Xóm Na hôm nay nhộn nhịp hẳn. Lí do hả? À thì bởi vì có một người nước ngoài đã đến đây và Na là người nhìn thấy ông ấy đầu tiên. Tất nhiên chỉ là đầu tiên trong đám trẻ con của làng Ốc nhưng như thế cũng đủ nổi bật lắm rồi. Chuyện là thế này.
Chiều đến, bọn nhóc rủ nhau ra bãi đất bỏ trống ở gần nhà chơi. Con Út này, thằng Ve này, thằng Tín và cả mấy đứa ở làng Nho cũng lọ mọ qua đây. Đông vui thế ai mà không thích! Cả bọn rồng rắn kéo sợi dây thừng dài gần bằng cái bãi đất trồng này, vừa đi vừa hát vang cả làng cả xóm. Na tiên phong đi đầu trong lượt đấu đầu tiên. Chẳng chịu kém cạnh, bọn nhóc làng bên cũng kéo ra thách đấu.
Trận chiến bắt đầu khi Na bắt đầu kéo một cái thật mạnh về phía mình khiến toán xóm Nho chao đảo, vài đứa không kịp chuẩn bị, ngã nhào luôn xuống đất. Bực nhất là Bo, trầy có tẹo tèo teo mà nó lăn ra, nước mắt nước mũi ròng ròng, hết bắt đền rồi tới méc mẹ. Sau khi thấy bọn bạn chẳng đoái hoài gì đến mình, Bo cũng lồm cồm bò dậy, tới nắm cái đuôi còn thừa cả khúc dài ngoẵng mà hò mà hát.
Trận chiến trở nên căng thẳng hơn khi thằng Tèo, con Nụ bỏ cuộc, đội Na trở nên yếu thế về số lượng. Vậy là bảy tám cái đầu lại chúi vào nhau, xì xà xì xầm mất một lúc rồi đứa nào đứa nấy hiên ngang bước ra sàn đấu. Không biết chúng nó lấy ở đâu ra hai lá cờ nho nhỏ màu đỏ bằng vải, bay phấp pha phấp phới. Tèo một lá, Nụ một lá, hò hét ầm ĩ cả lên.
Không biết bọn Na vừa rồi là đã bàn về cái gì mà tụi nó tự tin thế, làm cho hai nhóc làng Nho có chút hụt hẫng nhưng rồi hai đứa nó cũng trở lại hoạt bát vô cùng, hét còn to hơn khi trước. Trò chơi lại được tiếp tục khi Nụ hô to: “Bắt đầu!”
Hò dô… hò dô… hò dô…
Tụi nhóc cứ kéo, kéo đến nỗi mồ hôi tay rịn ra làm sợi dây trở nên trơn tuột. Na thấy nóng ơi là nóng mặc dù những con gió mát rượi đang lần lượt vui đùa ở khoảng sân rộng thênh thang của xóm Ốc. Liệu rồi kết quả sẽ ra sao?
Lúc này, không biết sức lực ở đâu ra mà đội Na đột ngột kéo mạnh dây về phía mình, tay truyền qua tay như một nguồn điện hàng trăm oát, khỏe mãnh và vững chãi khiến đối thủ phải ngớ ra tới mấy giây. Thừa cơ, Na đứng đầu giật luôn sợi dây trước sự ngỡ ngàng của bè bạn để rồi vỡ òa trong chiến thắng. Tuy nhiên, có một điều mà Na và các bạn nhỏ tinh nghịch kia chưa hề biết rằng phía xa xa, một đoàn làm phim đang bí mật quay lại cận cảnh cuộc chơi thú vị từ nãy giờ.
Na rồng rắn về nhà, gặp mẹ. Gặp anh Bi vừa đi học về ở đầu ngõ, Na tíu tít chạy lại, ôm vai bá cổ rồi thò tay móc ngay mấy gói kẹo trong túi anh. Từ ngày ba mất, công việc phân phát kẹo của ba đã được chuyển nhượng cho anh Bi một cách tự nhiên như thể nó vốn dĩ là như vậy rồi ấy! Bước chân rộn ràng của Na đột ngột dừng lại khiến anh Bi đang bóc kẹo lập tức vấp cái bạch, té chỏng gọng. Vậy là viên kẹo sà thẳng xuống đất. Bình thường, Na sẽ ré lên tức giận nhưng hôm nay, chưa thấy Na phản ứng gì khiến anh Bi ngạc nhiên nhưng ngạc nhiên nhất phải kể đến người đàn ông ngoại quốc đang đứng trước cổng nhà Na.
– A! – Tiếng la ngắn ngủn của anh Bi chẳng may thay lọt vào tai của vị khách nọ. Ông ấy quay lại, cưới thật tươi với ai đứa trẻ còn ngơ ngác.
– Đây có phải là nhà của ông Thức không? – Chất giọng rành rọt, quen thuộc của ông ta khiến cả Na và Bi đều ngỡ ông ấy là người Việt Nam chính gốc. Nhưng không, ông ấy là một nhiếp ảnh gia gốc Pháp học tập và làm việc ở Việt Nam từ những năm chiến tranh còn tàn khốc và hơn hết thảy, ông ấy đang tìm người bạn của mình.
– Vâng ạ! – Bi ngạc nhiên khi ông ấy biết cả tên ông nội, người mà cậu chưa bao gờ được gặp mà chỉ là những hình ảnh mờ nhạt qua những câu chuyện ba hay kể.
Na gọi mẹ, mẹ liền ra mở cổng. Giống như Na, mẹ cũng chần chừ khi thấy ông ấy.
– Tôi là Tom Micheal, cứ gọi tôi là Tom, tôi đến tìm gia đình có chút việc.
– À vâng ạ, ông Tôm, mời ông vào nhà.
Na đã toan chạy sang nhà thằng Tôm, nói cho nó biết là có người ngoại quốc trùng tên với nó, nhưng như thế sẽ làm cho nhân vật chính là Na sẽ không thể dương dương tự đắc khoe rằng mình đã gặp một người ngoại quốc hẳn hoi, ý tưởng liền dập tắt ngay sau đó.
Và rồi, câu chuyện được thuật lại như sau: Mẹ bảo ông Tôm ngày xưa chiên đấu trong quân đội Pháp, vô tình được ông nội cứu sống lúc bị dân mình nã đạn vào người. Ông nội đem giấu ông Tôm đi, nên không ai biết. Chỉ đến khi chính ông Tôm tự bán đứng ông nội thì mọi người mới vỡ lẽ. O6ng ấy rất hối hận vì cái chết oan uổng của ông nội. Nghe đến đây, mẹ Na uẫn ức, nhưng bà biết, dù bây giờ có làm gì thì ông nội cũng sẽ không sống lại, vì vậy, bà đành nhún nhường ngồi nghe.
– Ông Thức có dặn tôi rằng sau này, tôi có hối hận thì hãy đến gia đình mình, xin lỗi các cháu của ông ấy. Nay được gặp, tôi xin van mọi người, tha cho cái tôi hèn nhát mà ông Tom này đang cất giữ trong người.
Nói rồi, ông ấy liền quỳ xuống, nhưng đầu gối chưa chạm xuống đất thì đập ngay vào mắt ông là ánh mắt long lanh của cái Na, của cháu gái một người binh sĩ bị ông bán đứng. Ánh mắt ấy trông hồn nhiên đến lạ, khiến ông càng thêm hận lòng mình, lương tâm vô cùng cắn rứt. Nếu hôm đó, ông không hèn nhát, thì đã không có ngày hôm nay. Nếu hôm đó, ông biết cái ơn của người chiến sĩ nhân hậu đó, thì ông đã không phải quỳ phục trước những số phận bất hạnh do ông gây ra.
Na kéo tay áo ông, ghé vào tai ông thì thầm:
– Ông ơi, chúng ta làm hòa rồi, cháu vừa lỡ xơi cái bánh ông để trên bàn! – Na đứng cười, tươi tắn.
Vậy là Na đã tha thứ cho ông Tôm nên mẹ và anh Bi cũng thế. Có thể ngày trước, họ lá kẻ thù, nhưng bây giờ lại ngồi cùng nhau, uống những tách chè ấm nóng để quên đi mọi việc, quên đi hiềm khích của quá khứ, của tuổi thanh xuân. Mà nghĩ lại cũng hay thật, chả cần Na qua báo, thằng Tôm vẫn cứ tới, tay gãi mặt ngơ khi nghew người ta gọi mình mà hóa ra lại không phải mình. Thằng Tôm đến, kéo theo cả một bọn con nít ùa vào. Nhà Na tối hôm ấy vui nhất xóm, bởi đoàn làm phim nghỉ ở đấy, cho bọn trẻ biết bao nhiêu là bánh kẹo ngon. Những hồi ức tươi đẹp đó, Na biết đều đã được ghi vào một phần trong kí ức, gọn ghẽ trong một ngăn nào đó, trong những bức ảnh nào đó mà ông Tom đã tự tay chụp, à không, ông Tôm chứ!