Lời này thốt ra khiến Phi không khỏi sửng sốt. Thích? Hạnh á? Cậu ho khan mấy tiếng, lập tức phản bác không chút suy nghĩ:
– Không! Thích cái gì. Mình chưa từng nghĩ sâu xa như vậy.
– Thật à?
– Ừm. Nhỏ đó có gì đâu mà thích.
Đột nhiên nói xong, thay vì cảm thấy nhẹ nhõm vì phủ bỏ đồn đoán không căn cứ, tâm trạng của Phi lại lập tức thay đổi, càng thêm lộn xộn và rối ren.
Trí gật đầu như thể có cùng quan điểm ấy.
– Cũng đúng.
Tuy ngoài mặt lạnh tanh không biểu hiện chút biểu cảm, Hạnh thật sự rất cảm kích, đắn đo suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng chạy đi mua hai chai nước đến chỗ hai người họ. Nếu để Phi, Trí về đây mới đưa nước cho thì khó coi quá, xung quanh nhiều bạn cùng lớp lại chỉ mua cho mỗi mình hai cậu ấy, có thể cô lo hơi xa nhưng không chừng người ta lại đồn linh tinh.
Cầm chai nước lạnh ngắt trên tay, trái tim cô lại vô cùng ấm áp, miệng còn khẽ cong thành một nụ cười mỉm.
Xác định được vị trí của cả hai, Hạnh nắm chặt hai chai nước, dồn hết can đảm bước về phía trước.
– Này…
– Gì?
– Cậu thích nhỏ Hạnh đó hả?
Bước chân cô chững lại, câu trả lời đó cô cũng rất muốn biết, không ngờ rằng nó cay đắng như vậy.
– Không, thích cái gì. Nhỏ đó có gì đâu mà thích.
Cô quay đầu, bước đi vẫn thật từ tốn. Cô biết chứ, biết rất rõ là đằng khác. Từ đầu đến chân có điểm nào hay, khuôn mặt sầu bi, học lực bình thường, tính cách quái dị, ngay cả người nhà cũng không để ý đến cô. Dẫu thế cô cũng không rơi lệ, những ngày tháng ở cùng bố chịu nhiều trận đòn roi vun vút nếu còn khóc đã giúp cô học cách nén nước mắt vào trong.
Hạnh cầm bức vẽ cậu ấy trên tay, bức vẽ đã tốn không ít công sức và tâm huyết của cô, giờ đây đã không còn khiến cô cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nhìn thấy nữa. Hôm nay lại là một ngày không vui khác, mong sao thời gian trôi nhanh, ngủ một giấc đến sáng mai, lúc tỉnh dậy cô sẽ quên tất cả.
– Để khuyến khích học sinh các lớp đọc sách, trường của chúng ta sẽ tổ chức cuộc thi “Đọc sách cùng em” vào thứ năm tuần này. Sau tiết ba, thay vì về nhà, mọi người dành chút thời gian ở lại nhé. À, mỗi khối sẽ thuyết trình về các chủ đề khác nhau, lớp mười chủ đề gia đình, lớp mười một – tình người và lớp mười hai là ước mơ. Mỗi lớp cử đại diện hai bạn tham gia. Giải nhất nhì ba sẽ được trao những phần thưởng vô cùng hấp dẫn.
Lớp trưởng nói dứt lời nhìn xuống các bạn cùng lớp đang uể oải phía dưới.
– Nào, có ai muốn đăng kí tham gia không?
Một sự tĩnh lặng bao trùm lấy căn phòng.
– Không ai à? Phần thưởng hậu hĩnh lắm đấy.
– Ôi dào, ai lại muốn tới cái chỗ xa xôi ấy mượn sách làm gì mà “khuyến khích bạn đọc đến thư viện” chứ. Muốn quyển gì cứ ra tiệm sách mua nhanh cho rồi.
Hạnh dò nhàu nhè tờ giấy ghi chú trên tay, suy nghĩ cận thận rồi lên tiếng.
– Nhưng có rất nhiều cuốn sách hay đã từ lâu không còn xuất bản nữa, khó tìm thấy ở nhà sách nên chỉ có thể đến thư viện tìm đọc.
Cô bạn ấy dường như cảm thấy hứng thú với câu nói ấy, đưa ra một đề xuất nhỏ.
– Cậu thử kể vài cuốn xem.
Chẳng mất khắc nào để suy nghĩ, Hạnh nêu vài cuốn cô đã đọc lén trong lúc trực ở thư viện. Nghe đến đấy, mắt bí thư sáng như đèn pha, vội vã ào đến nắm lấy hai tay cô van nài:
– Đúng rồi Hạnh, hay cậu tham gia đi. Nhé?
Cái này… không phải cô không muốn mà là cô sợ.
Cậu ấy tiếp lời:
– Mỗi lớp hai người lận, không phải mình cậu đâu. Bài thuyết trình chia hai phần ra nói trong vòng vài phút, ngắn lắm không dài đâu.
Hạnh yếu ớt gật đầu.
– Được rồi, còn ai muốn tham gia nữa không?
Vẫn không một ai lên tiếng.
Đột nhiên ở dưới góc lớp nhô lên một cánh tay bé nhỏ, rụt rè rồi lại giơ thẳng tắp.
Cả lớp không khỏi ngỡ ngàng trước hành động đó của một cô bé mờ nhạt và nhút nhát chẳng kém gì cô. Nhưng rồi rất nhanh sau đó, họ lại bận bịu quay lại với việc của mỗi người. Đã có kẻ đứng ra tham gia hoạt động ấy, không còn lý do gì để bận tâm nữa rồi. Dù có đạt giải hay không đều không quan trọng.
Đó là lần đầu tiên kể từ hai năm học chung, Hạnh đi về cùng với Hà, cô bạn dũng cảm giơ tay xung phong ấy. Hai người đang đắn đo nên chọn cuốn sách nào để thuyết trình.
– Mình nghĩ hay là cậu chọn cuốn nào mà không còn tìm thấy ở hiệu sách nữa, giống như cậu nói ấy.
– Mình chọn à? – Hạnh xác nhận lần nữa.
Hà gật đầu, nở một nụ cười trong trẻo:
– Ừ! Vì mình không rành về sách lắm. Cậu chọn quyển nào cũng được, phân công mình thuyết trình phần nào cũng được.
– Vậy à… – Hạnh trầm giọng. – Vậy sao cậu lại tham gia cuộc thi này vậy?
– Mình thấy cậu tham gia nên cũng muốn chiến thắng bản thân mình… Chỉ thế thôi…
Giữa việc nhìn thấy Hạnh nhận lời và việc chiến thắng bản thân có điểm gì liên quan đến nhau, Hạnh quả thật chưa hiểu ra.
Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, hai người đã quyết định sẽ chia nhau mỗi người đảm đương một phần. Cậu ấy – Thanh Hà trình bày vắn tắt nội dung cuốn sách và cô – Xuân Hạnh sẽ nêu chi tiết mà cô thích nhất. Cuộc thi mỗi lúc một đến gần, trong lòng vừa mong chờ vừa lo lắng, nửa ngóng trông thứ năm mau đến, nửa mong sao thời gian trôi chầm chậm.
Cô quả thật không ngờ rằng Phi cũng tham gia phong trào lần này, nhìn cậu ấy nói cười vui vẻ với bạn nữ cùng lớp bên cạnh, cô chợt nhận ra một sự thật thật hiển nhiên mà bấy lâu cứ huyễn hoặc bản thân không phải – cô vốn dĩ không phải là trường hợp đặc biệt gì cả, là cậu ấy tốt bụng, hòa nhã với tất cả mọi người. Ý thức được có ánh nhìn dán chặt vào mặt mình, cậu ấy ngước lên và vô tình chạm phải ánh mắt Hạnh. Cô còn chưa kịp định thần thu ánh mắt lại, cậu ấy đã hờ hững nhìn đi nơi khác.
Lúc ban tổ chức nêu phương thức tính điểm chung cuộc, Hạnh hoang mang không ít. Sáu mươi phần trăm điểm số sẽ được quyết định bởi các đội cùng chơi (mỗi đội được trao hai phiếu, bầu cho các lớp có phần trình bày mà mình thích nhất ngoại trừ lớp mình) và bốn mươi phần trăm còn lại thuộc về bam giám khảo.
Hai đứa con gái mờ nhạt, không giao thiệp với bất cứ ai ở đây liệu có được bầu chọn không.
“Được chứ!” Hạnh kiên định.
Sau phần tóm lượt vắn tắt của Hà, Hạnh tiến lên đón lấy chiếc micro, thở nhẹ một hơi định thần và cất giọng. Khối ngành cô đang theo học căn bản không quá dính dáng đến văn nhưng từ trước đến nay, cô đều dành một tình cảm nhất định cho môn học ấy cũng như các tác phẩm văn học. Đôi khi say sưa chìm đắm vào thế giới đẹp đẽ ấy, cô vui sướng khi bắt gặp nhiều quan điểm tương đồng, những tâm sự quen thuộc của người viết mà bản thân cô cũng có, chỉ là không thể sẻ chia cùng ai khác trong thế giới hiện thực.
Cuốn sách đã tốn nhiều ngày trời suy nghĩ của cô chính là cuốn “Mách với Lika”.
Chi tiết trong cuốn sách khiến người ta day dứt, ám ảnh nhất có lẽ là khi Antoleh, cậu nhân vật chính lén lút chạy theo Smaja vào khu nhà cũ và phát hiện ra Smaja đi đến ngôi nhà của người đàn bà điên Magierska. Cậu ấy ngồi bên bàn, đợi bà trở ra cầm theo cái tách rót trà cho cậu. Bà ấy gọi Smaja bằng một cái tên xa lạ “Jean bé bỏng của mẹ”. Bà ấy bận bịu bên cậu, nói nhiều và rất vui, Smaja lại chẳng hé môi một lời. Bà Magierska nhận nhầm Smaja là một trong những người con trai đã hy sinh của mình. Còn về phần Smajia, cậu im lặng có lẽ vì sợ một khi lên tiếng, người đàn bà điên kia sẽ nhận ra mình không phải con của bà ấy và bà sẽ không cần mình nữa. Một cậu thiếu niên cụt tay, mồ côi, suốt ngày hằn học với mấy đứa nhỏ khác hóa ra lại có một tâm hồn cô đơn, khao khát tình yêu đến vô hạn. Một người mất con, một người mất mẹ, hai con người đau khổ tìm đến và trao hạnh phúc cho nhau. Tình người ấm áp của những người xa lạ thắp lên ngọn đuốc hy vọng dù le lói vẫn chiếu soi cho những cuộc đời bất hạnh cùng nhau vượt qua đêm tối. Đây là một cuốn sách không chỉ đề cao tình cảm gia đình, tình bạn bè mà còn phê phán những hậu quả nặng nề mà cuộc chiến trang thế giới thứ nhất đã mang lại.
Kết thúc phần thuyết trình của mình, Hạnh thở hắt một hơi, đặt tay lên ngực và cúi người xuống thật sâu chào khán giả.
Tiếng vỗ tay ở dưới tuy rất lưa thưa, rất nhỏ nhưng Hạnh vẫn thấy vui.
Các lớp thuyết trình sau hay lắm, nghe xong cái nào cô cũng muốn đi mượn sách xem thử.
– Xin cảm ơn tất cả các bạn, giờ đây các bạn sẽ được trao hai chiếc phiếu trắng, hãy bí mật viết vào đó phần trình bày mang đến nhiều cảm xúc nhất đối với bạn nhé.
Nghe xong Thu Hà quay sang thì thầm vào tai cô: “Mình nghe cậu hết.”
Sau đó đưa cả hai tờ giấy cho cô, Hạnh nhanh chóng đặt bút xuống viết cái tên đầu tiên rồi chần chừ một chút hoàn thành nốt tên còn lại. Đợi đến khi bạn dẫn chương trình ôm chiếc thùng nhỏ tiến đến gần, cô đưa giấy cho Hà xem qua rồi bỏ vào.
– Xin mời các thí sinh bước lên trên bục cùng nhau ạ.
Mọi người dưới sự chỉ dẫn của bạn dẫn chương trình, đứng thẳng tắp thành một hàng ngang.
– Không phải để các bạn chờ lâu nữa, mình sẽ công bố kết quả chung cuộc ngay sau đây.
Hạnh hồi hộp đến độ đổ mồ hôi nhớt cả tay. Mặc dù quá nhiều lớp giỏi, cô vẫn rất mong chờ.
– Và mình xin phép được công bố vị trí số 18.
Dám chắc chẳng ai trong số này muốn được gọi tên ở đây đâu, chỉ có 18 lớp mà đứng thứ 18 coi như là hạng thấp nhất rồi.
– Lớp B7! Rất tiếc cho các bạn. Với tổng cộng “không” phiếu chung cuộc, các bạn chỉ thiếu một chút may mắn thôi ạ. Xin cảm ơn phần trình bày rất xuất sắc của các bạn.
Hạnh đứng trơ như phỗng, tay bấu chặt vào quần. Có thật không? Không được phiếu nào à? Bài thuyết trình của hai người tệ đến vậy sao? Mặc cho bên tai văng vẳng tiếng vỗ tay từ phía dưới, tay Hạnh cứng đờ ra, không thể giống như Hà – ngơ ngác rồi đành chấp nhận vỗ tay theo.
Sau đó, hàng loạt các thứ hạng được bạn dẫn chương trình nên lên, Hạnh cuối cùng đã xốc lại tinh thần, ngẩng cao đầu và vỗ tay chúc mừng người thắng cuộc. Đúng vậy, là do nhóm của cô chưa đủ tốt. Phải công nhận các nhóm còn lại rất xuất sắc, những lời đó cô chỉ dám giữ trong tâm trí.
Đã dặn lòng nhiều lần như vậy thế nhưng cứ nhớ về bộ dáng buồn buồn của Thu Hà và tờ giấy ướt nhẹp mồ hôi mà cô cầm nhẩm mỗi ngày để chuẩn bị thuyết trình. Hạnh tung mền bật dậy, nóng lòng bấm nhanh một dãy số, quên mất hiện tại đang là mấy giờ.
– Mình đúng là không cam tâm! Quả thật tụi mình đã làm rất tốt rồi.
Bên đầy dây bên kia vang lại tiếng cười khẽ của Hà.
“Đúng nhỉ? Nói ra nhẹ lòng hẳn phải không?”
Hạnh chững lại một chút.
– Ừ! – Cô đáp.
Nói rồi cả hai cùng che miệng cười, chút ấm áp cuối ngày đã khiến cho những buồn phiền của cả ngày dài vơi đi.