TÔN NGỘ KHÔNG VÀ MẬT NGỮ CỦA TỔ SƯ
(GIẤC MƠ CỦA KHỈ CON 7)
Khi Mỹ Hầu ra mắt tổ sư, tổ sư hỏi thăm vài câu, rồi đặt tên cho Mỹ Hầu là Tôn Ngộ Không. Lúc ấy ba chữ Tôn Ngộ Không trong trang “bí kíp” đột nhiên phóng to lên, tỏa hào quang năm sắc, rồi tổ sư đưa mắt nhìn khỉ con, như có ý bảo nó hãy học bài học từ ba chữ này.
Khỉ con đứng dậy vươn vai cho dãn gân cốt, nó bước dạo vài vòng quanh cái bàn đá, phóng tầm mắt ra tận chân trời, vài cụm mây lờ lững. Lời trình của Mỹ Hầu với tổ sư cứ vang vang bên tai:
“Con không có tính gì cả. Người ta chửi con, con cũng không giận. Người ta đánh con, con cũng không thù, chỉ lễ phép với người ta mà thôi. Nhất sinh không có tính”.
Nó cũng nhớ, trong Tân Ước có dạy rằng, “phải có tâm hồn trẻ thơ mới vào được nước Chúa”
Một cánh chim lướt qua đầu, làm khỉ con giật mình. Nó ngẫm nghĩ, tổ sư đã dạy:
– Tôn (孫) nghĩa là trẻ thơ vô tư.
Còn chữ Ngộ và chữ Không, các cụ trong làng đã từng giảng:
– Ngộ nghĩa là gặp gỡ, là đến được, là hiểu được.
– Không nghĩa là không vướng mắc, không chấp trước vào bất cứ việc gì. Có tất cả mà trong tâm không dính mắc vào cái có đó.
Vậy thì cứ theo lời trình của Mỹ Hầu và ý nghĩa của ba chữ Tôn, Ngộ, Không, mà khỉ con hiểu được; ba chữ này dạy nó là, “cần phải có tâm hồn trẻ thơ vô tư, không biết giận, cũng chẳng biết buồn, luôn lễ phép với người thì mới đạt được cảnh giới tâm thanh tịnh, không dính mắc vào mọi thứ của thế gian; có tất cả mà vẫn không tất cả.”
Khỉ con cảm thấy như có luồng nhiệt chạy khắp người, làm mặt nó nóng rần lên; cảm giác mình đã thông hiểu được bài học này, nó vội trở lại bàn đá nhìn vào trang sách, ba chữ Tôn Ngộ Không hiện lên to tướng, tỏa hào quang sáng ngời, như chào mừng khỉ con đã thành công.
Kể từ nay khỉ con phải tu luyện thực hành theo ý chỉ của ba chữ: Tôn, Ngộ, Không, để đạt pháp trường sanh mà nó mơ ước.
Thế còn việc lúc tổ sư đăng đàn thuyết pháp, ngài đi lại, gõ đầu Ngộ Không ba cái rồi quay lưng đi vào trong là dạy khỉ con điều gì? Đoạn phim này cứ chiếu đi chiếu lại trong trang “bí kíp” như thúc giục nó phải mau mau thông hiểu.
Các cụ thường nói với khỉ con rằng chư tổ hay dạy học trò bằng mật ngữ thông qua hành động và cử chỉ của mình, trò nào thông minh, có tâm đạo mới hiểu.
Trong “bí kíp” thì Ngộ Không hiểu rằng, phải đúng nửa đêm (canh ba), theo cửa sau mà vào gặp tổ sư. Còn với khỉ con, nó phải hiểu thế nào đây? Bất chợt, nó nhớ lại câu chuyện mà cụ già trong làng đã kể nó nghe; trong đó đoạn cuối như vầy:
“Vua hỏi bề tôi:
– Cứ như vậy có thể làm bá chủ thiên hạ được chăng?
Bề tôi trả lời:
– Thế cũng chưa đủ. Phải có ba điều kiện: Chớ nên tham lam, chớ nên tức giận, chớ nên vội vàng. Hễ tham lam thì tạo nhiều lầm lỗi, hễ tức giận thì tạo nhiều khó khăn, hễ vội vàng thì gặp nhiều thất bại. Thêm ba điều này thì có thể làm bá chủ.”
Khỉ con suy nghĩ: Vậy phải chăng để tu luyện đạt được an lạc hạnh phúc, cũng cần ghi nhớ ba điều: Không tham lam, không nóng giận, không vội vàng?! Trong óc nó chợt sáng lên, như có ai mách bảo:
– “Chắp tay sau lưng, quay mặt đi vào trong” tức là trong tâm luôn xem nhẹ mọi việc có lợi ích cho riêng mình, không quan trọng hóa mọi vấn đề về danh vọng, tiền tài và tình cảm, không vướng mắc thái quá vào cái được và mất của thế gian…
Đoạn phim biến mất, trang bí kíp đã trở thành giấy trắng. Tiếng gà đâu đó gáy vang, làm khỉ con ra khỏi cơn nhập tĩnh, lúc này nó hay tọa thiền để học bí kíp. Tận chân trời xa, ánh thái dương dần dần chiếu tỏa; khỉ con thấy mát mẻ trong tâm khi nó hiểu thông vấn đề vừa rồi, nó lẩm nhẩm:
Ta chớ nên tham lam, vì tham lam gây nhiều lầm lỗi trong cuộc sống; ta chẳng nên nóng giận, vì nóng giận sẽ tạo nhiều khó khăn trên đường đời; ta chẳng nên vội vàng, vì vội vàng sẽ gây nhiều thất bại trong công việc. Ngoài ra ta cũng nên xem nhẹ mọi chuyện vinh nhục, được mất, sang hèn… của thế gian. Đây chính là nền tảng cho việc có được an lạc trường cửu, hạnh phúc muôn đời vậy.
Ta cứ luôn vô tư,
Mặc đời tranh hơn thua.
Vinh nhục cùng được mất,
Trong dạ chẳng sầu ưu.
Không tham lam, nóng giận,
Tánh hấp tấp quyết trừ.
Thường xuyên luôn như vậy,
Hạnh phúc mãi thiên thu.