Tại một ngôi làng nọ, có một gia đình nhỏ, nổi tiếng có một cậu con trai siêng năng chăm chỉ tên là Chí Kiên. Hằng ngày, chàng ta làm lụng vất vả, trong khi thanh niên trai tráng trong làng người thì đi học, người thì chuẩn bị vào khoa thi cử, chỉ riêng chàng ta không màng đến những danh lợi, những cầu mong thành công cho riêng bản thân, không học không hành, chỉ đi làm thuê làm mướn, kiếm được đồng bạc nào đều mang về nuôi người cha què quặt và cho người em trai đi học.
Ngày đó học phí rất đắt đỏ, tuy nhiên, người thầy trong thôn quý mến đức tính của chàng, lại thương cho hoàn cảnh khó khăn nên mắt nhắm mắt mở cho em trai chàng được học đầy đủ.
Dù vậy, trong cái thôn làng này cũng rất ít người có tấm lòng như người thầy nọ, bởi vào hơn mười tám năm trước, đúng ngày mẹ chàng hạ sinh, ông trời giáng xuống mấy trăm đạo thiên lôi, doạ dân làng một phen.
Cùng lúc đó, một ông già lạ mặt đi ngang qua, phán một câu rằng:
“Tai hoạ, tai hoạ tới rồi!”
Dân làng mới hỏi: “Tai hoạ làm sao?”
Ông ta lắc đầu, tỏ vẻ sợ hãi: “Người sinh vào giờ này, ngày này, chắc chắn không phải người bình thường! Kẻ này sinh ra ở đâu sẽ gieo rắc tại hoạ đến đó. Không được, không thể để kẻ đó sinh ra được!”
Ông già nọ đòi xông vào nhà người ta, muốn xem đứa bé cho bằng được. Lúc ấy, mẹ chàng khó sinh, nhất quyết muốn sinh chàng ra, và dặn dò chồng rằng phải chăm sóc chàng cho đàng hoàng.
Mẹ chàng mất ngay trên giường, cha chàng đau khổ cùng cực, nhưng vẫn giữ lời hứa. Tuy nhiên, lời phán của ông già kỳ lạ ngày đó dần ứng nghiệm, dân chúng nhìn thấy chàng là sợ hãi, hoặc xa lánh, chẳng dám quen thân.
Người cha đáng kính của chàng bị dân làng chửi đánh. Mùa màng không ổn định, thiên tai lại đến thường xuyên, lương thực khó kiếm, cái làng này ngày một đi xuống, thế là dân chúng túng quẫn, dồn uất ức lên gia đình chàng.
Sau khi chàng lên mười tuổi, nơi này mới được khởi sắc hơn một chút. Nhưng cha chàng lại ngày ngày chìm vào rượu chè, cờ bạc, tới mức bị người ta đòi nợ, đánh gãy chân. Sau một thời gian, chẳng biết ông ta đi đâu về mà mang theo một thằng nhóc loắt choắt vào nhà, từ đó về sau, Chí Kiên có thêm một cậu em trai tên là Chí Văn.
Khác với sự hiền lành, nhẫn chịu của Chí Kiên, Chí Văn càng lớn thì tính khí càng nóng nảy, nhiều lần tranh cãi với Chí Kiên những chuyện nhỏ nhặt. Tuy nhiên, thằng nhóc này lại thương anh trai vô cùng.
Lớn lên trong hoàn cảnh như vậy, Chí Kiên vẫn luôn giữ vững sự thiện chí của mình. Khi dân làng cứ đồn này đồn nọ về mình, đắp cái danh “hoạ sát tinh” đó cho chàng, thì chàng vẫn thoải mái nói rằng.
“Thiện hay ác là do tôi, mệnh tôi, tôi làm chủ, sao phải để ý những lời tiên đoán làm gì.”
Chí Kiên vẫn luôn sống ngay thẳng, thậm chí những cô gái trong làng được cha mẹ truyền dạy phải tránh xa chàng, tỏ thái độ không tốt, thì chàng vẫn chẳng để tâm lắm, vẫn giúp đỡ người ta như một lẽ thường tình. Tỉ như có một ngày nọ, chàng bất ngờ gặp một kẻ mắt híp tai dơi đang lôi kéo một cô gái trẻ, trông như đang có ý định xấu với nàng ta. Cậu chàng vội vàng ngăn cản, còn đe doạ hắn nếu còn tái phạm, nhất định sẽ nói cho cả làng biết bộ mặt thật của hắn. Lão mắt híp tai dơi đó ôm thù, vội vàng bỏ chạy.
Chính thế, dần dà, dân làng cũng đã chứng kiến thái độ sống của cậu chàng, nên không làm khó cậu như trước nữa, tuy nhiên họ vẫn giữ sự xa cách, không quá thân thiện với gia đình chàng.
Hằng ngày, Chí Kiên đi làm thuê, ai bảo đi đâu cũng làm, miễn là có tiền. Có những lúc chàng đi làm không công, bị người ta quỵt tiền rồi đuổi đi, nhưng về nhà cũng không than vãn câu nào. Đó là Chí Văn không biết, chứ nếu mà biết thì thằng nhóc đó đã chửi um cả làng lên.
Hai anh em cách nhau cũng chỉ hai tuổi, cao lớn như nhau, mà Chí Văn còn trông đáng sợ dữ dằn nên cũng rất nhiều người bị cái khí thế của cậu doạ sợ.
Vào một ngày nọ, Chí Thành – người cha đáng kính của họ mãi mà không thấy về nhà. Chí Kiên ra ngoài đi tìm mà không thấy, Chí Văn lại lạnh lùng bảo.
“Anh đi tìm ông ta làm gì? Đói thì tự dẫn xác về.”
“Nhưng ngoài trời lạnh lắm, làm gì có chỗ nào cho cha ngủ.” Chí Kiên thở dài, lo lắng nhìn ra cổng suốt.
Chí Văn thản nhiên và cơm vào miệng, nuốt xong mới nói: “Chết thì thôi, tốt nhất là đừng về nữa.”
“Em đừng nói vậy, dù thế nào cũng là cha mình.”
“Cha cái gì, từ lúc em về đây, ông ta lo cho chúng mình được hôm nào.” Chí Văn cười khinh miệt, “Lão già đó mới là gánh nặng cho gia đình này ấy.”
“Em…”
“Anh đừng dạy em nữa. Nghe cái gì thì nghe, chứ cái này em không nghe.”
Biết em trai cứng đầu, Chí Kiên cũng chỉ đành thở dài.
Hôm sau, có người chạy qua báo cho Chí Văn rằng cha của cậu đang nằm chỏng vó ở ngoài đường, chả ai dám cắp lão về, bảo hai anh em ra ngoài mà đón.
Chí Văn mặc kệ, hôm nay vừa hay nghỉ học, cậu ở nhà nấu cơm, dọn dẹp cho anh trai trưa về ăn uống, nghỉ ngơi.
Trưa hôm đó, Chi Kiên về nhà, trên lưng cõng một lão già còm nhom, gầy như da bọc xương, tóc tai bù xù, người dính đầy bùn đất về nhà.
“Lại nữa rồi.” Chí Văn than vãn, “Sao anh không để ông ta chết dí ngoài đường luôn đi?”
“Lạy em. Đừng nói thế.” Chí Kiên đặt cha trên chõng, chẳng biết là ông ta ngủ hay ngất vì đói mà lay mãi không dậy.
“Hừ, mặc kệ anh đấy!” Chí Văn cáu kỉnh nói một câu rồi bỏ vào nhà.
Chàng Chí Kiên pha nước ấm cho cha rồi lặng lẽ lau người, gội đầu sạch sẽ cho Chí Thành. Khi ông ta tỉnh dậy thì đã thấy mình nằm trong phòng, được đắp chăn ấm áp. Cái chăn của ông ta đã mang đi đâu mất rồi, trong nhà có hai cái của hai anh em, Chí Kiên cũng nhường cho cha nốt.
Mà Chí Thành chứng nào tật nấy, vừa tỉnh dậy đã cà thọt cà thọt chạy ra ngoài, thấy mỗi Chí Văn đang cặm cụi trong vườn, Chí Kiên thì vắng nhà, ông ta bèn chạy vào gian phòng của hai anh em, lục tung mọi ngóc ngách, cuối cùng kiếm được vài đồng lẻ mà Chí Kiên để dành, mang trốn đi đánh bạc.
Mọi lần, cùng lắm là Chí Thành bị người ta doạ dẫm, đuổi đánh gãy chân thôi, bởi nhìn ông ta còn mỗi cái xác còm nhom, cổ lúc nào cũng lắc la lắc lư như sắp gãy, có cái của gì quý giá để mà đòi đâu. Mà ông ta cũng chỉ cá cược được mấy đồng, nghĩ không dám chơi lớn, nhiều người cũng nghĩ ông ta không có mà trả nên không chơi quá nhiều với ông ta, nếu chơi thắng nhiều quá, ông ta sẽ nằm ăn vạ, khóc thét ầm ĩ trước cửa người ta, tố người ta ăn cướp.
Nhưng lần này lại khác, Chí Thành vắng nhà mấy hôm liền, sau đó trở về nhà với vẻ mặt vui phơi phới, mặc quần áo mới, ngậm tẩu thuốc đắt tiền, mang về cho Chí Kiên một đống bạc.
Chí Kiên không yên tâm lắm, nói:
“Cha lấy tiền này ở đâu thì mang trả cho người ta đi!”
Nếu như mọi khi, nghe vậy thì Chí Thành sẽ mắng chửi cậu chàng ghê gớm, nhưng hôm nay lại vui vẻ tự đắc, nói.
“Tiền này là ta tự tay kiếm được bằng trí tuệ của mình, mấy đứa bay thì biết cái gì. Cầm lấy đi, thích gì cứ mua nấy, không phải lo! Mà mày cũng nghỉ ngơi đi, tạm thời đừng đi cày thay trâu cho cha già trắc nết kia nữa, nghỉ! Nhà có tiền rồi, đi làm cái khác!”
Chí Văn cười khẩy, không chạm vào đồng bạc nào.
“Ông thì lấy đâu ra trí tuệ mà ôm về được chừng này tiền? Nói đi, bị ai dụ dỗ rồi? Anh tôi tích góp được vài đồng, mấy hôm trước tự dưng mất sạch, ông mang đi đánh bạc đúng không?”
Bị nói trúng tim đen, Chí Thành lảng tránh, lấp lửng nói.
“Thì, thì có sao đâu. Mà giờ có bạc rồi đấy, chẳng phải là nhờ mấy đồng bạc lẻ đó à?”
“Cha à, số tiền này quá nhiều, cha mang trả họ đi.” Chí Kiên thở dài, “Không thể nào họ để cha dễ dàng mang về nhiều tiền như vậy được, có phải họ hứa hẹn gì với cha không?”
“Hứa, hứa hẹn cái gì?” Chí Thành chột dạ, mắt long lên, tức giận nói, “Tụi bay thì biết cái quái gì! Thôi, tiền cứ để đó, mi không dùng thì ta dùng…”
Rồi ông ta lại lóc cóc lấy một mớ bạc chạy ra ngoài. Hai anh em chỉ biết nhìn nhau, Chí Kiên nói.
“Thôi thì cứ giữ đó, lỡ người ta đến đòi thì vẫn có mà trả.”
Cứ tưởng chuyện đơn giản, nào ngờ vài hôm sau có người hàng xóm hớt hải chạy qua báo tin.
“Chí Khờ, Chí Khờ, mày ra mà xem kìa!”
Chí Kiên chạy ra, người đó nói: “Cha của mày, bị người ta đòi nợ, đang muốn lấy cái mạng của lão kia kìa! Mày ra đầu thôn mà xem!”
“Cái gì?” Chí Văn tức giận, la ầm lên, “Cái lão già này, hôm nay tôi không băm lão ra, tôi không làm người nữa!”
Chí Kiên không nói gì, mặt mày sầm xuống, chạy luôn ra khỏi nhà. Tới đó mới biết, ra là Chí Thành bị dụ đánh bạc, hôm kia thắng được mấy trận, nay lại vác xác đánh tiếp, càng thua càng muốn gỡ, bây giờ không có tiền mà trả.
Chí Văn ôm đống tiền mà lão mang về từ hôm trước theo, ra tới nơi thấy lão bị trói, đánh cho chẳng ra hồn người nữa. Nhưng lão vẫn gào cái mồm lên xin tha, tuy nhiên, người lần này là có họ hàng với quan lớn ở trên, nổi tiếng giàu có, đâu dễ dàng buông tha cho lão.
Chí Văn mang tiền tới trả, phú ông kia còn cười nhạo: “Nhóc con, số bạc này đối với ta chỉ như cái gỉ mũi vậy, mi có biết cha của mi nợ bao nhiêu không?”
Chí Thành gào lên: “Thằng con ngu ngốc, sao lại mang tiền ra đây, thằng ngu này!”
“Ông im đi!” Chí Văn quát, “Bây giờ ông còn to mồm được à?”
Chí Kiên đành quỳ xuống, bình tĩnh nói: “Dạ bẩm ông, cha con nhà tôi thật sự không có cái gì quý giá cả, ông là người rộng lượng, xin ông tha cho cha con tôi lần này, cha tôi cũng vì túng quẫn quá nên mới làm liều…”
“Ha.” Phú ông dò xét nhìn Chí Kiên, ngậm tẩu thuốc, hít một hơi rồi nói với người tùy tùng bên cạnh, “Thằng này, nó tên gì? Sao thằng cha đần độn mà sinh ra thằng con như vậy được.”
“Dạ bẩm, đó là con cả của ông ta ạ.”
“Ồ.”
Một lúc sau, phú ông nọ mới nói: “Tha cho nhà mi cũng được, nhưng như vậy thì thiệt cho ta quá.”
“Lạy ông, xin ông nói cho tôi biết để tôi còn biết đường làm theo ạ.”
“Được rồi, bỏ lại hai ngón tay, rồi đi đâu thì tuỳ.”
Chí Kiên im lặng, Chí Thành sợ hãi nhìn con trai, còn Chí Văn thì lạnh lùng nói.
“Vậy thì cứ lấy của ông già đó cả bàn tay cũng được.”
Phú ông lắc đầu, cười bảo: “Không, là cậu kia, cậu đó, để lại hai ngón tay, rồi mang người về tuỳ ý.”
“Sao? Không được!” Chí Văn lập tức phản bác, “Vậy lấy của tôi đi, của tôi cũng được, tay tôi còn khoẻ hơn cả tay của anh ấy.”
Chí Kiên nhìn phú ông chằm chằm, trên gương mặt chàng không tỏ rõ biểu cảm gì. Lúc đó, Chí Thành vội vàng van xin.
“Con trai, con trai à, xin con giúp cha, cha sai rồi. Cha không bao giờ đi đánh bạc nữa. Chỉ… chỉ hai ngón tay thôi, con, con thương cha thì giúp cha, được không con?”
“Ông già điên này!” Chí Văn nghiến răng nghiến lợi, “Câm mồm!”
“Sao? Ý cậu thế nào? Quá hời rồi chứ gì nữa?” Ông ta cười vui vẻ, “Số tiền đó đám người tụi bay có cày cả đời cũng không đền được đâu, chỉ cần hai ngón tay thôi là xoá nợ, chẳng phải ta đây vẫn thiệt à?”
“Anh, anh à…” Chí Văn đỏ mắt, nhìn anh mình như cầu xin, “Hay, hay là em nghỉ học, em cũng về đi làm, về kiếm tiền với anh, chúng ta sống cực một chút không sao mà.”
“Được rồi.” Chí Kiên lãnh đạm nói, không hề nhìn em trai, cũng không nhìn cha, “Vậy, nhờ ông giúp tôi.”
“Ha ha ha…” Phú ông ngửa đầu cười to, sảng khoái nói, “Được! Được lắm! Bay đâu, mang dao, thớt ra đây!”
“Anh à!” Chí Văn trừng mắt, rồi quay sang Chí Thành, quát to, “Ông mau ngăn anh lại đi chứ, lão già đốn mạt này!”
Lúc đó, Chí Kiên được hai tên tuỳ tùng dẫn lên, bọn họ đè cậu xuống, đặt bàn tay trái của cậu lên thớt. Mặc cho tiếng gào khóc của em trai, Chí Kiên không hé răng lời nào, chỉ im lặng làm theo những lời phú ông đưa ra.
Ngay khi khoảnh khắc con dao hạ xuống, một tiếng thét dài đau đớn vang lên. Người dân ở bên ngoài nghe thấy cũng sợ hãi lây, không ai dám mở mồm bàn tán.