Chương 23 – Phần 2:
Đầu mùa hè năm 1910, mặt trời chân lý cuối cùng cũng đã bào mòn màn sương mù vây phủ nước Nam. Một bài báo chỉ ra sự khác biệt về cách hành pháp ở “quốc mẫu” và thuộc địa An Nam, suy rộng ra luôn cả các thuộc địa khác, từ đó bóc trần bộ mặt giả nhân giả nghĩa của những chiêu bài trấn an lẫn dụ hoặc những người dân có tấm lòng nhân ái thực sự của Pháp. Tác giả bài báo ấy rất có uy tín trong giới trí thức ở Paris, cũng như khắp nước Pháp, thì đương nhiên, nội dung bài luận văn ấy cũng lan rộng theo, tạo thành làn sóng dư luận lớn, xô mạnh vào phủ Toàn quyền Đông Dương.
Hà Nội, hè năm 1910.
“Đúng là chó chết mà!”
Paul Sarraut dằn mạnh tờ điện tín khẩn xuống bàn làm việc, ly trà nóng người giúp việc trong phủ Toàn quyền mang tới bị ông hất luôn xuống đất, vỡ tan tành. Các quan dưới quyền đứng nín re, thầm oán vị giáo sư, tiến sĩ nào không biết lựa thời điểm nâng học vị, hiện tại dư luận bên kia đang sôi sục, phản đối án lưu đày chí sĩ Phan Châu Trinh, công trình nghiên cứu này không khác gì dầu sôi đổ vào lửa dữ.
“Thưa ngài, có cho lệnh bắt người đầu têu gây chuyện không ạ?” Một viên cảnh sát trẻ đánh bạo hỏi.
Paul Sarraut gắt lớn: “Bắt gì? Bắt ai? Tay này ở tận Paris, xông vào mà bắt chắc?”
Viên cảnh sát trẻ kia muốn nói thêm, nhưng bị vị thủ trưởng đứng tuổi giật tay ngăn cản. Bây giờ mà làm lớn chuyện thì càng thêm rắc rối, chúng dân ở mẫu quốc sẽ nghĩ chính phủ muốn đàn áp nhân quyền.
“Ngài Sarraut.” Người trợ lý lâu năm cẩn trọng lên tiếng. “Tôi nghĩ bây giờ ngài nên bớt một chuyện để rảnh tay lo một chuyện khác.”
“Ý là sao?”
“Giờ ta tạm buông tha cho Phan Châu Trinh đi.”
Paris, hè năm 1910.
Trong cái hè oi nồng, từ ánh mặt trời chói chang và phong trào đòi nhân quyền sôi sục giữa lòng dân chúng Pháp, kiếm đỏ mắt mới thấy bóng mát nho nhỏ ở một góc thủ đô Paris, có tán cây xanh toả tròn che bộ bàn ghế gỗ sơn màu vàng nhạt, có tách trà trái cây ướp đá giải cơn khát cháy cổ. Alain Sarraut, quý tử độc nhất nhà Toàn quyền Đông Dương Paul Sarraut tự nhận thấy mình may mắn.
“Anh, rót thêm cho em đi.” Anh chàng giơ chiếc tách trống không, chỉ còn vài viên đá tí teo đảo qua đảo lại.
Người anh khác mẹ của Alaine nhấc bình trà lớn bằng gốm tráng men trắng, mắt không nhìn lên mà vẫn rót chính xác vào chiếc tách nhỏ, trà ướp với trái lê thơm phức, ngọt gắt, lạnh ngắt, uống vào tê tái tới tận não bộ.
“Úi chà!”
Alaine uống ọt một hơi, sảng khoái khà hơi, cầm tờ nhật báo đọc lại lần nữa. Trà thơm và ngon, ngọt ê răng, mát tê tái, cộng thêm tin tức ở trang nhất làm cho anh chàng thấy sướng rơn người, còn ghê gớm hơn cả những lần lén mẹ cha chơi nha phiến ở xó nhà thổ.
“Kỳ này ông già nhà chúng ta khó sống rồi.” Alaine cười khà khà, chợt, dời mắt nhìn chòng chọc người đối diện. “Anh trai này, anh có liên quan tới chuyện này, đúng không?”
“Hửm? Chuyện gì?”
Người anh cùng cha nhưng khác họ này có ngoại hình chẳng khác Alaine là mấy, cả hai đều thừa hưởng đôi mắt sâu với sống mũi cao và thẳng từ cha, nhưng vì mẹ anh ta là người Việt nên đường nét nhu hoà hơn, màu mắt lam nhạt của ông Sarraut đã bị nhấn chìm bởi màu mắt nâu của người châu Á. Cũng vì thế, anh ta khó bị đọc vị qua ánh mắt hơn Alaine nhiều.
“Chuyện rắc rối của ông già.” Alaine dằn trang nhất tờ nhật báo xuống bàn. “Anh có liên quan tới chuyện này, đúng không?”
“Thì liên quan chứ sao.” Sang cười nhạt, lật một trang pháp luật đại cương. “Vì nó mà bài luận của anh bị bỏ, giờ phải thi để lấy bằng. Bõ công cho người khác hưởng.”
Trong mắt Sang toé lửa, quyển pháp luật đại cương bị anh quẳng lên bàn một cách thô bạo. Alaine thầm nghĩ, coi bộ anh bực mình thật, anh chàng đành nuốt mấy thuyết âm mưu dương mưu xuống bụng, ngọt ngào rót trà mời anh trai.
“Anh à, anh vất vả rồi, nghỉ ngơi một tí đi.”
Sang nhận ly trà mát rượi, nốc cạn chỉ trong một hơi, ai nhìn thấy đều phải cảm thán hai đứa con trai nhà ông Sarraut giống nhau quá đỗi, nhưng mà anh không xem ly trà lạnh này như thuốc phiện, uống vào là giải toả hết ưu phiền, mặt vẫn cau, mày vẫn chau, chẳng khác gì viên đại tướng đang nắm giữ mấy trăm nghìn tính mạng binh sĩ trong tay.
“Anh làm gì căng thế? Đợt này không qua thì thi đợt sau, nhà anh có thiếu tiền đâu. Với lại nước ta tổ chức thi lấy bằng luật mỗi năm một lần, chứ có phải như học trò An Nam phải chờ tới ba năm mới có một lần thử vận.”
“Không được, lần này anh phải đậu.” Sang hít một hơi thật sâu. “Để không phải phụ công người ta.”
Alaine nghe mà nổi da gà, thoáng liên tưởng đến những câu chuyện trà dư tửu hậu từ miệng các đồng đội từng tới An Nam, bọn họ bảo, học trò ở An Nam sướng thân lắm, giàu nghèo gì cũng chỉ lo ăn với học, việc đồng áng, buôn bán đều do một tay vợ cáng đáng, thế cho nên bọn họ lúc nào cũng canh cánh nỗi sợ, sợ nếu mai này không công thành danh toại thì chẳng dám nhìn mặt vợ nữa.
Alaine lẩm bẩm: “Anh giàu thế này mà cũng để vợ tương lai nuôi ư?”
Sang nghe hết cả, nhưng chỉ cười. Alaine đành trả không gian yên tĩnh lại cho anh, việc mình mình làm.
Thời gian này Sang sinh hoạt như thầy tu, treo bảng miễn tiếp khách ngoài cửa, cả ngày vùi đầu vào sách vở, một bước cũng không ra ngoài, bạn học hay hàng xóm luôn sợ anh bỏ ăn rồi ngất xỉu, nhưng cuối cùng anh vẫn sống khoẻ re, bởi vì trong nhà anh có gạo, ngoài vườn anh có ao, đóng cửa nửa năm cũng không chết đói. Trừ người em chung nửa dòng máu này, chỉ duy nhất một thứ có thể khiến “ông thầy tu” kia “động lòng trần”, khấp khởi như con nghiện được thưởng khói tiên.
Chuông cửa bên ngoài kêu mấy tiếng “đính”, “đông”, kế đó là giọng trầm khàn của ông bác đưa thư trong vùng. Sang bật dậy như cái lò xo, phóng ra ngoài cửa nhanh như là ngựa.
“Chào cậu. Thư của cậu đây ạ.” Bác đưa thư nở nụ cười hiền từ, đưa Sang lá thư mà anh luôn mong đợi.
“Cháu cảm ơn bác ạ.” Sang lễ phép nhận thư bằng hai tay, lại biếu bác một hộp mứt gừng để bác có thêm năng lượng làm việc. “Chúc bác có một ngày làm việc tốt lành.”
Bác đưa thư bỏ viên kẹo nho nhỏ vào túi áo, nhấc mũ chào anh. “Tôi cũng chúc cậu có một ngày làm việc tốt lành.”
Sang đóng cổng lại, khoá chặt rồi vào phòng bóc thư ra đọc. Thư của Tĩnh hồi âm cho anh, dùng tiếng la-tinh nhưng viết bằng bút lông ngòi nhỏ, nét chữ thanh đậm cẩn thận, nắn nót.
Kinh đô Đại Nam, một chiều mưa phùn.
Nhận được thư anh, tôi mừng vui khôn xiết, mừng vì anh vẫn khoẻ, vẫn giữ tinh thần vững vàng trước bao gian truân.
Chuyện bài luận của anh bị bác, tôi nghe kể thì cũng buồn lắm, dù sao đó cũng là công sức đôi ta cùng gầy dựng nên. Nhưng mà tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm, vì nhờ vậy mà anh không bị cuốn vào trận phong ba trên đất khách. Thời cuộc hiện tại điên đảo thị phi, người tốt thì tốt tới mức không tiếc mạng, nhưng cũng có người xấu tới mức không tiếc gì máu xương của kẻ khác, anh cũng như tôi, đều là người trẻ tuổi, nhiệt huyết thừa mứa, nhưng bàn chân vẫn còn chập chững, lỡ sai bước thì thật là đáng sợ.
Làm gì thì làm, xin anh giữ an toàn cho bản thân mình, bên anh còn có gia đình, còn có tôi, luôn canh cánh nỗi lòng vì anh. Tôi ở nơi đây, cũng sẽ vì gia đình mình, và cũng vì anh mà bảo trọng lấy thân.
Thi xong thì hãy hồi âm ngay cho tôi nhé, tốt xấu thế nào cứ nói hết cho tôi nghe. Ở nước Nam, tôi chuẩn bị bàn rượu chờ anh trở về.
…
Sang gấp bức thư ấy ở ngay đoạn nhắn gửi, được Tĩnh cố ý viết thật đậm, lồng vào khung kính nho nhỏ, để ghi nhớ, để ghi khắc trong lòng tình cảm của người bạn tâm giao dành cho mình.
Ngày qua ngày, anh vùi đầu vào sách vở, ôn luyện những kiến thức mình đã học, đọc thêm sách báo bên ngoài để mài giũa bản thân, học đến khi mệt nhoài, anh lại liếc sang khung kính nho nhỏ kê ở góc bàn, mặt trời nhỏ này lại làm anh bừng bừng sức sống. Đến ngày thi lấy bằng luật sư, bước ra khỏi phòng thi rồi, anh vội viết một lá thư báo tin cho Tĩnh biết tình hình mình ở bên này.
Paris, một chiều gió nhẹ.
Tĩnh thương mến,
Tôi viết lá thư này cho Tĩnh ngay sau khi tôi bước chân ra khỏi căn phòng đó. Tôi có cảm giác mình vừa trải qua một cuộc lội ngược dòng, lội qua vô số kiến thức mình đã tiếp thu suốt mấy năm học ở xứ người, giờ vẫn còn thấy choáng ngợp, ngột ngạt, vượt qua được ải này, tôi như trút được gánh nặng.
…
Tôi mong đây sẽ là những lá thư cuối cùng giữa hai ta, để không còn phải mỏi mòn trông đợi đến cuối đông, chớm hè mới được gặp lại.
Tôi sẽ về, mang theo kết quả buổi thi hôm nay, đến gặp Tĩnh vào buổi sớm mai.
Chờ tôi.
*Chú thích: các chữ in nghiêng trong ngoặc kép là thoại của nhân vật khi nói tiếng Pháp