Chương 8 (phần 2)
Sang mới xuống ga Mỹ Tho là thấy ngay tía và em trai ở cửa đón. Thằng Tài, em trai anh chạy ào đến, nhảy cẫng lên, Sang hiểu ý, nhấc bổng nó lên. Ông Phạm Lang thấy Sang tay xách nách mang mà còn phải cáng đáng thêm một con heo sữa nữa thì giơ tay xin can ông nhỏ.
“Thôi xuống đi ông ơi, gãy tay anh ông bây giờ.”
Sang cười, vẫn bất chấp mà ẵm em trai trên tay. Thằng Tài thua anh tận mười tuổi, hồi má Sang mới sinh nó ra thì bệnh một trận, tía bù đầu lo cho má nên anh nhận phần lo em trai, riết rồi anh xem nó như con trai mình, nó muốn gì anh chiều nấy. Ông Lang biết không sao gỡ con heo sữa kia khỏi người Sang được thì đành lắc đầu bất lực.
“Thôi mình ra xe đi con.”
Ba cha con dắt díu nhau ra xe, đồ của Sang chất đầy cốp, phải chen một cái giỏ vô trong ghế, cũng hên là hôm nay chỉ có hai người rưỡi – gồm hai người lớn và một đứa nhỏ, Sang để Tài ngồi trong lòng mình nên vẫn còn chỗ để chen.
Sang cười cười, hỏi: “Má còn giận con hả tía?”
“Má giận anh Hai lắm luôn á anh Hai. Tía kêu má đi chung với tía ra ga đón anh Hai, cái má nói: “Nó đi đâu thì đi cho khuất mắt đi, em hổng thèm!” Vậy đó!”
Tài khoa tay múa chân, chu môi phồng má để miêu tả cho rõ thái độ của bà, còn thiếu điệu bộ ngúng nguẩy nữa thì giống y chóc luôn. Sang nhìn Tài ra bộ mà ôm bụng cười bò, hai anh em nhà này có thú vui hơi mất nết là đi nói xấu má.
“Hai cái đứa này, vậy mà cũng nói được.” Ông Lang trách hai thằng quý tử nhưng cũng không nhịn cười nổi, muốn nói mà chữ được chữ mất. “Về nhà… bả… đánh… cho tơi bời hoa lá…Há ha hà…”
Trên xe đầy ắp tiếng cười, cười từ nhà ga về tận tư gia, xong khi bước chân vô sân thì cùng nhau im bặt.
Trên sân để một cái ghế mây, bà Lan đang ngồi trên ấy may cái áo dài. Bà Lan là mẹ của Sang với Tài, năm nay đã bốn mươi tuổi, từng tuổi này rồi bà vẫn thích vận bà ba đỏ với quần trắng, nhưng nhìn vẫn hợp nhãn lắm, nhan sắc vẫn rất đỗi mặn mà, tóc bà nuôi dài thật dài, qua luôn cả thắt lưng, đen nhánh và mượt mà, da bà trắng như trứng gà bóc, đôi gò má phơn phớt ánh hồng, lấp ló lúm đồng tiền duyên.
Thấy má ở đây, hai anh em tự động vòng tay lại.
“Thưa má, con mới về.” Sang lễ phép thưa trình.
“Ờ, ông thầy nhỏ ở Huế ổng về rồi. Sao hổng ở ngoải luôn đi?” Bà lạnh lùng dùng cây kéo cắt phựt sợi chỉ. “Trước thì nói đi ba ngày, xong cái đánh dây thép xin thêm bốn ngày là một tuần. Sao hổng ở hai tuần luôn, cho chẵn chòi?”
Sang cười nói:
“Thì con trình với má rồi. Con may cho má cái áo dài, mà người ta hẹn tới một tuần lận, nên con phải ở lại để chờ đó má.”
“May áo cho tôi hay may cho cô nào ở ngoải?”
Không khí ở đây căng như dây đàn, hít thở thôi mà cũng thành tiếng động lớn. Chợt, con Thắm từ sau nhà bếp hớt hải chạy lên, la um sùm:
“Bà ơi, nồi thịt kho hột vịt bà làm khét rồi, làm sao bây giờ bà? Cậu Hai sắp về rồi…”
Lời thông tri của con Thắm vốn là để cứu vãn tình hình ở dưới bếp, nhưng mà cổ lại làm vỡ nát hình tượng bà Lan ở ngoài sân. Giờ lộ ra là bà Lan vô cùng thương nhớ thằng Hai nha, đã vậy còn tự tay nấu một nồi thịt kho nước dừa để đón nó về nhà.
“Thôi mình ơi, để con nó vô ăn cơm đi, nó ngồi xe lửa cả ngày trời, mệt lắm rồi.” Cuối cùng thì ông Lang đứng ra giải vây cho vợ. Ông choàng tay qua vai vợ, phe phẩy chiếc mũ để quạt cho bà. “Vô nhà đi mình.”
Bà Lan nhích từng bước như bị chồng đẩy vào trong nhà, cứ đá guốc lên sân gạch kêu lộp cộp. Hai thằng con trai đứng đằng sau cười tủm tỉm, một hồi rồi cũng dắt díu nhau ra nhà sau rửa tay, rửa mặt.
Bữa trưa hôm nay thịnh soạn khác thường, bà Lan chiêu đãi cho chồng con một món sở trường: thịt kho hột vịt. Tài nhìn những cục thịt vuông vức, vàng ươm, óng ánh mỡ với đường, muốn thò tay bốc ngay, Sang vội cản nó lại, chỉ chỉ vô căn phòng nghi ngút khói trầm.
“Ý, em quên.” Tài che miệng, rồi nó chạy lon ton vào phòng, hô to. “Ông nội ơi, ra ăn cơm đi ông nội ơi!”
Từ căn phòng nhỏ thơm lừng mùi trầm, một ông già gầy gò chống gậy đi ra. Đây là ông thầy lang mà Sang đã rước dọc đường từ ga Sài Gòn về Mỹ Tho, lúc về thì biết ông từng kết nghĩa anh em với ông nội của Sang, thế rồi ông thành ông nội Năm trong nhà luôn.
“Con rước ba ngồi.”
“Ờ, mấy đứa cũng ngồi đi.” Ông Năm Sáng rờ rẫm cái cạnh bàn, nương theo ông Lang mà ngồi xuống ghế. “Ăn đi mấy đứa.”
Thằng Tài hăm hở cầm đũa lên, nó ráng với cái tay nhỏ xíu, trắng trắng trục trục của mình giành lấy những miếng thịt ngon rồi lại bỏ miếng thịt to nhất vô chén anh Hai.
“Em cho anh nà.”
Sang mỉm cười, xoa đầu thằng em trai, vui vẻ tận hưởng miếng thịt ba rọi thơm lừng, nóng hổi, lùa thêm cơm trắng ngon lành vô miệng, cảm nhận rành rành hương vị của quê nhà. Loáng cái mà chén cơm của Sang đã thấy đáy.
“Má, má cho con chén nữa đi má.” Sang chìa cái chén không cho má, miệng ngậm đầy cơm.
Bà Lan bễu môi, nhưng vẫn xới cho Sang một chén cơm đầy. Ông Lang thì rót ly nước để anh uống cho đỡ nghẹn. Thằng Tài sớt đồ ăn từ chén nó qua chén anh. Ông Năm thì hỏi thăm sức khoẻ anh những ngày ở Huế.
Bởi vậy, khi được về nhà, Sang luôn muốn nói một câu:
“Về nhà lúc nào cũng sung sướng.” Sang nuốt xong miếng cơm, bổ sung thêm. “Hông có chỗ nào làm cơm ngon như má hết.”
“Chứ cơm ở ngoài Huế thì sao?” Bà Lan ỡm ờ hỏi.
Sang có khựng lại một lúc:
“Đồ ngoài Huế…” Mắt anh đảo nhẹ một vòng. “Bánh ít gai nhân dừa ở ngoải ngon lắm, bánh đậu xanh cũng ngon nữa.” Rồi anh cười cười, tiếp tục và cơm ăn.
Bà Lan híp mắt lại, bà đang có cảm tưởng như là thằng Hai nhà mình nhớ mấy chuyện ngoài Huế thì ăn cơm vô ngon hơn hay sao ấy. Ông Lang cũng nhìn ra, mỉm cười ý nhị:
“Hai à, con có quen ai ngoài Huế hả con?”
Sang mỉm cười, khẽ gật đầu: “Dạ có, tía.” Anh không để ý rằng hai má mình giờ như trái xoài đang độ chín hườm.
Ông Lang mừng rơn trong dạ, Sang đã hai mươi rồi, vừa đúng tuổi cưới vợ của đám con trai ở quê.
“Con cái nhà ai vậy con?”
“Dạ.” Sang quẹt quẹt mũi. “Con út ông Thượng thơ ở ngoài Huế.”
Với thói quen giai cấp đã ăn sâu vào từng thế hệ, khi nghe tin Sang quen biết với con cái quan lại ngoài đất kinh kỳ, ông Lang không khỏi chau mày. Còn bà Lan thì nhăn mặt, bà không thích người Huế, nhất là các tiểu thơ công tử ngoài Huế, trong ấn tượng của bà, bọn họ toàn ỷ gốc gác cao sang mà vênh mặt lên. Sang tỏ tường suy nghĩ mẹ cha, vội phân trần giúp người ta:
“Tía má đừng có lo là con quen người ta rồi chịu thiệt, người ta tốt với con lắm, lúc con về còn lo quà cáp cho nhà mình nữa.” Nhớ lại những gì Tĩnh đã làm cho mình suốt mấy ngày qua, Sang cảm thấy ấm áp vô cùng. “Đó là một bậc “chính nhơn quân tử” đó tía má.”
Ông Lang, bà Lan thấy có cái gì đó sai sai. Ai lại dùng câu “chính nhơn quân tử” cho đàn bà con gái chứ?
“Anh Hai nói bậy òi!” Thằng Tài ưỡn ngực lên dạy đời, lại tiếp tục múa may ra bộ. “Cái đó phải gọi là “anh thư nữ kiệt”.”
Sang phì cười, ký nhẹ cái đầu to thù lù của thằng em:
“Người ta là con trai ông ơi.”
Ba đôi đũa đang đung đưa thình lình rơi “kịch” xuống bàn.
Mạn Tử Đằng (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 4922
Cảm ơn bạn đã nhắc nhở, mình đã sửa lại rồi ạ.
"Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn." (4 năm trước.)
Level: 15
Số Xu: 20
Số thứ tự của chương nên viết bằng số nguyên nhé bạn.