Cũng vì sợ nó tủi thân về việc đi học nên tôi luôn cố gắng hoàn thành mọi bài tập trên lớp, về nhà tôi luôn dành thời gian cùng nó, hôm thì đi bắt dế, hôm thì nghịch mấy con cánh cam, hôm thì đi nhặt xác ve sầu,…
Nhưng có một ngày cô giao nhiều bài quá, tôi không thể kịp hoàn thành trên lớp, vẫn còn một đề văn còn đang dang dở. Tối hôm đó, tôi cố viết thật nhanh, đang ngồi trên bàn học, bỗng nó đến ngồi bên cạnh:
– Minh học bài hả?
– Ừ. Nhưng tớ sắp xong rồi.
– Minh viết văn à? Cho tớ xem với.
Tôi ngại ngùng đồng ý. Chẳng phút chốc tôi cũng viết xong, đưa bài văn cho nó đọc, nó ngẫm nghĩ một hồi rồi nói:
– Minh đưa tớ mượn cây bút.
Rồi nó lấy tờ giấy nháp, sửa cho tôi vài chỗ văn chương còn lủng củng, mờ nhạt. Không ngờ sau mấy năm chữ nó vẫn đẹp như thế, từ ngữ và cách miêu tả của nó còn hay hơn cả tôi:
– Minh thấy sửa vậy có được không?
– Hay quá. Để tớ sửa lại vào bài.
Tôi nhanh chóng thêm ý của nó vào bài của mình, nó ngồi bên cạnh cười thích thú. Mỗi lần có bài tập môn văn về nhà, nó đều giúp tôi chau truốt lại từ ngữ, thêm những ý tưởng hay, mẹ tôi thấy thế, cũng mua cho nó cây bút và quyển vở để nó viết lách. Nó thích lắm, lúc nào rảnh không thấy nó đọc sách thì cũng thấy nó ngồi viết rất miệt mài:
– Ngân viết gì thế?
– Tớ viết truyện.
– Truyện gì?
Tôi ngướn cổ nhìn vào quyển vở của nó, nó liền lấy tay che lại:
– Bí mật.
Lại bí mật, lần bắt đom đóm ở ngoài đê nó cũng bí mật, giờ nó chỉ chăm chăm viết truyện, chẳng để ý đến tôi, mặt tôi xịu xuống. Có lẽ thấy được sự hờn dỗi của tôi, nó quay sang nhìn tôi, hất tay mỉm cười:
– Bao giờ tớ viết xong rồi cho Minh đọc sau nhé.
– Thật hả? – Tôi tươi tỉnh thốt lên.
– Ừ. Thật mà. – Nó cười tít mắt rồi lại cặm cụi viết.
Nghe nó nói thế, tôi cũng vui hơn hẳn, tò mò chờ đợi câu truyện của nó, tôi ngồi bên cạnh lấy ngón tay xoắn lấy ngọn cỏ, vờn vờn. Bỗng nó nói:
– Mai ông bà dẫn tớ đi thăm bố.
Tôi giật mình quay sang nhìn nó:
– Bao giờ?
– Sáng mai.
Tôi lặng đi, như có cục nghẹn chèn ngay cổ họng, tôi không biết nói gì nữa, cúi mặt xuống đất, bứt đám cỏ xanh mướt chẳng có tội tình gì kia. Chúng tôi cứ im lặng như thế mãi cho đến khi mặt trời đã khuất khỏi cái nóc nhà cao nhất, tôi mới lên tiếng:
– Cần tớ đi cùng cậu không?
– Không cần đâu. Có ông bà dẫn tớ đi cùng mà. – Nó dừng bút nhìn tôi mỉm cười – Có gì tớ về kể cho cậu nghe.
Tôi gật đầu, lòng đầy lo lắng, không biết nó còn giận bố không? Không biết gặp bố nó có hoảng sợ như nghe thấy tiếng mèo kêu không?… Cũng không biết bố nó gặp nó có đánh nó nữa không?… Tôi rối bời, bao nhiêu câu hỏi hiện lên trong đầu, mong sao ngày mai đừng đến.
Trời đã ửng sáng, ánh nắng hắt qua khe cửa sổ, bừng sáng cả ngôi nhà, Ngân về nhà từ sáng sớm cùng ông bà chuẩn bị đồ ăn hoa quả vào thăm bố. Không biết cảm xúc của nó thế nào, tôi quanh quẩn ở nhà chờ đợi, lo lắng.
Cũng đã quá trưa mà vẫn chưa thấy nó về, tôi đành liều chạy sang nhà nó, làm như đợi ở nhà nó tôi sẽ bớt lo lắng hơn vậy. Chân tôi rảo bước, nhà nó cũng từ từ hiện ra trong tầm mắt. Ngôi nhà cũng sửa sang được phần nào, nói là sửa sang nhưng dường như được làm lại từ đầu hết. Ông bà nó phải lấy tiền tiết kiệm mấy năm nay, số tiền để dành dụm cho Ngân sau này để xây lại ngôi nhà. Con trâu vẫn đang được cột trong vườn, thấp thoáng bóng dáng Ngân đang ngồi trong sân, tôi liền chạy đến. Đứng trước cửa nhà, tôi thấy nó đang ngồi cùng ông nội, tôi lặng im chần chừ:
– Minh đấy à? Vào đây cháu.
Tiếng bà nó vọng ra, mải nhìn Ngân tôi không để ý rằng bà nó đang đứng trong bếp.
– Cháu chào ông bà ạ.
Tôi ngại ngùng, chôn chân tại chỗ thì Ngân chạy vọt ra, đôi mắt đỏ ngầu như mới khóc, tôi tò mò nhìn nó:
– Minh ăn cơm chưa? Vào nhà đã, đứng ngoài này nắng lắm.
Giờ mới để ý rằng mồ hôi tôi đang nhễ nhại trên gương mặt, ướt đẫm lưng, tôi liền theo bước Ngân vào nhà, đến ngồi cùng ông nó:
– Cháu chào ông.
– Ừ. Minh sang chơi đấy à?
Ông nó phe phẩy cái quạt tự đan bằng lá cọ, xải tay rộng, gió thổi lây sang tôi. Luồng gió như đóng băng những giọt mồ hôi, mát lạnh sống lưng. Bỗng ông đưa tôi chiếc quạt rồi bảo:
– Hai đứa ngồi đây chơi nhé. Ông ra đình cho mát, ngồi đây ngốt quá.
Rồi ông nặng nhọc đứng dậy, bước từng bước chậm rãi ra khỏi ngõ. Tôi cầm chiếc quạt, ngồi trên thềm phe phẩy cho tôi và cả Ngân. Tôi nhìn nó, ánh mắt đầy tò mò, dù cho đôi mắt vẫn còn hau hau đỏ, nhưng gương mặt nó không một chút buồn rầu thậm chí đôi môi nó còn ánh lên nụ cười, tôi đắn đo mãi rồi lên tiếng hỏi:
– Bố Ngân sao rồi?
– Bố tớ khỏe lắm. – Giọng nó thánh thót kể lại khá hào hứng, nhưng mắt nó đang long lanh lên, cảm tưởng như chỉ cần nó chớp mắt nhẹ một cái, là giọt nước mắt có thể trào ra – Nay bố tớ khóc.
– Hả?
Tôi sửng sốt, dán mắt lên gương mặt đang nở nụ cười chẳng ăn khớp gì với đôi mắt ướt át kia, giọng nó chậm rãi kể lại:
– Lúc tớ đến, tớ đứng nép sau ông bà, nhìn thấy bố, tớ sợ lắm. Nhưng bố tớ chẳng còn hung hăng như lúc say rượu nữa, nhìn bố hiền lắm, như hồi mẹ tớ còn sống vậy. Giọng bố tớ trầm xuống, ấm áp gọi tên tớ:
– Ngân! Ngân!
Tớ nghiêng người sang nhìn bố thì bố liền kéo tớ ra khỏi bóng lưng của ông bà, ôm chầm lấy tớ. Cứ như là lần đầu tiên được bố ôm vào lòng ấy – nó quay sang nhìn tôi, giọng bắt đầu trầm xuống – Người bố ấm lắm. Lúc đó tớ chẳng còn thấy sợ bố nữa, cũng không còn giận bố đã giết Miu nữa, bố là bố, là người tớ vẫn luôn yêu thương. Bố tớ khóc, vừa khóc vừa xin lỗi tớ, bố tớ bảo:
– Bố xin lỗi. Bố xin lỗi Ngân. Bố xin lỗi đã đánh con. Bố… bố xin lỗi đã giết mèo của con. Bố xin lỗi.
Bố tớ cứ liên tục xin lỗi như thế, đồ ăn ông bà chuẩn bị, bố tớ chẳng động đến, cứ nhìn tớ rồi khóc.
Nó đang cười. Không! Nó đang khóc. Không! Nó đang hạnh phúc. Nó ngồi im lặng như đang hoài niệm về buổi gặp mặt sáng nay, hoài niệm về tuổi thơ, hoài niệm về tình yêu của bố. Mấy năm qua nó đã đủ tổn thương rồi, giờ như được hàn gắn lại tâm hồn vụn vỡ, niềm tin về tình yêu của bố càng vững chắc hơn. Tôi mừng cho nó, nó xứng đáng nhận được hạnh phúc, thời gian qua nó đã đủ tổn thương rồi.