Chương 24: Mã đáo thành công (Phần 2)
Paris, tháng 7 năm 1910.
Sang được đích thân Giáo sư kèm cặp báo tin mừng là anh đã qua kỳ thi luật và được cấp bằng luật sư.
Giáo sư Pierre còn muốn cho cậu học trò cưng một sự bất ngờ khác. Ông bí mật báo tin mừng cho người nhà cậu ta ở bên Nam Kỳ trước, tiền vé tàu đưa cả nhà sang đây đều do Giáo sư đài thọ. Ông Lang, bà Lan đưa đứa con nhỏ và người cha già tới trường Sang để là người đầu tiên chúc mừng anh chính thức trở thành luật sư, không cần nghỉ chân ngơi lưng gì cả.
Xe mới tới cổng trường, tài xế còn chưa xuống mở cửa, có một tiếng hú vang dội từ trong kia vọng ra. Ông thầy kiện mới của nhà băng băng ra cổng, sải dài bước, giang rộng tay như chim non chuẩn bị bay, bay vèo qua mặt người nhà và quẹo gấp ở một ngã tư, mất biệt. Nhà Sang tám mắt nhìn nhau, tía hỏi má, má hỏi con, coi coi đó có phải thằng Sang nhà mình không, hay là nghe lầm. Ông Năm chỉ về trước, bảo:
“Nó đó con. Coi coi nó đi đâu.”
Thế là cả nhà kêu tài xế đèo thêm một đoạn nữa, bám theo Sang coi anh đang đi đâu. Lúc này anh đã lên yên xe đạp của người lạ nào đó, hai chân đạp nhanh như chớp còn miệng hú hét ầm ĩ như sấm nổ. Khi còn chưa tới nơi mình cần tới, Sang vứt xe đạp dưới bồn hoa trang trí bên lề đường, rồi lại mất hút.
Ông Lang, bà Lan chịu thua thực sự. Bà Lan muốn kêu tài xế về thẳng nhà luôn, ông Lang chợt nhớ ra là mình cần báo tin mừng với người anh vợ đang sống ở Pháp, sẵn đó mời ông ấy tới nhà ăn cơm luôn.
“Ông tài xế, phiền ông chở tôi tới bưu điện, tôi cần gửi một bức điện tín cho anh vợ.”
Người tài xế lịch thiệp nói rằng:
“Thưa ông, tôi rất sẵn lòng.”
Xe chạy thêm một đoạn ngắn nữa, rất ngắn, chừng mươi bước chân nữa thì tới bưu điện. Ông Lang bảo gia đình cứ chờ trong xe, ông đi chốc lát sẽ trở lại ngay. Bất ngờ thay, ông gặp bóng lưng thằng Hai nhà mình ở chỗ đánh dây thép.
Không như vô số lần đưa đón ngay ga xe lửa, con ông luôn ăn vận những bộ cánh phẳng phiu, đóng thùng, cài đai gọn gàng, áo quần anh trai này xộc xệch, nhễ nhại mồ hôi, tóc tai thì bờm xờm. Hàng chục cặp mắt đang nhìn chòng chọc vào Sang, nhưng anh không quan tâm, tâm trí anh đặt hết vào bức dây thép trên tay mình rồi.
Sang cứ tủm tỉm, người đang quay lại nhưng mắt vẫn chăm chăm vào tờ điện báo. Ông Lang muốn ghẹo thằng Hai nhà mình, đi thật nhẹ, thở thật khẽ, giơ tay lên tính vỗ vai Sang.
“Ủa, tía*!” Sang ngẩng đầu lên, cười toe. “Ủa, tía qua đây thăm con hở?”
*Tía: tiếng gọi cha của người Nam Kỳ
Sang cười tươi, ôm chầm lấy ông Lang, kiểu như anh vẫn còn là đứa nhỏ mới đứng tới đầu gối ông ngày xưa.
“Ừa, tía nghe thầy con báo tin mừng nên lật đật qua bên này để kịp ăn mừng với con.”
“Ư…” Sang vỗ trán. “Con định về nhà rồi mới nói cho tía má hay.”
“Thôi, giờ về nhà, có má, có thằng Tài, có ông nội Năm con qua chơi nữa.”
Sang cẩn thận gấp bức điện tín, để vào túi áo, lại tủm tỉm cười. Ông Lang nghe nhịp biết ngay điệu:
“Con đánh dây thép* cho bạn hở?”
*Đánh dây thép: gửi điện tín
“Dạ.”
Thằng Hai của ông có rất nhiều người được gọi là bạn, nhưng khi nó nhắc tới [bạn] thì cả nhà đều biết nó ám chỉ một người duy nhất. Gương mặt ông Lang thoáng trầm lại, ông vịn vai con, muốn nói vài việc, nhưng rồi lại thôi, tự nhủ để sau bữa tiệc ăn mừng hẵng nói.
“Tía muốn đánh một bức dây thép gởi cho cậu con. Lâu rồi không gặp, mình ăn một bữa cơm.”
“Dạ, vậy con chờ tía.”
“Không, con ra đó với má với em đi, tía ra liền.”
Sang ngượng ngùng gật đầu, song, anh không ra ngay mà tới quầy điện báo trả tiền trước cho bức điện báo của ông Sang.
“Không cần đâu con.”
“Dạ không sao đâu.” Anh đi ngay, không cho tía mình cơ hội từ chối.
Sang chạy ra ngoài, bắt gặp cả gia đình đang đứng ngoài xe chờ. Anh nhảy qua những bậc tam cấp, đến ôm đứa em thân thương, nhấc bổng nó lên quay vòng vòng, hôn tới tấp lên má, lên trán nó.
“Nhớ anh Hai không?” Sang nựng má thằng Tài.
“Nhớ.”
Sang hôn nó một cái rồi quay qua đưa đầu cho bà Lan với ông Năm sờ.
“Giờ là thầy kiện rồi ha.”
Bà Lan sờ mái đầu rối bù của thằng con, ngưng một lúc, túm chặt. Bà Lan mường tượng lại trong đầu những lần đoàn tụ gia đình với thằng con đầu lòng, hình như lần nào cũng toàn là hoàn cảnh kỳ khôi, lần này cũng vậy, không ở nhà nó, không ở trường, mà là ở nhà dây thép.
Dù thế nào đi nữa, đây cũng là một cuộc đoàn viên vô cùng ý nghĩa, cả nhà cùng sang Tây chúc mừng đứa con trưởng trở thành luật sư, theo cách gọi dân gian là thầy kiện. Nó đã trưởng thành rồi, mọi người không thể nào tự hào hơn nữa.
Một bữa tiệc ăn mừng hoành tráng bùng nổ ngay căn hộ vốn luôn im lìm, tĩnh mịch suốt mấy tháng qua.
Bà Lan chiêu đãi cả nhà món canh gà nấu lá giang cùng món cá lóc hấp lá chuối, tất cả nguyên vật liệu đều có nguồn gốc từ nước Nam và được nuôi trồng trong vườn rau đằng sau nhà Sang, chính căn nhà trên nước Pháp. Tất cả người quen của Sang ở đây đều tới dự, họ hàng, bạn học, thầy cô, nói cười rôm rả.
“Chúc mừng cậu nhé.”
“Từ giờ cậu phải kêu mày là [thầy] rồi.”
“Trò là người tôi thích nhất đấy!”
“Cảm ơn mọi người.”
Sang cụng ly với từng người khi tiệc còn trên bàn, tới khi tiệc đã tàn, anh dìu từng người đã mềm chân vì rượu ra cửa, gọi xe đưa họ về nhà rồi anh trở vào trong dọn dẹp những gì còn sót lại.
“Má nghỉ đi, để mình con dọn được rồi.”
Bà Lan lắc đầu:
“Chén dĩa nhiều vậy mà, mình con rửa sao xuể, để má làm cho.”
“Thôi mà.” Sang khéo léo giành chồng đĩa bẩn về mình. “Má nấu nướng cực khổ rồi, để con làm, có cực khổ gì lắm đâu.”
“Làm thầy kiện rồi.” Bà Lan vỗ đầu Sang. “Ai làm thầy kiện rồi mà đi rửa chén?”
“Có luật nào cấm thầy kiện đi rửa chén đâu.”
Sang ương bướng đôi co với mẹ mình và dễ dàng giành phần thắng, anh đẩy mẹ về phòng nghỉ và đoạt lấy thau chén dĩa bẩn, đem ra nhà sau rửa. Anh vừa rửa chén dĩa, vừa ngẫm nghĩ lại một ngày hôm nay thật kỹ.
Ngày hôm nay có lẽ sẽ là ngày cuối cùng anh là khách trọ dài hạn trên mảnh đất này.
Anh lại nhớ về ngày đầu tiên mình đặt chân lên mảnh đất này với tư cách là một vị khách trọ dài hạn, loay hoay tìm cách trở thành một công dân Pháp đúng nghĩa, cả ngày lăn lộn trong đống đồ Tây, cặp da và mấy chiếc xe sắt, rồi cái tên Việt sẽ vĩnh viễn nằm trong một góc khuất bí mật. Sang nghĩ đấy sẽ là con đường tốt nhất cho mình, với thân hình này, gương mặt này, sẽ không ai tò mò rồi chọc chân vào góc khuất bí mật của anh.
Giờ đây, Sang của hiện tại nghĩ rằng ngày ấy anh thật ngu ngốc, nhưng mà nếu anh của quá khứ biết được tương lai thế này, cũng sẽ bực bội không kém phần. Anh biết mình thay đổi rồi.
“Con còn đang rửa chén hở?” Ông Lang khẽ gọi.
“Dạ, còn vài cái nữa.” Sang rửa vội mấy cái chén cuối cùng, xếp lên kệ để ráo. “Con xong rồi.”
“Ngồi xuống nghỉ chút đi con.”
Ông Lang kéo ghế cho cả hai ngồi, rót đầy hai cốc nước ấm, đẩy một cốc về phía Sang.
“Giờ chuyện học của con bên này xong rồi. Lãnh bằng rồi con định làm gì?”
Sang thành thật trả lời:
“Dạ con muốn ở nhà phụ tía chuyện sổ sách đồng áng, chăm vườn trà, với lại…”
Anh hơi ngập ngừng, đắn đo nhìn ông Lang. Ông cười xoà, bảo:
“Con cứ nói đi, tía nghe.”
“Con muốn mở một tiệm trà ngoài Huế.”
Khi nhắc tới chuyện kinh doanh, đáy mắt Sang tối lại, cẩn thận cân nhắc từng chút một, anh muốn mình đi bước nào chắc bước đó, vững chân rồi thì mới nghĩ tới chuyện xoay mình. Cả công trình đồ sộ đó chỉ để trải đường đến nhà người bạn ở ngoài Huế, ông Lang biết hết ấy.
“Sao lần nào cũng là con ra Huế vậy? Phải có lúc để người ta tới chỗ mình chớ.”
Sang mỉm cười, cầm tay ông Lang, nhẹ giọng nói với ông:
“Tía, con biết tía sợ con thiệt thòi. Không có đâu tía. Người ta cũng thương con như con thương người ta vậy. Tại người ta còn nhỏ nên chậm chân hơn con thôi, người ta chưa ra nhà ga mua vé xuống Mỹ Tho thì con đã đứng ở Huế rồi.”
Ông Lang thở dài, ngao ngán lắc đầu, nhưng vỗ nhẹ bàn tay con mình:
“Con vui là được rồi.” Ông uống một ít nước, đằng hắng giọng. “Bữa nào dẫn người ta tới cho tía gặp mặt nhá.”
“Dạ.” Anh cười thật tươi. “Để hôm nào con sắp xếp một chuyến.”
Sang ngồi nói chuyện với ông Lang thêm một lát nữa rồi đi lên phòng mình. Anh thắp một ngọn đèn, thả người xuống ghế, lưng hoàn toàn dựa vào phần tựa, đầu ngả hết ra sau, cả một ngày dài thật dài, anh mệt lắm rồi.
Đèn nhấp nháy, làm chiếc hộp gỗ trên bàn óng ánh, như được phủ một lớp nhũ vàng.
Anh chợt nhớ một chuyện, vội mở tủ, lục lọi túi áo khoác của mình. Sáng nay anh gửi cho Tĩnh một bức điện tín báo tin mừng, bất ngờ thay, lại nhận được phúc đáp của cậu trong tích tắc. Anh để cả hai bức điện tín ấy trong túi áo khoác, do bận bịu tiệc tùng nên quên mất việc đặt chúng vào chiếc hộp quý.
Anh mở bức điện tín, đọc lại một lần rồi một lần nữa, hai khoé môi tưởng đã mỏi nhừ giờ lại siêng năng nhếch cao.
Mình thành công rồi.
Tôi đợi anh về.
Chú thích: chữ in nghiêng không in đậm là thoại của nhân vật khi nói chuyện bằng tiếng Pháp