Chương 22: Vừa giận mà lại vừa thương
Huế, năm 1910.
Từ trên chuyến xe lửa người đông như nêm, Sang ôm chiếc giỏ da, cẩn thận vịn cửa toa, đưa một chân xuống đất cho vững rồi mới can đảm đưa chân tiếp theo, gian nan như đang lội xuống ao sâu, con Lài theo sát bên, thấy chủ đã an toàn rồi thì tung người đáp đất. Miệng con Lài ngậm một cây gậy dài, nó đưa cho chủ và nhận được cái xoa đầu đầy âu yếm từ anh, mặt nghiêm phút chốc thành dại, lưỡi thè hết cả ra, đuôi ngoáy tít.
“Cậu cháu mình đi.”
Sang chống gậy, đi khập khiễng ra cửa ga, mỗi bước đi lại cau mày một lần. Vết thương ở chân anh cứ ngỡ qua dăm ba buổi sẽ nguôi, nào ngờ đêm qua lại mắc vạ, có thằng ăn trộm lẻn vô nhà anh ăn cắp lúa, anh vật lộn với nó, bị đè lên đúng cái chân đã đau từ trước, giờ nó sưng vù lên. Thế mà anh chẳng lấy làm buồn, còn tự giễu với thằng Hiếu:
“Giờ nhìn cậu ra dáng thầy kiện* chưa con?”
*Thầy kiện: cách gọi dân dã của nghề luật sư
Thằng Hiếu muốn giỡn lại mà không dám, e dè đưa mắt ra đằng xa. Ông thầy nhỏ của cậu Hai đứng sừng sững giữa nhà ga, khăn áo chỉnh tề, bên tay cầm cây dù đen đã bạc màu thành xám xịt, mặt cũng xám xịt không khác gì cây dù. Cậu đi một mạch tới chỗ người ta, gót giày sắt nện trên nền nhà cành cạch. Giáp mặt nhau, cậu chưa để anh nhìn lâu thêm một chút cho đỡ nhớ, đã vội lia xuống cái chân đau.
“Chân anh răng* rứa*?” Cậu hụp xuống, sờ chân nắn gân anh một hồi, mặt càng đen thêm. “Ai đánh anh rứa?”
*Răng: sao
*Rứa: thế
“Ờ, thằng ăn trộm ở nhà.”
Sang buột miệng nói thật, rồi lập tức thấy mình dại, anh có thể khai là mình trợt chân té để sự việc không phải liên đới nhiều người. Anh giận mình, tự dưng thấy mặt cậu là cứ tự khai ngọt sớt.
“Rồi đi được không?”
“Thì tôi ra đây với Tĩnh rồi còn gì.”
Bàn tay Tĩnh còn giữ nguyên kích cỡ cục sưng trên chân anh, sưng vù lên thế mà anh bảo không có gì, mắt cậu lườm anh bén ngót.
“Thôi mà.” Sang cười chống chế. Anh đưa tay ra để cậu nắm lấy mà đứng dậy. “Sao bữa nay lại ra ga đón tôi vậy?”
“Tôi quấy rầy sự riêng tư của anh hay ra răng?”
“Tôi lo Tĩnh mệt thôi.”
Sang coi chỗ này xô bồ, vàng thau lẫn lộn nên ngại để cậu tới đây, mà xe lửa cũng có khi chạy về ga cuối không đúng giờ, anh sợ cậu chờ lâu, mệt người. Thế mà Tĩnh vẫn cố tới ga đón anh.
“Tôi tới đúng giờ ghê hỉ?”
Tĩnh cười cười, không không lại xoáy vào lòng anh một phát đau nhói. Vì không muốn cậu khổ cực chờ đợi nên trong dây thép anh chỉ báo ngày tháng mình ra đây chứ không đề cập chuyện giờ giấc, may mà anh đi chuyến sớm nhất vào ban sáng, cậu cũng đoán được, bằng không thì chẳng biết cậu phải chờ tới bao giờ.
“Nay mai tôi có đi giờ nào thì tôi báo cho Tĩnh hay.” Sang thật chịu thua ông thầy nhỏ này rồi.
Tĩnh mỉm cười, vô cùng hài lòng. Cậu ngó qua con Lài, đuôi nó đang ngoáy tít lập tức ngừng lại. Sang hẩy nhẹ tay, đẩy con Lài về trước, nó đành miễn cưỡng dời chân từ cậu Hai chủ đất sang cậu Út nhà quan.
“Tầm tuần nữa tôi qua Tây học tiếp, nhờ Tĩnh coi chừng nó giùm.”
Tĩnh vuốt vuốt mấy cái, thấy lông nó mướt rượt, người cũng to lên nhiều.
“Anh nuôi nó tốt rứa, răng chừ* tôi dám nhận?”
*Chừ: giờ
“Ăn theo thuở, ở theo thời mà. Ở với Tĩnh thì phải theo nếp nhà Tĩnh thôi.” Sang trông Tĩnh quản giáo con Lài, có nghiêm khắc nhưng cũng rất mực quan tâm, dù gì cậu cũng là người chăm nó từ hồi dứt sữa mẹ. “Trừ Tĩnh ra thì tôi không dám giao nó cho ai hết.”
Tĩnh nghe câu ấy mà thấy ngọt lòng, đang vui, cậu vò đầu con Lài mấy cái, làm nó dựng hết lông lên.
“Tôi đưa anh về nhà cậu Kiều.” Tĩnh ngó nghiêng cái chân đau của anh. “Anh đi được không?”
“Đi được mà, Tĩnh đừng lo.”
Sang chống gậy, đi theo kiểu mấy ông hương cả, mấy ông hội đồng quê mình, chân anh đau điếng, nhưng vẫn phải ráng, tự động viên mình chỉ còn vài chục bước nữa là tới cửa ga, các xe kéo đang chờ sẵn ở ngoài, nỗi đau này sẽ sớm kết thúc. Dĩ nhiên là Tĩnh nhận ra, nếu cậu không ngại ở đây là chốn đông người thì đã chạy tới bế thốc anh lên rồi.
Thằng Hiếu vẫn là đứa khôn lanh, nhanh chân chạy ra cửa ga bắt ngay một chiếc xe ngựa, dìu hai cậu lên ngồi ở đằng sau còn nó thì ra trước chỉ đường với tán gẫu cùng bác phu xe.
“Anh đưa tôi coi cái chân đi.” Thấy người ta cứ một bước là một hít hà, Tĩnh nóng ruột không chịu được.
“Tĩnh chờ chút.”
Sang thả hết màn xe xuống rồi vén ống quần lên cho Tĩnh xem. Vết thương của anh ở chỗ ống quyển, đang được bó thuốc, chỗ sưng đội lên thành một ụ, còn quấn thêm hai ba vòng băng, nhìn chẳng khác gì con vụ.
“Có đau không?”
Sang lắc đầu.
“Rứa thằng ăn cắp ra răng rồi?”
Anh cười, nói: “Tôi thả rồi.”
“Răng mà anh đi thả thằng ăn cắp?” Tĩnh sừng sộ lên, song cũng tự biết kiềm giọng mình lại. “Thầy kiện chi mà kỳ rứa?”
“Người ta túng nên mới tới nhà tôi ăn trộm. Thôi thả đi, coi như mình làm phước, chứ đưa lên trên xử thì vợ con nheo nhóc, tội cũng về mình.” Sang biết Tĩnh càng nhìn cái chân đau của anh, càng tức thêm, vội nói chêm vào. “Cái chân này bị từ trước rồi, người ta lỡ tay làm nó nặng thêm thôi, bó thuốc năm bảy bữa là lành à.”
Tĩnh không nói gì nữa, có nói thì cũng nói không lại. Cậu rờ lớp băng quấn quanh vết thương trên chân anh, nhẩm tính thời gian bó thuốc ít nhất cũng phải qua nửa tháng. Cậu vừa giận, vừa lo, anh như thế này mà cứ thích độc lai độc vãng, lỡ có bề gì thì người ở nhà biết làm sao.
“Sao Tĩnh biết tôi bị người ta đánh chứ không phải trợt chân té?”
Cậu lườm anh một cái, khì mũi: “Anh nghĩ anh qua mặt được con nhà binh hỉ?”
Sang vội lắc đầu: “Tôi không dám, không dám đâu.”
Cậu thả ống quần anh xuống, làu bàu: “Người thì to mà bị ăn trộm nó bẻ giò.”
Sang cười khổ, nói: “Thì người tôi to chứ đâu có biết võ. Hay là…” Chợt, anh lân la qua cậu, níu cái tà áo the, nịnh nọt. “Tĩnh có thương thì dạy tôi vài đường võ, đi, nha.”
Hai người ngồi đối diện nhau, Tĩnh bị áp sát đột ngột thế, theo phản xạ phải ngửa người ra sau. Dạo này Tĩnh thấy mình hơi lạ, khi được anh nhìn thế này thì gai ốc đồng loạt nổi lên, tựa như có dòng điện chạy qua người. Cậu ngoảnh đầu đi, lầm bầm:
“Muốn tôi dạy thì phải có học phí nớ*.”
*Nớ: đó
Sang gật đầu tắp lự: “Tôi chịu hết. Muốn sang phải bắc cầu Kiều mà.”
“Tôi lấy vàng thôi nớ.”
“Được hết.” Bảo anh dát nền vàng rước thầy anh cũng chịu.
Bỗng dưng xe ngựa đánh quẹo qua phải, làm thân xe rung lắc, chút nữa Tĩnh đã đập đầu vào khung cửa sổ, Sang vội kê tay đệm cho cậu. Anh quay về hướng phu xe, gằn giọng:
“Làm sao đó?”
“Dạ thưa cậu.” Giọng ông phu xe hơi run lên. “Có ông Tây đi xe bốn bánh tạt đầu xe con ạ.”
Sang cau mày, vén màn lên. Tĩnh hơi liếc ra sau, thấy có chiếc xe chở sĩ quan bên Tây đi ngược chiều mình, ở ghế sau có viên sĩ quan trẻ đang ngồi bắt chéo chân, hé cửa kính nhìn đăm đăm sang này. Một bên khoé môi Sang nhếch lên:
“Hẹn gặp lại cậu vào tháng sau.”*
*Lúc này Sang đang nói tiếng Pháp
Đó đơn thuần là một lời chào hỏi bằng tiếng Pháp, thế mà Tĩnh thấy người kia lại tái mặt, còn tính làm gì đó, cậu thấy cây súng lục lấp ló. Nhưng Sang chỉ cười nhạt, thả màn xuống, thong thả trở về chỗ ngồi.
“Ai rứa anh?”
“Người dưng thôi. Tại tình cờ gặp nhau bên Tây nên chào hỏi mấy câu.”
Tĩnh vỗ trán mình hai cái, phì cười. Ở nhà, người ta tha cho thằng trộm lúa, nhưng ra đường thì lại chọc tức ông quan to, sĩ quan Tây được ngồi xe hơi thì nào phải người tầm thường.
Bỗng dưng Sang xoa xoa bàn tay. Tĩnh hốt hoảng, cầm tay anh xem, thấy một lằn đỏ chót chạy từ cổ tay tới đầu ngón giữa.
“Đau không?”
“Không sao đâu, không có đau.”
Xe ngựa chỉ va vấp mỗi lúc ấy, quãng đường còn lại thì chạy êm ru. Thằng Hiếu nghểnh cổ vào trong, muốn nghe ngóng thử hai cậu đang nói gì, thường ngày ra Huế cậu Hai cứ thần thần bí bí, được một lúc thì nó lắc đầu, bỏ cuộc, câu nghe hiểu thì hai cậu thì thầm với nhau, câu không thì thầm thì nó lại chẳng hiểu.
“Chân anh như ri* rồi, mai ni đi qua Tây thì có ai theo đỡ đần không?”
*Ri: vầy
Sang khẽ khàng lắc đầu: “Không cần đâu. Tôi ở trên trường suốt ngày, có người theo cũng đâu phụ được bao nhiêu.”
“Rứa lúc tối lửa, có chuyện chi thì ai lo cho anh?”
“Nhưng mà nếu đưa người không biết tiếng qua thì thành ra bỏ người ta với bốn bức tường, còn người biết tiếng thì người ta còn làm được nhiều chuyện khác, đưa người ta qua lo cho mình thành ra trói chân người ta.”
“Răng mà anh…”
Tĩnh rất muốn mắng người này một trận, nhưng rồi lại thôi, cậu thở dài, mấy ngón tay thon thon vén mớ tóc phủ loà xoà trước mặt anh. Sang nghiêng đầu, trông nét chau mày trên gương mặt người ta, thò tay qua cầm lấy bàn tay, thủ thỉ xin thứ tội:
“Tĩnh thương tôi. Tĩnh biết tôi ngại hơi người mà.” Anh lầm bầm. “Về nhà mà còn phải ép mình thì khó chịu lắm.”
Tĩnh phì cười, tay chống cằm liếc mắt nhìn sang:
“Rứa mần răng anh ưng đi với tôi?”
Mắt Sang cong lên hình trăng lưỡi liềm, tay nắm chặt tay, thì thầm:
“Tôi nói rồi mà. Tĩnh là ông tiên của đời tôi.”
Bên trong rộ lên tiếng cười khúc khích, ở ngoài thì om sòm tiếng cãi vã của thằng Hiếu với ông phu xe. Ông nhớ từ ga tới nhà sách Sông Hương chỉ cần qua mấy ngã rẽ đường, mà sao giờ lại lạc đi đâu tới tận chùa Thiên Mụ, giờ muốn tới chỗ được chỉ điểm thì phải lội lại một vòng.
“Cũng tại mi chỉ đường bậy bạ! Không phải dân kinh đô thì ngồi yên cho ta nhờ!” Ông phu gí cái roi ngựa đầy gai vào mặt thằng Hiếu. “Còn chỉ bậy bạ, ta cho ăn roi nớ!”
“Ầy, chỉ đâu thì đi đó đi. Đi đi, ở bên trái ớ.”
“Há?” Ông bác nhớ rõ rành rành muốn tới nhà sách đó thì phải rẽ phải.
Thằng Hiếu tặc lưỡi: “Bên trái ớ. Đi đi, có ai thiếu tiền ông đâu mà sợ.”
Ông bác bễu môi, xuỳ xuỳ:
“Cái quân chi mờ dư tiền.” Ông quất roi, hướng dây cương qua bên trái như lời chỉ đường.
Thằng Hiếu vắt chân, nhìn trời hôm nay xanh xanh, mặt trời chỉ mới lên mấy sào, độ chừng nào trời đậu tạm ngọn tre thì để hai cậu cập bến là vừa. Thằng Hiếu cười hăng hắc, tự tin là sau đợt này thể nào mình cũng được tăng lương.