Đôi lời về nhân vật của mình.
I. Bà ngoại.
Bà ngoại là một nhân vật quan trọng, dù không nhiều đất diễn. Bà đã ảnh hưởng lên Văn khá nhiều.
Trong trận hỏa hoạn năm xưa, bà bị bỏng mắt nặng, và lại thêm chứng bệnh Alzheimer, nên trí nhớ bà dừng lại ở năm Thi với Văn 18 tuổi – tức 2 năm sau khi Thi mất. Đồng thời, bà coi Thi là anh, Văn là em gái.
Trong truyện có đề cập tới việc Văn nuôi tóc dài, lại thêm hai anh em y đúc nhau (vì là sinh đôi), nên bà giữ suy nghĩ đó như một lẽ đương nhiên, dù Văn nói sao bà cũng cho là trò cười. Bà đã dạy Văn như một đứa con gái, điều đó gián tiếp gây ra bi kịch kế theo.
II. Quan hệ giữa Thi – Văn – Thơ.
Thi và Văn là hai anh em sinh đôi, “như hai giọt nước, như đôi hạt cát”.
Thơ yêu Thi, nhưng Văn lại trót thương thầm trộm nhớ Thơ. Mối tình dai dẳng ấy làm tội làm tình cả ba con người – dù 1 người đã mất.
III. Văn.
Ngay từ đầu truyện, danh xưng đặt cho Văn đã là “thị”. Từ trong thâm tâm, dưới ảnh hưởng của bà và tự ám hiệu mình, Văn coi bản thân thành con gái – chính xác hơn là bắt chước người em quá cố Thi. Nhưng cũng có lúc tỉnh táo, anh hát giễu rằng:
“Làm trai phải có gan lì
Nấp trong xó bếp làm gì nên thân.”
Đó là chi tiết đầu tiên hé lộ giới tính thực của Văn. Chi tiết thứ hai là vào lúc cô gái đến đưa bánh Trung Thu:
“Cũng biết nhà c… chị chẳng có trẻ con, nhưng dầu sao mấy ngày thế này cứ có bánh cho vui cửa vui nhà. Văn nhận giùm cho tôi vui, nhé.”
Cô gái định gọi “cậu“, nhưng nhớ ra bà cụ cũng ở nhà nên đổi thành “chị“. Văn hiểu, nên mỉm cười, nhưng anh tiếp tục dối mình. Danh xưng thị được dùng cho tới khi bà cụ hỏi:
“Nay là ngày giỗ thằng Thi phỏng?”
Văn ngẩn ra. Lời ấy đã cảnh tỉnh anh. Anh bắt đầu nhận thấy mình thật sự là ai. Kể từ đó, danh xưng “thị” biến mất, Văn quay về hiện thực với cách gọi “anh“, về với giới tính thực của mình.
Tuy nhiên, không hoàn toàn là như thế. Văn vẫn tiếp tục nuôi tóc, để da trắng, cư xử như Thi. Và quả thực, trong phút u mê, Văn đã bày kế để gặp Thơ dưới hình hài mang phần hồn của Thi.
Nhưng suy xét tới cùng thì, ai bày tính ai còn khó nói.
IV. Thơ.
Thơ là người phức tạp nhất. Một mặt, Thơ yêu Thi và chấp nhận Thi chết, mặt khác lại tìm kiếm trong vô vọng bóng hình Thi. Có một chi tiết trong truyện nhắc về tuổi của Thi hiện tại:
“Gái gì đã lẻ tuổi trăng
Mà sao chẳng thấy ông giàng se duyên.”
Lẻ tuổi trăng tức là 17 hoặc 19 tuổi. Trong truyện, thiết lập mình đặt cho Thơ là 19, Thi mất 4 năm trước là khi Thơ 15. Tức là gần như cả thuở thiếu thời, Thơ dành để yêu Thi. Có lẽ trong cả 3 nhân vật, Thơ chính là người mang bệnh tâm lý nặng nhất.
“Nào! Đầy người tới hỏi tui đấy. Nhưng tui còn chờ người ta rước.”
Thơ vuốt má Văn, dịu dàng bảo:
“Chờ người da trắng tóc tơ.”
Một chi tiết mình không nhắc tới trong truyện, nhưng các bạn có thể phỏng đoán: Việc ông Hải biết chuyện của Thơ và Văn. Chính Thơ là người đã để lời đồn thổi tới tai ông, vì bấy giờ, Thơ gần như chìm đắm trong phần hồn của Thi trên gương mặt Văn, muốn lấy anh làm chồng. Thơ đinh ninh chắc anh sẽ làm gì đó để cưới mình, nhưng rất đáng tiếc cô đã đoán sai.
V. Tâm thái của Thơ và Văn.
Văn luôn là người tỉnh táo hơn Thơ.
Ngay từ đầu khi Thơ ngỏ ý với mình, anh đã cố gắng trốn tránh, khước từ, thậm chí là hiểu thấu với một thái độ bất lực:
“Văn cũng lựa lời chối từ, nhưng Thơ ngang lắm, một hai bắt anh phải nhận.”
“Văn lại thở dài, cái từ duyên khó đoán lắm, biết là duyên phận hay duyên trái ngang?”
Lần thứ 2 anh cho thấy sự bình tĩnh của mình là lúc ông Hải biết chuyện hai đứa, nghe mọi người bàn tán, anh chỉ điềm nhiên mỉm cười:
“Mấy thím ra đồng đó ạ? Sớm quá.”
Văn không làm theo tính toán của Thơ. Bởi đôi mắt Thơ nhìn anh – nhìn phần hồn của Thi trên gương mặt Văn, đã khiến anh phải tỉnh lại. Mà thành thực nhận xét thì, từ đầu tới đuôi, Văn vẫn luôn rất tỉnh táo.
Thơ đã thất bại trong việc níu giữ.
Cụm từ “Thơ khóc hết nước mắt” được nhắc lặp đi lặp lại nhiều lần. Nước mắt của Thơ là cho giấc mộng vỡ vụn, Thơ không giữ được Thi, cũng không níu được phần hồn của Thi trên gương mặt Văn, Thơ khóc cho giấc mộng đáng thương của mình. Cuối cùng, Thơ quay về hiện thực ở lần gặp mặt cuối cùng:
“Nay em trả cho đằng ấy. Em đi lấy chồng.”
Thơ trao kỷ vật của Thi cho Văn, coi như đã chấm dứt mọi thứ. Nhưng mọi chuyện chưa dừng ở đó.
Có một sự thật rất đau lòng là từ đầu tới đuôi, Thơ chưa từng gọi tên Văn một lần nào. Lúc Thơ bảo mình đi lấy chồng, Văn chỉ ứa nước mắt. Nhưng khi Thơ nói: “Em đi lấy chồng, Thi ơi”, Văn bật khóc.
Thơ chưa từng coi Văn là Văn, mà cô tin chắc anh chỉ là phần hồn của Thi. Tận đến cuối truyện, Thơ vẫn chấp nhất với điều này.
___
“Văn đã hiểu, mà giả như không hiểu. Họ bên nhau ngày ngày với những nỗi ưu tư riêng riêng, biết mà lừa rằng mình chẳng biết.”
Mashiro-miuna (4 năm trước.)
Level: 8
Số Xu: 1442
Đọc lại vẫn thấy buồn buồn. :"/