Chương 29: Tình thân gia đình (phần 1)
Ngày 20 tháng 7 âm lịch.
Nốt ngày hôm nay nữa thôi, cậu Ba Thịnh nhà Binh bộ Thượng thơ sẽ rời xa quê cha đất tổ, cưỡi trên những con sóng lớn để tìm đến một chân trời mới.
Người ta thường rộng lượng với những kẻ sắp đi xa. Ban sớm, phu nhân Phương Huệ thân tình gọi dì Đào vào buồng mình, cho dì cái áo dài gấm mới để qua xứ người mặc cho bằng chúng bằng bạn. Tĩnh thì bấm bụng để Thịnh lục tung kho sách của mình để tìm cẩm nang học giao bằng tiếng Tây phù hợp với anh nhất.
“Nhiều ghê á mi.”
Thịnh thực sự choáng ngợp với gia tài tri thức mà Tĩnh tự tích cóp cho mình. Một rương sách, chỉ để học tiếng Tây, cậu phân ngăn rõ ràng từng mục – học đọc, học viết, học phát âm.
Thịnh chọn bừa một quyển, đọc thử. Chữ Tĩnh viết ngay ngắn, rõ ràng, chiết lấy những gì tinh tuý nhất đặt lên trang giấy, kiến thức cậu muốn ghi nhớ cho bản thân cũng như truyền đạt cho người sau đi theo hướng giản đơn, vì thế nên rất dễ hiểu. Tâm trí Thịnh như được khai mở, thoải mái để ánh sáng tri thức chiếu vào.
Căn cứ vào đây, Thịnh tin tưởng thằng em mình sau này sẽ là một thầy giáo giỏi.
“Ta mượn mi mấy quyển hỉ, qua năm ta trả.” Thực lòng Thịnh muốn ôm hết sang Tây, nhưng sợ mình không có thời gian để đọc.
“Anh lấy quyển mô* cũng được.” Tĩnh rất thoải mái, dù gì cũng đã ghi hết vào đầu rồi, cậu có thể viết một quyển mới.
*Mô: nào
“Rứa* à? Ta mượn quyển ni luôn hỉ.” Thịnh đánh bạo rút quyển tập bọc bìa da, nhìn sang cả nhất trong rương sách. “Hửm?”
*Rứa: thế
**Ni: này
Người viết quyển này không phải Tĩnh, chữ tuy đi nét mềm mại nhưng vết bút sắt ấn mạnh lên trang giấy. Nó cũng chắt lọc tinh hoa, nhưng là từ những điều dung dị nhất, lời cảm ơn, xin lỗi thường nhật, tiếng cười đùa của đám sinh viên trẻ, những bài hát luôn vang lên vào dịp lễ Giáng sinh.
Đầu óc Thịnh kêu lùng bùng, những con chữ trong tập như đang nhảy nhót múa may, thách thức anh cùng nó chơi trò đuổi bắt, qua con đường rợp bóng hoa có anh chàng nghệ sĩ hát vang bản tình ca, qua nhà thờ Đức Bà nghe những lời cầu nguyện. Anh cứ đuổi theo nó mãi, cứ thế, chút nữa đã quên trời quên đất, cho tới khi thằng út vỗ tay gọi hồn anh trở về.
“Anh thích quyển ni* hỉ?”
*Ni: này
Tĩnh đặt tay lên cuốn sổ bìa da, khéo léo dùng vũ lực giật nó về, cậu học lóm trò này từ Sang nên thao tác không được nhuần nhuyễn cho lắm, làm bàn tay ngà ngọc của Thịnh xuất hiện một vệt cào đỏ chót.
“Đau nha mi!” Thịnh bực mình quát, anh vẫn nhớ mình ngồi vai trên thằng này mà.
Tĩnh cũng biết là mình hơi quá nên vội xin lỗi anh trai, nhưng cậu vẫn không có ý nhường quyển sổ bìa da kia. Thịnh cũng thở khì bỏ qua, là anh thì nên rộng lượng, thấy nó giữ khư khư thế kia, tự biết nó cướp cái đó từ ai rồi.
“Thôi, để ta xin hắn quyển khác.” Thịnh xua tay, quay mặt khỏi quyển sổ cho thằng em mình yên tâm.
“Không cần mô. Em có cái ni.”
*Không cần đâu. Em có cái này.
Tĩnh lật đáy rương lên, lấy và đưa cho Thịnh một quyển sổ khác, cũng rất đẹp, bìa gỗ bọc vải gấm hoa, có hương hoa lài thoang thoảng ướp trong giấy để khử mùi nồng của mực. Trong sổ này chép lại toàn bộ nội dung trong quyển sổ bìa da kia, không sót một dấu chấm phết, nhưng nét chữ là của Tĩnh.
“Rứa* ta lấy quyển ni** hỉ.”
*Rứa: thế
**Ni: này
“Dạ.”
Tĩnh tủm tỉm cười, lòng mừng húm. Cậu chép quyển này là để đề phòng người ta đòi đồ, cậu sẽ lấy bản sao thay cho bản gốc, nhưng mà người ta chỉ cười khan, không có đòi. Bản sao dư thừa bị vất vào đáy hòm hôm nay lại được việc.
“Chừng ni* chắc là đủ rồi. Hai, bốn, sáu, tám, chín. Số ni hên lắm nì.”
*Ni: này
Thịnh nhẩm đếm một lượt rồi bỏ sách vào chiếc cặp da mới, đóng khóa lại.
“Mi ở lại, nhớ giữ sức khỏe.”
Thịnh hít hà, thấy cả người lạnh buốt, anh bắt đầu biết được khí trời bên xứ người ra sao. Bỗng, một cái bóng lớn ập tới, áp lên da thịt anh cái hừng hực của trời hè nước Nam. Tĩnh đang quỳ khụy một gối, ôm trọn người anh vào lòng.
“Em sẽ viết thư cho anh. Anh cũng rứa* nhe.”
*Rứa: thế
“Ừ. Ta nhớ mà.” Thịnh xoa xoa bả vai Tĩnh, chợt, anh níu một cái. “Ta đi, mi nhớ lo cho anh Hai.”
Tĩnh chớp mắt, gật đầu. Có lẽ ít ai biết được cậu Hai, cậu Ba nhà quan Binh bộ Thượng thơ thân thiết với nhau như thế nào, Thịnh yêu thích nghề chữa bệnh cũng vì khi xưa thường băng bó cho anh Lương sau mỗi giờ anh tập võ. Anh Lương đánh “giặc” về rồi đầu óc nửa tỉnh nửa say, ngoài phu nhân Phương Huệ ra, Thịnh là người duy nhất có thể cùng anh ngồi tâm tình, trò chuyện.
“Chừ* ta đi gặp anh Hai chút.”
*Chừ: giờ
“Em đi với anh.”
“Ừ.” Thịnh mỉm cười. “Mình đi.”
Thịnh với Tĩnh băng qua sân, đi về gian nhà nằm sâu trong góc, từ lâu đã bị xem là chốn thâm cung bí sử. Nơi ấy tù mù, ọp ẹp, quanh năm nghi ngút nhan khói, chuông mõ đều đặn văng vẳng theo giọng đọc kinh sám hối của cậu Hai Lương.
“Anh Hai nì.” Thịnh gõ cửa. “Anh Hai, em với thằng Tĩnh tới rồi ni.”
Cánh cửa bạc màu sơn, xiêu vẹo bản lề từ từ hé mở, tiếng ken két cứa vào màng nhĩ làm mấy đứa hầu vô tình đi ngang qua giật thót tim. Bàn tay gầy guộc, gân guốc vịn thành cửa, con người rệu rã ấy khó nhọc mở miệng thều thào:
“Thằng Thịnh tới rồi hỉ? Còn…” Anh Lương híp mắt, nhìn cậu trai áo dài khăn vấn đạo mạo kia, vô thức kéo lê đôi chân trần lùi về sau.
Thịnh vội kéo tay Tĩnh lại gần:
“Anh Hai, thằng Tĩnh ni* mà. Hắn là em mình mà.”
*Ni: đây
Anh Lương lắc đầu, chạy ra sau cửa nấp. Thịnh cố nài, dắt anh Lương ra gửi gắm cho thằng út, nhưng anh lại dùng cả người Thịnh làm lá chắn. Tĩnh đâu có kém nhạy cảm như vậy.
“Rứa* anh với anh Hai nói chuyện, em về phòng dọn sách.” Tĩnh đan tay vái anh Lương một cái rồi quay gót về phòng.
*Rứa: thế
Trong lòng bực bội, ấm ức, Tĩnh không về phòng ngay mà đi qua vườn chuối ba tiêu, mượn rừng lá xanh um, mượt mà kia quạt mát cho lòng. Đi hết đường này là tới gian nhà của anh cả. Anh Trung đang chơi với con ngoài sân, phòng khách vắng tanh, ly trà, chén rượu đã úp miệng xuống khay hết rồi, lửa lòng cậu mới nguôi phân nửa thì lại phừng phừng.
Tĩnh thở hắt ra, muốn về phòng cắp dù ra sông Hương chơi. Qua song cửa, Tĩnh thấy người ta đang nói chuyện với mấy đứa hầu trong phòng cậu, luôn tay luôn chân xếp sách vở. Trong lòng cậu tự dưng mát rượi.
“Tĩnh về rồi ha.”
Tĩnh vào rót cho anh chén nước:
“Răng* anh nói chuyện với anh Cả xong rồi không về?”
*Răng: sao
“Tôi đương định về, tự nhiên thấy nóng ruột nên ghé phòng Tĩnh xin chén nước.”
Sang đỡ lấy chén nước, uống từng ngụm nhỏ, dù nước trong chén không hề nóng hay đáng giá bạc vạn để phải tiếc rẻ. Tĩnh nhắc ghế mời anh ngồi rồi dọn nốt mấy quyển sách còn để bừa trên giường.
“May cho anh, tôi đương muốn ra sông Hương chơi, về phòng lấy dù mới gặp anh.”
Sang cười cười, mắt lảng đi, Tĩnh thuộc làu ý nghĩa của hành động này, là anh biết mang máng ngọn nguồn rồi. Cậu phụng má, lườm anh, song cuối cùng lại uể oải ngồi xuống ghế:
“Tôi với anh Thịnh mới đi thăm anh Hai tụi tôi. Ảnh chỉ tiếp mỗi anh Thịnh thôi, đuổi tôi về.” Tĩnh hạ thấp giọng, đến mức khàn đục. “Lần trước cũng rứa*, lần trước nữa cũng rứa.”
*Rứa: thế
Tĩnh rũ vạt trước áo dài kêu phật phật, không cam lòng. Không phải có ý phân biệt gì, nhưng cậu và anh Hai rõ là cùng một mẹ, gần gũi với nhau về mặt huyết thống hơn anh Thịnh, vậy mà khi cả hai đứa cùng đến thì Thịnh lại được chào đón còn cậu bị đuổi về.
Tĩnh liếc qua Sang, ngóng trông những lời an ủi và nụ cười hiền lành như mọi khi, nhưng lần này anh chỉ im lặng ngắm nhìn, vuốt ve gương mặt cậu bằng một ánh mắt dịu dàng. Tĩnh thấy ngứa ngáy trong người, cúi đầu gãi gãi hai má, vành tai đỏ ửng lên:
“Răng rứa*?”
*Răng rứa: sao thế
Sang hơi ngả người ra sau, cười bảo:
“Tôi nghĩ Tĩnh chắc là giống quan Thượng thơ hồi trẻ lắm.”
Tĩnh ngưng thần, sờ lại gương mặt mình từ sống mũi thẳng thóm qua gò má cao cao, hình như họ hàng cũng thường nói cậu giống ông Hiển mấy chỗ này. Cậu còn hay mặc áo dài thâm, bới tóc vấn khăn nữa. Rồi Tĩnh nhớ lại dáng vẻ sợ sệt ban nãy của anh Lương, ngộ ra:
“Anh Hai nhìn thấy cha trong tôi.”
“Ừm.”
Tĩnh cắn môi, rót cho mình hai, ba chén nước, uống ừng ực. Cậu không thích cha mình, không thích cách ông trùm lên ngôi nhà này cái cảm giác ngột ngạt, bứt rứt từ chính ông, mẹ cậu chán chườn ông, anh Cả cũng không thích ông, rồi cả…
“Tôi nghĩ quan lớn hồi trẻ là người chánh trực, sống theo đạo lý, không sợ cường hào ác bá, giống ông gì mà… Ông gì được thờ ở Quốc Tử giám Hà Nội…” Sang nghiêng đầu nghĩ ngợi. “Ông gì ta?”
“Cụ Chu Văn An?”
“Đúng rồi đó!”
Tĩnh đảo nước cặn trong đáy chén, nhíu mày. Nghe sai sai. Ai lại đi so sánh ông quan Thượng thơ ở Binh bộ, đi từ võ qua văn với một nhà giáo chứ, cha Tĩnh đâu có ý từ quan dạy học như Chu Văn An đâu. Nhưng Tĩnh thì có.
Nếu người ta nhìn Tĩnh mà nhớ đến ông Hiển thời trẻ thì anh lại nhìn những nét đẹp nhất của ông để hình dung ra Tĩnh trong tương lai. Tĩnh mím mím môi, đổ nước thừa trong chén đi.
Sang đón chiếc chén không từ tay Tĩnh, đưa khăn cho cậu lau miệng.
“Thiệt ra tôi luôn ngưỡng mộ quan lớn mà.”
“Anh xạo!”
Sang cười trừ:
“Ờ thì, cũng ngưỡng mộ phần nào đó mà.” Anh chụp chiếc khăn Tĩnh ném trả, gấp lại vuông vắn. “Quan là thân sanh của Tĩnh mà.”
Tĩnh mỉm cười, gật đầu.
Sang sực nhớ ra, mở cặp da lấy mấy quyển sách để lên bàn:
“Tôi định tặng cậu Thịnh mấy quyển sách ghi chép chuyện ăn ở bên Tây, không biết quyển nào mới hay.” Anh đẩy nhẹ chồng sổ qua bên ông giáo nhỏ. “Tĩnh duyệt giùm tôi nha.”
“Để tôi coi.”
Tĩnh đem mấy quyển sách đến góc bàn gần cửa sổ cho sáng, Sang nhắc ghế đi theo. Hai người chụm đầu vào nhau bàn luận mấy chuyện trong sách vở nguyên cả ngày, làm Tĩnh quên cả kế hoạch ra sông Hương chơi.
“Mi ơi, mẹ Cả nhắc ăn…”
Thịnh khệ nệ bưng mâm cơm canh đứng ở cửa phòng thằng út, thấy cảnh mày qua mắt lại trong ấy mà nghẹn họng. Chẳng trách, thằng Hiền không dám giục cậu Út ra ăn, thằng Hiếu không dám kêu cậu Hai về nhà, tới ông Hiển cũng hết buồn nhắc. Bàn luận gì mà sôi nổi thế? Thịnh ngóng tai nghe thử.
“Bastille bị thất thủ* thì nhà Bourbon cũng tới hồi sụp đổ, bốn năm sau, vua và hậu lần lượt bị chính thần dân của mình xử chém.”
*Sang đang nói đến sự kiện chiếm ngục Bastille, dấu mốc quan trọng của cách mạng Pháp, đặt viên gạch đầu tiên cho nền cộng hòa thứ nhất của Pháp.
Tĩnh gật gù, bảo:
“Người xưa có câu “dân là nước, vua là thuyền, nước có thể đẩy thuyền, cũng có thể lật thuyền”, là như rứa. Nếu vua quan không thương dân đen, sớm muộn chi cũng chuốc lấy thảm thương.”
“Nhưng không chỉ vậy. Tôi cho là người dân cũng phải tự biết hộ cho mình, đừng cứ trông chờ bên trên. Mà không, ai cũng phải như vậy, dân cày, thợ thuyền, chủ đất, con buôn, quan lại, vua chúa đều phải tự biết lo cho mình trước. Không ai quyết định số phận ta tốt hơn chính ta.”
“Ý anh là mọi chuyện đều bắt đầu từ mỗi người? Như câu “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”?”
Sang gật đầu:
“Đúng vậy. Và không gì giúp ta trở nên mạnh mẽ hơn ngoài văn hóa, học thức.”
Thịnh nghe tới đây thì choáng váng mặt mày, hai chân lảo đảo, đầu va vào tường kêu cái cốp. Đôi bạn kia giật mình, quay đầu lại, ngớ người ra. Thịnh bưng mâm cơm canh vào, cười trừ bảo:
“Mi không xuống nhà ăn cơm nên mẹ Cả kêu ta đem cơm vô cho mi.”
“Ấy chết!” Sang luống cuống thu dọn sách vở, mũ áo. “Lo nói chuyện mà để Tĩnh lỡ giờ cơm. Xin lỗi nha.” Anh thầm trách mình, tại chuyện trò say sưa quá nên cứ ngỡ đang ngồi thuyền dạo sông Hương như mỗi đêm, định chờ trăng lên rồi về.
“Ầy, nỏ răng mô*. Mi…”
*Nỏ răng mô: không sao đâu
Thịnh muốn ngỏ lời mời nhưng miệng anh không nhanh bằng tay thằng Út, nó níu áo người ta lại, nghiêng đầu về phía mâm cơm. Thấy Sang ngần ngừ, Tĩnh nói:
“Tôi ăn ít lắm, anh đừng lo.” Rồi nắm áo người ta chặt hơn.
Thịnh được đà, nói chêm vào: “Ừm, mẹ Cả ta để phần cơm cho ba đứa luôn, mi đừng lo hỉ.”
Sang thấy trong mâm có đúng ba đôi đũa, không còn cách nào khác là cùng hai cậu nhỏ nhà Binh bộ Thượng thơ ăn cơm trưa. Anh cầm đũa lên mà cứ lóng ngóng, tại không biết người ta ăn cơm theo quy củ nào, trước giờ chỉ uống rượu nhắm đồ với nhau thôi chứ có dùng bữa chung đâu.
Tĩnh nhìn bộ dạng lóng ngóng của anh, phì cười:
“Hôm anh vô cung hầu vua cũng như ri* hả?”
*Như ri: như vầy
Sang cười trừ, xin cậu bỏ qua cho. Thực ra giờ anh thấy bồn chồn hơn cả lúc hầu cơm vua Duy Tân cơ. Anh cũng không hiểu vì sao.
“Để tôi xới cơm cho Tĩnh với cậu.”
Anh xắn tay áo, cầm muỗng lớn xới cơm cho hai cậu nhỏ nhà quan trước rồi mới tới mình. Nhìn thì có vẻ như ba chén bằng nhau, nhưng ai tinh mắt nhiều chút sẽ thấy lúc anh xới cho Tĩnh có đè lên mặt cơm một tí, nghĩa là cơm trong chén đó nhiều hơn. Mà nhà Binh bộ Thượng thơ được hai thằng con nhỏ đều tinh mắt.
Thịnh ngó mà chạnh lòng, thầm than cái ông Nam Kỳ này sao mà thiên vị, không chỉ chuyện lượng cơm trong mỗi chén mà cả trong xưng hô.
“Tĩnh với “cậu” ha.” Thịnh lèm bèm, và cơm đầy miệng. “Tĩnh với “cậu” ha.”
“Tôi có đem ít sách qua nhờ Tĩnh chọn để biếu cậu lấy thảo, mà mê nói chuyện quá, quên luôn chuyện cơm nước.”
Thịnh uống vội ngụm nước cho trôi cơm, xua tay bảo:
“Có chi mô*. Trong nhà ni** hoan nghênh chuyện trò học hành tới quên ăn quên ngủ. Mi với thằng ni muốn nói tới sáng mai cũng được.” Rồi kề sát miệng vào tai Tĩnh, rì rầm. “Mi muốn không? Ta xin với cha cho. Bữa ni ta quyền lực ghê lắm.” Quyền lực của một kẻ sắp đi xa, Thịnh vừa nghĩ đến, cổ họng hơi nghẹn lại.
*Có chi mô: có gì đâu
**Ni: này
“Dạ thôi, tôi còn hành lý phải sắp xếp ở nhà.” Anh nhìn sang Tĩnh, mỉm cười. “Tầm chiều tôi lại ghé.”
Trong mắt Tĩnh lóe sáng như có ánh sao mai, nhưng cậu sực nhớ hôm nay là ngày cuối của anh trai trên quê cha đất tổ, phải lâu lắm mới được gặp lại. Cậu ngần ngừ, quay đầu nhìn Thịnh, hôm qua Thịnh có gợi ý là hai anh em sẽ chơi cờ với nhau suốt đêm cuối.
“Mi cứ đi đi. Chiều ta qua chỗ anh Hai nói chuyện, tối ngủ ở nớ* luôn.”
*Nớ: đó
Thằng em cùng bạn nó đã xát muối vào trái tim Thịnh thì anh không ngần ngại làm điều tương tự với nó. Cậu Ba nhà quan Thượng thơ nhe răng cười đắc thắng. Nhưng chẳng được bao lâu, khi Tĩnh xụ mặt và cơm canh trong mâm lập tức mất ngon, Thịnh vội chữa cháy:
“Thì… thì… mi cứ đi chơi với hắn đi.”
“Dạ, em nghe anh.” Tĩnh cầm chén lên, từ tốn và cơm vào miệng, cậu chỉ ăn mỗi cơm, không động thịt cá.
Thịnh phát hoảng, vội khều chân Sang ở dưới bàn, nhờ anh cứu vãn tình hình. Sang đè chân Thịnh xuống, ý bảo cứ ngồi yên đấy, để anh tìm cách. Anh dịch ghế qua bên Tĩnh, vịn vai cậu:
“Để chiều nay tôi phụ Tĩnh xếp sách vở cho cậu nha.”
Ngón tay anh gảy nhẹ vai cậu, như đang gảy những cung điệu trong một bản nhạc, dịu dàng phẩy đi nỗi buồn trong lòng cậu. Nhưng Tĩnh vẫn giữ cái chén ở nguyên vị trí, che cái miệng đang nhai một búng cơm lớn. Sang đang ngồi sát bên cậu, thấy cái miệng phồng lên như mấy con sóc gặm hạt trong vườn trường Đại học Paris, anh phải cố lắm mới nhịn được cười, vuốt lưng cho cậu, nhìn thì giống đang dỗ, thực chất là vuốt cho cậu mau trôi cơm. Tĩnh nuốt ực búng cơm xong, đá chân anh một cái.
“Hai người ni*…”
*Ni: này
Thịnh chỉ biết thở dài, canh ngoài cửa xem có ai thập thò định mách lẻo bề trên không, ông Hiển mà thấy cảnh này chắc đánh đòn thằng út quá. Nhà Hồ Đắc ăn cơm quy củ lắm, cấm mấy cái trò sờ qua đá lại như này, cậu út tuân thủ quy củ tốt nhất. Nhưng hôm nay nó lại thế này đấy, Thịnh không thể lý giải nổi.
“Anh ăn cơm đi.” Tĩnh gắp cho Sang ít rau. “Cứ ngồi nói chuyện.”
“Ờ.”
Cơm nhà ông Hiển nấu hơi khô, Sang ăn không quen, cứ thấy như có cái gì lạo xạo trong miệng. Tĩnh biết anh đang khó chịu, cầm cổ tay anh kéo lại, múc canh chan vào chén của anh, trộn đều lên:
“Để hôm mô* tôi nói với nhà bếp.”
*Hôm mô: hôm nào
“Thôi Tĩnh, tội tôi quá.”
“Không có chi tội cả, anh ăn không ngon là nhà bếp nấu không ngon.” Tĩnh biết anh định nói gì, chặn miệng trước. “Lựa gạo ngoài chợ cũng không tốt.”
“Thôi mà…” Sang năn nỉ cậu. “Tĩnh à, tôi đắc tội gần hết nhà Thượng thơ rồi đó. Tĩnh thương tôi đi.”
Tĩnh chớp mắt: “Có lúc mô* tôi không thương anh mà chừ** anh đòi?”
*Lúc mô: lúc nào
**Chừ: giờ
Cứ đẩy đưa qua lại như thế, mâm cơm trưa cũng hết sau một giờ, cơm canh tuy có nguội đi nhưng không khí ấm cúng được duy trì đến cuối. Thịnh ngồi một bên nghe hai người kia nói chuyện là chính, lại cảm thấy mãn nguyện. Trong ngày cuối cùng ở trên đất khách, anh đã được ăn bữa cơm gia đình thực sự.
Góc đính chính: Về chuyện xưng hô trong truyện, theo như tìm hiểu từ một bạn có tìm hiểu về thời kỳ này là người ta kiêng xưng tên húy, tức là nếu Sang với Tĩnh có ngoài đời thật thì họ sẽ không gọi nhau bằng tên mà có thể gọi nhau bằng họ hoặc thứ bậc trong nhà, tại vì khi này Tĩnh chưa đủ tuổi nhận tên chữ. Nhưng truyện đã đi tới từng này chương rồi, nếu mình sửa ngang thì sẽ hỏng mạch cảm xúc của truyện và của bản thân, khó lòng viết tiếp được, nên mình vẫn cho họ giữ lối xưng hô cũ. Tuy nhiên, mình vẫn để fact về vấn đề xưng hô thời đó ở góc đính chính cho các bạn được biết, mong các bạn không nhầm lẫn giữa trong truyện và ngoài đời. Thành thật xin lỗi các bạn nghiêm túc với lịch sử vì sơ sót này.