Truyện: Dây Tơ Hồng Nối Ngược
Tác giả: Bodhi
Chương 13: Suy Tư
Cô hốt hết đống đồ đã được bỏ sẵn trong túi nilon đặt vào trong chiếc giỏi màu đỏ của siêu thị, rồi nhờ cô bé nhân viên cất ra phía sau giúp mình.
“Hoàng Bách ở lại nhé, mẹ đi về lấy tiền đã nha. Không sẽ làm ảnh hưởng đến người khác mất.”
Siêu thị ở trên tầng hai của tòa nhà, Hoàng Nguyên sau khi chào Hoàng Bách thì đi thẳng ra khỏi cổng an ninh, cô cũng phớt lờ luôn bố thằng bé. Hai chân mày Hoàng Tùng đã nhíu sát lại với nhau, đoạn hội thoại vừa rồi của cô và Hoàng Bách như thể không để anh vào mắt chút nào vậy? Hay là cô không nhìn thấy anh?
Con trai ở phía sau lưng còn có thể thu hút được cô, vậy người làm bố cao gần mét tám, nặng hơn bảy mươi ký thế này lại không thấy là sao???
“Này!!!”
Hoàng Nguyên vừa bước ra gần tới cửa kính của tòa nhà thì nghe thấy tiếng gọi, theo phản xạ cô liền quay phắt người lại.
“Chân ngắn mà đi nhanh vậy?”
“Anh có chuyện gì không?”
Hoàng Nguyên trừng mắt nhìn người đàn ông trước mặt, anh có vẻ là đã chạy tới nên khuôn mặt mới đỏ phừng phừng lên thế kia. Hoàng Tùng thả con trai đứng xuống đất rồi đưa ra trước mặt cô một túi đồ, Hoàng Nguyên làm vẻ mặt khó hiểu nhìn anh:
“Cái gì đây?”
“Đồ của cô đấy.”
Hoàng Tùng một tay xách đồ của mình, tay còn lại dúi đồ vào tay Hoàng Nguyên trước sự kinh ngạc của cô.
“Ai bảo anh trả tiền hộ đâu? Đọc số tài khoản đi, tôi bank lại trả anh.”
“Thôi, không đáng bao nhiêu.”
Anh khẽ thở hắt ra, cụp mắt nhìn xuống tay đang lăm le cầm điện thoại muốn ghi lại số tài khoản của Hoàng Nguyên.
“Một nghìn cũng là tiền, tiền bạc phân minh, ái tình sòng phẳng. Tôi không muốn nợ nần gì anh.”
Hoàng Nguyên kiên quyết, khuôn mặt thanh tú đã trở nên nghiêm nghị vô cùng. Hoàng Tùng cảm thấy khó chịu vì kiểu rạch ròi đó của cô liền lên tiếng:
“Cô cứng đầu thật.”
“Sao thế con trai?”
Hoàng Tùng cúi xuống nhìn Hoàng Bách, thằng bé mới vừa giật giật gấu áo của anh.
“Con muốn ăn kem?”
Hoàng Bách gật đầu, khóe miệng nhoẻn sang hai bên, anh cười với con rất nhẹ tỏ vẻ đồng ý rồi quay sang nói với Hoàng Nguyên:
“Trông thằng bé giúp tôi một chút.”
Anh để Hoàng Bách lại cùng Hoàng Nguyên rồi đi về phía quầy bán kem, Hoàng Nguyên đứng về phía thằng bé, cả hai cùng chăm chú nhìn theo người đàn ông cao ráo, rắn rỏi đang nói chuyện cùng với người bán kem.
Cùng lúc đó anh hướng mắt về phía hai người, tay chỉ vào bảng menu tỏ ý hỏi Hoàng Nguyên có muốn ăn kem không? Cô liền lắc đầu. Anh vẫn gọi hai chiếc ốc quế, một chiếc vị vani, một chiếc vị socola.
Có một cụ già một tay dắt cháu, tay còn lại xách một túi đồ lớn đi lướt qua mặt Hoàng Tùng, anh rảo bước về phía Hoàng Nguyên rồi đưa kem bảo cô cầm giúp, sau đó quay trở lại giúp bà cụ xách đồ đi ra ngoài cửa. Hai người vừa đi vừa cười cười nói nói cái gì đó, cửa tự động mở ra. Bà cụ dắt theo đứa trẻ đi phía sau lưng anh.
“Người quen của anh à?”
“Không.”
Anh khẽ lắc đầu, Hoàng Bách ngồi trên ghế chờ của trung tâm thương mại ăn kem ngon lành.
“Kem của tôi đâu?”
“Kem nào?”
“Kem ốc quế vị vani.”
Hoàng Nguyên đớ người nhìn xuống que kem đã bị ăn tới phần ốc quế trên tay mình. Vài phút trước cô còn cho rằng anh tinh tế dù bản thân đã từ chối, mà Hoàng Tùng vẫn mua cho cả mình, lại còn đúng vị Hoàng Nguyên thích nhưng hóa ra là cô bị nhầm… Thật sự xấu hổ quá rồi.
Mặt Hoàng Nguyên tự nhiên thoáng đỏ, hai tai nóng ran vì ngại với anh, cô lên tiếng chữa ngượng:
“Để tôi mua cái khác cho anh.”
“Thôi khỏi, ăn đi.”
Nói rồi anh ngồi xuống ghế bên cạnh Hoàng Bách, hai tay rắn chắc nhấc bổng con trai đặt lên đùi mình, cúi đầu nhìn thằng bé ăn kem. Hoàng Nguyên vẫn còn ngại thì không lên tiếng nữa, chỉ chăm chú ăn kem, thỉnh thoảng lại liếc nhìn sang hai bố con đang chăm chút cho nhau lén cười vì sự vô duyên của mình.
“Vết thương thế nào?”
“Không sao.”
Hoàng Nguyên khự nự nhìn xuống tay mình, hôm nay cô đặc biệt mặc áo dài tay để che đi vết bỏng. Cô muốn nó nhanh khô ráo và cũng không muốn băng lại.
“Ừ!”
“À, không phải tôi tự đa tình đâu nhưng mà nghe chị Giang nói anh hỏi địa chỉ nhà tôi. Nếu tối qua anh là người mang thuốc tới thì cho tôi cảm ơn.”
“Không có gì, tiện đường thôi.”
Giọng anh nhàn nhạt đáp lại, cô lại nhanh miệng hỏi, “Anh đi đâu mà tiện đường vậy?”
“Ý tôi là muộn thế rồi anh còn có công việc đi về phía nhà tôi à? Nhà chúng ta không cùng đường.”
Thấy sắc mặt của anh có vẻ không ổn, cô liền phân bua, Hoàng Nguyên không muốn Hoàng Tùng hiểu lầm mình là người tò mò. Dù sao thì cũng chính cô là người nói hai người đừng có liên quan hay để ý gì đến nhau ngoài chuyện của Hoàng Bách cả.
Hoàng Tùng không trả lời, Hoàng Nguyên biết điều thì im lặng ăn nốt phần kem của mình.
…
Hồng Liên bị thương, theo lời bác sĩ ở nhà nghỉ ngơi một thời gian, chừng một tuần sau đã có thể tập tễnh đi được thì quay trở lại trường dạy học. Nhìn dáng điệu cà nhắc của cô mấy người không có thiện cảm thì cười đầy ý mỉa mai. Đi đến đám nào cũng nói mình lo Hoàng Bách bị thương nên lúc bị dàn đèn đè phải mới không cảm thấy đau đớn gì cả. Người không biết chuyện thì tung hô khen ngợi, người biết chuyện chỉ bĩu môi tỏ vẻ không hài long.
“Bây giờ mà cho nó xem lại đoạn camera ở sân khấu thì chắc hết tinh vi nhỉ?”
Cô giáo Trâm giọng đầy bất mãn lên tiếng.
“Lúc em ở dưới sân cũng chẳng biết chuyện gì xảy ra cơ, cứ tưởng chị Hồng Liên anh hùng thật. Ai ngờ đâu là may có chị Hoàng Nguyên đỡ cho không thì quả đấy khéo nằm liệt giường.
“Ấy thế mà nó vẫn đi bô bô cái mồm tự tung hô bản thân kìa.”
Cô giáo Lam nghe Hoa nói thế thì giở giọng chua ngoa lên tiếng. “Còn cái đứa kia thì cứ im ỉm đi thôi.”
Hoàng Nguyên ở đó chỉ cười trừ, chuyện xảy ra rồi cũng chẳng phải đi báo công để nhận thưởng nên cô không để tâm lắm. Hồng Liên là người thích khoe mẽ, Hoàng Nguyên không lạ gì tính khí cô ta.
Phòng hiệu trưởng có khách, là một cặp vợ chồng trẻ đưa con đến xin nhập học ở lớp đặc biệt nhưng hình như trong quá trình tư vấn và tham khảo không được khả quan lắm thì phải. Lúc Hoàng Nguyên đi vào thì thấy họ dắt nhau rời khỏi phòng chị Giang, trên nét mặt người vợ trẻ còn thấy rõ được sự buồn rầu. Mấy người giáp mặt nhau, Hoàng Nguyên khẽ cười tỏ ý chào họ rồi đứng sang một bên nhường đường cho hai vợ chồng người đó ra trước, sau đó mới đi vào.
“Sao thế chị? Nhìn họ có vẻ không được vui cho lắm.”
“Ừ, đến đăng ký cho một bé học lớp của em, nhưng chi phí hơi cao nên xin thêm thời gian suy nghĩ.”
Hoàng Nguyên nghe qua thì đã hiểu được sơ bộ tình hình. Quả thật là học phí của lớp đặc biệt cao hơn do với lớp thường khá nhiều, vốn dĩ trường tư thục chi phí đã cao, lớp học đặc biệt càng không thể tránh khỏi.
Chuyện xin đi học cho con của cặp vợ chồng trẻ kia tự nhiên khiến Hoàng Nguyên cứ suy nghĩ mãi. Lại thêm một đứa trẻ khác giống như Hoàng Bách, thật sự khiến cô khó nghĩ trong lòng. Cả đêm cứ trằn trọc suy tư, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để cho con em theo học lớp đặc biệt.
Cô không ngủ được, lại đật đật rời khỏi giường đến bên bàn làm việc. Hoàng Nguyên chỉ mở đèn bàn rồi lôi máy tính ra tìm hiểu một số tài liệu về các biện pháp can thiệp sớm dành cho trẻ tự kỷ và chậm phát triển.
Cô đọc rất nhiều, đến khi hai mắt cay xè, mỏi nhừ mới chịu tắt máy tính rồi leo lên giường. Lúc này là ba giờ sáng, Hoàng Nguyên khẽ một hơi thở dài tự nhủ rằng cô sẽ tìm ra được cách tốt nhất để có thể giảm bớt chi phí đầu vào của lớp học đặc biệt thôi.
…
Hoàng Tùng vừa hết giờ lên giảng đường thì có điện thoại của bà Ngân mẹ anh gọi tới hỏi cuối tuần có về nhà không? Anh nghe thấy thế lại tưởng có chuyện gì quan trọng nên hỏi dồn. Bà Ngân chỉ cười bảo hỏi cho vui vậy thôi khiến con trai không biết phải nói gì tiếp theo. Anh hỏi về con trai rồi định cúp máy.
“À, khoan đã. Cuối tuần về thì mời Hồng Liên đến nhà ăn bữa cơm.”
“Sao phải mời ạ?”
“Thì cảm ơn người ta bị thương vì Hoàng Bách, dù sao thì mẹ cũng không thích mang nợ cho lắm. Cứ sòng phẳng là tốt nhất con ạ, nợ ân tình không nên dây dưa.”
“Tùy mẹ!”
Hoàng Tùng chào mẹ rồi tắt máy, anh không để tâm đến chuyện ấy cho lắm. Nếu mẹ anh không nhắc thì anh cũng quên mất mối ân tình đó của Hồng Liên đối với con trai rồi. Mà nhắc mới nhớ, đối với Hồng Liên thì bà Ngân mẹ anh rạch ròi vậy mà sao cứ nhắc đến Hoàng Nguyên liền tỏ thái độ như thể cô là người nhà của bà chứ không phải anh nhỉ?
Anh tự hỏi từ khi nào, cô gái đó lại thường xuyên xuất hiện trong câu chuyện của gia đình mình như vậy? Dù ít dù nhiều thì tần xuất cái tên Hoàng Nguyên xuất hiện trên cửa miệng mẹ anh nhiều hơn tất cả những người mà Tùng từng quen biết.
“Anh! Anh cũng đi học à?”
Giọng nói sang sảng ở đầu hành lang tầng một khu giảng đường D của học viện vọng tới khiến Hoàng Tùng giật mình ngước lên nhìn về phía đó. Người đàn ông cao chừng một mét bảy lăm, làm da ngăm ngăm rám nắng, với nụ cười tươi rói trên môi đang tiến lại phía anh. Khi nãy ở trên tầng ba anh ta đã loáng thoáng thấy bóng dáng Hoàng Tùng, cứ ngỡ là nhầm người nhưng hóa ra đúng là anh thật.
“Cậu cũng đi học luôn hả?”
“Vâng, em học D3. Sao không gọi em?”
“Ai biết đâu, lâu chưa?”
“Hai tháng rồi ạ!”
“Ừ, anh mới ba tuần, xuống căng tin làm vài chén chứ?”
Hoàng Tùng ghé tai thì thầm với người đó, anh ta liền bật cười đồng ý ngay tắp lự. Chiến hữu lâu ngày không gặp nhau, vừa ngồi xuống đã luyên thuyên đủ chuyện, hầu hết đều kể về những tháng ngày cả hai còn ở cùng Trạm Biên phòng cửa khẩu BPS.
Long là cấp dưới cũ của Tùng, hơn một năm trước đã chuyển công tác về đồn Biên phòng Cô Tô, lâu ngày anh em cũng ít có thời gian gặp nhau.
“Trạm mình vẫn duy trì hoạt động đỡ đầu cho học sinh nghèo vượt khó đấy hả anh?”
“Ừ, vẫn.”
“Em học theo anh, cũng áp dụng cho đồn em. Kết quả khả quan lắm, dân ủng hộ và giảm thiểu đáng kể việc trẻ đến tuổi đi học mà không được đến trường lắm. Hồi đấy cứ ngỡ không thành công, cơ mà lại được ban Chỉ huy quân sự tỉnh ủng hộ nhiệt tình anh nhỉ?”
Long cười híp cả mắt, tay lại rót thêm rượu vào ly của Hoàng Tùng, anh chỉ cười cười tỏ ý đồng tình. Long nhỏ hơn Tùng hai tuổi, hồi còn ở cùng đơn vị hay đi cùng anh.
Chương trình “Nâng bước em đến trường” là do Hoàng Tùng đề xuất, ban đầu là vì ở khu vực các anh quản lý có hai hộ gia đình quá nghèo, con em đến tuổi đi học nhưng nhà không đủ điều kiện kinh tế để đến trường nên anh tự bỏ tiền túi ra hỗ trợ. Sau đó tìm hiểu mới phát hiện ra không chỉ có một, hai hộ mà rất nhiều hộ gia đình người dân tộc Sán Dìu trên địa bàn mà đồn quản lý gặp khó khăn giống như vậy thì lập ra kế hoạch xin hỗ trợ từ ban Chỉ huy quân sự tỉnh và được ủng hộ nhiệt tình.
Đến nay, sau hơn bốn năm thì tình trạng trẻ em đến tuổi đi học không được tới trường đã giảm thiểu tối đa.
Nhớ lại hồi đó, ngoài việc tuần tra biên giới, xử lý các đối tượng vượt biên, buôn lậu các anh còn đội nắng đội mưa đi vào từng cụm dân cư để vận động phụ huynh cho con em mình tới trường xóa mù chữ. Đâu phải đến nhà rồi nói mấy câu là họ đồng ý ngay, nhiều nhà không biết tiếng Kinh, bất đồng ngôn ngữ, phải vào đến năm lần bảy lượt, nhờ người phiên dịch mãi mới hiểu ý nhau.
“Giờ khéo anh còn giỏi tiếng dân tộc hơn dân bản địa ấy nhỉ?”
Long bật cười lớn, Hoàng Tùng cười theo khẽ lắc lắc đầu, “Chịu thôi đấy, nhiều hôm đêm ngủ còn nói mớ toàn tiếng dân tộc đấy. Ông Minh ông ấy cứ mang ra trêu suốt.”
“Anh ở đấy lâu nhất còn gì nữa, gần năm năm rồi. Thế có ý định chuyển công tác không ạ?”
“Các sếp cho đi học đây, mà không biết thế nào.”
Anh khẽ thở dài, mắt đăm đắm nhìn vào chai rượu đã hết phân nửa, trong lòng nặng nỗi suy tư. Gắn bó với một nơi quá lâu, quá hiểu rõ nó giờ bảo chuyển đi thật sự cũng có tiếc nuối. Nhưng Hoàng Tùng cũng muốn về gần nhà, gần con trai hơn một chút.
Đến bây giờ, trong lòng anh vẫn cảm thấy có lỗi với Hoàng Bách, mỗi lần nhìn vào con trai, anh lại cảm thấy ân hận. Nếu như anh không ly hôn, liệu thằng bé có tốt hơn hiện tại hay không?
Bản thân anh cũng không biết nữa, cuộc hôn nhân đổ vỡ, Hoàng Tùng không thể chối bỏ trách nhiệm mặc dù người đó đơn phương đề nghị chia tay với anh. Đến bây giờ anh vẫn tự hỏi bản thân đã sai ở chỗ nào? Họ đến với nhau là vì tình yêu, nhưng tại sao mẹ Hoàng Bách lại không thể chấp nhận và thông cảm cho đặc thù công việc của anh như vậy?
Đến giờ phút này anh không tiếc nuối cuộc hôn nhân ấy, chỉ thấy thương con trai và sợ những người phụ nữ tỏ ra quan tâm và tiếp cận thằng bé. Anh sợ nếu một ngày họ cũng rời khỏi một cách phũ phàng giống vợ anh thì con trai sẽ thế nào?
“Hoàng Bách ngày trước cũng biết gọi bà rồi đấy.”
Hoàng Nguyên nghe bà Ngân nói thế thì lấy làm lạ lẫm lắm, cứ chăm chú nhìn người phụ nữ điềm đạm trước mặt, bà thì âu yếm nhìn cháu trai đang ngồi vẽ vời dưới sàn nhà bằng gỗ, đôi mắt hơi nheo lại, tạo thành từng nếp nhăn nơi đuôi mắt.
Giọng bà nhàn nhạt, đôi mắt đượm buồn kể:
“Mẹ nó giận thằng Tùng, mang Hoàng Bách bỏ nhà đi, chẳng biết thế nào để quên thằng bé suốt cả một đêm trong xe ô tô khóc đến lả người đi. Khi đưa tới bệnh viện thì đã lịm cả đi rồi, may mà cấp cứu kịp thời nên giữ được tính mạng, nhưng người ta bảo nó bị ảnh hưởng tâm lý… Khổ thân…”