Chương 24: MÃ ĐÁO THÀNH CÔNG (Phần 1)
Huế, tháng 7 năm 1910.
Đường đời cậu Ba Thịnh nhà Hồ Đắc coi như đã định, hết hè này, cậu sẽ sang Tây theo học trường Y. Chuyện trong nước thì nhà đã tính xong cho cậu, cậu cầm bằng Tú tài, nhà tạm thời không nhắc việc cưới vợ nữa. Còn chuyện ngoài nước thì vẫn chưa ổn thoả, ăn đâu ngủ đâu, tiền nong thế nào, cả nhà cần phải bàn luận thêm.
Ở trên bàn cơm, ông Hiển và anh Trung tranh cãi gay gắt về cuộc sống của Thịnh nơi đất khách. Ông Hiển không muốn Thịnh học hư đám bạn ở Tây Dương, bắt cậu ở nhà riêng và bảo dì Đào cùng sang đó cho dễ bề kèm cặp. Anh Trung thì khuyến khích Thịnh sống trong ký túc xá để hoà nhập với bạn bè, đồng thời tiết kiệm tiền.
Ông Hiển nói để anh Trung nghe, anh Trung nói để ông Hiển nghe, nhưng rốt cuộc không ai chịu nghe ai mà toàn vào tai hai đứa nhỏ. Thịnh cầm đũa gắp từng hột cơm bỏ vào miệng, trông chờ một trong hai người động đũa vào đĩa thịt để ăn cho lẹ, trốn cho mau. Trái lại, Tĩnh lại rất điềm tĩnh, từ đầu bữa cơm tới giờ vẫn chưa động đũa, chăm chú nghe từng câu, từng chữ.
Nhân lúc anh và cha ngưng cãi nhau để làm hớp nước mát cho trong giọng, Tĩnh mới mở lời:
“Dạ, con thưa cha, em thưa anh. Chừ con chỉ nghe như rứa*, như ri*, nhưng tai nghe thì không bằng mắt thấy, răng* ta không qua Tây nhìn một lần rồi tính lại?”
*Rứa: thế
*Ri: vầy
*Răng: sao
Ông Hiển vẫn như thường lệ, mặt cau có khi nghe đến mảnh đất đằng tây kia, không bất ngờ khi ông gắt lên, nói ý kiến của Tĩnh là điều ngu xuẩn nhất cậu từng thốt ra. Còn anh Trung thì hết sức khen ngợi, bảo là sáng kiến.
“Anh cũng muốn qua nớ* coi đất người ta văn minh ra răng từ lâu rồi, hôm ni* em mở lời, thì còn ngần ngại chi nữa.” Anh Trung đưa tay sang vỗ vai Tĩnh mấy cái. “Để anh xin nghỉ mấy ngày rồi dẫn cả hai đứa cùng đi.”
*Nớ: đó
*Ni: nay
Tĩnh hiểu ý anh Trung, tiện đây thì có thể tới thăm người kia một chuyến, Tĩnh biết địa chỉ của anh mà. Có thể qua đó thăm bạn, Tĩnh muốn lắm chứ, trông lắm chứ, nhưng rồi cậu khe khẽ lắc đầu.
“Em không đi mô*.”
*Mô: đâu
Ông Hiển hừ lạnh, móng tay dài cào mạnh trên mặt bàn gỗ lim bóng loáng:
“Không cần bày đặt chi mô. Mi cứ đi với anh mi. Đằng mô cũng không có đứa mô theo ta nữa cả.”*
*Ý là “Không cần bày đặt chi đâu. Mày cứ đi với anh mày. Đằng nào cũng không có đứa nào theo ta nữa cả.”
“Cha có một đứa theo đường của cha.”
Anh Trung nhìn ông Hiển, khuôn miệng anh thật vặn vẹo, như sự chắp ghép hỗn độn giữa nụ cười mỉa mai và hành động nghiến răng căm hận.
Sự im lặng chẳng thể duy trì được qua một cái nháy mắt báo hiệu nguy hiểm của Thịnh, ông Hiển cầm gậy đập vỡ bát đĩa trên bàn ăn cơm, cái nào vẫn còn lành lặn thì bị gạt đổ xuống nền gạch đất nung.
“Đi ra ngoài!” Ông Hiển chỉ gậy vào từng đứa con trai một. “Đi ra khỏi nhà ta ngay!”
“Cha…” Hai đứa nhỏ hãy còn lưỡng lự.
“Hai em đi đi, anh lo chuyện ở ni.”
“Em đi trước!” Thịnh với Tĩnh dắt tay nhau đi thẳng ra cửa.
Thịnh còn mấy đồng ăn vặt, anh rủ Tĩnh đi ăn cơm hến ở quán nhỏ bên sông Hương, chỗ ấy có bàn cờ tướng, có thể giúp hai anh em giải khuây, lãng quên đi quãng thời gian dài đằng đẵng từ trưa nắng gay gắt đến tờ mờ chiều – quãng thời gian vừa đủ để tạm làm nguội cuộc chiến giữa anh Trung và ông Hiển.
Cơm người thua cơm nhà mấy lời thăm hỏi ân cần, nhưng với Thịnh và Tĩnh, cơm người hơn cơm nhà bầu không khí yên bình, không lời qua tiếng lại, hoặc sự im lặng đầy ắp nguy hiểm. Mỗi lần một trong hai đứa con nhỏ nhà Hồ Đắc nhận học bổng, họ để dành cho những ngày như thế này.
Ăn xong thì Thịnh gạt tô cơm qua một bên, với động tác nhẹ nhàng hơn ông Hiển gấp nhiều lần, và tô cơm đã được vét sạch tới đáy rồi. Tĩnh thì chỉ đẩy ghế, thong dong đi qua căn phòng sát vách.
Cậu ngồi xuống chiếc bàn quen thuộc, vị trí mà người kia thường để dành cho mỗi buổi hẹn, để mưa tháng bảy không tạt vào, để nắng tháng tư không hắt đến. Chủ quán mang cho cậu bình rượu Vĩnh Thanh và hai chiếc chén, khi Tĩnh hỏi mượn một bộ cờ tướng, ông ấy có vẻ ngạc nhiên, cậu chỉ người anh đi cùng mình thay cho lời giải thích.
“Răng rứa?” Thịnh hơi nổi da gà khi bị ông chủ nhìn chằm chằm từ lúc bước vào đây.
Tĩnh nhún vai: “Nỏ* chi mô.”
*Nỏ: không
Hai anh em đặt bàn cờ gỗ vào chính giữa mặt bàn, phải là chính giữa mặt bàn, rượu và thức nhắm để ở hai bên, trong tầm tay. Mọi thứ phải thật chính xác, để tránh mấy sự cố như làm đổ rượu hay lỡ tay gạt đĩa mồi nhắm xuống đất, hai anh em muốn dành tất cả sự tập trung vào những con cờ xanh và đỏ hai bên chiến tuyến.
Cuộc cờ giữa hai công tử nhà Hồ Đắc lúc nào cũng căng thẳng, đầy kịch tính, chỉ một tiếng kin kít từ phía đối diện cũng làm cho bốn bề nổi da gà, nhếch mép cười, đanh nét mặt, có khi cờ được nhấc lên và hạ xuống tắp lự, có khi cờ treo lơ lửng một lúc lâu với mục đích trêu ngươi đối thủ, nhưng không có kỳ thủ nào bị bẫy.
Thịnh đưa quân xe sang sông, căng người ra, lo lắng một màn tấn công bất ngờ từ đối thủ đáng gờm. Thịnh nghĩ, tâm trạng anh vào ngày vượt đại dương sang Pháp sẽ chẳng khác chi lúc này.
“Ồi, Tây với chả Dương.”
“Ai khiến anh nước tới cổ mới nhảy. Đã xác định mình đi từ đầu rồi, chừ* mới chịu chuẩn bị.” Tĩnh lạnh lùng dùng quân ngựa gạt quân xe khác màu khỏi địa giới của mình.
*Chừ: giờ
“Rồi, thầy dạy phải.” Thịnh thở dài. “Ước chi có hắn ở ni để ta hỏi cho kỹ.”
“”Hắn” mô?”
“”Hắn” ớ!” Thịnh cười gian. “”Người nớ” của mi ớ!”
Tĩnh đằng hắng:
“Người nớ của em chưa về mô.”
Tĩnh cầm quân pháo đập thẳng quân tượng đang lạc lõng bên kia sông, thẳng thừng gửi tối hậu thư: hoặc Thịnh chịu thua từ lúc này, hoặc là Tĩnh sẽ tiến hành một trận đồ sát khi lần lượt đưa quân mình sang sông.
“Ui cha mạ ơi.”
“Hai người nớ của anh thì đang ở nhà nớ.”
Thịnh lè lưỡi, uyển chuyển vòng quân mã về giữ an toàn cho quân tướng, đồng thời mở đường cho quân tượng nhắm tới quân xe của Tĩnh. Cuộc cờ trở về thế cân bằng.
Cho tới lúc Tĩnh sẩy tay, vô tình mở một con đường thênh thang cho quân xe bên kia tiến sâu vào địa phận của mình, Thịnh chỉ cần vài nước nữa thì sẽ vây chặt quân tướng của đối thủ và kết thúc ván cờ bằng chiến thắng oanh liệt. Nhưng mà Thịnh đã đi đường khác, làm chậm đòn kết liễu lại ba, bốn nước. Tĩnh không ngần ngại chớp lấy khoảnh khắc vàng đó.
Thịnh ngỡ ngàng nhìn thế cục mới, nó như đang minh hoạ cho câu một bước sa chân ngàn kiếp hận. Tĩnh gia cố thêm vòng bảo vệ và kéo quân sang kia đồ sát kẻ địch. Thịnh chưa bao giờ thấy em trai mình tàn nhẫn thế này, nó thít chặt đường thoát thân của anh, bứt đầu từng quân chủ lực cho đến khi chỉ còn quân tướng và đôi ba con chốt lạc loài.
Thịnh vần vò túi gấm trắng thêu hình lá trúc, đoán xem còn bao tiền trong ấy. Giờ nó dẹp lép với tờ một đồng duy nhất, chỉ còn đủ cho ngày hôm nay nữa thôi, thật mỏng manh, giống như quãng thời gian còn lại của Thịnh trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn.
Thịnh không cam lòng.
“Mi đi lại con ni được không?” Thịnh chỉ quân pháo đang án ngữ, nhìn Tĩnh trong vô vọng.
Lời nài nỉ của Thịnh bị bẻ gãy bằng một cái lắc đầu đanh thép.
“Anh không đi thì coi như anh thua.”
Môi Tĩnh mấp máy, Thịnh đọc vị được hai chữ [thảm hại], hoặc chữ nào đó có ý nghĩa tương tự thế.
“Hay là mi cho ta đi thêm mấy nước nữa.”
Tĩnh gõ bàn cờ, cộp, cộp, mắt hơi lườm, không nói lời nào nữa, nhưng có sức nặng để kết thúc một cuộc kỳ kèo hơn là những tiếng la hét hay hành động đập bàn thị uy.
Thịnh cất túi tiền vào túi áo trong, cân nhắc ván cờ. Thêm một lần nữa, anh được nhúng chìm trong cảm xúc căm hờn hoà cùng tuyệt vọng, tất cả đường thoát thân của quân tướng bên anh đều bị kẻ địch chặn đường, những quân cờ khác thì đa số đã bị vô hiệu hoá.
Thịnh lại liên tưởng đến cuộc sống của anh ở bên kia cũng sẽ thảm thương tựa con tướng sơn màu đỏ đằng này, chốc nữa đây, nó sẽ bị các quân cờ màu đen nuốt chửng, màu đen, màu gở nhất.
“Răng anh không đi thẳng?”
Tĩnh chỉ quân tướng đỏ, kéo một đường thẳng đến tận cùng vùng cấm cung. Thịnh cẩn thận nhìn, đối thủ đã tạm thời mở đường sống cho mình, tuy là tạm thời thôi, anh không biết Tĩnh sẽ làm gì ở nước đi tiếp theo.
Chần chừ, Thịnh rót cho mình một ly rượu. Lại chần chừ, Thịnh vói tay vào đĩa mồi nhắm. Mặt trời dần chìm, màu trời dần đổi, hai cậu trai trẻ vẫn chưa rời khỏi ván cờ, Thịnh nhìn chằm chằm vào ván cờ, Tĩnh thì nhìn chằm chằm vào Thịnh.
“Anh không muốn đi nữa à?” Tĩnh hỏi.
Thịnh xua tay xua tay:
“Ta đang suy nghĩ.”
“Anh không muốn đi nữa à?”
Lần này Tĩnh nhấn giọng mạnh hơn, nhưng ánh mắt lại mềm đi rất nhiều, có vẻ như là ruột thịt với nhau thì sẽ dễ đồng cảm cùng nhau, lòng Thịnh cũng nhanh chóng nhũn theo.
“Ta lo.” Thịnh ngã rạp lên bàn cờ, lật ngửa những quân cờ bị loại bỏ. “Ta qua đó mà có một mình thì phải mần răng?”
“Bạn của anh cũng qua nớ mà.”
“Nỏ có mô.”
Thịnh giật mấu khăn vấn, mặt xoắn hết lên, cuối cùng cũng để dòng tâm sự từ từ rỉ ra. Thịnh đi học trường Tây, lên lớp đều đều, có bạn học sang Pháp học, nhưng những người bạn mà Thịnh thực sự gần gũi thì không có điều kiện.
“Anh ni…”
Tĩnh chưa kịp mở lời an ủi, tay còn chưa động tới vai anh trai, thì đã bị gạt ra.
“Mi đừng so ta với “hắn”!” Thịnh lộ nửa mặt, mắt lườm. “Hễ mi mở miệng ra là hắn mí cả hắn… Ui da!”
Thịnh nghĩ đứa em trai này muốn đòi nợ mình, nó cắt lời của anh để lấy lại phần vốn, rồi còn muốn lấy nốt phần lãi, nó siết lấy cổ tay anh, dùng vũ lực ép thẳng từng ngón. Nó đặt vào tay anh một quân cờ.
“Em chúc anh “mã đáo thành công”.” Rồi Tĩnh đẩy ghế đứng dậy. “Chầu ni em trả.”
Thịnh chớp mắt rồi bừng tỉnh, rùng mình, như một người vừa ngủ một giấc dài được mặt trời đánh thức. Anh xếp lại ván cờ dang dở, nhìn thật kỹ. Nếu anh nghe theo lời Tĩnh, đưa quân tướng đi thẳng, lấy quân mã Tĩnh đã tặng, con đường mới sẽ được mở ra.
Thịnh phì cười, ngả người nhìn hoàng hôn đang khép lại một ngày dài, mặt đất sẽ trải qua một giấc ngủ ngắn để dưỡng sức cho ngày mới.
“Mi là em ta nớ.”
Thịnh chạy đến bên em trai, cùng cậu tản bộ dọc bờ sông Hương, thong thả, ngược chiều với người hầu hối hả chạy về nhà Thượng thơ để nhận tiền.
“Mi nì, răng mi không qua nớ với ta luôn? Ta thấy mi còn hợp qua nớ hơn ớ.”
Thịnh đánh giá cậu em út này từ trên xuống dưới, nghĩ chắc chỉ có từ “toàn diện” là thích hợp nhất. Đẹp trai, giỏi văn ta lẫn văn Tây, hoa tay gần đủ mười ngón, hơi cáu kỉnh nhưng có người sẽ xem đó là nét cuốn hút. Tĩnh là đứa ít bị mắng chửi nhất trong nhà Hồ Đắc, người lớn trong nhà đều sẵn sàng làm tất cả để trải đường cho cậu, cậu không chống đối cha gay gắt, không nhạo báng anh trai, và cậu thực sự có nhiều bạn qua Tây du học.
“Mi là người nên đi chứ không phải ta.”
Tĩnh lắc đầu:
“Em không qua nớ học được mô.”
“Có ai không cho mi đi mô?”
Tĩnh chỉ trả lời bằng một tiếng thở dài.
Sóng nước khẽ vỗ, chiếc thuyền con lướt nhẹ ngang qua, hai anh em nhìn thấy, trên thuyền, ông Hiển đã ngà say, ném chén rượu xuống dòng sông, cô đào hát mặc áo màu mỡ gà xin được châm rượu thêm nhưng ông lắc đầu. Trong một thoáng chạm mắt nhau, ông Hiển nhìn đứa con trai út của mình, thở phào.
Thịnh nghĩ mình sống đủ lâu để hiểu ý nghĩa của tiếng thở phào đó. Khi đứa con trưởng đã hoàn toàn thoát ly khỏi truyền thống, đứa con thứ hai gần như thoát ly khỏi thế gian này, Thịnh cũng sắp bị cuốn đi rồi, chỉ còn Tĩnh là cọng rơm cứu nạn duy nhất.
“À đúng rồi, mẹ cả không muốn mi đi.”
Tĩnh xua tay gạt đi, sải bước thật dài về nhà, hai vai bấp bênh. Thịnh làm anh của Tĩnh cũng đủ lâu để biết em trai mình cũng muốn qua đó, tìm tòi những điều hay ho về nền văn minh của đất nước đầy ánh sáng dù là vào ban đêm, và tiện bề đó tự giải phóng mình khỏi không khí ngột ngạt trong gia đình.
Thịnh rất muốn chạy đến bên em, bảo với nó rằng:
“Mi không cần chịu đựng một mình như rứa.”
Thằng Hiền từ trong nhà chạy ra, cầm trên tay một tờ giấy đánh máy, đưa cho chủ nó xem. Thịnh thấy tờ giấy ghi có vài chữ, Tĩnh lại đọc rất chậm, nhưng mà khoé môi thì nhếch lên rất nhanh.
“Hầy.”
Thịnh phì cười. Anh lo hão rồi. Cán cân lệch một cách hiển nhiên, ở đây có thứ tốt nhất cho Tĩnh, cũng là thứ cậu cần nhất.
Thịnh tự nhủ, anh cũng sẽ chọn lấy điều tương tự với mình.
Thịnh bước thẳng vào nhà, tới phòng anh Trung, dùng gương mặt nghiêm túc nhất để nói rằng anh muốn đưa mẹ cùng sang Tây. Anh muốn giải phóng cho bà, dù chỉ trong mấy năm ngắn ngủi.
Mạn Tử Đằng (4 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 4922
Cảm ơn bạn đã góp ý nha. Từ đầu truyện tới giờ thì mình luôn chú thích các từ địa phương mà.