Chương 30 (phần 2): Chia ngọt sẻ bùi
Trước khi qua Tây, Sang đưa Thịnh và dì Đào tới Sài Gòn, cho họ làm quen với nếp sống mới ngay trên đất Việt.
Sài Gòn đất rộng, người đông, nhà mọc san sát, ngựa xe tấp nập. Thịnh với dì Đào bấy lâu nay chỉ quanh quẩn ở Huế, không khỏi tò mò nhưng không dám ngó nghiêng lộ liễu, sợ người ta đánh giá. May là có Sang tinh ý, anh hé màn cửa, chỉ cho họ những chỗ mình biết, kể họ nghe vài chuyện hay ho.
Xe đi qua ga Sài Gòn, nhịp kể chuyện của Sang bỗng chậm lại, mắt miên man nhìn bậc tam cấp ngày xưa:
“Tôi được cậu Tĩnh cứu sống ở đó.” Anh nói bằng tất cả lòng trân trọng, kính yêu. Một cái bánh bao không đáng bao nhiêu đối với người luôn rủng rỉnh tiền, nhưng đặt vào tay kẻ khốn cùng thì chẳng khác chi ban ơn tái tạo.
Dì Đào và Thịnh nghe mà không khỏi cảm động. Biết bao năm qua, Sang vẫn khắc ghi cái ơn tri ngộ ấy, cũng như Tĩnh cứ luôn nhắc đến đoạn nhân duyên tưởng chừng rất ngắn ngủi kia.
Chỗ mà Sang chọn cho hai quý nhân trú chân cách ga Sài Gòn không xa. Nó là một tòa nhà lớn xây theo phong cách Tây, sơn màu vàng mật ong, như thể muốn dùng cái sắc ngòn ngọt, thơm tho ấy thu hút khách thập phương đến trọ. Trước cửa lớn có hai anh gác cổng cao to lực lưỡng, tây trang bảnh bao, Sang tiến đến, ngả mũ chào họ.
“Nhờ mấy chú phụ giùm tôi một tay.” Sang nói rồi dúi vào tay họ mỗi người một đồng bạc Đông Dương.
Các anh gác cổng lập tức cúi đầu vâng dạ, lanh tay lẹ chân xách hành lý giúp Sang, mở cửa mời anh vào. Sang là khách quen ở đây, vừa lại mặt, tiếp tân chẳng cần hỏi thêm, lập tức gọi người dẫn anh đi thẳng lên lầu có dãy phòng tốt nhất.
Thịnh và dì Đào chỉ biết cắm cúi đi theo Sang, thấm thía cái câu “rừng nào cọp nấy” vô cùng. Ở Huế, Thịnh phăm phăm phóng ngựa sắt từ đầu đường tới cuối hẻm, tại đây, anh chỉ là con cá nhỏ tập vẫy vùng giữa đại dương bao la.
Sang thuê hai phòng. Phòng thứ nhất cho dì Đào và cô hầu, ở nơi kín đáo nhất. Phòng thứ hai cho Thịnh với Sang, ở chỗ có góc nhìn đẹp nhất.
Anh để hai người họ ăn uống no nê, nghỉ ngơi cho khỏe, đến tầm chiều thì qua phòng Thịnh, gõ cửa, khẽ nói:
“Tôi dẫn cậu đi hớt tóc.”
Thịnh thót tim, sờ lên búi tóc nhỏ xíu của mình, nhưng sực nhớ ra đây là Sài Gòn, ông Hiển không có ở đây. Thịnh như mở cờ trong bụng, cậu muốn cắt tóc từ lâu rồi.
“Ừ, mi chờ ta chút.”
Thịnh lật tung giỏ đồ, lấy bộ đồ Tây đã úm kỹ từ rất lâu, chạy ào vào buồng thay đồ. Chừng chốc sau, áo dài khăn vấn hoàn toàn được cất gọn, cậu Ba Thịnh nhà Hồ Đắc tây trang bảnh bao, mang đôi giày da bóng loáng, tóc để thả ngang vai xuất hiện. Sang đưa cho Thịnh chiếc mũ nỉ rồi dắt cậu qua đường hớt tóc.
Khi nhát kéo đầu tiên nhấp xuống, Thịnh thoáng rùng mình, cậu đưa tay đón lọn tóc đen nhánh, mắt hơi đỏ lên. Cha và mẹ Cả của Thịnh từng dạy “cái răng cái tóc là gốc con người”, cắt tóc là vứt bỏ thân sinh. Nhưng trong nhịp sống mới này, Thịnh buộc phải cắt bỏ nó, cũng là dứt khoát với lựa chọn của mình.
“Ta coi được không mi?” Thịnh nhìn mình với mái tóc ngắn sát ót trong gương, không tự tin lắm.
“Đẹp trai lắm cậu.” Sang thành thật trả lời.
Thịnh cười, phủi vụn tóc bám dính trên áo, quần mình. Cậu trả mũ cho Sang, để đầu trần đi về khách sạn. Người ta sinh ra có tính hiếu kỳ, thấy ai lạ mặt thì phải săm soi ít nhất đôi ba lần, Thịnh bị nhìn nhiều lắm, bị nói sau lưng nhiều lắm, nhưng cậu không nghe, không thấy gì hết, Sang đi bên cạnh che hết cho cậu, nói lấp miệng đời giùm cậu. Từ từ, từ từ, Thịnh trở thành một người bình thường như bao người khác ở cái đất Sài Gòn này, vòng vây vô hình cứ thế mà tản ra.
Dì Đào thấy kiểu tóc mới của con trai, hết lời khen cậu Thịnh đẹp trai, nhưng nghe cứ nghèn nghẹn làm sao. Đến tận lúc này, hai mẹ con họ mới hiểu là mọi chuyện sẽ khác xưa rất nhiều rồi.
Họ ở Sài Gòn ngủ một đêm, sáng hôm sau lên tàu sang Tây.
Đi bằng đường biển thế này, mỗi người có một cách diễn giải riêng. Với những trang mã thượng ham thích phiêu lưu, họ xem con tàu như một loại phương tiện thay mình đạp sóng rẽ gió. Với những người có tương lai bất định, con tàu như cái lồng giam, vì xung quanh nó là nước sâu, sóng dữ, muốn trốn cũng không trốn được.
Con tàu no nê than đá rồi, kêu mấy tiếng u u, phụt cột khói cao ngất lên bầu trời xanh thẳm. Người soát vé kéo chuông leng keng gọi hành khách. Sang dẫn Thịnh, dì Đào, với mấy người giúp việc lên khoang trên.
Người ta sắp xếp cho họ một chỗ khá khang trang, ấm cúng, nếu không có những cái chao mình bất chợt của con tàu thì nhìn chẳng khác chi nhà trọ bình thường cả.
“Bà với cậu ngồi ạ.” Sang nhường nguyên giường lớn cho hai mẹ con Thịnh, anh ngồi với cô hầu giúp việc.
Tàu rú to, ì ạch rời bến cảng, tiến về vùng nước mặn chát, thăm thẳm và mênh mông. Sóng vỗ tàu thay câu chào hỏi, tàu lắc lư, lịch sự đáp lời. Nền nhà tạm bợ trên các khoang theo nhịp sóng vỗ mà ngả nghiêng, nghiêng ngả.
Sang qua Tây thường như cơm bữa nên quá quen với chuyện này. Thịnh với dì Đào lâu lâu được dịp dạo thuyền trên sông, cũng không lạ gì mấy. Nhưng cô hầu đi theo thì không được như vậy, cô không bắt được nhịp sóng, cũng không quen mùi dầu luyn, chẳng bao lâu đã nôn thốc nôn tháo. Dì Đào vội kêu Thịnh lục giỏ tìm chai dầu gió đưa cô.
“Cô cầm cái này đi.”
Sang đưa cô hầu chiếc khăn tay để lau miệng, trong khăn tay có tẩm mấy giọt dầu gió, hít vào thì người đỡ hơn một chút.
“Tui cảm ơn cậu nhe.” Cô hầu vùi mũi vào chiếc khăn tay, hít hà. “Răng* mà cậu sắm sửa kỹ rứa**?”
*Răng: sao
*Rứa: thế
“Dạ, con hay đi một mình qua đó mà, lúc nào trong giỏ cũng phải đủ đồ hết.” Sang lễ phép đáp.
Dì Đào nghe Tĩnh với Thịnh kể chuyện anh thường đi đây đi đó một mình đã nhiều, nhưng khi nghe chính miệng anh nói thì vẫn rất ngạc nhiên:
“Nhà cậu Phạm giàu như thế, sao lại để con đi một mình?”
Sang mỉm cười, đáp: “Dạ, nhà con đủ ăn đủ mặc thôi bà. Với lại nhà con sống nhờ làm ruộng nữa, bớt người thì bớt lúa, bớt tiền, đâu có tốt đâu bà.”
Lời Sang thật thà, chất phác, thoáng nghe như cậu trai quê lên kinh kỳ, gặp cái gì cũng bỡ ngỡ, nếu như dì Đào không được anh cho ở phòng sang, cho nằm giường đẹp, hẳn đã tin rồi.
“Dạ, đường từ đây qua Tây còn xa, bà với cậu ăn miếng bánh cho đỡ buồn miệng.”
Sang mở giỏ mình, lấy ra một chiếc hộp màu đỏ huyết dụ, trên nắp hộp đề chữ “phúc” bằng mực tàu, bút đi lả lướt. Anh đưa chiếc hộp ấy cho dì Đào bằng hai tay. Dì mở hộp, bên trong là những chiếc bánh trung thu xinh xinh, ngon mắt.
“Con có bà dì chuyên làm bánh trung thu cúng chùa, năm nào cũng cho mấy hộp bánh giống vầy.” Anh đã kêu thợ tới học cách làm bánh chỗ dì, mai nay sẽ làm quà tặng khách nhân dịp khai trương quán trà ở Huế.
“Bà với cậu ăn thử.”
Ở cạnh hộp có một con dao bằng gỗ, lưỡi răng cưa, dùng để cắt bánh. Dì Đào cắt chiếc bánh trung thu nhân mặn làm tám miếng, chia cho mỗi người một miếng.
“Con mời bà.”
Dì Đào cắn một miếng, bánh như tan trong miệng, vị ngọt của bột với đường quyện cùng cái mằn mặn, beo béo của lòng đỏ trứng muối. Đây chính là hương vị quê nhà.
Thịnh thì thích loại nhân ngọt có lớp vỏ ngoài trắng trắng, tròn tròn kia hơn. Dì Đào trông đôi mắt sáng lấp lánh kia, bông đùa với cậu mấy lời:
“Ông tướng ạ, lớn rồi.” Song cũng lau sạch dao rồi cắt bánh nhân ngọt cho con trai.
Bốn người chia nhau hộp bánh trung thu, một chốc đã hết, nhưng niềm vui dư dả để khỏa lấp sự lo âu trong cuộc hành trình dài đằng đẵng này.
Hơn tuần sau, nhà Hồ Đắc có thư của Thịnh gửi hỏa tốc từ Pháp về.
“Con kính gởi cha, mẹ Cả, cùng cả nhà.
Sau vài ngày lênh đênh trên biển, cuối cùng con tàu định mệnh của đời con cũng đã cập cảng đằng Tây. Bốn người chúng con lại phải bắt tiếp chuyến xe đến trung tâm thành phố.
Chỗ của anh Phạm tọa lạc ở một khu cho người khá giả, con nhận biết được, vì hàng xóm chung quanh chủ yếu là người Tây, ăn mặc rất lịch sự. Nhà anh Phạm ở cuối con đường rợp bóng cây, nó khá nhỏ so với tưởng tượng của con, nhưng khang trang, sạch sẽ, trồng rất nhiều hoa cỏ ở sau vườn, còn có một luống đất khá rộng, chắc là để trồng rau và một cái ao sâu, chắc là muốn nuôi cá. Anh Phạm để con với mẹ ở tầng dưới, cho sử dụng phòng đọc sách và nhà bếp thoải mái, anh mua sách rất nhiều, tự ghi chép cũng rất nhiều, nhưng căn bếp thì không thấy có hơi người, chắc vì anh vẫn còn chưa vợ.
Chúng con nghỉ ngơi một ngày, hôm sau anh Phạm dắt con đi xem trường, xem lớp. Trường đẹp lắm, lớp đẹp lắm. Học trò ở đây đều là trai thanh, gái lịch, bọn họ thấy con thì đến chào hỏi rất tử tế. Anh Phạm còn dẫn con tới chỗ vài thầy giáo anh quen ở trường, các thầy đều mở lòng đón nhận, có người còn cho con mượn máy chụp hình gởi về cho cha mẹ ở quê được yên tâm.
Thơ được gởi với mấy tấm hình chụp trường, lớp với nhà mà con đang ở.
Cha, mẹ Cả với cả nhà yên tâm, con đang sống tốt lắm. Ngày mốt con sẽ học tiết đầu tiên trên đất Tây.
Mong cha, mẹ Cả với cả nhà bảo trọng, giữ gìn.
Con của cả nhà, Hồ Đắc Thịnh.”
Phu nhân Phương Huệ giở xấp hình, giấu vội một bức, nhưng không qua được cặp mắt tinh tường của chồng.
“Hắn hớt tóc rồi hỉ?” Ông lầm bầm, lơ đãng nhìn những vòng khói xám.
“Dạ.”
“Ừm.” Ông trầm mặt, gõ tẩu thuốc lên chiếc đĩa con. “Viết thơ nói hắn cứ ở đất nớ* lo học cho tốt, không cần nhớ nhung giỗ quải đằng ni* cho mệt lòng.”
*Nớ: đó
*Ni: này
Phu nhân Phương Huệ biết chồng có ý trách hờn, muốn khuyên giải, nhưng ông đã buông tẩu, lững thững bước khỏi phòng.
Đêm nay, ông lại đi về khoảnh sân ấy, nhìn về gian nhà ấy. Cảnh cũ còn đó, người xưa mất rồi, tàn đèn lưu giữ hồn người ở đây cũng còn ai thắp lên nữa.
Chợt, ông nghe thấy tiếng đàn rả rích, tỉ tê, như trách như hờn, làm con tim ông đập mạnh. Ông đi nhanh về hướng phát ra tiếng đàn ấy, ban đầu vì nhớ nhung, về sau là vì tò mò. Tiếng đàn này tuy chơi cùng một điệu với người ấy, nhưng cái thần khác hoàn toàn, chẳng uyển chuyển, da diết như các trang quần thoa thường có, mà nó mang chất cứng cỏi cùng tính kiệm lời của mấy đấng mày râu. Từ từ, ông Hiển cũng đoán được ai là người chơi đàn, ông thở dài, quay về thực tại, quay về phòng ngủ, nơi có một người phụ nữ đang ngóng trông.
Trong gian phòng kia, Tĩnh cũng thở dài, ôm cây đàn nguyệt vào lòng, nhìn bức thư người ta gửi về, mắt cứ dừng ở đoạn anh kể chuyện cùng Thịnh và dì Đào chia nhau hộp bánh trung thu trên tàu.
“Anh còn chưa cho tôi ăn bánh trung thu.” Cậu gảy mạnh dây tang, mím môi, mắt trừng trừng đầy oán giận.