Chương 24: Mã đáo thành công (phần 3)
Huế, tháng 8 năm 1910.
Đến hẹn lại lên, vào ngày đầu tháng theo lịch tây dương, nhà Thượng thơ bộ Binh bừng bừng sức sống. Đây là khoảnh khắc quý giá của từng thành viên trong nhà Hồ Đắc, người hầu được lĩnh lương tháng, các cậu ấm, cô chiêu thì nhận được tiền tiêu vặt từ buồng cậu Cả.
“Một, hai, ba, bốn, năm…”
Thịnh lẩm nhẩm đếm nhịp bước chân, hồi tưởng khoảnh khắc chị dâu cả đặt từng tờ giấy bạc vào lòng bàn tay mình. Anh nhân lúc mình đi qua một chỗ vắng, lén sờ nắn túi tiền căng đầy. Ai biết được tháng trước cậu Ba nhà Thượng thơ suýt lâm vào cảnh khánh kiệt, chiếc túi gấm thêu hoa văn lá trúc dẹp lép như một chiếc lá trúc.
“Dạ, con chào chú.”
“Chào con.”
Thịnh vô tư xoa đầu đứa cháu nhỏ, tóc còn lơ thơ. Thịnh không ưa đứa cháu này nhất nhà, nó cũng chẳng thích anh nhiều hơn thế được, nhưng hôm nay là ngoại lệ. Có lẽ vì khi người ta dư dả thì tấm lòng cũng rộng ra.
“Tĩnh ni!*” Thịnh tới phòng cậu em út, ưỡn ngực, muốn gõ mạnh cánh cửa đã mở hờ, rồi mạnh mẽ kéo tay nó đi chè chén một bữa, tự hào bảo chầu này anh khao.
*Ni: này
“Một, hai, ba, bốn, năm…” Tiếng đếm tiền cùng tiếng xoè tiền êm ru, nhẹ như bẫng, hoàn toàn không quan tâm gì đến giá trị cọc giấy mình cầm trên tay, đấy mới là điệu bộ của kẻ lắm tiền.
Thịnh chợt nhớ, trong số những người họ Hồ Đắc còn phải xoè tay xin tiền, ‘thu nhập’ của Tĩnh luôn khá nhất, cậu có tiền tiêu vặt anh Cả với mẹ cho mỗi tháng, có học bổng trường thưởng mỗi quý, và ba tháng nay còn có thêm tiền [người nớ] gởi lo đồ ăn thức uống cho con vật cưng mỗi tuần. Chiếc túi gấm Tô Châu màu trắng ánh bạc, hoa văn mây sóng nhờ những khoản ấy mà luôn được căng phồng như bụng con lợn con, khiến không ít người ghen tị lẫn thèm thuồng.
Thịnh đẩy cửa vào phòng đứa em út. Tĩnh chào anh với một cái gật đầu.
“Anh Cả cho ta tiền may đồ mới. Chừ* ta tới tiệm may, rồi ra chợ mua đồ nì, mi có muốn gởi chi không?”
*Chừ: giờ
“Anh cho em theo với.”
“Mi cũng ra chợ á?”
“Không được á?”
Thịnh gãi đầu, ậm ừ cửa miệng, xoa xuýt hai tay, mười mươi là tỏ ý từ chối. Anh Thịnh vẫn đang hò hẹn cùng con gái ông chủ tiệm may âu phục, cha cấm nhưng anh Cả thì mắt nhắm mắt mở, cứ tới đầu tháng, Thịnh kiếm cớ tới tiệm may để gặp gỡ, cùng nàng ra chợ chọn vải, mua đồ cho em, khi thiên hạ lơ đễnh chừng giây, Thịnh sẽ tiện tay ấy mà nắm lấy bàn tay. Anh không thích có con kỳ đà rơi phạch xuống khung cảnh thơ mộng ấy.
“Em nỏ* thèm dòm mô*.” Tĩnh bắt bài anh ngay, đặt ra lời cam kết chắc chắn, mà cũng dễ ngươi. “Anh nỏ phải Lục Vân Tiên, cô nớ* cũng nỏ phải Kiều Nguyệt Nga.”
*Nỏ: không
*Mô: đâu
*Nớ: đó
Thịnh thấy tự ái, gắt lên: “Tiên Tiên cái mả…” Anh may mắn dừng lại kịp lúc, không là rước vạ vào thân ngay. “Mi mần cái chi ta cũng nỏ thèm dòm!”
Ấy thế là anh em nhà Hồ Đắc cùng bọc tiền ra cửa, cùng đạp xe tới tiệm âu phục quen mặt, nhưng mỗi người trông mắt về một hướng.
Tĩnh vân vê mép túi gấm, nhẩm đếm ngày tháng. Bức điện tín gần nhất Sang gởi về báo là anh đã về đến nhà, sẽ ra thăm cậu vào ngày 5 tháng 8 dương lịch, Tĩnh phúc đáp rằng cậu sẽ tặng anh một món quà xứng đáng. Giờ Tĩnh còn bốn ngày nữa để chuẩn bị.
Xe đạp kêu lạch cạch, cán trên bao nhiêu đất sỏi, chợt êm ru khi Tĩnh đánh quẹo tay lái, rẽ sang con đường phẳng lì, dẫn lối tới con phố bán hàng cho người Tây.
Tiệm may quen mặt của hai anh em đặt ở khu đất thứ ba, bên trái. Có cô gái nhỏ lấp ló bên cây cột khảm đá vân, tóc vấn khăn lươn màu hồng đào trùng với màu áo. Nghe tiếng chuông xe đạp quen thuộc, cô bé nhảy chân sáo vào nhà, cười nói líu lo. Rồi cô con gái lớn của chủ tiệm xuất hiện, đến vịn đầu xe công tử nhà Hồ Đắc.
“Chu cha ơi.” Thịnh trông gò má ửng hồng, thoang thoảng mùi thơm của nàng, xuýt xoa. “Hôm ni cô chủ đẹp dữ rứa*.”
*Rứa: thế
Cô Thuý Hồng e thẹn thỏ thẻ:
“Em mời cậu vô đo đồ.”
“Ừm, đi.”
Trai trẻ, gái son dắt tay vào tiệm may, mặc tình Tĩnh đứng chơi vơi bên ngoài, dù Tĩnh mới là người tới trước. Nhưng mà Tĩnh cũng không quan tâm, cậu gác xe đạp sát cửa tiệm rồi đường hoàng bước vào. Người chủ tiệm may đứng ở quầy lịch thiệp cất lời chào:
“Chào cậu.”
Ông Hoá, chủ tiệm này trạc tuổi cha cậu, nhưng phong độ thì hơn hẳn, mặt mũi hồng hào, tóc đen như mực. Tĩnh từng nghe kể, ông Hoá cùng ông Hiển khi xưa học chung thầy, song, chỉ trong thời gian ngắn, ông Hoá đã hoàn toàn gột bỏ nghiệp bút nghiên, còn cha cậu vẫn mãi vẫy vùng trong ấy. Tĩnh lịch thiệp cúi mình, lấy lễ hậu sinh chào bậc trưởng thượng.
“Tôi muốn coi thử mấy kiểu ghim cài áo cho một người bạn.”
“Để tôi kêu người dẫn cậu đi xem hàng.”
Ông Hoá ngoắt gọi một anh thợ may học việc, bảo anh ta dẫn khách qua chiếc tủ ở góc trái – nơi trưng những chiếc khuy cài áo quý nhất, đẹp nhất của tiệm.
Những chiếc khuy bằng đồng, bằng sắt đặt xen kẽ làm nền cho những chiếc khuy cài áo bằng vàng, bằng bạc khảm đá quý, ngọc trai. Người thợ thủ công lành nghề đẽo gọt những khối kim loại vô tri thành muôn vàn hình ảnh rực rỡ, thổi cho chúng sự sống, để chúng lại hút hồn người ta con công trống xoè đuôi nhảy múa, mê hoặc cặp mắt người yêu cái đẹp.
“Cái ni chừng bao nhiêu?” Tĩnh chỉ chiếc cúc bạc chạm hình con ngựa bay trong truyền thuyết Hy Lạp.
Người thợ may học việc nhanh miệng báo giá, Tĩnh lập tức rút tiền trả, không một lời mặc cả, rồi cậu lại hỏi mua nơ cổ với thắt lưng và cũng trả tiền với tốc độ tương đương. Cả tiệm mừng rơn, lật đật pha trà rót nước, mời khách quý ngồi ghế đệm nhung trong lúc chờ tiếp tân gói hàng.
Có điều Tĩnh yêu cầu hộp đựng rất khắt khe. Chiếc khuy áo được đặt trong chiếc hộp nhung đen tuyền, nghe thì rất đơn giản, nhưng Tĩnh lại săm soi từng đường trầy, vết xước, nắp hộp lệch nhau tí thôi cũng bị trả về. Còn hộp đựng nơ cổ và cặp táp da thì không cần hoa lá cành, chỉ lấy màu giấy huyết dụ đơn thuần nhưng phải phẳng thật phẳng, màu phải đều thật đều. Thế nên Thịnh có cù cưa để đợi Tĩnh đi trước hòng cắt đuôi thì đến cuối hai anh em vẫn dắt xe đi khỏi tiệm cùng một lúc.
“Mi cũng theo à?” Giọng Thịnh nghẹn như nuốt phải bả.
“Dạ, em xong rồi.” Tĩnh bễu môi. “Anh yên tâm đi, em nỏ thèm nhìn mô.”
Lời kia ban đầu đơn thuần chỉ để đùa cợt, nhưng rồi Tĩnh nghe thấy tiếng nan hoa lạch cạch khá quen tai, quay đầu bắt gặp chiếc xe đạp sườn sắt ngày ấy cùng đi song song với người ta, nói nói, cười cười.
“Em nỏ thèm nhìn mô!” Tĩnh gạt chân chống một cách thô bạo, hất tà áo ngồi lên yên xe, đạp đi thẳng.
Tĩnh mím môi tăng tốc hai chân, cố thoát khỏi cái tiếng nan hoa khó nghe kia càng nhanh càng tốt. Cậu đánh tay lái qua đoạn đường ghồ ghề, đầy ổ gà, xe đi nảy lên sụp xuống liên tục, Tĩnh nhờ nó đánh bay cơn buồn bực trong lòng mình.
Cậu nhẩm tính số tiền còn trong túi, dắt xe tới một hàng mộc, chuyên làm bàn cờ tướng. Tĩnh hỏi người thợ làm một bàn cờ mất bao lâu, thợ cả nơi ấy bảo cần ít nhất bảy ngày, thế thì không kịp. Tĩnh đành hỏi về những bàn cờ đã được làm sẵn. Người thợ cả bảo học trò mình dẫn Tĩnh đi xem kệ hàng bàn cờ mẫu đã được hoàn thiện về mọi mặt.
“Cậu có muốn coi luôn bàn cờ vua không?” Anh học trò ưỡn ngực tự hào với những mẫu hàng mới đang được bán rất đắt của tiệm.
“Không cần mô.” Tĩnh phũ phàng từ chối.
Anh học trò cười gượng, tìm lời chữa thẹn:
“Rứa cậu với bạn cờ thường chơi cờ tướng lắm hỉ.”
Tĩnh ngưng thần một lúc, lắc đầu. Cậu và Sang ghé quán rượu ven sông Hương cũng thường lắm, nhưng chưa lần nào được cùng anh giao đấu trên bàn cờ tướng. Tĩnh nghe cậu Kiều bảo Sang chơi cờ khá cừ, nhờ được luyện với người ông đã khuất từ nhỏ và ông nội Năm hiện giờ, Tĩnh thì luôn mong mỏi gặp một đối thủ xứng tầm. Nhưng mà anh và cậu chưa đấu một trận cờ bao giờ.
Chỉ nói chuyện thôi, cả ngày cũng không đủ.
“Ta lấy cái ni.” Tĩnh chỉ bộ cờ có những nét khắc sâu nhất.
“Dạ.”
Tĩnh trả tiền rồi ôm bộ cờ về nhà, cùng với lô lốc mặt hàng khác. Cậu để hết lên chiếc bàn nhỏ ở đầu giường, đóng một dấu cấm, ai bước vào phòng dầu thân thiết cùng chủ nhân đến mấy cũng chỉ có thể đứng nhìn từ xa, riêng bàn cờ tướng, được Tĩnh đặt ở góc bàn học, quân mã luôn ở sát tay cầm viết.
Ngày lại qua ngày, chuyến xe lửa Tĩnh chờ đợi rốt cuộc cũng cập ga đến ở Huế vào sáu giờ tối. Sau giờ cơm, Tĩnh lập tức xin phép cha với anh Cả tới nhà cậu Kiều chờ người ta.
Tĩnh để tất cả đồ đạc mình đã mua cho Sang vào chiếc cặp da lớn, móc lên tay lái xe đạp. Cậu dặn thằng Hiền đừng quên dắt con Lài đi dạo mấy vòng trước khi dắt vào chuồng, cậu dặn thật kỹ càng, đến lúc thằng Hiền nhắc lại không sót một chữ thì mới đạp xe đi. Lúc ấy là năm giờ chiều.
Hình như Sang đã dặn cậu Kiều rất kỹ trong những lá thư trước. Khi Tĩnh tới, cậu Kiều cứ dẫn Tĩnh vào phòng anh, trong ấy có sẵn bánh kẹo, có mấy cuốn sách Tĩnh thích đọc, cậu Kiều thay anh pha một bình trà ngon đãi bạn, thắp giúp ngọn đèn dầu là xong hết cả.
Đèn dầu làm sáng căn phòng, làm Tĩnh chấn động. Căn phòng này, chẳng biết từ lúc nào, đã được bày trí theo kiểu phòng riêng của cậu. Sát cửa sổ kê bàn đọc sách, mắc chiếc rèm mỏng che tạm mưa gió, chiếc bàn con được đặt ở góc kia, ngay dưới chiếc giỏ thường đựng cây đàn nguyệt.
Cậu Kiều ra ngoài một lúc rồi đem vô đây một bình trà lài nóng hổi:
“Ngồi chơi nha, cậu ra ngoài coi tiệm sách cái. Thằng Hai…” Cậu Kiều nhìn đồng hồ, thấy vẫn còn một tiếng nữa Sang mới về thì sửa lời. “Thủng thẳng rồi thằng Hai về.”
“Dạ, con cảm ơn cậu.”
Cậu Kiều cười cười, bảo:
“Cậu nhìn còn tưởng người từ Tây về không phải cháu cậu đâu đấy.” Sợ Tĩnh chưa hiểu, cậu Kiều còn đá mắt một cái.
Tĩnh chớp mắt, quay một vòng nhìn khắp phòng, tới lúc cậu nhìn cái giỏ da lớn đầy ắp đồ đạc mình đang xách trên tay thì phì cười. Nhìn cậu giống người từ Tây về thật.
“Có quà cho nó hả?”
“Dạ có.”
Tĩnh nói thế rồi ngưng, vẻ cười bí hiểm. Hồi đầu cậu Kiều cũng tò mò, mà Tĩnh cứ giấu, nên cậu Kiều đâm nản, không muốn tra vấn gì nữa. Cậu Kiều hẩy hẩy tay một cái rồi để Tĩnh một mình lại đây.
Tĩnh để hết đồ mình mua cho Sang lên giường anh, rồi nhón chân lấy cái giỏ da trên tường xuống. Cậu mở dây buộc miệng túi, cho tay vào trong, mò mẫm và tìm thấy một tờ giấy ở đáy. Một bản nhạc đang viết dở. Tĩnh thử ngâm nga.
Nhạc buồn man mát, ngân dài âm trầm, như mô phỏng theo tiếng thở dài của ai đó. Thoắt cái, âm điệu lạc đi, Tĩnh nghe như, tiếng cười. Khi viết đến đoạn này, người ta đang hạnh phúc, người ta đang trông đợi một buổi đoàn viên.
Nhạc đang vui thì đứt nửa chừng, nhưng chỉ là dừng trên giấy.
“Chào Tĩnh.”
Giọng người ta ngòn ngọt, thoảng nhè nhẹ. Cái bóng to, rộng, phủ dài trên đất. Tĩnh buông bản nhạc, quay đầu, cười thật tươi, đôi con ngươi loang loáng:
“Chào thầy kiện Phạm.”
“Nhìn nè.” Sang đưa Tĩnh xem tấm bằng luật mình mới nhận được. “Mã đáo thành công nha.”
“Ô…”
Tĩnh sờ lên tấm bằng đã được đóng khung nghiêm cẩn, cốt để giữ mãi màu mực son của con dấu nhà trường. Tĩnh hơi liếc mắt qua, thấy anh đang cười, cái khoé môi lộ rõ niềm kiêu hãnh, khiến người khác, hoặc ghen tị, hoặc tự hào lây.
Tĩnh huých tay anh, khẽ bảo:
“Tôi có quà cho anh.”
“Ừm.” Sang gật đầu. “Tĩnh nói với tôi rồi. Tôi trông ghê lắm.”
Tĩnh bặm môi cười, đẩy anh ra. Cậu nghiêng đầu, hơi híp mắt:
“Tôi giấu quà trong phòng ni. Anh đi tìm đi.”
Nói rồi Tĩnh bỏ đến giường ngồi, bắt chéo chân, khoanh hai tay lại, trong bộ áo dài vải thâm, cậu như quan chủ khảo thời xưa đang ra bài thi cho các sĩ tử. Nhưng Sang không phải mấy người sĩ tử học vẹt kinh thư, mà là ông thầy kiện vừa mới ra khỏi lò luyện. Anh không đi quanh phòng lục lọi mà khai thác thẳng “người ra đề”.
“Quà này có mắc* không?”
*Mắc: đắt
Tĩnh ngẫm nghĩ một chút, gật đầu:
“Mắc ghê lắm.”
Sang lại hỏi:
“Tĩnh nghĩ tôi có thích món quà này không?”
“Tôi nghĩ là anh đương trông mong ghê lắm.”
Sang bắt được một tia lém lỉnh, cùng đốm lửa nho nhỏ trong mắt người ta, anh nghĩ mình đoán được chín phần rồi. Để củng cố suy đoán của mình, Sang hỏi Tĩnh câu cuối cùng:
“Tĩnh có đương cầm quà của tôi không?”
Sang nhìn thẳng mắt cậu. Tim Tĩnh đánh thót, cả người nóng toát như thình lình bị gí lửa. Cậu đưa tay giấu chiếc cặp da ra sau lưng, luống cuống như trẻ con giấu kẹo:
“Có.”
“Ừm. Tôi biết rồi.”
“Anh biết chi?” Tĩnh cao giọng hỏi. “Anh biết quà anh ở mô?”
“Tôi biết quà của tôi là gì rồi.”
Sang nói vậy và nhìn thật sâu vào mắt Tĩnh, Tĩnh lắc lư cái đầu, xê dịch chiếc cặp da hết qua trái rồi sang phải. Nhưng mắt Sang vẫn không xê dịch một ly. Anh biết quà của mình không nằm trong chiếc cặp da kia, mà nó ở chỗ Tĩnh kìa.
Tĩnh bặm môi cười, rốt cuộc cũng hất cái cặp da to đùng lăn lóc về góc giường. Cậu đứng dậy, giang hai tay ra.
“Cảm ơn Tĩnh.”
Sang bước đến, ôm Tĩnh thật chặt, kéo hơi ấm của cậu vào sâu trong tim mình. Cậu nói đúng, anh trông đợi món quà này từ rất lâu. Tĩnh cũng vòng tay ôm lấy anh, vỗ lưng anh mấy cái:
“Tôi mừng cho anh.” Cậu rù rì bên tai Sang. “Mừng anh về nhà.”