽ cũng thắm. Âm nhạc luôn rưới chan cho nhân loại dòng nhựa sống mãnh liệt như thế.
Sang vừa đi vừa nhún vai theo nhịp nhạc, miệng huýt sáo. Tay anh đang ôm một giỏ bánh mì, định bụng sẽ phết với bơ rồi nhúng vào sữa bò để làm no bụng cho bữa sáng nay, rồi sau đó nhâm nhi một tách cà phê.
Giàn thiên lý rũ mình tắm nắng, những nụ hoa nhỏ xíu xiu hé cười, tua cuốn quấn lấy hai cột cửa gỗ sơn màu đen, luôn sẵn sàng mở cửa đón chủ trở về.
Đây là chỗ trú chân của Sang ở trên đất Pháp. Một căn nhà nho nhỏ có hai tầng, tường vách trắng toát một màu, cửa gỗ sơn đen gắn kính trong suốt, xung quanh là vườn tược trồng đầy hoa cỏ, ngoài hoa thơm bốn mùa còn có dăm ba luống rau. Căn nhà này vốn thuộc quyền sở hữu của người cậu lớn của Sang, sau cậu thua bạc, đành nhượng lại cho ông Lang, ông Lang để đó cho anh có chỗ chui ra chui vào khi đi học, khỏi cần ở ký túc xá nữa.
Bữa sáng hôm nay đơn giản, một vài lát bánh mì phết bơ rồi nhúng vào cốc sữa tươi, Sang giải quyết gọn lẹ rồi vào bếp pha một tách cà phê sữa, đập thêm quả trứng gà rồi khuấy đều lên, anh đem vào phòng sách, vừa nhâm nhi, vừa xem lại bài luận.
Năm nay là năm cuối đại học của Sang, nên hay không đều nhờ cả vào bài luận này. Không như các bạn đi xin đề tài từ các giáo sư để làm khoá luận, Sang tự đề nghị với giáo sư đề tài riêng: chuyện áp dụng pháp luật của nhà nước Cộng hoà Pháp ở An Nam. Giáo sư đã ưng thuận, còn muốn mở rộng nghiên cứu sang các thuộc địa ở châu Phi nữa, để thưởng công Sang đã gợi ý một đề tài rất hay, giáo sư Pierre đã ưu ái xin với trường cho anh trở về quê lấy thêm ý viết luận.
Năm nay anh không cần chờ tới rằm tháng Bảy, tháng Tư này anh có thể về nhà cùng mừng sinh nhật Tĩnh vào ngày năm tháng Tư dương lịch rồi cùng cậu chia vui trong ngày sinh nhật tính theo lịch âm của anh là mười bảy tháng Ba. Anh chuẩn bị quà cho cậu xong cả rồi.
Có tiếng rầm rập ngoài cửa, ai đó đang dùng chân đạp lên cánh cửa, mặc dù nhà của Sang lắp chuông.
Sang cất tài liệu vào cặp, chầm chậm bước ra cửa lớn, cẩn thận xem người khách bất lễ qua lỗ mắt mèo, ngón trỏ anh đã đặt sẵn trên cò súng.
“Ủa má.”
Sang hốt hoảng, vội mở cửa mời bà Lan vào nhà. Chuyến vi hành của bà Hương sư làm anh quá bất ngờ, thành ra đứng trơ như phỗng.
“Sao má qua đây vậy?”
“Con hỏi kỳ, má qua thăm con không được hả?” Bà Lan véo tai thằng con lớn, sau đó lại phủi phủi mấy nếp nhăn trên vai áo nó, thật ra bà muốn vò đầu nó cơ, nhưng nó đã cao quá rồi. “Con mới thay khoá hả?”
“Dạ, con thay lâu rồi.”
Bà Lan giật mình: “Sao thay vậy con? Có trộm vô phải không? Sao con không kể cho má nghe chi hết vậy?”
“Dạ không có.” Sang vội nói. “Tại… con thích thay thôi.”
Sang nói tới đây thì bà Lan cũng không bình luận gì nữa, con bà là thế, đành chịu.
“Để con xách giỏ cho má.” Sang đỡ chiếc va li da thuộc từ tay bà Lan. “Má qua đây, tía* ở nhà hở má?”
*Tía: tiếng gọi cha của người miền Nam
“Ờ, tía con kêu má qua đây, ổng thì ở nhà coi nhà, quét tước nhà cửa chờ mày về.”
“Má đi mình ên* rồi có sao không?”
*Mình ên: một mình
“Coi, mày đi một mình được má đi hổng* được hở?” Bà Lan phất tay. “Má qua đây với mợ Tư con, bả thả má ở đầu đường rồi đánh xe ra ngoại ô coi mấy vườn nho rồi.”
*Hổng: không
Bà Lan yên lặng một chút, nhìn thằng con đang tính toán coi nên dẫn má nó vào phòng nào, rồi lia xuống túi quần của nó thấy cán cây súng lục. Bà con chạy làng với nó cũng chẳng uổng mà. Coi coi, nó còn định cho bà ở cái phòng ở dưới lầu, trong khi phòng nó ở tít trên kia, bằng không làm gì mà cứ đứng tần ngần ở đó mãi.
“Má ở đâu vậy Hai?”
“Dạ.” Sang giật mình, vội rẽ lối bước lên lầu. “Để con đưa má lên lầu.”
Sang dẫn bà về phòng nghỉ ngơi, khi bà rửa tay rửa mặt, anh xuống bếp pha một ly trà đường.
“Má uống cho lại sức, chắc má đi đường mệt lắm.”
“Ờ.” Bà Lan uống một hơi hết cả ly trà gừng rồi ngồi phịch xuống giường, nhìn quanh quanh căn phòng, tay bà miết mạnh một đường trên cạnh giường, giở lên thấy toàn bụi là bụi. “Phòng ốc cũng sạch sẽ ghê ha.”
“Dạ.” Sang luống cuống đứng dậy. “Để con đi quét dọn.”
“Thôi thôi, để tôi nghỉ chút xíu rồi tôi dọn cho. Dòm ngoài có vườn bông thiệt đẹp mà ở trong như cái ổ gà mái.” Thằng nhỏ muốn sáp lại tỏ vẻ nịnh bợ thì bà đạp cho văng xa ba thước. “Khỏi, đừng có xớ rớ tới gái có chồng. Đương* làm gì thì làm đi, bữa nay má nấu cơm cho, má có đem gạo từ nhà mình qua đó.”
*Đương: đang
Sang gãi gãi chóp mũi đang có điều sụt sùi. Lần đánh dây thép về nhà gần đây nhất, anh có nói sơ chuyện sắp làm bài luận, hẳn là bà Lan sợ anh vùi đầu vào học mà bỏ bữa nên qua đây gấp để lo liệu chuyện cơm nước.
“Đi học bài đi con.”
“Dạ. Có gì thì má kêu con một tiếng nha má.”
“Biết rồi.”
Căn bếp lạnh tanh, trống trải bao lâu nay đã tìm lại được tiếng dao thớt, kệ bàn lại đầy ắp thịt cá và rau củ quả.
Nồi cháo cá đang ùng ục sôi nhưng hạt gạo vẫn chưa nhừ, bà Lan để hé nắp nồi rồi nhỏ lửa, xem đồng hồ bỏ túi để độ thời gian cháo chín, vẫn còn dư giờ để bà đi kiểm tra tình hình ăn ở của ông con ra sao.
Bà Lan đi xem phòng ngủ của Sang trước, coi coi có lỗ chuột nào không thì đuổi giúp nó, kết quả là chuột thì không có, con ruồi cũng không, theo như bà nghĩ là vì lũ thú vật thấy chán ngán cái phòng ngủ lạnh tanh chỉ có mỗi hai màu đen trắng này lắm rồi. Đứng từ đây trông ra vườn hoa đầy màu sắc ở bên ngoài, bà Lan không khỏi cám cảnh. Rồi bà nghĩ, cái gì ít dùng, hoặc dùng qua loa thì người ta sẽ không chăm chút, bên gối không có ai cả, chỉ dùng để ngủ nghê thôi thì trang hoàng lên làm gì.
Bà Lan thấy Sang cũng tới tuổi rồi đó, hàng xóm có mấy người đánh tiếng rồi.
Bà Lan lại đi kiểm tra mấy phòng khác, thì đúng như dự đoán, phòng nào cũng đầy bụi và chất lắm đồ. Trừ một phòng, đó là căn phòng mà thằng con của bà đã đứng tần ngần hồi nãy, phòng này ngăn nắp, bất thường, giữa phòng để một đống chần dần, phủ bằng chăn lông. Bà Lan tò mò tới giở ra xem thì thấy một chiếc xe đạp đời mới nhất, mới toanh, mùi sơn còn nồng, được lau tới bóng loáng, soi mặt vào cái cổ xe cũng được. Ở trong góc kia, chiếc xe đạp cũ mèm, bàn đạp đã muốn long ra vẫn đứng sừng sững ở đó để khẳng định địa vị của mình trong ngôi nhà này.
“Má ơi!” Tiếng Sang ở dưới bếp vang tới đây. “Nồi cháo sôi rồi má ơi!”
“Ờ.”
Bà Lan trả mọi vật về chỗ cũ của nó, vội vội vàng vàng xuống bếp. Nồi cháo sôi đã được Sang hạ lửa, đang vớt bọt, bà Lan xuống thì anh nhường vị trí chính chủ lại cho má, anh đi xếp bát đĩa ra bàn.
“Sang nè.”
“Dạ?”
“Tuần vừa rồi thằng Alaine tới chơi hả?”
Alaine là tên người em cùng cha khác mẹ của Sang, cũng là người được anh vớt lên từ dòng sông Seine và được ghi công lên mặt báo, nhờ cơ duyên xảo diệu đó, hai người đã kết thân với nhau, anh vẫn thường đến trường quân đội thăm cu cậu.
“Dạ không. Nó ở trại lính cả năm nay, có con tới thăm nó thôi.”
“Chứ… xe đạp ở đâu đó? Má nhớ xe đạp của con cũ lắm mà con đâu có thay đâu.”
“Dạ? À, quà sinh nhật con tặng cho bạn ở Huế.” Sang vô tư trình bày.
“Bạn đó hả?” Bà Lan thả ít muối vào nồi, khuấy thật mạnh.
Sang cười cười: “Còn ai nữa đâu má.”
Bà Lan gác vá cái cạch lên thớt gỗ, một tay chống hông:
“Cái xe đạp đó hình như có giá cây vàng rưỡi đó.”
“Dạ đúng rồi.” Sang trả lời tỉnh bơ. “Con góp tiền lì xì với cả đi làm thêm chỗ này chỗ nọ góp được chừng đó, mua tặng Tĩnh cái xe đạp.”
Bà Lan có cảm giác như chân mình đang mọc rễ, dân gian gọi là trời trồng. Một món quà sinh nhật có giá trị hơn một cây vàng, giá có khi còn hơn một mảnh ruộng, chưa kể mẫu xe đạp này là mốt mới, phải nhanh tay mới mua được, tậu một mảnh ruộng có khi còn dễ hơn. Con của bà tốt với bạn bè quá rồi đấy.
“Con quà cáp cho bạn nhiều như vậy, mua nguyên cả cái xe đạp cho người ta, rồi nhận được cái gì cho mình? Con quý người ta ở chỗ nào vậy?”
“Má à, người ta chẳng biết một cái xe đạp giá bao nhiêu tiền đâu, nên con hứa tặng là gật đầu ừ liền. Con quý người ta ở chỗ đó.”
“Trời ơi, đó là chỗ tốt hở con?”
Sang mỉm cười, ôn tồn nói với bà rằng:
“Mấy tháng rày con loay hoay với mấy bài luận, Tĩnh viết thơ qua cho con, còn gởi kèm mấy cái bài báo rồi ghi chú ra thêm nữa. Không nhờ Tĩnh thì con còn phải vật lộn với cả đống giấy tờ nữa đó.” Anh lại bảo. “Người ta có câu “cho vàng chẳng bằng chỉ đàng đi buôn” mà má, tặng có cái xe đạp thôi con thấy còn chưa đủ.”
Bà Lan bị một đống câu từ nồng nặc mùi đạo lý chặn miệng, bao nhiêu chữ dạy dỗ đã để sẵn ở kẽ răng phải nuốt ngược trở vào trong. Bà quay trở lại với nồi cháo, nêm thêm mắm và nước cốt chanh để tăng mùi vị cho món ăn.
“Con tốt với bè bạn như vậy thì đúng đạo rồi. Nhưng mơi mốt cưới vợ rồi thì phải chừng mực lại. Đàn bà con gái người ta hẹp hòi lắm, không thích chồng mình ưu tiên ai đó quá đáng hơn mình đâu.” Bà nửa đùa nửa thật bảo.
Chợt, bà không nghe tiếng dọn bát đĩa lạch cạch nữa, có điều gì đó bất thường, nhưng nó chỉ thoáng qua thôi, làm cho bà buông lỏng đề phòng, tiếp tục nêm nếm nồi cháo. Ở sau lưng bà, Sang đã kéo ghế ngồi, phóng tầm mắt ra nhìn bầu trời ở đằng xa:
“Nếu mà con có lấy vợ mà cô vợ đó không chịu, thì con sẽ thôi vậy.”
“Biết vậy là tốt.” Bà Lan múc một muỗng cháo, thổi nhẹ rồi nếm thử, thấy vừa miệng mình vô cùng.
Sang không đáp trả gì cả, chỉ chăm chăm nhìn bông lau vừa rời xa cây cỏ mẹ, vấn vít lấy ngọn gió. Rồi Sang cười, trong giọng cười có tiếng thở dài, như một nhà hiền triết nào đó vừa ngẫm ra chân lý mới.
Tận gần chục năm sau, bà Lan mới vỡ lẽ ra lời tuyên bố của thằng Hai nhà mình. Nghĩa diễn dịch của nó là thế này: “Nếu mà con có lấy vợ mà cái cô đó không chịu thì con sẽ ký giấy thôi cổ luôn.” Bà tức nổ cành hông, nhưng ngẫm lại thấy may vì mình không cưới cô gái nào cho cái thằng cứng đầu này, bằng không đã làm khổ cả đời con gái người ta. Tình ý Sang dành cho con dâu của bà quá đỗi sâu sắc, cả mạng còn không cần thì còn kể gì tới những thứ trần tục khác nữa.