– Người dân thường làm gì để sống ạ?
– Phần lớn đều làm nương rẫy trồng lúa hoặc trồng các loại lương thực theo mùa vụ. Một số ít khác thì làm thủ công hoặc đi rừng. Một phần nhỏ là buôn bán.
– Buôn bán là buôn bán nông sản và đồ thủ công trong làng đi sao ạ?
– Nói thế thì cũng không hẳn đâu. Hiếm lắm mới có người liên hệ được với người mua lớn để mua lại nông sản hay nhiều đồ thủ công như thế. Nên bình thường sẽ đều là thương lái ở miền xuôi lên tận nơi để mua. Buôn bán ở đây chủ yếu là buôn bán cho dân trong làng. Chủ yếu dân buôn bán là những người thường đi đi lại lại giữa miền xuôi và ở đây để lấy hàng và bán lại cho người dân trong làng. Đôi khi kinh tế tốt một chút, họ sẽ gom đồ của làng để đem bán ở chợ huyện.
– Vậy nên kinh tế trong làng hình như cũng không quá tốt.
– Ở thời đại vừa chuyển đổi cơ chế như giờ thì việc có cái ăn có cái mặc như hiện tại đã là rất tốt rồi.
– Dạ cũng đúng. Ở dưới xuôi mọi người cũng phải làm lụng rất vất vả mới đủ ăn dù điều kiện rất tốt.
– Được rồi không nói tới chuyện đó nữa. Hôm nay có mệt không? Có muốn đi xem nương rẫy một chút không?
Phương Vỹ thì không hề muốn đi leo núi một chút nào hết nhưng Vũ Đằng thì vô cùng hào hứng đồng ý:
– Dạ vậy thì tốt quá. Biết đường một chút sau sẽ không bị lạc và còn có thể đến giúp mọi người trồng trọt.
– Vậy được. Dọn dẹp xong chúng ta cùng đi.
A Đốc nhìn sang Phương Vỹ, cô chỉ đành cười mỉm gật đầu nghe theo.
Việc đi đường núi rất mệt mỏi nên khi A Đốc về nhà lấy đồ, Phương Vỹ đã không thể chờ được mà cằn nhằn Vũ Đằng.
– Mấy hôm nay đã phải đi đi lại lại rất nhiều rồi mà giờ anh còn muốn đi nữa sao? Lại còn muốn thỉnh thoảng đến giúp họ làm nương rẫy? Sẽ mệt chết mất.
Vũ Đằng mỉm cười bỏ bát đũa trên tay đến bên cạnh xoa dịu Phương Vỹ.
– Thôi nào chỉ 3 tháng thôi mà. Nếu chúng ta làm tốt sẽ được giấy chứng nhận tốt thì sẽ vào được chỗ tốt hơn không phải sao? Anh cũng vì muốn tốt cho chúng ta thôi mà.
Phương Vỹ vẫn vùng vằng khó chịu:
– Dù biết là vậy nhưng …
– Thôi nào. Chúng ta thể hiện năng nổ thôi chứ đâu cần thiết phải thực sự làm chứ. Họ chắc chắn sẽ không ép. Lời mời cao hơn mâm cỗ mà.
Nghe vậy Phương Vỹ dù vẫn còn khó chịu nhưng cũng xuôi xuôi, chỉ đành nói:
– Là anh nói đấy nha. Chỉ là “lời mời” thôi đấy.
– Rồi rồi. Ai nỡ để em yêu của anh đi làm ruộng chứ.
Ai không biết chứ Vũ Đằng thì biết rất rõ Phương Vỹ đã phải dành từng phút nghỉ ngơi ngoài đồng ruộng để học bài như thế nào. Vì ở một khu vực nhiều nhà máy như gia đình cô, nếu không thể đậu vào trường nào thì chỉ có thể đi làm công nhân mà thôi. Và Phương Vỹ không hề muốn điều đó vì nếu như thế cô sẽ không còn cơ hội để lên thành phố và cũng không có cơ hội cùng Vũ Đằng kết hôn. Do đó cô vô cùng căm ghét những ngày lao động khổ sở ấy.
Cuối cùng cả ba người cùng đi lên đồi. A Đốc chỉ cho họ những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất trong làng. Đi thêm một đoạn có một ngã rẽ rất rõ ràng. A Đốc nói rằng một đường là đi lên khu mộ phần của người dân trong làng và còn có đền thờ thần Núi. Con đường đó hầu như rất ít người qua lại vì sợ làm ảnh hưởng đến sự nghỉ ngơi của các vị thần và tổ tiên. Con đường còn lại là đi vào rừng. Đây là địa điểm mọi người thường săn bắn. Trưởng làng đã cho cất một căn nhà nhỏ để mọi người có thể nghỉ lại nếu đi làm nương rẫy muộn hay đi săn bắt về khuya.
Khi đi đến gần căn nhà nhỏ họ thấy trưởng làng, ông đi vào cái chòi nhỏ đằng sau một cây lớn. Nói là chòi cũng không hẳn vì nó giống một cái miếu hơn. A Đốc nói cả hai cứ chờ ở trong nhà chờ vì đó là miếu thờ thần cô nào đó mà Mo Diêu đã làm lễ để đưa về bảo vệ dân làng khi đi rừng. Theo A Đốc thì trưởng làng là người thường hay đến thờ cúng mỗi khi ông đi rẫy.
Dù A Đốc đã nói có thể nghỉ ở căn nhà nhỏ chờ trưởng làng nhưng Vũ Đằng vì muốn thể hiện bản thân tôn trọng tục lệ của làng nên đã xin xuống chỗ trưởng làng để thắp hương. Phương Vỹ thì cảm thấy chân mình đã phất cờ xin đình công nên từ chối đi cùng anh xuống dưới.
Vũ Đằng nhẹ nhàng đi đến gần thì nghe được tiếng trưởng làng thì thầm.
– Sa San, thật tốt khi mỗi ngày đều được gặp A Tiên. Cảm ơn em đã bảo vệ A Tiên khôn lớn. Anh và Mo Diêu sẽ tiếp tục bảo vệ A Tiên từ đây.
Vũ Đằng có chút không hiểu, Sa San là ai? Tại sao nghe giọng trưởng làng lại trìu mến vậy chứ? Bà Tú là vợ của trưởng làng mà tại sao lại có thêm người tên là Sa San? Rồi A Tiên là ai nữa? Khôn lớn tức là sao? Ai mà cần cả trưởng làng và Mo Diêu cùng bảo vệ?
Giữa lúc anh đang ngẩn ngơ thì trưởng làng bước ra và nhìn thấy anh. Vũ Đằng lúng túng không biết nên làm gì chỉ đành cúi đầu chào trưởng làng. Gương mặt ông Thành hiện lên vẻ kinh ngại và thoáng chút giật mình rồi ông lấy lại bình tĩnh tiến về phía anh. Vũ Đằng không biết làm gì, không biết nên tiến lại phía ông ấy hay chạy đi. Trong đầu anh hiện lên trăm nghìn câu hỏi: Có chạy không?; Chạy rồi, chạy đi đâu?; Ông ấy có giết người diệt khẩu không?; Nhưng mà diệt khẩu về cái gì?; Có cái gì để diệt khẩu?;….
Anh đứng đó rúm ró, cứ nhấp nhổm tính đi rồi lại nhìn ông Thành càng lúc càng tiến gần mà lo sợ. Ông Thành đến nơi túm lấy bả vai anh. Mồ hôi anh bắt đầu xuất hiện trên trán. Nuốt nước bọt cố gắng rặn ra tiếng chào:
– Chào… Chào ông… Thành… Cháu…
– Cậu đã nghe thấy gì? – Ông Thành trực tiếp hỏi.
– Dạ không không có gì ạ!!? Cháu vừa… vừa đến… định chào ông… Dạ.
– Tốt nhất cậu như thế.
Dù ông chỉ nói vậy nhưng nhìn khuôn mặt chỉ có nửa điểm sáng của ông Thành, Vũ Đằng thực sự thấm thía được câu nói sợ sót ra quần.
– Dạ … Dạ đúng thế đấy ạ. Cháu vừa đến thôi ạ.
Ông Thành vẫn giữ khuôn mặt ấy nhìn Vũ Đằng từ phía sau, khiến anh tới thở cũng không dám, toàn thân lạnh ngắt.
– Anh Vũ Đằng.
Khi nghe tiếng gọi của Phương Vỹ, Vũ Đằng cảm thấy như được cứu liền cất tiếng:
– Anh ở đây.
Khuôn mặt ông Thành cũng chuyển từ kinh dị sang nhẹ nhàng xoa xoa vai Vũ Đằng. Phương Vỹ thấy ông Thành thì lễ phép chào:
– Cháu chào trưởng làng.
– Ừm. Hai đứa đến đây làm gì thế? – Ông Thành từ tốn nói
– Dạ A Đốc dẫn chúng cháu đi xem nương rẫy của dân làng. Anh ấy vừa pha ấm nước nhưng mãi mà không thấy ông và Vũ Đằng lên nhà nên cháu xuống gọi.
– À đi cùng A Đốc sao?
– Dạ. Hai người sao vậy ạ?
Lúc này Phương Vỹ mới nhìn thấy dáng vẻ có phần kỳ lạ của hai người đàn ông trước mặt. Ông Thành nhìn theo ánh mắt của Phương Vỹ thấy Vũ Đằng đang nín thinh mặt đầy sợ hãi thì tăng lực bàn tay vừa xoa vừa nắn nói:
– Vừa rồi trên vai cậu ta có con nhện, ta giúp cậu ta lấy xuống. Chắc vẫn còn sợ.
– Ấy có phải nhện độc không? Có bị cắn không? Để em xem.
Nhận Vũ Đằng từ tay trưởng làng, Phương Vỹ lo lắng kiểm tra, ông Thành chắp tay phía sau nói:
– Không sao đâu, chưa bị cắn. Cậu ta sợ thôi. Không nói về nó nữa là được.
Câu cuối dường như mang ý nhắc nhở Vũ Đằng hơn là nói với Phương Vỹ. Vũ Đằng đương nhiên hiểu ý nuốt nước bọt, cố gắng hít thở bình thường nói với người yêu:
– Không sao đâu ha. Không nói tới nó là hết sợ.
Phương Vỹ không hiểu gì nhưng nghe hai người nói vậy thì cũng không nghi ngờ gì gật gù đồng tình.