Thực ra, trong truyện không dùng bất cứ một kế sách nào nguyên vẹn trong binh pháp Tôn tử cả, nhưng màu sắc của nó thì không thiếu. Theo thứ tự các kế được liệt kê trong binh pháp thì những kế sau đây đã được tận dụng:
THẮNG CHIẾN KẾ
Kế thứ 1 – Man thiên quá hải: Giấu trời vượt biển. Nghĩa dễ hiểu nhất là lợi dụng sương mù để đi đâu đó mà không ai biết. Trong này là lợi dụng địch chưa biết tình hình của mình mà làm việc gì đó khác.
Alarik lợi dụng việc Olaf Haskell chưa biết mình còn sống để về kinh đô và ám sát người này trước toàn dân, để giành lại vị trí cao nhất tại Torstien (Chương V). Đồng thời, Alarik cũng để quân lính của Rey giả làm thương nhân để có lực lượng kìm hãm quân của Haskell. Eric Valter cũng mượn cớ đi họp nguyên lão viện để mang quân về trong cùng chương.
Talia lợi dụng việc các lãnh chúa thi thoảng sẽ tiến cống về kinh đô và việc chưa ai biết Leif trở về để đưa hoàng tử an toàn về bên Alarik (Chương XVII).
Leif lợi dụng việc Eric Valter không nhận ra mình mà kích động thủ lĩnh các tộc Skargune đánh nhau, phá hỏng kế hoạch ban đầu (Chương XVIII).
Rey lợi dụng việc không ai biết Alarik ở trấn nhỏ tại Svenia để bảo vệ hắn và muốn tính kế với Eric Valter trước. Tuy đại kế không thành nhưng ông ta vẫn cử được đội ám sát để bảo vệ Alarik khi cần thiết. Đến Eric Valter còn bất ngờ trước điều này (Chương XXVII)
Kế thứ 2 – Vây Ngụy cứu Triệu: Vây nơi hiểm yếu của địch để địch phải rút quân về, dễ đánh thắng ở chỗ địch vốn mạnh hơn. Talia lần đầu dùng kế này khi ra lệnh cho Brokkr và Garth dẫn quân nô lệ vừa đánh vừa rút khỏi nơi ở của lãnh chúa Edgar Baron (Chương V). Như thế, nàng có thể thuận lợi trốn ra.
Nhưng người dùng kế này tốt hơn là Eric Valter. Ông ta rất giỏi quân sự (nên mới dạy ra Alarik cũng nguy hiểm không kém). Trong chiến tranh Skargune, ông ta một mặt dẫn quân đánh kinh đô, một mặt liên hệ với thủ lĩnh các tộc Skargune để đánh Alarik.
Như vậy, Alarik nếu muốn cứu kinh đô thì nguy hiểm đến chính tính mạng của bản thân. Cũng may Leif dụ thủ lĩnh mới của Skargune đánh sớm (chương XVIII) chứ nếu không thì Alarik cũng rất dễ bị cầm chân trong chiến tranh Skargune. Kinh đô vẫn có thể được bảo toàn do tính toán kĩ càng nhưng mà không chắc chắn.
Kế thứ 3 – Tá đao sát nhân: Mượn dao giết người. Trong truyện là Eric mượn Olaf để giết vua Arnold (Chương XVIII).
Alarik mượn Gudmund và một phần quân đội của thành Inguz để chiến đấu với quân Skargune hiệu quả hơn (Chương XVI).
Ylva muốn mượn cận vệ của Kaarina để giết Talia thay cô ta rồi đổ tội cho hoàng hậu (Chương XV)
Kế thứ 4 – Dĩ dật đãi lao: Lấy nhàn để đối phó với mỏi mệt. Talia thường xuyên ở trong thành để đánh lại quân Skargune hay quân Torstien từ xa tới. Rõ ràng nhất là lúc nàng mở cổng thành khi đang chiến đấu với Torstien để binh lính Torstien nhớ nhà (Chương X).
Alarik để Tarben và lãnh chúa Ulf lại phía sau để họ đủ sức nhàn đối phó với quân của thủ lĩnh các tộc Skargune (Chương XVI).
Kế thứ 5 – Sấn hỏa đả kiếp: Tranh thủ nhà cháy mà cướp của hoặc làm việc khác. Rõ ràng nhất là Talia tận dụng quân Torstien đang đánh nhau với lãnh chúa Erling để đốt hết các cảng nô lệ phía đông và xông vào phủ cướp vàng bạc (Chương VIII)
Alarik và Rey cũng lợi dụng nội loạn của Svenia để xâm lược.
Kế thứ 6 – Thanh đông kích tây: Gây tiếng ồn về một phía nhưng lại đánh về phía khác. Trong Chương II, Talia ném đoản kiếm của Alarik xuống chuồng ngựa phía tây để hắn có thể trốn ở phía đông an toàn. Sau này, phía tây xảy ra rất nhiều chuyện thảm thương.
Trong Chương VIII, Talia nói với Vidar mang quân đi đánh Torstien nhưng thực tế là đánh lãnh chúa Erling.
Trong Chương XIV, Alarik đánh trống khua chiêng kêu mang hết quân đội đi đánh Skargune nhưng bí mật để lại một nửa quân của lãnh chúa Goodwind gần kinh thành.
ĐỊCH CHIẾN KẾ
Kế thứ 7 – Vô trung sinh hữu: Không mà làm thành có. Vidar đặt tên mới cho Talia là Dagny, rồi lan trong quân ý nghĩa “khởi đầu mới” của cái tên thực ra là một kế sách vô cùng hay. Nếu Talia chỉ là một nô lệ nổi loạn thì có người theo nhưng không gây được tiếng vang lớn (dù nàng chặt đầu Edgar Baron).
Thế nhưng, nếu coi nàng như một biểu tượng, gột hoàn toàn thân phận nô lệ thì không chỉ nô lệ những người tự do cũng có thể quý trọng nàng và sau này là Inguz. Vậy nên Talia mới có thể từ một đám loạn quân (vô) mà thu hút được nhiều người (hữu) chỉ trong vòng mấy ngày khi đi xuống phía nam.
Kế thứ 8 – Ám độ Trần Thương: Chọn con đường khác ít người biết để đánh địch. Alarik cho dùng thuyền đi trước để vây quân Skargune cùng với bộ binh. Như thế dù quân Skargune có đánh nhanh rút nhanh thì chỉ tự mệt chính mình (Chương XVI)
Kế thứ 9 – Cách ngạn quan hỏa: Đứng cách bờ xem lửa cháy, để cho đối phương tự loạn trước. Ở cảng phía đông, Rey đã đợi cho quân phản loạn ở Svenia tự đánh với quân chính quy trước rồi mới tiến vào. Trước đó chỉ là cầm chân Erling thôi (Chương XXVII). Ngoài ra, rất nhiều lần tranh chấp ở kinh đô nhưng Rey có vẻ thích đứng ngoài nhìn hơn dù rất ủng hộ Alarik.
Đến chương XXVII, chúng ta mới biết là Rey cũng “cách ngạn quan hỏa” với khi Alarik bị rơi vào trấn nhỏ của Svenia. Thật ra ở chương XXIX, Rey nói rất rõ với thái hậu về việc từng muốn giết Alarik để trả thù cho người mình yêu Gunhild. Cô ấy cũng là nô lệ và bị thái hậu hạ lệnh truy sát từ cách đây rất lâu. Thế nhưng, khi gặp Alarik, Rey đã luôn giằng xé về việc có nên giết hắn hay không.
Bởi vậy khả năng cao là Rey cũng biết Olaf lừa Alarik nhưng không ngăn cản, chỉ là mượn dao giết người. Nếu Alarik chết thì không phải do ông ta. Đến lúc Rey bí mật xuống Svenia tìm Alarik thì ông lại không làm gì, cũng chỉ đứng đó nhìn. Rey có lẽ chỉ muốn đứng nhìn chứ đã thương Alarik đến độ không dám tự xuống tay. Khi Rey phát hiện ra Alarik yêu Talia, ông ta mới hoàn toàn tha thứ vì Rey cũng muốn một cái kết đẹp đẽ cho Đức vua và nô lệ, cái Rey đã mất từ rất lâu về trước.
Kế thứ 10 – Tiểu lý tàng đao: Nụ cười giấu dao. Kế này chắc Eric Valter dùng hiệu quả nhất. Một mặt tương kế tựu kể ủng hộ Alarik trở lại ngôi vua (Chương V). Mặt kia lại tiếp tục tính kế lâu dài để chiếm được ngôi vị cao nhất (Chương XVIII).
Talia cũng dùng thứ này với Vidar. Trước mặt thì cười nhưng sau lưng thì muốn giết anh ta (Chương IX).
Ylva lợi dụng việc ở cạnh hoàng hậu Kaarina hòng chiếm đoạt chủ ý của Alarik lần nữa. Sau khi, đại kế không thành thì mở cửa cho Skall Valter vào hãm hại hoàng hậu (Chương XVI).
Kế thứ 11 – Lý đại đào cương: Mận chết thay đào. Đưa người khác ra làm hình nhân thế mạng cho mình để người khác không tiếp tục truy tra. Eric Valter đứng sau tất cả nhưng vẫn để Olaf Haskell tấn công kinh đô, rồi ngấm ngầm muốn dựng Leif lên làm bù nhìn nhờ vào sự ủng hộ vô tình của Novak (Chương V) và cố tình của Vikja (Chương XVIII). Thế nhưng, khi Alarik trở về thì ông ta lại thay đào một lần nữa và bán Leif đi, chờ một dịp sau mới ra tay (vẫn chương XVIII)
Alarik ngoài mặt nói ủng hộ việc phục hồi các cảng nô lệ phía đông để thu tiền của các lãnh chúa nhưng sau đó lại đưa hết số tiền này thành nguồn để Frode Novak mở rộng thương nghiệp và diệt trừ chế độ nô lệ. Ở đây, hắn là đào, mà Frode Novak là mận (chết thay cho hắn). Alarik có thể nói muốn khôi phục cảng nô lệ nhưng Frode Novak làm trái ý chứ có phải hắn đâu. Có điều, Frode Novak lại đem nhiều thương nghiệp cho đất nước nên hắn và các lãnh chúa khác đều không thể nói được.
Trong chương XVI, Gulbrand nhờ việc hai tên cận vệ có hai ấn kì (là gián điệp của nhà Valter) mà qua cửa việc Alarik có thể truy tra tận cùng ra đây là cận vệ của hoàng hậu, và chuyển sang nghi ngờ, đối chọi với Kaarina. Quả mận ở đây là tất cả các gián điệp khác của nhà Valter, còn đào thì đương nhiên là hoàng hậu.
Trong chương XXII, Alarik bị ép lấy vợ mới. Thật ra các lãnh chúa cũng muốn nhân tình hình Kaarina vừa mất để gả con gái, tăng lợi thế chính trị cho mình. Vừa đúng, công chúa Eira và Frode Novak về chơi nên hắn mới gả Eira luôn cho vị lãnh chúa trẻ, để đám cưới này làm “mận” thay hắn. Alarik có thể nhẹ đầu hơn trong chính trị. Việc Alarik để cho Eira theo Frode Novak từ trước (chương XIX) cũng có thể cho thấy, hắn đã tính đến “quả mận” này lâu rồi.
Kế thứ 12 – Thuận thủ khiên dương: Tiện tay dắt dê. Lợi dụng quen thân hoặc vấn đề của người khác mà tiện làm luôn việc của mình. Eric Valter lợi dụng những cái Alarik cần để ép Alarik kí văn thư không đòi đất, có lợi cho lãnh địa của ông ta (Chương V).
Talia mượn nguồn lực về sắt của Vidar để sản xuất vũ khí cho thành Inguz (Chương IX), mượn người của lãnh chúa Erling để vận chuyển vũ khí cho mình (Chương VIII).
Alarik mượn việc các cảng phía đông Svenia bị cháy để diệt dần chế độ nô lệ (Chương XIII), rồi lại mượn chuyện Leif tình cờ bị William biến thành nô lệ để ép vị lãnh chúa này ủng hộ việc hắn ra sắc lệnh cấm mua bán nô lệ (Chương XXIII).
Gulbrand mượn việc Talia rất yêu Alri của nàng để viết thư nói Alri bị thương rồi mượn quân Inguz, kết thúc chiến tranh Skargune sớm (Chương XVI).
Leif lợi dụng việc Kaarina ở thành Inguz để quay lại nhà Talia thường xuyên hơn (Chương XXI).
CÔNG CHIẾN KẾ
Kế thứ 13 – Đả thảo kinh xà: Leif đã biết mưu kế của Eric Valter và Thủ lĩnh Các tộc Skargune nên cố tình lừa giết thủ lĩnh này rồi dọa cho Thủ lĩnh mới đánh ra sớm hơn, giúp Alarik chủ động trong trận đánh (Chương XVIII)
Kế thứ 14 – Tá thi hoàn hồn: Mượn xác người khác để sống lại. Ở đây, ý chỉ mượn binh lực nếu mình đang ở thế yếu. Trong chương V, Alarik mới trở về nên phải mượn binh lực của Eric Valter và sau đó là Rey để đánh lại Olaf Haskell.
Kế thứ 15 – Điệu hổ ly sơn: Dụ hổ (người cầm đầu) ra khỏi núi để đánh trên đồng bằng thì dễ hơn. Người đầu tiên dùng đến kế này là Olaf Haskell, giả mất tích để dụ Alarik dẫn một đám quân lính nhỏ tiến vào rồi ám sát (Chương II)
Nhưng người dùng kế này hiệu quả nhất là Alarik trong chiến tranh Skargune. Hắn liên tục đánh về phía nam Skargune để dụ cho Thủ lĩnh Các tộc Skargune ra khỏi nơi ẩn nấp rồi mới cho cánh phía sau đánh tới (Chương XVI).
Ngoài ra, đây là kế điệu hổ ly sơn hai chiều. Alarik cố tình ra khỏi kinh đô để dụ Eric Valter tấn công, có ý muốn bắt vị lãnh chúa này. Chính vì thế, lính của Goodwind mới để lại một phần gần kinh đô để cầm chân trước khi đức vua dẫn đại quân trở về (Chương XVI). Cái Alarik không ngờ tới là Skall Valter hại đến cả hoàng hậu.
Kế thứ 16 – Dục cầm cố túng: Muốn bắt thì phải thả. Alarik biết Eric Valter có thể phản bội mình từ lâu nhưng vẫn cho ông ta rất nhiều quyền lợi (Chương V). Chương XIV có nói đến chuyện một số thương lái nô lệ ở phương nam được các lãnh chúa bảo hộ nhưng Alarik không cho Tarben diệt hẳn họ, cái này vừa để thả cho Eric Valter, vừa để sau này các lãnh chúa khác phạm lỗi sai thì hắn có cớ để ép.
Talia biết Vidar phản bội mình (Chương VII) nhưng cố tình dung túng cho anh ta đến khi Inguz có thêm nguồn sắt từ Erling và nàng nắm hết toàn bộ hệ thống mật thám và vũ khí thì mới giết (Chương IX).
Kế thứ 17 – Phao chuyên dẫn ngọc: Ném gạch đưa ngọc đến, đưa miếng nhỏ ra để dụ địch hoặc người khác làm theo ý của mình. Alarik để cho William có thêm nô lệ trong chiến tranh Skargune để có được quân lính cũng như sự ủng hộ chính trị của vị lãnh chúa này (Chương XVI). Đến khi quay về thì Alarik tiếp tục cắt chính sách nô lệ mà William không làm gì được (Chương XXII), còn lấy cớ ông ta trót đầy Leif làm nô lệ để ép ông ta nữa.
Kế thứ 18 – Cầm tặc cầm vương: Bắt giặc thì bắt vua trước (đánh rắn chặt đầu). Chương V, Alarik giết Olaf Haskell giữa quảng trường. Talia giết Edgar Baron để dọa những người còn muốn chiến đấu dù quân nô lệ của nàng không quá đông, đánh cũng không chuyên nghiệp. Trong chương XVI, Alarik cũng muốn bắt được thủ lĩnh các tộc Skargune để kết thúc chiến tranh.
HỖN CHIẾN KẾ
Kế thứ 19 – Phủ để trừu tân: Rút củi dưới đáy nồi, đánh hậu cần để tiền tuyến tự động rút. Để nghị hòa, Talia đã gửi bồ câu cho Gudmund đánh lương thảo và quân dự bị của Torstien, dồn quân Torstien vào thế buộc nghị hòa (Chương X).
Kế thứ 20 – Hỗn thủy mặc ngư: Thừa nước đục bắt cá. Talia nhân chuyện Torstien và Svenia đánh nhau, kéo thêm người về cho thành Inguz (Chương VIII). Tuy khá giống sấn hỏa đả kiếp nhưng thật ra kế này không phải, lòng người không phải đánh chiếm mà được, họ phải tự mình tìm tới.
Kế thứ 21 – Kim thiền thoát xác: Lột xác ve sầu, sử dụng bộ dạng mới làm quân địch bất ngờ: Talia trở lại bộ dạng xấu xí để không bị bắt sau khi Alarik trốn thoát (Chương V). Sau đó, nàng từ từ tính âm mưu phản động từ trong trấn.
Kế thứ 22 – Quan môn tróc tặc: Đóng cửa bắt giặc. Alarik dụ Olaf Haskell ra giữa quảng trường rồi vây hết các lãnh chúa ở đó (Chương V).
Talia làm đám cưới giả và trói Vidar lại trong nhà mình rồi mới giết anh ta (Chương IX).
Alarik dồn quân của Eric Valter vào kinh thành để dùng quân Goodwind đánh trước, sau đó mới kéo quân kinh đô thực sự về (Chương XVI)
Kế thứ 23 – Viễn giao cận công: Người ở xa thì thân, người ở gần thì đánh. Alarik sử dụng kế này rất hiệu quả khi thân hơn với thành Inguz, lãnh chúa Rey và Frode Novak. Sau đó, cả Tarben và Gulbrand đều được phong làm lãnh chúa ở những vùng xa.
Trong khi đó các lãnh chúa ở gần thì hắn đề phòng hơn rất nhiều, kể cả Novak già và Goodwind (xem địa lý ở phần sau). William thì lại càng bị Alarik đề phòng vì ủng hộ chế độ nô lệ.
Ngoài ra, gần còn có nghĩa là thân thiết hơn giống như Olaf Haskell sau khi cưới Helka và Eric Valter sau khi hắn cưới Kaarina làm vợ. Nhìn chung, sau đám cưới, Alarik đề phòng với Eric hơn.
TỊNH CHIẾN KẾ
Kế thứ 24 – Giả đạo phát Quắc: Mượn đường diệt Quắc. Kế gốc là nước Ngu ở giữa nước Tấn và nước Quắc. Vua nước Tấn tặng ngọc cho nước Ngu để mượn đường sang đánh nước Quắc. Thế nhưng, diệt xong Quắc rồi thì tiện thể đánh nước Ngu đang còn một mình ở giữa. Cũng có biến thể khác nói về lấy cớ để mượn đường, khi vào được rồi thì đánh luôn.
Thật ra việc, Alarik đưa quân đánh Skargune cũng là để bọc lãnh địa của nhà Valter vào giữa kinh đô và Skargune. Sau chiến tranh, nếu Eric Valter làm phản thì có kết cục như trong truyện. Mà nếu nhà Valter không làm phản thì Alarik cũng mượn cớ để đánh ngược từ Skargune lên phía bắc rồi ít nhất ép nhà Valter vào quy củ như trước hoặc giết hết. (Kể ra thế này thì số Kaarina kiểu gì cũng khổ.)
Kế thứ 25 – Thâu lương hoán trụ: Trộm xà thay cột, thay đổi ở chính trong nhà của địch. Eric Valter xúi giục Olaf Haskell lấy công chúa Helka và làm phản nhà Clovis, thay đổi cục diện chính trị của toàn bộ Torstien (Chương XVIII)
Talia thay đổi dòng chảy và dần dần là tập quán của người Skargune để Torstien dễ tiến công hơn (Chương XI)
Kế thứ 26 – Chỉ tang mạ hòe: Chỉ cây tang, mắng cây hòe hoặc giết gà dọa khỉ. Alarik giết chị gái để dọa Eric Valter ngoan ngoãn trong rất nhiều năm (Chương V).
Alarik chặt Skall ra cho chó gặm rồi bắt Vikja xem để lãnh chúa này phải làm theo yêu cầu chính trị của hắn (Chương XVIII)
Kế thứ 27 – Giả si bất điên: Giả ngu nhưng không điên, để người khác coi thường mình, rồi từ đó ra tay. Talia từ đầu đến cuối chuyện có lúc nào không giả vờ, đến Alarik mà còn coi thường nàng mà (Chương XXV).
Kế thứ 28 – Thượng ốc trừu thê: Lên nhà rút thang hoặc qua cầu rút ván (quá giang trừu bản). Alarik tranh thủ sự ủng hộ của Novak già để dụ Olaf Haskell ra quảng trường bắn chết. Thế nhưng, sau này chỉ tận dụng con trai thứ ba Frode mà Novak không mấy ưu ái. Như thế người này không thể cậy công mà bắt Alarik phải thay đổi góc nhìn chính trị được. Đặc biệt Novak già lại ủng hộ chế độ nô lệ.
Kế thứ 29 – Thượng thụ hoa khai: Trên cây hoa nở. Kế gốc là buộc cành cây trên đuôi con ngựa rồi chạy cho bụi mù, làm cho quân địch tưởng mình đông lắm nên sợ chạy mất. Trong truyện thì không rõ như thế. Alarik khi mới gặp lại Eric Valter đã cẩn thận từng bước một trước khi tiến tới gặp ông ta (chương V). Điều này làm Eric Valter luôn lắm mưu nhiều kế nghĩ vẫn có thể có người khác theo dõi, và cho dù Alarik chết thì Alarik sẽ để người khác biết là ông ta làm phản (Chương XVIII, XXVII). Thế nên, Eric Valter mới vì tưởng Alarik có người mà không dám giết hắn ngay lúc đó.
Thật ra mưu kế của Alarik có thể thành công cũng là vì Rey chuẩn bị sẵn khá kĩ, phòng trừ lúc hắn trở về mà đi gặp nhà Valter trước. Alarik cũng gửi tín vật cho Rey từ rất sớm (Chương XXVII)
Ngoài ra, Talia cũng thử hỏa pháo để dọa William và Ulf không dám tấn công thành Inguz. Bản thân Talia không có nhiều quân, cũng không muốn dùng hỏa pháo nhưng dọa người thì nàng có thể. Vì thế, Tarben mới nói với Gulbrand mời nàng thử vũ khi khi William và Ulf đang hung hăng đòi chiếm thành Inguz. Rất có thể, sau chiến tranh Svenia, Talia cũng không còn tích trữ nhiều hỏa pháo mà muốn thứ vũ khí này biến mất.
Cuối cùng thì Ingfred dùng kế này để Talia xuất hiện tại chính tiệc và dọa giới quý tộc thành công. Về cuối truyện, thực ra Talia không còn nắm nhiều thực quyền về chính trị thế nhưng quan hệ của nàng với Inguz và các lãnh chúa thân cận với Alarik vẫn đủ để tung hỏa mù. Ngay cả William cũng tỏ thái độ cung kính hơn với nàng. Vì thế, sau này nàng không cần xuất hiện nhiều nữa mà thế cục chính trị của Torstien vẫn ổn định (Chương XXVI đến XXVIII)
Kế thứ 30 – Phản khách vi chủ: Đổi từ vị trí khách sang vị trí chủ, chiếm dần đất và tầm ảnh hưởng của người khác khiến người ta không còn chỗ đứng.
Leif để tán tỉnh Talia đã không sang cảng phía đông khi có thể (Ngoại truyện 4) mà đến Inguz để tìm hiểu về nàng từ những người quanh nàng. Khả năng cao là việc Jorunn gửi thư cho Talia để giục nàng về tế đông (chương XIX) cũng là do Leif khởi xướng. Anh ta lợi dụng lễ tế này để công khai tặng nàng da gấu.
Alarik và Talia cũng dùng kế này khi đưa con trai út của hắn, Thorsen sang cho Rey nuôi dạy. Rey không con cái. Thế nên, nếu Rey chết, lãnh chúa mới chưa chắc trung thành với họ Clovis. Cơ mà, nếu đưa Thorsen Clovis sang cảng phía đông thì nghiễm nhiên hoàng tử trẻ trở thành người thừa kế nơi này. Vương triều Torstien vì thế mà vững mạnh, lâu dài hơn kể cả khi Alarik mất.
Cuối cùng, Inguz bảo vệ phía nam Svenia (chương X) rồi thật ra là chiếm dần đất. Sau này, Inguz và lãnh địa của Frode Novak xây dựng và nối liền thương nghiệp trên các cảng phía đông Svenia rất nhiều năm (Chương XIV, XIX). Về sau nơi này thành cả một đất nước mới mang họ Novak.
BẠI CHIẾN KẾ
Kế thứ 31 – Mỹ nhân kế: Dùng gái đẹp làm mồi để nhiễu loạn quân địch. Ở chương IV, Talia dùng thân thể mình dụ đám lính để cướp đồ cho Alarik trốn khỏi trấn nhỏ tại Svenia.
Nàng tiếp tục dùng kế này triệt để ở Chương V, Chương VII, và Chương VIII. Thế nhưng khi nghị hòa (Chương XII), thì đám mỹ nữ ở với quân Torstien không phải là kế này. Mỹ nhân kế thường dùng khi đang ở thế bại trận muốn chuyển thành thắng trận. Talia đã đánh để cho hai bên cân bằng thì không cần phải dùng đến.
Kế thứ 32 – Không thành kế: Trong nhà không có quân, nhưng vẫn mở toang cửa để địch nghĩ thật ra trong nhà phòng thủ vững lắm nên không sợ địch đâu. Địch tự rút. Kế này có nghĩa là dùng những hành động kì lạ để địch nghi ngờ hiệu quả tấn công của chính mình và không đánh tự rút. Hoặc kế có thể hiểu theo nghĩa khác là thành trống không có giá trị gì, chiếm được thì cũng không thêm của cải hay lợi thế.
Trong truyện, người sử dụng gần nhất với kế không thành là Kaarina Valter. Trước khi qua đời, Kaarina ý thức được là nhà Valter đã đổ, các con của cô ấy không còn bên ngoại để dựa vào. Vì vậy, nếu cô ấy mất, các gia đình lãnh chúa và quan lại trong triều sẽ muốn Alarik lấy vợ mới trên danh nghĩa để chăm sóc các hoàng tử công chúa vừa mất mẹ. Sau đó, kế hậu có thể giết hết các hoàng tử và công chúa này.
Thế nhưng, nếu không có các hoàng tử công chúa thì “thành” sẽ không có người, nên không ai có thể lấy lý do để trở thành hoàng hậu được. Thậm chí, kể cả có ngồi vào ngôi vị hoàng hậu và sinh được con thì sau này các hoàng tử trưởng thành trở về thì hoàng hậu mới và các con cũng không đến lượt để thừa kế. Nếu cử người đi truy sát các hoàng tử công chúa thì trừ khi biết chính xác họ ở đâu, còn nếu không thì rất dễ bị đức vua phát hiện. Bởi thế, Kaarina mới giao con cho Talia, người không liên quan mấy đến lợi ích chính trị kinh đô. Còn Alarik và Gulbrand thì đều không biết tung tích bọn trẻ.
Kế thứ 33 – Phản gián kế: Lợi dụng tình báo của quân địch để truyền thông tin mình muốn họ nghe. Talia vẫn là hiệu quả nhất. Nàng cho Astrid lợi dụng người của Vidar để anh ta tin là anh ta nắm hết quân sự trong thành. Nàng dùng Garth để người của lãnh chúa Erling tin rằng nàng yêu Vidar say đắm (Chương VII). Sau đó nàng mới tính kế của mình.
Nàng cũng cố tình kéo dài thời gian lên kế hoạch đám cưới với Vidar để loan tin cho quân Torstien, đoán biết trước thời điểm bị tấn công (Chương IX)
Kế thứ 34 – Khổ nhục kế: Tự làm mình khổ nhục để đánh lừa quân địch. Chương II, Talia giả bị cưỡng bức để giúp Alarik tránh được lính tuần.
Sau đó hai người đều đổ bùn lên người để tránh sự chú ý (Chương III).
Eric Valter giả vờ làm người cha vợ bị hiểu lầm để tránh sự nghi ngờ của Alarik (chương XVIII).
Kế thứ 35 – Liên hoàn kế: Dùng nhiều kế một lúc. Hầu hết, những kế kể trên đều được dùng đan xen với nhau trong truyện. Talia dùng kế liên hoàn chủ yếu cho một vài trận đánh hoặc xây dựng phòng thủ. Ví dụ, nàng “thanh đông kích tây” để lừa Vidar rồi trốn sang cảng phía đông. Cùng lúc đó, nàng “thuận thủ khiên dương” mượn người của Vidar và lãnh chúa Erling để vận chuyển hỏa pháo giúp nàng đốt cảng. Sau đó, Talia “sấn hỏa đả kiếp” nhân lúc lính của Rey gây nhiễu loạn thì xông vào cướp phủ Erling rồi giết ông ta. Sau khi về thành Inguz và giết Vidar rồi, Talia dùng “phản gián kế” để dụ Torstien tấn công. Cuối cùng nàng dùng “phủ để trừu tân” đánh chặn lương thảo của Torstien để ép nghị hòa.
Eric dùng liên hoàn kế để chiếm ngôi vua. Đầu tiên, ông ta dùng “mỹ nhân kế” mong rằng Alarik yêu Kaarina để rồi trở thành một vị vua bù nhìn. Chuyện không thành vì Alarik được Rey chỉ bảo thêm. Vậy nên, Eric dùng “tá đao sát nhân” mượn tay Olaf để giết Alarik và vua Arnold. Ông ta muốn dùng “tá thi hoàn hồn” để mượn danh hoàng tử nhỏ Leif đưa lên ngôi rồi nắm thực quyền.
Thế nhưng Alarik quay trở về, ông ta đành “tiểu lý tàng đao” nhẫn nhịn xuống một thời gian. Thế nhưng, vẫn “thuận thủ khiên dương” ép Alarik kí sắc lệnh không đòi đất. Eric tiếp tục dùng “tiểu lý tàng đao” khi giấu tung tích thủ lĩnh các tộc Skargune, muốn dùng người này để “thanh đông kích tây” khi ông ta tấn công kinh đô mà Alarik lại bị kẹt ở chiến tranh Skargune.
Alarik dùng liên hoàn kế với phạm vi dài nhất trong cả chính trị lẫn quân sự. Khi giành lại quyền lực, Alarik dùng “phao chuyên dẫn ngọc” để lại vòng cổ của Kaarina và ám thị với Eric Valter là ông ta sẽ có thể đòi hỏi nhiều lợi ích hơn là đám cưới với Kaarina nếu ông ta giúp hắn giành lại quyền lực.
Thế nhưng, để phòng trừ Eric phản bộ mình, hắn vẫn “viễn giao cận công” giao tín vật để thương nhân mang đến cho Rey. Sau khi thành công thì Alarik đã “tá thi hoàn hồn” mượn quân đội của hai lãnh chúa để tiến đến kinh thành. Trong đó, quân của Rey bị hắn “man thiên quá hải” cải trang thành thương nhân. Cùng lúc đó, Alarik dùng “phản gián kế” khi yêu cầu lãnh chúa Novak mới bị ép chuyển sang phe Haskell dụ Olaf ra quảng trường. Cuối cùng, hắn “chỉ tang mạ hòe” giết chị gái, đầy người nhà lãnh chúa phản bội làm nô lệ để không ai dám phản hắn trong thời gian vài năm tới.
Trong chiến tranh Svenia, lúc chuẩn bị, Alarik đã “chỉ tang mạ hòe” bằng cách cho quân tự do đấu với quân nô lệ để chấn chỉnh tinh thần quân đội. Hắn cũng “viễn giao cận công,” giữ quan hệ tốt với Rey, dùng người của Rey, dựng Gulbrand lên và kết nối với con trai thứ ba của lãnh chúa Novak. Trong trường hợp này, Eric tuy không gần về mặt địa lý với kinh đô, nhưng gần vì hắn đã cưới Kaarina Valter rồi. Vì thế, Alarik “viễn giao” với những người không liên quan đến nhà Valter. Khi hắn bắt đầu đánh Svenia, Alarik tận dụng nội loạn nên là “sấn hỏa đả kiếp.” Hắn và Rey ép từ hai phía lại kinh đô Svenia, đây chính là “quan môn tróc tặc.”
Trong chiến tranh Skargune, nhờ Talia, Alarik có thể “thâu lương hoán trụ” thay đổi tập quán du mục một chút. Hắn “tá đao sát nhân” mượn quân có kinh nghiệm đối phó Skargune của Inguz rồi hắn “ám độ Trần thương” và “quan môn tróc tặc” khi dùng cả bộ binh và thủy binh vây từng góc sông. Alarik cứ tiến xuống phía nam để “điệu hổ ly sơn” dụ thủ lĩnh các tộc Skargune ra mặt. Hắn vốn để Tarben và Ulf lại phía sau nhằm “dĩ dật đãi lao” lấy cái nhàn để đấu với quân Skargune của thủ lĩnh.
Trong việc xử lý nhà Valter, Alarik “dục cầm cố túng” trước. Hắn lấy Kaarina Valter và kí sắc lệnh đòi đất trước để Eric nếu có lúc nào bất cẩn sẽ làm sai. Sau đó, hắn bố trí rất nhiều tai mắt theo dõi nhà Valter để cuối cùng “điệu hổ ly sơn” nhân việc đi đánh Skargune mà dụ Eric Valter ra mặt.
Cuối cùng, với việc loại bỏ hoàn toàn chính sách nô lệ, Alarik loại bỏ hoàn toàn nô lệ trong kinh đô là để “phủ để trừu tân” rút củi dưới đáy nồi, dụ nô lệ các nơi về kinh đô trước với hi vọng tự do. Hiệp ước với Inguz giúp hắn “phủ để trừu tân” nhanh gấp nhiều lần vì nô lệ có động lực bỏ về Inguz “lập tức tự do” mà không phải lỗi do hắn. Cùng lúc đó, Alarik cũng “viễn giao cận công,” Frode Novak, Gulbrand, và Tarben là những người có cùng lý tưởng chống chế độ nô lệ với hắn, sau chiến tranh Svenia, họ được giao những vị trí ở xa nhưng trọng yếu với thương mại nô lệ. Khi nô lệ càng trở nên khan hiếm đắt đỏ thì hắn và Ingfred “thuận thủ khiên dương” gom tiền của các lãnh chúa cho Frode Novak để phát triển thương nghiệp phi nô lệ.
Tuy vậy, khi việc buôn lậu nô lệ xảy ra thì hắn “dục cầm cố túng” yêu cầu Tarben vừa bắt vừa thả các vị lãnh chúa. Một mặt, việc này kiềm các vị lãnh chúa không đứng lên chống lại hắn công khai. Mặt kia, khi hắn thả như vậy, họ dễ làm ra lỗi sai mà sau này Alarik lợi dụng được. Ví như, William vô tình bắt hoàng tử Leif làm nộ lệ ở Skargune bị hắn “thuận thủ khiên dương” ép kí sắc lệnh cấm buôn bán nô lệ. Một mặt kiềm, một mặt dụ, Alarik cũng nhờ vào Inguz và cảng phía đông của Frode Novak để “phao chuyên dẫn ngọc” dụ dỗ các lãnh chúa tự nguyện từ bỏ nô lệ bằng lợi ích kinh tế lớn hơn.
Kế thứ 36 – Tẩu vi thượng sách: Không đánh được thì chạy. Talia biết nếu mình ở lại trấn sẽ bị quan binh Svenia đánh nên khi có danh hiệu Dagny là nàng đi thẳng luôn, không quay đầu lại. (Chương VI)
Ngoài ra, việc tiến quân vào mùa mưa cũng là mượn từ cách đánh của quân đội Việt Nam vào Sài Gòn: Quân Mỹ thực tế chỉ muốn trụ đến 30/4, chứ sau 30/4 là vào mùa mưa, vũ khí Mỹ khi bảo quản ở mùa nóng ẩm tại Việt Nam rất khó. Vì thế, lợi thế sẽ chuyển hẳn sang quân Bắc Việt. Vì thế ngày 30/4 không phải là ngẫu nhiên đâu.
***
Thật ra thì ba mươi sáu kế, chẳng ai trong nguyên gốc cũng như trong truyện này dùng hết tất cả chúng. Thế nhưng dùng kế gì và cách nào lại thể hiện khá rõ tính cách và ưu nhược điểm của các nhân vật.
Alarik hầu hết đều ở trong thế mạnh vì là hoàng tử/ đức vua một nước lớn. Vì vậy, những kế sách được dùng tuy không nhiều nhưng thường kết hợp cả quân đội, cả lợi thế chính trị. Tầm nhìn và độ liều lĩnh cũng xa hơn rất nhiều người. Thế nhưng, hắn vẫn được giáo dục trong một môi trường rất an lành, vì thế ngay cả khi dùng kế cũng sẽ không đến nỗi kiểu “nụ cười giấu dao,” ám hại người khác trước khi người ta ra tay với mình.
Eric Valter cũng thường xuyên ở trong thế mạnh, nhưng là người từng trải lại mưu mô. Ông ta đi từ kế chính trị để làm loạn một triều đình đang yên ổn trước rồi giấu mình phía sau. Đến lúc, không ai làm hộ được nữa thì ông ta mới dùng đến những kế sách liên quan nhiều tới quân sự, nhưng vẫn tính rất nhiều đường.
Frode Novak không dùng nhiều kế nhưng kế nhưng tính đường chính trị lâu dài để mình và con cháu mình lên dần dần. Người này sẽ không chủ động đi hại người nhưng lại rất khôn ngoan, không cái lợi gì là thiếu mặt anh ta.
Ingfred là quan văn của Alarik nên trong truyện chỉ dùng đúng một kế thượng thụ hoa khai để tạo ấn tượng về sức mạnh của người con gái bên cạnh đức vua, giúp ổn định chính trị.
Leif tuy không được truyện nói nhiều đến và chỉ dùng một kế là “điệu hổ ly sơn” trong chiến tranh Skargune để giúp anh mình. Thế nhưng, một chiến binh dũng mãnh đến thế lại không vội vã lên ngôi thủ lĩnh các tộc mà để người khác ra mặt thì chắc chắn là có ý giấu mình. Thế nên, người này nếu dùng kế thì cũng rất lợi hại. Sau này, Skargune lớn mạnh lên và đi đánh chiếm nơi khác là nhờ Leif. Điều này chứng tỏ anh ta sẽ chủ yếu dùng những mưu kế của mình vào quân sự. Dù sao, anh ta cũng lớn lên như một chiến binh ở Skargune.
Rey cũng không được nhắc đến nhiều trong truyện nhưng nhìn man thiên quá hải và cách ngạn quan hỏa thì thấy người này thủ nhiều hơn công. Tuy vậy, vì Rey ở thế mạnh nên chỉ là tính cách người này đề phòng cẩn thận hơn, muốn làm những chuyện thần không biết, quỷ không hay trước rồi mới lộ mặt mà thôi.
Talia hay dùng những kế sách mang tính mình ở thế yếu hoặc phòng thủ. Về cơ bản thì nàng cũng là phái nữ, không quá mạnh về chiến đấu. Thế nên, nàng thiên về việc bảo vệ những cái nàng đang có và phát triển nó dần dần theo thời gian.
Kaarina thực ra đến khi phải dùng kế cũng chỉ là để phòng thủ, giống hệt Talia.