Huế, tháng 9 năm 1910.
Sang sắp xếp cuộc sống cho mẹ con Thịnh trên đất Pháp từ cái ăn đến chốn ở, anh có tháo vát đến đâu thì cũng phải loay hoay mất hơn tuần lễ. Khi anh trở về, tiệm trà trên đất Kinh kỳ đã đâu vào đấy cả, chỉ chờ treo bảng hiệu lên nữa thôi.
Bảng hiệu là bộ mặt của quán xá, đương nhiên phải được chăm chút kỹ lưỡng. Sang đã đích thân đến xưởng mộc có tiếng nhất ở Huế, bỏ hầu bao lớn để nhờ người thợ cả lo liệu giúp anh mọi chuyện. Người thợ cả làm việc rất có tâm, tới tận tiệm để tự tay đo đạc, tìm gỗ tốt nhất, cưa xẻ, đẽo bào thành một tấm bảng vuông vức, nhẵn mặt, sơn son, thếp vàng ở bốn góc. Tấm nền đã hoàn hảo như vậy, tên tiệm và chữ đề tên tiệm cũng phải thật hoàn hảo, phải do danh sư đề bút đặt tên.
Trên dòng sông Hương đang lững lờ trôi, mặt trăng in lên mặt nước, tỏa ánh vàng nhàn nhạt, chiếc thuyền con lênh đênh, theo nhịp sóng mà dập dềnh. Gió man mát thổi, dẫn hương rượu nồng nàn tan vào mảng trời đen.
Sang rót rượu đầy ly, đưa qua cho người bạn nhỏ. Anh lại muốn tự rót rượu cho mình, nhưng người bạn nhỏ đó vịn tay anh, giằng lấy nậm rượu.
“Anh trễ hẹn.” Tĩnh rót rượu đến lưng chén, hằn học bảo. “Phạt anh chỉ uống một nửa.”
Sang thành khẩn nhận lỗi, chấp hành án phạt. Anh hứa chỉ đi một tuần nhưng không sắp xếp được, lấn ra mấy ngày. Anh biết ngày hẹn thường mà không có anh, cậu buồn lắm.
“Xin lỗi nha.”
Anh đặt tay lên vai cậu, nhẹ nhàng vuốt một cái. Cơn bực dọc trong lòng cậu cũng bị anh vuốt trôi tuột vào lòng sông. Tĩnh húng hắng cổ họng, uống ực cả chén rượu đầy.
“Tuần trước anh không kịp về, không đi chơi được, nên tôi tới tiệm của anh coi thử.”
“Tĩnh thấy coi được không?” Anh sốt sắng hỏi.
“Ừm.” Tiệm của người ta, đương nhiên Tĩnh sẽ thấy đẹp. “Anh định đặt tên tiệm là chi?”
Người ta đã mở lời trước thì anh cũng tiện thể thẽ thọt:
“Tôi muốn nhờ Tĩnh đặt tên với đề bút giùm tiệm.”
Tĩnh đặt chén rượu xuống, lườm anh một cái sắc lẻm, anh đáp lại cậu bằng một nụ cười thực hiền.
“Anh tiện miệng ghê hỉ?” Tĩnh chống cằm, trêu anh. “Anh hết tiền rồi hay ra răng*?”
*Răng: sao
“Không có. Tôi muốn nhờ Tĩnh từ trước rồi.” Anh rót rượu đầy ly cho cậu. “Có ai hợp hơn Tĩnh đâu chớ. Tĩnh biết nhiều chữ hay, viết cũng đẹp nữa. Mà tiệm này mở được cũng nhờ có Tĩnh ở đây mà.”
Đôi trẻ tủm tỉm cười. Thì đúng vậy mà. Sang muốn có chỗ chờ đợi Tĩnh mỗi khi đến Huế nên mới mở tiệm trà này. Còn ai hợp việc đề bút đặt tên tiệm hơn Tĩnh cơ chứ?
Tĩnh biết hết ấy, rất ngọt lòng, nhưng vẫn chưa nhận lời ngay:
“Tôi nỏ có làm không công mô*.” Tĩnh ra bộ cao giá, nguýt mắt đòi hỏi. “Anh định trả tôi cái chi?”
*Tôi không có làm không công đâu.
Sang quá quen với những cuộc thương thảo thế này. Nhưng với đối phương, tất cả điều khoản trong “công – tra”* đều theo ý của cậu:
*Công – tra là hợp đồng.
“Tĩnh muốn gì cũng được.” Anh nói chắc nịch, giả dụ như Tĩnh đòi hái sao trên trời, anh cũng sẽ tìm cách hái xuống cho cậu.
Tĩnh nhấc chén rượu lên, miệng chén rất nhỏ, nhưng đáy chén trắng, rượu trong chén ngưng lại, có thể đem làm tấm gương soi để sửa sang bờ môi hay khóe mắt. Tĩnh bặm môi, nheo mắt:
“Tôi muốn anh làm bánh trung thu cho tôi.”
“Hả?” Sang hơi ngạc nhiên. Anh nghĩ Tĩnh sẽ đòi hỏi chuyện oái oăm hơn cơ. Anh cười xòa. “Tưởng chuyện chi, năm nay phải có bánh trung thu cho Tĩnh chớ.”
Gương mặt của Tĩnh vẫn không buông lỏng, cậu khăng khăng lặp lại:
“Tôi muốn anh làm bánh trung thu cho tôi.”
Sang cẩn trọng xem xét, lặn sâu trong đôi mắt đen lay láy kia tìm kiếm nguồn cơ. Anh muốn cười, nhưng không dám lộ ra ý cười. Người ta dỗi rồi. Khổ thân anh, mà cũng đáng đời anh, khi không lại kể chuyện ăn bánh trung thu trên tàu với người ta làm gì.
Vốn dĩ, anh đã định sẽ để cho bánh trung thu tặng người ta khác hẳn bánh tặng khách hàng, khuôn bánh khác, chắc chắn sẽ chăm chút hơn, hương vị cũng khác, chắc chắn sẽ thơm ngon hơn. Nhưng giờ người ta đòi anh tự tay làm bánh trung thu tặng mình. Anh cũng biết, bỏ tiền ngàn bạc vạn cũng không bằng tự mình làm, phải tội anh không khéo tay cho lắm.
“Tôi dở chuyện làm bánh lắm.” Anh thú thật với cậu. “Kiểu gì cũng sứt sẹo tùm lum.”
“Không răng mô*!” Tĩnh nói ngay. “Bánh ra răng tôi cũng nhận**!” Nếu có thể được nhận, cậu vô cùng trông mong. “Bánh anh làm mà.”
*Không sao đâu
**Bánh ra sao tôi cũng nhận
Sang như được ngâm trong hũ mật, đến quả tim nằm sâu trong thân thể cũng thấy ngọt đến ngất ngây. Kiểu này anh từ chối sao đặng. Anh ngượng ngùng gật đầu:
“Nếu Tĩnh không chê thì để mai tôi làm thử.”
“Rứa* mai tôi đem giấy bút qua!”
*Rứa: thế
Tĩnh rót rượu cho anh, vẫn chỉ rót đến lưng chén, nhưng giờ cậu đang cười rất tươi, đôi mắt đen láy kia sáng loang loáng, làm cả góc trời nhỏ này rạng rỡ hẳn lên. Sang âm thầm lưu giữ khoảnh khắc này trong trái tim mình. Người bạn nhỏ của anh có những suy nghĩ thật giản đơn, nhưng hiếm ai có được.
Sáng hôm sau là Chủ nhật. Ăn cơm xong là Tĩnh ôm bút nghiên, giấy mực, đạp xe qua tiệm trà của Sang.
Tiệm trà sắp khai trương này nằm ở giao lộ phố Tây, là chỗ giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt, Pháp, ngoảnh mặt về đông thấy áo dài khăn vấn, ngoảnh mặt về tây thấy sơ mi quần âu. Nó là một căn nhà có hai tầng trên mặt đất và một tầng hầm để chứa đồ.
Từ ngoài nhìn vào, có thấy được Sang chọn tầng dưới làm chỗ bày hàng bán mang về, tầng trên dành cho khách đến ngồi chơi xơi trà. Sang thiết kế tiệm trà kiểu đơn giản, chỉ để những thứ cần thiết, chừa không gian rộng rãi, khoáng đãng cho khách hàng đến mua trà, thưởng trà.
Hiện tại tiệm đã được trang hoàng gần xong hết, thiếu mỗi biển hiệu.
Mỗi ngày Tĩnh đi học về đều đạp xe qua đây nhìn một lần. Hồi người ta lỡ hẹn, mỗi ngày Tĩnh đạp xe qua đây hai lần. Nhưng tới tận hôm nay cậu mới tới gõ cửa.
“Tĩnh tới rồi.” Sang chờ bên cửa từ sớm rồi, nhác thấy bóng cậu là anh chạy ra giúp dắt xe ngay.
Tĩnh nhận trọng trách trên vai, bước qua cửa liền hỏi về tấm biển còn trống tên. Sang đỡ cặp sách đựng giấy bút cho cậu, rồi dắt cậu lên lầu.
Tĩnh để ý thấy có hai cầu thang dẫn lên lầu trên, một cầu thang ở gần bên một cái quầy lớn, Tĩnh đoán là quầy tính tiền của tiệm, một cầu thang nằm sâu ở trong, đằng sau một bức mành trúc. Sang dẫn cậu đi bằng cầu thang đằng sau bức mành trúc.
Tĩnh đoán đây là cầu thang dành riêng cho người của tiệm, gồm cả dàn nhạc anh đưa đến đệm phím mua vui cho tao nhân mặc khách. Bên tường treo nhạc cụ. Khi đi hết cầu thang, Tĩnh lại lấy một bức mành trúc nữa, ngăn cách giữa những bộ bàn ghế đặt dành cho khách và một dãy bàn ghế cho nhạc công.
“Không phải ở ni* hỉ?” Tĩnh chỉ ra chỗ cho khách thưởng trà ở đằng sau tấm mành.
*Ni: đây
“Không phải ở đây.” Sang mỉm cười, dắt tay Tĩnh rẽ qua một khúc quanh. “Tĩnh thì phải ở chỗ đặc biệt.”
Anh kéo cánh cửa sơn son, mở ra một không gian tuyệt đẹp. Phòng ốc rộng rãi, sáng sủa, nhưng chỉ dành cho một người. Tĩnh thấy được ngay nó được bày trí y như phòng riêng của cậu, chỉ thay chiếc giường bằng võng lụa điều. Ngoài cửa sổ, cây mộc hương vẫn còn ra hoa, tỏa mùi thơm ngan ngát, bệ cửa sổ gắn một ống nứa đựng gạo, gọi những chú chim non chao lượn trên bầu trời xanh biếc đến đây, dụ dỗ chúng rót vào tai người trong phòng này những tiếng lích chích vui tươi.
Sang đặt cặp sách của Tĩnh lên bàn, kéo ghế cho cậu:
“Khi nào Tĩnh thấy ở nhà ngột ngạt quá thì cứ tới đây học bài.” Tuy có ti tí không cam lòng nhưng anh vẫn rộng lượng nói thêm. “Rủ bạn bè tới đây cũng được luôn.”
Tĩnh nhoẻn miệng cười: “Ừm, tôi biết rồi.”
Ở cuối phòng có một tấm biển lớn, được sơn son thếp vàng nhưng trống trơn, Tĩnh đập vai Sang, chỉ tay về nó, hỏi:
“Biển nớ* hỉ?”
*Nớ: đó
“Ừm.”
Cậu mở cặp sách, lấy những thứ cần thiết đặt ra bàn: bút lông cỡ lớn, mực viết và một tập giấy.
“Anh coi biển hiệu ra răng* thì đẹp?”
*Ra răng: ra sao
Tĩnh lật từng trang của tập giấy cho anh xem, trong đấy là những mẫu biển hiệu mà cậu nghĩ ra trong đêm qua. Tên tiệm thì đã nằm sẵn trong đầu từ lâu nhưng viết sao thì vẫn còn băn khoăn lắm. Vì nó mà cậu thức trắng cả đêm qua.
“Nguyệt Viên.” Sang thử cóp nhặt vốn liếng về chữ Nho từ những vở tuồng coi ở dưới quê để giải nghĩa. “Nghĩa là trăng tròn.”
Hoa cười nở trên môi đôi trẻ. Cậu và anh lần đầu gặp nhau vào đêm trăng tròn, vì thế mà mới có tiệm trà này. Không có cái tên nào phù hợp hơn nó cả.
“Vậy mình lấy cái này đi.”
Sang chọn mẫu biển hiệu viết bằng chữ Nho, bên dưới là dòng chữ Quốc ngữ* nho nhỏ, cả hai đều được Tĩnh viết bằng bút lông, nét đi lả lướt, rất đẹp.
*Thật ra năm 1910 chưa khai sinh ra bộ môn thư pháp chữ Quốc ngữ, bộ môn này được sinh ra vào khoảng năm 1930.
“Tôi biết rồi.” Tĩnh xắn tay áo lên. “Rứa* chừ** anh pha mực đi.”
*Rứa: thế
**Chừ: giờ
Sang vẫn đang theo học thư pháp với Tĩnh, được cậu kèm cặp kỹ từ chuyện trải giấy tới mài mực, nên giờ thạo việc lắm. Anh biết nên để bao nhiêu mực, rót bao nhiêu nước, quấy mực sánh đến mức nào thì được. Thành phẩm anh làm ra thì chuẩn lắm, nhưng Tĩnh nhìn thao tác ấy, lại trêu:
“Hôm qua anh ở trong bếp tới khi mô*?” Vì cậu thấy anh mài mực như quấy bột ấy.
*Khi mô: khi nào
Sang ngượng nghịu, thành thật bẩm báo:
“Tôi vụng bếp núc lắm, thức tới gần sáng mới học xong chuyện pha bột với làm nhân, còn chưa ra khuôn nữa.”
“Rứa cũng giỏi rồi.”
Tĩnh cầm quản bút to bằng cẳng tay, nhúng đầu bút vào bát mực đen sanh sánh. Cánh tay cậu mỏi nhừ từ buổi luyện tập cật lực suốt đêm qua. Tĩnh tự tin về chữ viết của mình, nhưng hiếm khi được cầm quản bút to như thế, cũng chưa từng viết trên tấm biển lớn như thế này. Dù vậy, cậu không muốn nhường việc trọng đại của anh cho bất kỳ ai.
Tĩnh nhìn chăm chăm tấm biển hiệu, ngồi bất động một lúc rất lâu, đôi con ngươi đen như mực lướt lên, trượt xuống, tập dượt vô số lần trước khi thực sự vung bút. Khi tất cả các giác quan trên thân thể, từng thớ thịt đều đã sẵn sàng, Tĩnh mới nhấc bút lên, bắt đầu viết.
Khi Tĩnh viết, dường như toàn bộ cảnh vật xung quanh phải nín lặng. Cậu hoàn toàn tập trung, đặt hết tâm huyết vào từng nét bút. Ánh mắt cậu sắc lẹm, như lưỡi hái bén ngót phạt bỏ mọi trở ngại cản đường. Bút cậu đi trơn tru, căng ngang, sổ dọc mạnh mẽ, lại điểm xuyết những đường cong mềm mại như vành ngoài của vầng trăng tròn.
Dòng chữ 月圓閣- Nguyệt Viên Các đã được hoàn thành.
Sang nhìn đến say sưa. Trong mắt anh, không có nét nào trên biển hiệu là thừa, là hỏng cả. Và dường như cậu cũng nghĩ thế, khi gác bút, cậu nở nụ cười mãn nguyện, mắt nhu hòa nhìn tấm biển như bậc cha mẹ đang nhìn đứa con đã được thành hình.
“Tĩnh ơi.” Anh quỳ một gối bên cậu, khẽ khàng cầm lấy bàn tay đỏ ửng, tấy lên vì nắm quản bút lớn kia quá chặt, quá lâu. “Tôi cảm ơn Tĩnh nhiều.” Anh xoa tay cậu, lòng se thắt. “Mỏi không?”
“Có!”
Anh mỉm cười, thủ thỉ: “Vậy Tĩnh lên ghế ngồi đi, cho tôi được hậu tạ.”
Sang đỡ Tĩnh lên ghế ngồi. Cậu ỷ mình được anh cho “ngồi vai trên”, thả lỏng toàn thân, cho anh lôi và kéo một đứa trẻ nặng cân, đặt lên ghế. Thực ra Tĩnh vẫn tự đi được, nhưng anh cứ cho rằng cậu mới làm một việc quá sức, không cần động móng tay vào gì nữa cả, Tĩnh thả lỏng người thì anh căng cả người, nhấc bổng cậu lên.
“Ối chao!” Tĩnh trông chân mình cách mặt đất một khoảng kha khá, cực kỳ ấn tượng. “Anh mạnh dữ rứa!”
“Tôi hay phụ tía vác lúa mà.” Sang khôi hài đáp.
Sang đặt Tĩnh lên ghế ngồi, xoa bóp tay cho cậu. Hứng khởi vừa rồi dần tan đi, tay Tĩnh bắt đầu mỏi nhừ. Cậu để yên cho anh “hầu” mình, mắt lim dim, đầy thư thái.
“Anh có “lương” cho tôi chưa?”
Sang cười trừ, thành thật bẩm báo:
“Tôi chưa làm xong cái bánh nào hết.”
“Rứa chừ anh làm luôn đi!” Tĩnh níu tay anh, giở giọng hạch sách. “Bây chừ luôn đi! Tôi đói bụng rồi!”
Sang làm sao chống nổi “cường quyền”, chỉ có thể ngoan ngoãn chiều theo ý “bề trên”:
“Vậy để tôi xuống bếp làm.” Anh hướng về cầu thang, gọi lớn. “Có ai ở dưới đó không? Kêu giùm tôi thằng Hiếu lên đây với!”
Ở dưới văng vẳng lên tiếng “dạ” của anh Lâm, thơ ký đi theo Sang từ Mỹ Tho tới đây giúp anh công chuyện làm ăn. Một lát sau, thằng Hiếu chạy huỳnh huỵch từ lầu dưới lên, gặp mặt Tĩnh, nó ngoác miệng cười:
“Dạ cậu mới tới chơi!” Rồi rất nghiêm chỉnh khom người chào khách quý.
Sang chỉ tấm biển hiệu đang chờ ráo mực, bảo nó:
“Con coi chừng tấm biển cho cậu, đừng để nó bị lem mực, chờ nó khô thì phủ vải lên, để ngày khai trương thì treo lên.”
“Dạ!” Nó nhìn dòng chữ trên biển hiệu, oa lên. “Chữ đẹp quá cậu!”
Tĩnh khiêm nhường, chỉ cười tủm tỉm. Sang thì vịn tay lên vai cậu, khen ngợi hết lời:
“Cậu Út nhà Thượng thơ viết thì phải đẹp rồi!” Rồi anh nghiêm túc nhắc nhở nó. “Nhớ coi chừng nó kỹ càng nha Hiếu.”
“Dạ! Cậu để con!”
Sang để tấm biển hiệu đó cho thằng Hiếu trông, anh dẫn Tĩnh đi xuống gian bếp.
Anh và cậu đi giữa hai hàng tủ kệ, bước qua một cánh cửa, băng qua khoảnh sân gạch nhỏ đang phơi những nụ trà lài. Bếp của tiệm ở đằng kia, nó là một dãy nhà lớn, tấp nập người ra ra vào vào, trên tay họ là những khay bánh trung thu ngon mắt, mùi thơm nức mũi.
“Anh mần* nhiều dữ rứa?”
*Mần: làm
“Ừm, tôi làm tặng người quen ở đây, với khách lần đầu tới tiệm.” Sang mỉm cười, thủ thỉ với cậu. “Nhờ quen Tĩnh mà duyên bè bạn của tôi ở đây tốt lắm.”
Giữa khung cảnh nhộn nhịp ấy, có một căn phòng nhỏ được để yên. Tĩnh biết ngay đó là chỗ anh dùng để làm bánh tặng cậu. Thoạt nhìn trong đấy rất ngăn nắp, đâu ra đấy, bước vào là có thể bắt tay vào làm ngay.
Dù gì Tĩnh là công tử nhà quan, chẳng mấy khi phải xuống chỗ nồng nặc mùi dầu mỡ thế này, nên anh nhủ cậu cứ chơi ở ngoài sân, xem người ta đóng bánh, trà vào hộp. Tĩnh cũng không muốn làm vướng tay vướng chân anh, nên chỉ đứng ngoài, tựa lưng vào tường xem chờ anh xong việc. Nhưng sự chú ý của cậu được đặt hết lên anh công tử Mỹ Tho đang cặm cụi trong phòng bếp nhỏ.
Hôm nay Sang vẫn mặc áo sơ mi như thường nhật ở đây, nhưng giờ trước ngực đắp thêm một chiếc tạp dề lớn, có lẽ để tránh cho bột dây vào áo đẹp, anh xắn tay áo tới khuỷu, để lộ ra hai cẳng tay trắng bóc, có những thớ thịt săn chắc, cuồn cuộn. Anh đã làm xong vỏ bánh rồi, nhân cũng xong, vê chúng lại thành viên hết rồi, giờ chỉ còn việc đóng khuôn bánh là hoàn tất.
Sang cho viên bột vào khuôn đã áo bột khô, ấn xuống, ấn xuống, bột phải lấp kín khuôn mới có hình đẹp, rồi anh úp ngược khuôn bánh xuống, vỗ rồi lại vỗ, chiếc bánh trung thu rơi khỏi khuôn, đáp nhẹ nhàng lên tấm thớt có rắc bột khô.
“Sai nữa rồi.”
Tĩnh đứng ngoài này nên không biết được cái bánh sai sót ở chỗ nào, nhưng trông Sang thất vọng lắm. Anh bóp chặt chiếc bánh, vo tròn nó lại, rồi tiếp tục cho vào khuôn. Cứ lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại như thế.
“Chi mà anh bực bội rứa?”
Tĩnh nhìn mà không chịu được, phải bước vào xem rốt cuộc cái bánh kia xấu tới cỡ nào. Cậu ngó sơ qua, phì cười. Anh nói thật với cậu mà, anh làm bánh vụng thật. Chiếc khuôn anh đặt riêng có hình trăng rằm, ở giữa nở ra một bông hoa quỳnh, hoa và trăng có màu trắng, nên anh muốn làm bánh dẻo có vỏ ngoài là nếp trắng, ở trong là đậu xanh được đồ nhuyễn, vàng ươm. Bánh ra khuôn sẽ rất đẹp nếu không qua tay người đầu bếp vụng về này. Qua tay anh thì vành trăng méo mó, cánh hoa sứt sẹo.
“Tĩnh đừng nhìn nữa, tôi mắc cỡ quá.”
Hai tay Sang đang dính đầy bột nên anh dùng cả người ủn cậu ra ngoài. Nhưng Tĩnh đâu dễ bị đẩy đi như vậy, cậu nhanh như sóc, thoắt cái đã lách qua người anh, nhấc khay bánh kia lên. Tấm vải phủ trên khay bánh kia rất mỏng, cậu thổi một cái là khăn tốc lên, những “vầng trăng” méo mó lại lộ ra trước mặt hai người.
“Coi cũng được mà.” Cậu chỉ từng chiếc bánh, tinh nghịch bảo. “Cái ni* là trăng mùng Hai, cái tê* là trăng mùng Mười.”
*Cái ni: cái này
*Cái tê: cái kia
Sang cũng bật cười:
“Ừm. Bữa nay còn chưa tới rằm.” Anh thấy lạc quan hơn hẳn. “Để tôi ráng thêm.”
Anh vê cái bánh hỏng trở lại làm viên bột nếp bọc đậu xanh tròn vo. Tĩnh tưởng tượng thử, rồi viên nếp tròn vo ấy sẽ biến thành chiếc bánh đẹp đẽ, cậu cảm thấy hạt nếp dẻo quánh của dân ta thật thần kỳ. Tĩnh lân la lại gần, gạ gẫm anh:
“Anh cho tôi mần thử với.”
“Hở? Ờ, được. Nhưng mà Tĩnh rửa tay trước đi nha.”
Sang chỉ cho cậu thau nước ở góc bếp. Tĩnh xắn tay lên, qua đó rửa tay. Thau bằng gỗ, đầy ắp nước, bỏ những lá trà, lát chanh nổi lềnh bềnh. Tĩnh cho tay vào thau nước, quậy đều, mùi trà và mùi chanh đưa lên, làm sảng khoái đầu óc, Tĩnh cũng nghe nói trà và chanh được người ta dùng để tẩy uế. Tĩnh thấy Sang chu đáo thật, nhưng không chỉ ở đó.
“Tĩnh tới đây tôi nhờ chút.”
Sang mở tủ lấy một chiếc tạp dề lớn, tròng cho Tĩnh, rồi anh vòng tay ra sau lưng cậu, giúp cậu buộc dây. Anh và cậu đứng sát gần nhau, Tĩnh có thể ngửi thấy mùi bột bánh trên người anh, thật thơm, thật ngọt.
“Xong rồi.” Sang bước lùi ra. “Tĩnh làm đi.”
“Ừm.”
Tĩnh xắn tay áo lên, đặt viên bột nếp bọc đậu vào khuôn gỗ, học theo anh ấn và vuốt cho bột nếp trải khắp các kẽ hở trong khuôn. Khi có linh cảm thích hợp, Tĩnh úp khuôn xuống, vỗ vào đáy. Chiếc bánh nếp trắng muốt rơi khỏi khuôn, rơi xuống đĩa.
“Đẹp quá!” Sang oa lên.
Bánh mà Tĩnh đóng khuôn rất đẹp, mặt bánh giống y như mẫu khuôn Sang đã được xem, hoàn hảo đến từng chi tiết. Mà đây là lần đầu tiên Tĩnh làm việc này đấy. Sang ngắm nghía chiếc bánh ấy mãi thôi, từng lời, từng lời thốt ra đều thể hiện sự tôn sùng, ngưỡng mộ:
“Sao cái gì Tĩnh cũng giỏi hết vậy?”
“Nghe ai nói…” Tĩnh chùi tay vào chiếc tạp dề, cọ vai với anh. “Chừ tôi ăn được không?”
“Được, Tĩnh chờ tôi chút.”
Sang lấy dao cắt bánh thành bốn miếng. Hoa quỳnh trên bánh như được nở rộ, nở ra nhân đậu xanh mịn màng, vàng ươm như mật hoa. Hoa thật nở tỏa hương làm lòng người ta thư thái, hoa trên bánh “nở” làm bụng người ta cồn cào.
“Tĩnh ăn thử đi.” Sang đặt lên đĩa một chiếc thìa.
Tĩnh cầm thìa xắn dọc bánh, được một miếng có cả vỏ bột nếp lẫn nhân đậu xanh. Cậu nếm thử. Bánh rất mềm, mềm dẻo của bột nếp, mềm mịn của đậu xanh nghiền, với cả ánh mắt dịu dàng và nét cười hiền hòa người đó khi nhìn cậu thưởng thức miếng bánh, mềm làm nhũn cả tim. Bánh rất là ngọt, ngọt lịm của nước đường, ngọt bùi của đậu xanh, và cả cái tâm người nghiền nhân, quấy bột cho bánh nữa, ngọt đến tê tái cõi lòng.
“Anh nói xạo.” Tĩnh lườm anh. “Anh nói anh không giỏi bếp núc mà.” Cậu xắn tiếp một miếng bánh, quay thìa về anh. “Anh ăn thử đi.”
Sang cười gượng, khó nhọc nói:
“Tôi ăn thử mấy chục lần hôm qua rồi.” Tuy nhiên, anh vẫn lấy một cái thìa khác, xắn lấy bánh từ trên thìa của Tĩnh, ăn miếng bánh này cùng cậu. Anh nhâm nhi, thở phào nhẹ nhõm. “Hên là không có dở.”
Tại anh đòi hỏi cao quá thôi. Tĩnh còn lạ gì tính kén chọn này của Sang nữa, đồ cho mình thì kiểu gì cũng được, quà tặng người khác, nhất là người thân thiết với anh, thì phải thật hoàn hảo. Tĩnh ghét cái tính này lắm cơ. Cậu vọc tay vào chậu bột để làm áo bánh, trát lên mặt anh.
“Ui da Tĩnh ơi.” Miệng Sang than van nhưng vẫn nhắm mắt chịu trận. “Tha cho tôi đi mà.”
Tĩnh sao dễ dàng tha cho anh được. Cậu được đà, càng táo tợn hơn, xoa thêm bột lên hai má anh. Ban đầu cậu chỉ muốn đùa một chút thôi, nhưng càng xoa càng thích, như xoa phấn lên má người đẹp vậy.
Người đẹp…
Tĩnh thấy người trước mặt mình đẹp thật mà, chỗ nào cũng đẹp. Da anh trắng như bột nếp, còn sáng nữa. Khi cậu xoa bột lên đôi gò má ấy, càng xoa chúng lại ửng hồng, hồng như quả đào tiên cậu từng thấy trên mấy bức tượng thần tiên. Tiến đến gần, sẽ ngửi thấy một mùi thơm, ngòn ngọt.
Làm cậu muốn cắn một cái, thực sự rất muốn cắn một cái.
Chừng mấy chục năm sau.
Nhân dịp Trung thu đang tới gần, ông Hai và thầy Hai bày những chậu bột nếp chín và đậu xanh nghiền đầy sân, tự tay đóng bánh. Ông gói nhân vào vỏ bánh nếp, vo thành viên, đưa thầy đóng nó vào khuôn.
Đóng được chừng mấy chục chiếc, thầy Hai đâm chán, muốn trêu chồng một chút. Sẵn bột để áo bánh, thầy lừa ông Hai xoay mặt qua đây, rồi trát bột đầy má chồng.
“Thôi mà mình.” Miệng ông Hai than van nhưng chỉ biết nhắm mắt chịu trận. “Mình tha cho anh đi.”
“Tôi đương nặn bánh ni, cậu ngồi yên nớ.”
Thầy Hai cười tít mắt, thỏa thích nhào nặn hai má chồng. Thầy nuôi mấy chục năm nay mới lên được thêm một chút thịt. Thầy cọ mũi lên đôi gò má đang ngày càng ửng hồng, hít hà:
“Thơm quá.” Thầy ghé răng, cắn yêu một cái, liếm môi bảo. “Ngon quá.”
Tay ông Hai đang dính đầy bột nên không thể ôm vợ mình được, ông cọ vai với thầy, hai mái đầu áp với nhau.
“Năm nào cũng ăn, ngày nào cũng ăn, hên là mình không thấy ớn.”
Thầy Hai cau mày, gắt chồng: “Không nói vậy nghen!”
Đang không có ai quanh đây, thầy kéo ông lại, hôn một cái thật sâu. Khi buông nhau ra, cả hai đều thở hổn hển, thầy phải gục lên vai chồng, hít hà mùi hương ngòn ngọt trên da thịt người ấy, mỉm cười mãn nguyện.
“Cả đời cũng không thấy ớn mô.”