Chương 6: Hoà hợp cung đàn
Rồi Sang dạy Tĩnh cách đàn sao cho hay. Sang không chỉ nhiều về ngón đàn, bởi vì Tĩnh luyện đàn đã mười hai năm, cậu học từ thầy giỏi nên kỹ thuật nhuần nhuyễn từ lâu rồi, Sang chỉ kỹ về cách ứng biến, cách “nói chuyện” qua phím đàn, anh giảng bài ngay trên bản “Lưu thuỷ”, bài đàn sở trường của Tĩnh.
“Khi đánh đàn, Tĩnh cứ coi nó như tay chân của mình.”
Sang cầm đàn lên gảy bản “Lưu thuỷ”. Khúc dạo đầu thật êm đềm, như dòng sông Hương hiện tại, nhẹ nhàng đẩy con thuyền về vầng trăng đang in trên mặt nước. Nhưng sau đó Sang đột ngột gảy mạnh dây trầm, đẩy bản đàn đi qua một bậc cảm xúc khác, nó cũng là dòng nước chảy, tuy nhiên dòng nước này lại chầm chậm luồn lách qua vùng hoang mạc, mang cái mát lành thấm vào mảnh đất khô cằn, gọi hạt cỏ gượng dậy mọc mầm. Sang lại đánh luyến vào dây bổng, dòng nước đột ngột chảy xiết, như được điều khiển bởi cuồng phong bão tố, cuốn phăng đi mấy hạt bụi lơ lửng trong đất trời, gột bỏ hoàn toàn cái u ám, ảm đạm, đưa về cho đời quang cảnh sáng sủa, tươi mát.
Chỉ một bài “Lưu thuỷ” mà có thể chơi ra ba kiểu khác nhau, một như lời trần thuật, một như lời thủ thỉ, một như tiếng gào thét, Tĩnh chỉ muốn chắp tay bái phục ngay lúc này thôi.
“Anh Sang đúng là cao thủ. Tôi kính anh một chén.”
Tĩnh cầm bình rót rượu, vì phấn khích quá mà tay cậu run lẩy bẩy, Sang vội gác đàn, đỡ lấy tay cậu, rượu trong chén rơi ra ngoài hết phân nửa, văng lên cổ tay áo anh.
“Xin lỗi anh.” Tĩnh quýnh cả lên.
“Thôi, tôi không sao.” Sang mỉm cười, đón lấy chén rượu, anh để tay lên vai cậu, xoa nhè nhẹ. “Bình tĩnh lại chưa?”
Tĩnh ngượng nghịu, cúi đầu ngồi thu lu như con mèo lỡ làm vỡ lọ hoa. Sang lén người ta cười trộm, hoá ra công tử Hồ Đắc Tĩnh nổi danh nghiêm nghị, khắt khe cũng có lúc này, nhưng mà nhờ thế anh mới biết rằng cậu rất thích chơi đàn nguyệt.
“Sao mà Tĩnh thích chơi cây đàn này dữ vậy?”
Tĩnh chau mày suy nghĩ, trong sóng mắt loang loáng những ký ức thời xa xưa, có vẻ như Tĩnh muốn đi ngược dòng thời gian để truy tìm căn nguyên của sự si mê mà cậu dành cho cây đàn nguyệt này.
“Vì anh.”
Câu trả lời thành thật tới mức thẳng thừng của Tĩnh khiến cho Sang sững sờ.
“Vì tôi sao?” Sang thực không dám tin vào tai mình.
Tĩnh khẳng định địa vị của Sang trên con đường trau dồi ngón đàn của mình bằng một cái gật đầu.
“Năm ba tuổi tôi nghe anh đàn trên xe, thích ghê lắm.” Khuôn miệng nghiêm nghị của công tử Hồ Đắc Tĩnh nhếch lên, giờ nhìn cậu như đứa trẻ con đang nhớ thương hương vị kẹo ngọt. “Anh đàn hay quá, làm tôi nghe người ta đàn không lọt lỗ tai nữa, tìm anh thì không biết tìm chỗ mô, nên tôi đi học đàn, ráng tập để đàn hay như anh.”
Tĩnh ôm cây đàn của mình, sờ lên đôi dây tơ đồng, gảy mấy tiếng vô nghĩa, mắt huyền lườm sang anh, nửa phần oán trách, nửa phần tủi thân, khiến Sang nửa thấy tội lỗi, nửa thấy thương thương. Sang xoay chén rượu trong tay, hít một hơi thật sâu rồi ngửa đầu uống cạn.
Anh nhấc đàn lên, tiếp tục chơi bài “Lưu thuỷ”. “Dòng nước” lần này chảy thật chậm, uốn khúc quanh ghềnh đá. Chợt, Sang ghì lên hai dây đồng, gõ thùng đàn một cái, mắt hướng về Tĩnh, đá lông nheo. Hành động anh thật kỳ quặc, nhưng mà Tĩnh lại thông suốt vấn đề. Cậu cũng nhấc đàn lên, cũng chơi bài “Lưu thuỷ”.
“Lưu thuỷ” của Tĩnh và Sang khác nhau hoàn toàn, Tĩnh giữ lại âm sắc và nhịp điệu của nguyên bản, là một dòng sông trôi lững lờ trong bức tranh thuỷ mặc, đẹp đến nao lòng, nhưng mà chẳng có lấy một gợn sóng. Đấy là điều Tĩnh thấy mình thua kém Sang rất nhiều, cậu đã tự hiểu được vấn đề của bản thân, đó là không phá khung sổ lồng được, đi ra khỏi khuôn khổ ban đầu như Sang, bởi vì cậu không đủ can đảm và cảm thấy mông lung khi vượt sông về biển.
Chợt, Sang gõ lên thùng đàn, khẽ gọi: “Tĩnh.”
Anh dùng âm nhạc dẫn đường cho cậu, anh đưa cơn gió mùa hạ đến với dòng sông, mang theo hoa cỏ cùng chim muông, khiến cho mặt nước êm đềm gợn lên con sóng, một con cá nhảy lên đớp lấy cánh hoa bằng lăng tím, Tĩnh vừa gảy mạnh dây bổng, bước một chân ra khỏi làn ranh của bài nhạc, tiến đến sự thăng hoa. Cậu mừng rỡ, những ngón tay run lên, ấn mạnh trên hai dây đồng. Cậu bắt đầu làm được rồi.
“Anh Sang!” Mắt Tĩnh sáng lên khi hướng về Sang, bờ môi cậu lẩy bẩy.
Sang cười thật hiền, anh tiếc gì mà không thưởng cho cậu học trò giỏi của mình một viên kẹo thật là ngọt: “Tĩnh giỏi ghê ta ơi. Từ từ rồi cũng làm được rồi nè.”
Đã lâu rồi Tĩnh không được người ta động viên thế này, ban đầu không quen, cứ thấy ngường ngượng làm sao ấy, nhưng sau đó thì khoái chí tới mức tít hết hai mắt, má ửng hồng như người say rượu.
“Tiếp nha.”
“Ừm.”
Hai người dùng tiếng đàn nguyệt xướng hoạ cùng nhau, tiếng đàn của họ quyện vào nhau, bù khuyết vào nhau, hoà hợp lạ lùng. Cô gái nghe đến say sưa, quên cả việc chèo thuyền, để mặc nó cho gió cùng sóng nước đưa đẩy.
Đến khi trăng đã lên cao thì Sang ghì lại dây đàn. “Khuya rồi, về nhà đi Tĩnh, mình còn một tuần lận mà.”
Cảm xúc đang ở cao trào bỗng phải ngưng, Tĩnh hơi không cam lòng, dù rằng Sang đã an ủi anh sẽ dành trọn một tuần ở Huế cho cậu, cậu cũng chưa thấy thoả, cậu trông con thuyền quay lại bờ mà mặt rất miễn cưỡng.
“Tôi đưa Tĩnh về nhà được không?”
“Ừm.”
Thế là Tĩnh và Sang rảo bước về nhà ông Thượng thơ Hồ Đắc Hiển. Trên đường đi, hai người hàn huyên rất nhiều. Sang chợt hỏi:
“Năm đó Tĩnh xuống Mỹ Tho làm gì?”
“Năm đó mẹ dẫn tôi xuống đó xin bùa cho anh hai của tôi.”
“Anh hai của Tĩnh bị sao vậy?”
“Hồi năm Ất Mùi (năm 1895), anh hai tôi theo lệnh triều đình làm phó tướng của ông Nguyễn Thân tới Hương Khê đánh dẹp Phan Đình Phùng, khi về thì điên điên khùng khùng, nói bậy nói bạ. Mẹ tôi đi đủ chùa đủ miếu để cầu cho anh tỉnh lại, nhưng giờ vẫn chưa lành hẳn, cứ thích nhốt mình trong phòng, không muốn gặp ai hết.”
“Uổng ha, đợt đó quân triều đình thắng lớn mà. Nếu anh của Tĩnh bình thường thì có khi được lên hàm rồi.”
“Ừm, tướng Việt đánh thắng tướng Việt, vinh dự, vinh dự lắm.”
Năm đó Tĩnh còn nhỏ, chưa hiểu thấu đáo về căn bệnh của anh mình, mẹ nói anh bị ếm bùa thì cứ tin vậy thôi, nhưng về sau, khi lớn lên, nhìn thấy thế cuộc rối ren, nghe lời bàn tán về gia đình mình, Tĩnh đã dần hiểu được, thực ra trận đánh đó chẳng khác nào tự lấy tay tát mặt, hai bên đều là mệnh quan triều đình, đều giương cao ngọn cờ chính nghĩa.
Tĩnh biết lời thương tiếc ban nãy của Sang có bảy phần muốn an ủi cậu một cách hài hước, ba phần là mỉa mai trận chiến nồi da xáo thịt. Tĩnh muốn đọc suy nghĩ của Sang qua ánh mắt của anh, nhưng Sang cao quá, cậu nhìn không tới, nghe bảo người Nam Kỳ ăn bơ sữa của Tây nên cao lên, giờ Tĩnh được chứng thực rồi. Cậu hỏi thẳng:
“Anh thấy thế nào?”
Sang đổi mang đàn sang vai bên kia cho đỡ mỏi, anh đút tay vào túi quần, nhìn lên vầng trăng tròn, chợt ngâm lên:
“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây
Một bàn cờ thế phút sa tay
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ bầy chim dáo dác bay.”
Chạy giặc – Nguyễn Đình Chiểu
“Sau cơn loạn lạc, ai ăn, ai thua thì dân cũng là người khổ.” Anh nhếch mép, không biết là cười cho thế cuộc hay vì không thể khóc nên chỉ biết cười.
“Thơ của cụ Hối Trai* à? Rứa mà anh nói với tôi là chỉ thuộc ca dao tục ngữ nước mình thôi.” Thực ra Tĩnh cũng không tin vốn liếng kiến thức nước nhà của Sang hạn hẹp đâu, vừa rồi anh chơi bài “Lưu thuỷ” rất là rành rẽ.
“Ông nội tôi hay ngâm thơ của cụ đồ Chiểu ở nhà, tôi nghe từ nhỏ mà quen luôn.”
“Ra là rứa à. Rứa anh có muốn ra Huế thi làm quan không?” Tĩnh hỏi đùa.
Sang bật cười, bảo: “Tôi mà đòi ra đây làm quan là bị mấy cụ lấy chổi quét đi liền đó.”
Khi hai người còn cách nhà Thượng thơ tầm trăm bước chân, Sang nói lời tạm biệt, Tĩnh cũng đành biết làm vậy thôi, cha cậu vẫn đang ở nhà, mà ông không thích những người theo Tây học.
“Tối mai mình gặp nhau chỗ cũ nha. Tối mai Tĩnh để tôi đãi đi.”
“Ừm. Anh về.”
“Tôi về đây.” Sang hạ mũ, nghiêng người chào rồi xoay lưng đi.
Tĩnh đứng đó một lúc lâu, trông bóng Sang ngày một xa dần, trong đầu văng vẳng lời nói đùa của anh, nó đùa nhưng cũng có phần thật, làm cho Tĩnh thấy nghẹn trong cổ họng, không biết nói thế nào, cậu cũng đoán được nếu Sang ra đây làm quan, người đầu tiên cấm cản sẽ là cha mình. Rồi Tĩnh nhìn lại bộ dạng xưa nay lẫn lộn của mình, buồn rầu mà tự hỏi:
“Chẳng có cách chi để hoà hợp à?”
*Hối Trai là hiệu của nhà nho, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sau khi ông bị mù.