Chương 37: Một mảnh sao rơi
Từ tầng bốn phòng làm việc xuống bãi đỗ xe lúc nào cũng là điều khó chịu đối với Phương.
Chị thường kết thúc công việc lúc tám giờ tối, hôm nào phải xử lý thêm tài liệu thì đến chín rưỡi. Cơ quan không có nhiều người phải ở lại khuya ngoài bảo vệ và lao công. Bên ngoài phòng, đèn điện luôn tắt ngấm. Phương phải dùng đèn flash trong điện thoại để soi đường ra thang máy. Dĩ nhiên, vẫn có một ánh đèn đỏ quạch từ bảng thoát hiểm nhỏ xíu treo trên tường, nhưng chị chưa bao giờ ưa nổi nó.
Thang máy và phim kinh dị giống nhau ở chỗ trước khi nó mở ra, người ta sẽ không thể biết điều gì đang chờ đợi mình. Phương rút ra kết luận này sau bảy năm đi thang máy ở cơ quan. Khác với những chiếc hộp kim loại chỉ có nút bấm lên và xuống, chiếc thang máy này luôn có âm thanh của nước xung quanh mỗi lần chị đứng một mình bên trong. Tiếng nước chảy róc rách, ì ầm, xung quang đôi khi khiến chị có cảm giác cả khối kim loại đã chìm hẳn xuống lòng biển mênh mông tối ám.
Bác sĩ Tuấn đã hỏi một câu máy móc rằng: Chị có bị ám ảnh biển sâu không? Đó là hội chứng sợ hãi những gì liên quan đến biển hoặc vùng nước sâu mà Phương chắc chắn là mình không thể mắc phải. Chị mê bơi và thường xuyên chọn chỗ nghỉ dưỡng kiểu Mikazuki để chìm hẳn vào thế giới chỉ có sự tĩnh lặng của nước. Không nghỉ dưỡng thì Phương lại đi biển, tìm ra chỗ cắm cờ để ngâm mình xuống đáy nước tối mò. Nước là ý niệm hằng hữu của chị, như bất kì ai cũng có ý niệm hằng hữu về một điều gì đó trong đời mình. Cây cối, nước, sao trời, và biển sâu. Phương tin rằng nếu những vì sao ẩn chứa câu đố về sự tồn tại, thì biển sâu cũng có một câu đố về sự không tồn tại. Chúng là hai mảnh của một bầu trời duy nhất.
Nhưng thứ nước tồn tại trong thang máy dường như không đến từ biển. Âm thanh của nó luôn làm Phương khó thở, thi thoảng lại run rẩy vì một ảo cảm như có ai đang đứng cạnh mình. Lý do mà chị đi điều trị tâm lý xuất phát từ ám ảnh sâu sắc kéo dài nhiều năm này. Tuấn cho rằng chị mắc phải hội chứng của người sống quá lâu năm ở một chỗ làm. Thường là vậy. Người ta sẽ thay đổi không khí, bước ra khỏi vùng an toàn chứ hiếm khi cố định một vị trí trên dưới mười năm, đặc biệt là ở những thành phố công nghiệp năng động đầy rẫy cơ hội. Phương thì cho rằng thứ chán ngắt được gọi là công việc chỉ đem đến tiền bạc và những giờ say sưa quên đời, ngoài ra chẳng có ý nghĩa gì khác. Chị không yêu thương gì chỗ này nhưng cũng không quá ghét bỏ nó. Đồ ăn căn tin ngon, nước sạch, đồng nghiệp hãm, sếp điên, và Thanh. Trộn tất cả lại với nhau cũng ra được một ly Margarita chua chát mặn nồng. Thanh chính là muối còn những thứ khác là chanh. Cô giúp Phương quên đi nhiều hương vị đáng sợ của cuộc đời ở trong lẫn ngoài cơ quan, và đôi khi nhấm nháp chúng với khoái cảm của người bị tổn thương lâu năm.
Nghĩ về Thanh làm Phương bớt nghĩ về nước. Sự bao bọc của nó khắp khối kim loại nếu ngẫm ra thì cũng bình thường như những gì tồn tại trên đời này. Sếp điên, đồng nghiệp hãm, lũ xã hội đen tàn ác, đám nghiện và gái điếm… tất cả đều tồn tại nghiễm nhiên như nước. Có Phương hay không có Phương thì chúng cũng không quan tâm, càng không thể chết nhanh như chị muốn.
*
“Anh ấy đánh tôi và cảm giác như một nụ hôn”. Tiếng Lana Del Rey ri rỉ qua chiếc loa gắn trên tầng thang dội vào tâm trí Phương lời thì thầm của ma quỷ. Ultraviolence không phải bài chị thích nhất của Lana, nhưng cũng chưa từng bị xóa đi trong best list của chị mỗi khi uống rượu. Chị nhớ đến Tần và những cú quất tàn bạo bằng thắt lưng của hắn, kể cả khi tự sướng mỗi đêm. Có gì đó vượt ra ngoài ranh giới tình dục của chị, biến tất cả thành cơn nghiện. Không thể tự đánh mình để tìm thấy điều đó, thi thoảng Phương lại nhờ Thanh vụt mình bằng chiếc thắt lưng phụ nữ mỏng hơn, cũng ít đau hơn.
“Chị điên rồi sao?”, ánh mắt cô bé nói với chị điều đó.
Chị chỉ cười trong hơi men. “Không muốn làm bà chủ sao? Thế thì chị sẽ đánh em đấy”. Dĩ nhiên Thanh chấp nhận phương án đó hơn là tự tay làm với bạn tình, và Phương lập tức mất hứng. Không dễ để điều hướng Thanh làm việc mình muốn, đó là điều Phương chắc chắn nhất lúc lên giường. Ở cô bé tồn tại một màn sương mỏng nhưng sâu hoắm che kín mọi sự thật, kể cả phần sự thật mà Phương mường tượng qua những vết sẹo trên lưng Thanh. Và thế là hai người tìm thấy nhau. Chị khẽ thở dài, sửa lại cổ áo và mép váy trước khi bước ra cửa thang. Một cơn gió lạnh buốt thốc vào làm gáy Phương rợn ngợp.
Bên ngoài bãi đỗ xe, đèn điện chập chờn như trêu ngươi. Không thấy ông bảo vệ mặt bỏng lui tới chỗ này thường khiến Phương thận trọng gấp đôi mỗi khi tìm xe của mình. Chị sợ một điều gì đó ẩn sâu trong lớp bóng tối ở những nơi đèn không chiếu tới, kể cả ông ta. Có một cậu lao công thi thoảng vẫn lên xuống lối cầu thang dẫn ra bãi đỗ. Cậu ta mập mạp, lưng hơi gù, khuôn mặt ánh lên vẻ tội nghiệp mà Phương không thể định nghĩa được, luôn lịch sự chào chị rồi lủi đi mất. Chị không biết giữa cậu nhóc và ông bảo vệ thì ai sẽ bớt đáng sợ hơn khi bỗng nhiên nhảy ra giữa bóng đêm, nhưng chắc chắn là nhìn thấy cậu ta sẽ khiến chị an tâm hơn một chút. Nhung kể rằng ông Viễn mặt bỏng từng là xã hội đen. Người ta đồn khắp vì có một số thực sự biết mặt ông ta trong những lần bị đám đòi nợ thuê xộc vào tận nhà. Nhờ một số quan hệ bí mật trong ngân hàng, ông được vào làm mà thực chất là trốn khỏi sự săn lùng của băng đảng cũ. Vết bỏng trên mặt cũng là do ông ta tự tạo ra để không ai còn nhận ra mình. Căn cước điện tử của ông cũng là giả với một cái tên hoàn toàn khác. Chỉ có đôi mắt và thái độ cục cằn là không dễ gì che giấu với những người từng biết ông.
Có thể là một gã Bạch Phượng. Phương nghĩ trong khi sải bước về chỗ để xe. Chị dễ dàng nhìn ra chiếc Toyota Raize 2045 màu xanh biển vốn nổi bật giữa hàng lớp xe tối màu. Chiếc xe không lên đèn sau vài lần bấm khóa từ xa, Phương nhăn mặt cố thử trước khi nhận ra đèn hiệu nhỏ trên khóa đã tắt ngấm từ lúc nào. Tuyệt quá, lại phải mở tay rồi. Chị biết mình không đủ hơi sức để lúc nào cũng gọi điện đến hãng xe phàn nàn về hư hỏng. Đó là chiếc chị thích nhất, và cũng được nhân viên tư vấn cảnh báo rằng nó là xe thay vỏ từ dòng cũ hơn của Raize, thường xuyên gặp trục trặc về khóa điện. Chỉ là khi Phương ngồi vào buồng lái, chị biết rằng đó chính là chiếc xe dành riêng cho mình. Hộp số êm, tỉ số truyền ổn định, nội thất thì cổ điển không chê vào đâu được. Phương nhất quyết rằng chiếc Raize đổi vỏ này phải thuộc về mình, cũng như khi chị chấp nhận rằng mua xe là việc có tính may rủi chẳng khác gì cưới chồng. Thứ mà bản thân nghĩ là tốt nhất thường sẽ được tặng kèm luôn điều tệ nhất. Miễn sao nó dễ chấp nhận như việc chiếc Raize này vẫn tích hợp khóa tay còn chồng chị thì có chức năng quỳ xuống xin lỗi sau mỗi lần trang điểm cho vợ vài vết thâm tím.
Chiếc khóa vặn vừa bật nút lên khỏi vỏ cũng là lúc Phương thấy gáy mình buốt lạnh vì gió. Cái quái gì vậy nhỉ? Chị giật mình làm rơi chiếc khóa tự động vì bàn tay sặc mùi thuốc tẩy nhà vệ sinh đã quặp chặt lấy miệng chị kéo về phía sau. Là ông ta… Phương rú lên trong cổ họng dù chị biết âm thanh đó không thể thoát ra ngoài. Một tay chị thúc về sau để đánh hắn, nhưng kẻ bị đau có vẻ rành rẽ việc khống chế phụ nữ hơn chị nghĩ. Hắn rít qua kẽ răng đủ cho chị nghe thấy:
“Yên! Con mẹ mày… động đậy tao bóp cổ!”.
Một lưỡi dao sắc và dày kề sát cổ chị. Mắt Phương liếc sang bên cạnh và gần như rụng rời khi biết đó là ai. Thay vì cái gật đầu chào và khuôn mặt ánh lên vẻ tội nghiệp, đôi mắt hẹp như rắn của thằng nhóc lao công xoáy vào cơ thể chị như kim châm. “Đừng la… chỉ một chút thôi… một chút thôi…”.
Không! Phương cố sức vùng vẫy, một tay rà lên bàn tay cầm dao của kẻ bắt cóc cố cào lên đó. Lớp da cứng và dày cũng như ý định đen tối của hắn. Thằng gù lôi chị xềnh xệch vào cửa ra bãi đỗ, lên những bậc thang màu xám nơi chị và hắn vẫn giáp mặt nhau mỗi lần tan làm.
Trời ơi cứu con… Phương bật khóc, gót chân rỉ máu vì chà xát lên cạnh cầu thang. Hắn thả chị ra và dằn mặt chị xuống bậc cấp. Cơn đau làm Phương vừa choáng vừa tỉnh. Chị chống tay xuống bậc, ngửa đầu lên cụng mạnh vào mặt hắn. Thằng gù vừa ngã ngửa xuống thì Phương đã bò được lên ba bậc thang dẫn lên trên. Chị hét vang: “Cứu! Cứu với! Ai cứ…”, rồi lại tuột xuống vì cổ áo bị bàn tay hắn kéo giật lại.
Lần này thằng nhóc vật ngửa chị ra, dùng chuôi dao gõ liên tiếp lên sống mũi chị tứa máu. Trước mắt Phương, trời đất quay cuồng một màu đỏ rực rỡ. Máu tràn lên mũi và miệng chị ấm và tanh nồng như hương vị đau khổ sau mỗi cuộc ái ân. Khuôn mặt của Tần ẩn hiện trong ánh mắt độc dữ của thằng hiếp dâm. Hắn điên cuồng xé rách áo sơ mi của chị, vục mặt vào đó ngấu nghiến như lợn thấy máng. Phương thở hắt ra một hơi như người sắp chết. Trong đầu chị là thi thể của cá voi đang vữa ra vì một đàn cá dữ nhào đến rúc rỉa đến tận cùng xương xẩu.
Thằng khốn nạn cởi thắt lưng quần, luồn con giống bẩn thỉu vào Phương mà hì hục tận hưởng. Trong dạ dày chị, một lưỡi kiếm sắc nhọn cứ thế xoắn hàng chục lần cho máu rỉ ra xối xả. Dù có miệng nhưng Phương nghĩ rằng mình không thể hét lên được nữa. Tiếng hét từ tâm khảm chị, từ trái tim chị đã vang vọng khắp thế gian, tan biến đi giữa vùng bóng tối mênh mông chỉ còn tiếng gió.
“Hé miệng với ai, tao sẽ tìm đến mày lần nữa…”.
Gã đàn ông vứt con dao làm bếp xuống cạnh Phương, mặc lại quần rồi biến mất sau cánh cửa. Chị nằm co quắp trên những bậc thang đẫm máu và dịch cơ thể nhờn nhớp, tay ôm chặt chỗ kín đã rách toang. Tiếng nấc của chị trở thành tiếng rên giần giật như người lên cơn động kinh. Chấn thương do va đập đủ chỗ khiến Phương không thể nhìn thấy gì ngoài một lớp ánh sáng đục ngầu, vàng vọt.
Rồi tất cả tối đen lại trước mắt chị. Bàn tay cố lục tìm trong túi xách dường như đã rời khỏi phần tổn thương của não bộ như một phản xạ tự vệ. Nó là thứ duy nhất còn có thể lắng nghe tiếng kêu gào trong tâm trí chủ nhân.
*
“Giao thông chết giẫm! Mẹ cái thành phố này lắm nữa!”.
Vừa đập tay vào vô lăng, Nhung vừa rủa sả chiếc ô tô chuyển làn ẩu khiến phần đường phía trước kẹt cứng. Thanh ngồi cạnh cô, cắn môi đến bật cả máu để dìm cơn lo lắng. “Chị gọi cho chú Viễn đi. Chắc giờ này chú ấy chưa về đâu”.
Nhung lắc đầu bảo rằng không ai bắt máy, kể cả thằng nhóc lao công thi thoảng vẫn làm ả sợ điên lên vì cái tướng mạo quái dị. “Chờ cảnh sát đến dẹp đường chắc phải cả tiếng đồng hồ. Thằng trời đánh thánh đâm kia đang phê thuốc. Em nhìn đi là biết”. Nhung bực tức rít lên.
Thanh nghé cổ ra quan sát cuộc cãi vã bên ngoài, biết rõ những điều Nhung nói là không sai. Có người đã điện báo cảnh sát giao thông trong khi gã tài xế vẫn ngồi lỳ trong xe và rú máy điên cuồng. “Thôi thế này, em bắt đại chiếc xe ôm nào ở làn trong đi. Nhờ họ giúp đưa cái Phương đi viện. Chị sẽ tới sau. Có gì nhớ báo tình hình cho chị”.
Thanh gật đầu, bật cửa len ra khỏi dòng xe đông nghịt đang bấm còi inh ỏi. Đầu óc cô rối loạn đến nỗi không thể nhìn đường trong khoảng năm phút đồng hồ. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Sao lại ra nông nỗi ấy… Thanh vừa đi vừa lẩm bẩm như người điên. Một tiếng còi xe bèn bẹn rít lên sau lưng làm cô giật bắn. Nhìn thấy hàm răng sún sau lớp đèn chiếc Razo 40 làm Thanh sực tỉnh khỏi cơn mê. “Lại là mày à? Hê hê, đúng lúc chú đang cần tô hủ tíu. Lên đây chú rước!”.
“May quá, gặp chú ở đây…”, Thanh trèo lên sau xe người đàn ông, hốt hoảng. “Chú chạy ngược về Ngân hàng Chính sách chỗ con làm với. Qua cầu được không?”.
“Để tao tính coi…”, ông xe ôm răng sún lẩm nhẩm nhìn đường. “Kẹt mẹ nó bảy làn, giờ chỉ có cua ngược lại. Được rồi, mày ôm chắc chú. Nhắm mắt lại càng tốt. Giao thông có dí nhớ trả tiền cho chú nha con”.
Mình chẳng tin là cảnh sát dí nổi ông nội này. Thanh bám chắc ông già, người hẫng đi vì tiếng máy rú lên xoay cả người cả xe một góc 180 độ. Tài xế chạy là là trên lề đường đi bộ, uốn lượn qua vật cản rồi tràn xuống vạch một chiều. Chiếc Razo phóng bạt gió qua hướng chân cầu, uyển chuyển tránh xe trước mặt và lạng vào đường hẻm mỗi lúc thấy đèn xanh đỏ ở phía xa. Khu phố người Hoa tấp nập hiện ra trước mắt Thanh. Tiếng súng nổ và tiếng người la hét làm đầu cô đau nhức.
“Hết đường rồi hả chú? Rúc vô đây chi?”.
“Có đường ra Nguyễn Chí Thanh, nhưng phải luồn qua Chợ Mã Tấu. Mẹ bà, tụi Bạch Phượng kìa…”. Ông già răng sún nghiến răng bóp còi dọa một gã áo đen cầm súng đứng chắn ngang đường. Hắn hét lên rồi nhảy lùi lại lên vỉa hè, kịp lúc một lưỡi dao bay về cắm xuyên trán hắn. Điên lên mất thôi. Hai hàm răng Thanh đánh vào nhau lập cập. Một đám thanh niên mang mặt nạ hề đỗ chiếc bán tải bên trái đường, súng ống rùng rùng nhảy xuống xáp vào mấy chiếc xe bán hủ tiếu làm rào cản. “Đừng nha, để tao rẽ đã…”, ông già lách xe vào con hẻm bên phải, kịp lúc tiếng súng nổ điếc tai nối nhau như trình diễn pháo hoa.
“Khiếp quá. Như chiến tranh ấy!”, Thanh thở hổn hển khi vừa buông lưng viên tài xế ra.
“Mầy hay lai vãng chỗ này mà chưa quen hả con”, ông già cười hềnh hệch. “Bạch Phượng và bọn Hề đang giành quyền kiểm soát Chợ Mã Tấu. Cứ sẩm tối là khu đó loạn lên, người chết như rươi. Công an phái cả U81 đặc nhiệm xuống mà nghe nói cũng thương vong thấy ớn”.
“Sao họ không phong tỏa cả khu? Để bọn nó lộng hành như chốn không người vậy?”.
“Chứ mày nghĩ Tân Cảng này được lập ra để chi?”, ông nhún vai. “Toàn bọn cặn bã bị dồn về đây cho tụi nó tự diệt nhau. Công an có mười cái đầu một trăm cái tay cũng không bắn hết cả lũ được. Còn phải để dân họ làm ăn chớ. Nhưng sắp có thay đổi rồi, chú nghe nói thế. Người ta tin rằng lần này Bộ xuống sẽ xả nát hết bọn tội phạm. Nghe nói thôi, chả biết làm sao”.
Chị Phương bị ai trong số chúng tấn công chăng? Thanh rơm rớm nước mắt khi nghĩ về người chị xấu số. Tiếng chị trong điện thoại giật cục, khóc nấc, ngay lập tức kéo Thanh vào một ảo cảnh về những cơn ác mộng kinh hoàng cô từng có thuở hoa niên. Những cơn ác mộng đỏ máu và tiếng cười man dại của gã đàn ông Bạch Phượng, nơi Thanh rục rã đau đớn dưới háng hắn. Một sự căm giận như lửa nóng tràn lên lồng ngực cô, làm những ngón tay run lẩy bẩy.
*
Tình trạng của Phương tệ đến mức ông Viễn phải điện ngay cho cảnh sát khu vực gần chỗ làm việc của chị. “Phiền các anh rà soát camera an ninh trong bán kính một trăm mét. Một thằng như thế chắc chắn tướng mạo phải có vấn đề lắm. Vâng ạ, tôi sẽ về ngay. Nhờ các anh cho người đến liền ạ”. Ông xót xa nhìn người con gái thâm tím, háng chảy máu liên tục vừa được đưa vào phòng cấp cứu. Từng là thành viên của Bạch Phượng, ông không xa lạ với những màn tra tấn bạo lực nhằm vào người yếu thế. Nhưng cũng chính điều đó khiến ông không thể ở lại dù biết mạng sống của mình sẽ luôn bị treo lơ lửng. Vụ hãm hiếp kinh hoàng này có gì đó như một lời cảnh cáo nhắm đến ông.
Hoặc là không gì cả. Họa từ trên trời rơi xuống đầu con nhỏ… Ông Viễn đứng một góc ngoài khuôn viên, châm thuốc hút. Người qua kẻ lại xung quanh phút chốc làm gáy người đàn ông buốt lạnh. Có cảm giác nhiều ánh mắt đang chĩa vào ông, từ những người xa lạ, những người có lẽ nhận ra ông trong bộ dáng tự hoại đáng sợ. Từ trong đám đông, một bóng dáng hớt hải vạch người chạy đến khu cấp cứu. Tim ông Viễn nhói lên, người nổi da gà. Có gì đó lướt qua tâm trí ông trong phút giây kì lạ, để lại trên đó một nhát chém ngọt sắc. Là con bé đó…
Thanh nhận ra ông trong khuôn viên bệnh viện. “Chú ơi…”, cô bé lao đến ôm lấy vai ông Viễn, nước mắt lã chã rơi. “Chị Phương… chị Phương…”.
“Ổn rồi con, đừng lo”, ông muốn ôm lấy cô bằng bàn tay đầy tội ác. “Cấp cứu rồi. Bây giờ khoan vào đã”.
“Sao lại ra thế này…”, cô đưa tay che miệng. Trời ơi, có phải là bọn chúng? Chúng cảnh cáo mình bằng cách tấn công chị ấy…
“Chú gọi cả công an rồi. Giờ phải chạy về trao đổi với họ”, ông Viễn ném thuốc vào cạnh giỏ rác. “Con cũng nên về đi đã, chừng mai rồi lên thăm hỏi nó. Nó không nói được gì lúc này đâu…”.
“Vâng, con cảm ơn chú”, cô lặng lẽ lau nước mắt. “Có gì chú cứ gọi cho con nha”.
Còn lại một mình, Thanh ngồi thẫn thờ trên băng ghế người chờ khám, tay chân run lẩy bẩy. Cả ngày hôm qua cô nổi cơn sốt, ngủ mê mệt trong khi Phương đi làm đến tối mịt. Lẽ ra khi thức dậy cô nên nhắn tin thăm hỏi chị một chút, có thể đã cảnh báo được chị nên về sớm vào giờ tan tầm. Tờ mờ sáng thì Nhung điện cho cô, nói rằng Phương bị ai đó hãm hiếp. Chị đã nằm bất tỉnh cả đêm trong bãi đỗ xe, đến sáng gọi lại thì Nhung mới tỉnh ngủ mà nghe máy. Thanh giận ông Viễn đến tím gan, rất muốn hỏi rằng giờ đó ông ở đâu mà không phát hiện ra sự việc tồi tệ như thế. Nhưng rồi cô lại nhớ ra lão sâu rượu đó chẳng bao giờ tỉnh táo sau mười giờ tối cả. Cứ ngày nào ông ta trực bảo vệ là bãi đỗ xe trống trơn như chỗ không người.
Chuông điện thoại đổ đúng lúc Thanh đang rối bời những ý nghĩ. Số lạ. Sống lưng cô lại lạnh buốt lên lần nữa. Hình như cô đoán được ai đang ở bên đầu dây. “A lô…”.
“Mày báo công an à? Con chó này gan nhỉ? Rồi tao cho mày xem…”.
“Bọn chó đẻ chúng mày…”, Thanh nghiến răng kèn kẹt. “Dám đụng vào chị tao à? Cần thì gặp nhau, làm gì phải đến mức ấy?”.
“Mày đang nói gì đấy?”, gã Bạch Phượng có vẻ không hiểu ý cô. “Chị nào? Đừng có đánh trống lảng khi tao đang nói”.
Chị Phương… chúng mày đã… Thanh chợt chững lại vài giây. “Khoan đã… Mày đúng là thằng tạt sơn chỗ làm của tao chứ?”.
“Bố mày đây, sao?”, gã văng tục. “Đ… mẹ mày, trả lời ngắn gọn thôi. Có trả nợ cho thằng già nhà mày không? Đừng bắt tao phải treo con mẹ mày lên đấy cho ăn dây điện. Trốn không nổi đâu con ạ!”.
“Tụi mày tấn công chị tao đúng không? Mới đêm qua…”.
“Đéo! Chẳng biết chị chiếc gì cả. Trả lời nhanh đi!”.
Nếu đúng là chúng làm, cũng chẳng việc gì phải chối với mình. Thanh gặng hỏi. “Chắc chắn chứ? Tụi mày chỉ nhắm vào mỗi tao thôi?”.
“À…”, thằng cô hồn kéo dài giọng như trêu ngươi. “Mày nói cái con lúc nào cũng đi cạnh mày chứ gì? Hề hề, nói chứ sau cuộc gọi này là bọn tao tính làm gỏi nó đấy. Hay là mày muốn thế thật?”.
“Tao sẽ trả, được chưa…”, Thanh nuốt khan nước bọt. “Một tuần nữa, chắc chắn sẽ có tiền. Tao cũng sẽ rút lại việc kiện cáo. Nhưng không được đụng vào chị ấy. Tao thề trên mạng mình…”.
“Yên tâm, bọn tao không thích phiền phức thế đâu. Nếu mày ngoan ngoãn thì lên công an giờ đi còn kịp. Của mày đến nay lên hai tỉ sáu. Một tuần, nhớ đấy!”.
Thanh cúp máy, tay nắm chặt chiếc điện thoại như muốn bóp vụn ra. Mình đúng là thậm ngu. Tự dưng hé với chúng chuyện chị Phương làm gì rồi mang vạ. Chắc chắn chúng sẽ không bỏ qua cơ hội dằn mặt cô lần nữa. Giờ thì còn một số tiền phải trả…
Nhưng chúng không tấn công chị ấy, vậy thì ai? Thanh vò đầu bứt tóc trước những biến cố tồi tệ cứ dồn dập đến, tự hỏi những điều ước của Thợ Xăm sẽ giúp được gì. Tình Yêu, Tự Do… lẽ ra nên có cả Tiền nữa… Chỉ tại hắn lừa mình cú ấy.
“A lô… Anh Tuấn hả, là tôi, Thanh đây…”.
“Gọi tôi sớm thế này, chắc là để cảm ơn đây, hì hì…”.
“Bớt giỡn đi. Tôi gặp chuyện rồi… tôi mong anh hãy giúp đỡ tôi một lần nữa…”.
“Chỉ ba điều thôi, thưa cô. Nếu cô muốn đòi thêm thì chi phí cơ hội sẽ giảm đi đáng kể đó”.
“Tôi cần một số tiền lớn. Bắt buộc, nếu không thì mọi chuyện sẽ rất tệ. Anh nói là tôi sẽ có được tự do dù là đến bất cứ đâu đúng không? Lẽ ra điều ước của tôi phải ứng nghiệm chứ không phải ra nông nỗi này. Anh không thể phủi đi như thế được”.
“Hà hà, đã nói là đảm bảo uy tín, thưa cô. Tôi nhớ là mình đã giúp cô giải quyết tai họa cách đây mấy hôm rồi. Vụ tai nạn ấy… nhớ lại đi”.
Cuối cùng cũng thú nhận rồi đấy. “Người thân của tôi bị tấn công. Tôi không chắc có phải Bạch Phượng không, nhưng giờ chúng lại tiếp tục khống chế tôi. Tôi cần tiền để giải quyết việc đó. Nếu anh có yêu cầu gì tôi cũng sẽ sẵn sàng đáp ứng trong khả năng có thể. Xin anh…”.
“Tôi có luật của mình, Thanh ạ. Ba điều ước của cô sẽ đảm bảo mọi điều kiện cô mong muốn, dù chuyện gì xảy ra đi nữa. Và hãy nhớ là cô ước cho cô, chứ không phải cho cả người khác”.
“Anh đã loại Đại Chó, loại con bé kia, tôi biết rồi. Nhưng Bạch Phượng, chúng còn đông lắm. Không thằng này thì cũng thằng khác săn tôi nếu tôi chưa trả tiền cho chúng. Anh đã thấy vấn đề chưa? Làm ơn hãy chỉ cho tôi phải làm gì cũng được. Tôi hứa sẽ không đòi hỏi thêm gì nữa”.
“Thực ra thì không cần phải lo lắng thế…”, Tuấn chép miệng. “Cô cần bao nhiêu?”.
“Hai tỉ sáu. Tôi còn nợ chúng chừng ấy”.
“Dễ!”, bên kia đầu dây vang lên một tiếng “tách”. “Hãy đến tìm một người để vay tiền. Gã này cũng là dân anh chị, nhưng đảm bảo với cô là hắn sẽ không đòi hỏi gì quá đáng như Đại Chó đâu. Tôi từng làm việc với hắn. Một kẻ có thể tin tưởng được. Làm vậy sẽ không ảnh hưởng gì đến những điều ước của cô”.
“Anh à, vay tiền xã hội đen không phải chuyện tốt với tôi. Rồi sẽ có vấn đề khác xuất hiện. Tôi muốn giải quyết hết các vấn đề với chúng, không phải thêm vấn đề…”.
“Tôi sẽ vẽ lại bức tranh để cô hiểu nhé”, Tuấn tặc lưỡi. “Kẻ mà cô phải tìm đến là một kình địch với Bạch Phượng. Hắn không giống chúng, và tay chân của hắn cũng vậy. Nếu cô cần một sự bảo trợ mà không phải viện đến pháp luật, dù hiệu quả ngang nhau, thì tìm đến Cậu Tư là việc mà dân Tân Cảng đã làm trước cả cô từ rất lâu rồi”.
Là gã đàn ông mà A Thoòng nhắc đến. Thanh nhớ lại đám người mà cô tưởng nhầm là Bạch Phượng khi gặp chúng ở chợ. “Xã hội đen thì khác gì nhau đâu? Nếu hắn bắt tôi làm gì quá sức thì sao?”.
“Cô biết lão Siu, tay người Hoa giàu sụ đã đầu tư vào tập đoàn Phú Thịnh chứ?”.
“Biết, nhưng chuyện đó thì liên quan gì…”.
“Hắn là kẻ đứng đầu Bạch Phượng đấy. Khác với nhiều người, Cậu Tư sẽ không đòi cô ân huệ nếu chuyện của cô thực sự dính dáng đến tay chân của Trùm Siu. Tìm đến hắn là phương án dễ thở nhất mà tôi nghĩ cho cô lúc này, còn mọi phương án khác đa phần sẽ đưa cô vào bế tắc. Tôi phải nhắc cô nhớ lần nữa là đừng chạm vào giao ước nếu không cần thiết, mà tôi thì đã tính toán hết nhẽ cho khách hàng rồi thì sẽ không để cô chịu thiệt chút nào đâu. Cô Thanh thấy sao? Phương án như vậy hợp lý chưa?”.
Cả người lẫn quỷ đều bảo mình tìm đến gã đó. Thanh thở dài. “Thôi được rồi… tôi sẽ tự liệu việc này. Nhưng tôi có nên báo công an rút lại chuyện kiện cáo với chúng không? Tôi vẫn đang phân vân…”.
“Không cần thiết đâu”, gã cười. “Cứ để họ làm việc của họ, thì chúng càng khó đụng tay vào cô hơn. Nhưng lời khuyên của tôi là chỉ lần này thôi nhé. Càng về sau, cố gắng đừng để lại dấu vết của mình với công an”.
“Một chuyện nữa, xin lỗi nhưng tôi cần hỏi…”, Thanh ngập ngừng một chút trước khi nói ra. “Cha của tôi… có phải ông ấy từng đến gặp anh và xin điều ước không?”.
“Giờ biết vì sao tôi tìm được khách hàng chưa?”, Tuấn mỉm cười, lúc lắc con chuột lang nước nhồi bông trên tay. “Nhưng ông ta không thông minh bằng một góc con gái mình. Tôi cho là cô nên chuẩn bị hậu sự đi là vừa”.
*
Phương bắt đầu nói được sau ngày thứ ba điều trị. Những cơn đau từ chân và chỗ kín buộc chị phải chống nạng di chuyển khi về đến nhà. Thanh giúp chị thay áo quần, tắm rửa và ăn uống, nắm tay chị mỗi khi đi ngủ đề phòng những cơn hốt hoảng lúc đêm về. Trong Phương vẫn là những cơn ác mộng muôn mặt từ sự kiện khủng khiếp đó. Thanh ứa nước mắt vì tiếng rên khản đặc của chị, chẳng biết phải nói gì hay làm gì ngoài ôm Phương vào lòng, hát cho chị nghe bài hát ru thuở bé mà mẹ vẫn dành mỗi khi cô bị cha đánh đòn. Việc này đôi khi có tác dụng dìu Phương vào giấc ngủ sâu, đôi khi lại khiến chị cáu bẳn muốn đẩy cô ra. “Em ra… chỗ khác… ngủ đi…”, chị ôm đầu, nhắm chặt đôi mắt thâm tím. “Không… chị không muốn nghe… không muốn…”.
Những thuốc bác sĩ kê đơn không có mấy tác dụng. Chúng khiến tâm trí Phương càng lúc càng tồi tệ thay vì có tác dụng an thần. “Nó ở đâu… ở đâu?”, chị rít lên trong những lần nói mớ. “Ở đâu…”. Thanh tin rằng thứ mà chị đang tìm chính là kẻ đã gây ra nỗi thống khổ này chứ chẳng phải gì khác. “Cảnh sát sẽ sớm tóm được nó thôi. Em tin là thế”, cô vắt khăn lau rửa cho chị trong bồn tắm. “Thằng Nguyên, lao công ở chỗ mình. Mẹ nó thật! Sau vụ hôm đó nghe nói nó đã bỏ trốn khỏi chỗ trọ. Nhưng nó không thể chạy xa được. Nãy em có gọi cho cảnh sát khu vực, họ bảo là nó thường xuyên lui tới gần Ciao ngoài chỗ làm và chỗ ở. Camera an ninh thì ở khắp nơi. Rồi họ sẽ bắt được nó nhanh thôi…”.
Phương vẫn im lặng để cô dấp nước lên lưng và tay. Đôi mắt chị đờ đẫn trước những đụng chạm vào mình thay vì đau đớn. Thanh tránh gội đầu cho chị vì sợ chạm vào vết thương trên đó. Từ lúc về nhà chị chẳng nói năng gì nhiều với cô, ngày cũng như đêm. Tiếng gió rít qua cửa sổ cứa vào tim Thanh những nhát cắt nhức nhối của sự tĩnh lặng. Không khí trong phòng bị nén chặt như sắp nổ tung. Thi thoảng Thanh phải bỏ ra ngoài hút thuốc và hít thở. Cô cố không uống rượu khi ở gần Phương, và càng cố làm điều đó thì cơn thèm men càng hành hạ đầu óc cô vật vã.
Ban đêm, cô bước vào một địa điểm mới không phải Bãi Biển hay Khách Sạn, mà là một căn phòng xập xệ ẩm ướt. Bóng một bàn tay đen ngòm không ra người cũng chẳng ra ma rà lên bức tường nguệch ngoạc chữ Graffiti đuổi theo cô mỗi khi cô cố di chuyển khỏi nó. Trong tay Thanh là một chiếc tua vít nhọn đầy máu không rõ là của ai. Cô chĩa nó về phía chiếc bóng. Một giọng nói non tơ vọng đến từ trong những bức tường mà cố lắm Thanh mới nghe ra được. “Đâu rồi… Đâu rồi…”. Là tiếng của một đứa con gái, hoặc một đứa trẻ lên ba. Âm thanh đó luôn làm Thanh tỉnh giấc mà không kịp hiểu chuyện gì vừa xảy ra.
Một chiếc mô tô rú phành phành ngang qua căn hộ của Phương. Tiếng gầm rít của nó thoáng làm Thanh nghĩ đến những chiếc áo da đen sực mùi thuốc lá và rượu. Chết rồi! Cô giật mình, nhớ ra khoản nợ còn chưa thanh toán với mấy thằng Bạch Phượng mà từ lúc đưa chị về nhà chăm sóc đã quên khuấy mất. Chỉ còn mai là đến cuối tuần, cô phải tức tốc đi tìm Cậu Tư để nói chuyện.
“Đ… đừng… đừng… ở đây…”, Phương thều thào khi biết Thanh chuẩn bị ra khỏi nhà. “Sợ… sợ lắm… đừng để chị một mình…”.
“Em đi một lát sẽ về ngay. Cửa nẻo đóng chặt rồi, không sao đâu mà…”, Thanh cố nài chị đừng hoảng hốt, dù cô biết việc đó chỉ khiến Phương loạn cả lên. “Chị cứ nằm nhắm mắt đi. Em đã để im lặng trên điện thoại bàn rồi. Không có tiếng chuông, chị sẽ không giật mình đâu”.
“Không… không…”, Phương lắc đầu liên tục. “Nó còn ở đây… còn ở đây… Nó sẽ lại bắt chị… xin em…”.
“Sẽ ổn thôi mà, ổn thôi…”, Thanh ôm chặt lấy Phương, nước mắt lại ứa ra. “Chị ơi…”.
Cô dỗ Phương nằm xuống nghỉ, cho chị uống thuốc và mở nhạc nhẹ. Lana Del Rei quả là lựa chọn phù hợp sau nhiều tìm kiếm trên máy điện thoại của Phương. Gu âm nhạc khác nhau cũng khổ quá. Thanh mất gần cả tiếng đồng hồ loay hoay đủ việc mới rón rén bước chân ra được khỏi căn hộ, không quên mặc áo hoodie và khẩu trang che kín mặt mũi đề phòng bất trắc. Ngoài kia toàn xã hội đen, mình thì giống ăn trộm. Để khỏi làm Phương giật mình, cô không dùng xe mà đi bộ thẳng ra Chợ Mã Tấu, trực chỉ quán lão Thoòng thẳng tiến.
*
“Lị chờ xíu ha…”, ông già chột mắt bưng ra một cốc trà nhài nóng đặt trước mặt Thanh. “Cậu Tư sắp ra dùng bữa. Khoảng nửa tiếng nữa…”.
“Ai đâu?”, tiếng một thanh niên ồm ồm sau lưng lão. Hắn mặc áo khoác da ngắn và áo thun đen đồng màu, tóc nhuộm xanh lá, tai đeo khuyên bạc. Khuôn mặt hắn gầy gò với đôi mắt sáng lạnh lẽo. Thanh chưa từng biết hắn trước đây. Khắp người cô nổi da gà khi hắn nhìn thẳng vào cô từ bên kia chiếc bàn.
“Đến gặp Cậu Tư?”, gã thanh niên hất hàm hỏi cô.
Phải mất một lúc trấn tĩnh thì Thanh mới dám hé miệng với hắn. “Dạ anh…”.
“Không phải sợ thế”, Lâm ngồi xuống đối diện cô. “Anh Hai tôi có công chuyện, kêu tôi ra đây tiếp khách trước. Ăn gì không, tôi mời”.
“Dạ không ạ… cám ơn anh”, Thanh rụt rè cố tránh ánh mắt phẳng lỳ của nó. “Em ngồi đây đợi được ạ. Xin anh cứ tự nhiên…”.
“A Thoòng ơi! Ba tô xá xíu!”, gã thanh niên nói mà như quát. “Ăn cho vui. Ngồi ăn mình, kì lắm!”.
Thanh định từ chối tô mì, nhưng tay chân cứ tê rần lên vì thứ ám khí tỏa ra từ gã. Lâm quá biết những vị khách được mời nghĩ gì khi đối diện với mình hay Uyên. Nó rút thuốc lá trong áo khoác ra mời Thanh một điếu.
“Dạ, không ạ… anh cứ hút…”.
“Nhìn ngón tay chị là tôi biết rồi, khỏi khách sáo”, thằng nhóc cười nửa miệng. “Làm điếu cho ấm người. Tôi biết chị lạnh lắm”.
Cô run run ghé thuốc vào để Lâm châm lửa, thiếu điều muốn rớt cả điếu khỏi mồm. Bọn này ghê chắc còn hơn Bạch Phượng, nếu Thợ Xăm nói đúng. Cô rít và nhả khói liên tục trước mặt Lâm, dường như càng cố bình tĩnh càng tỏ ra sợ sệt.
Lâm nhịp nhịp ngón tay trên bàn, quan sát kẻ đối diện như đang nhìn miếng thịt chó quay trên lửa. “Vay tiền hả?”, nó hỏi Thanh. “Hay bị ai đánh? Muốn chỉ ai, nói trước đi. Tôi truyền lời cho anh Hai nếu ảnh không về gặp được”.
“Dạ… v… vay tiền…”, Thanh rùn người vì gió thốc vào quán.
“Có mang giấy tờ theo không?”.
“Dạ có…”, cô rút ra một tờ biên lai trống, loại chuyên dùng cho giao dịch đen, đặt trước mặt Lâm.
“Giấy kia…”, Lâm nhíu mày. “Căn cước!”.
“Dạ đây, em xin lỗi…”.
Nó ngó nghiêng một hồi tấm thẻ dán nhựa rồi đặt xuống bàn. “Dân Xóm Cúi hả? Để tôi đoán nhé. Nợ Bạch Phượng đúng không?”.
“Dạ…”.
“Cái này dễ. Muốn vay thì vay nóng tại chỗ. Hạn một tháng. Chậm nợ tính theo ngày hai mươi phần trăm. Đó là vay thường, còn muốn đổi mạng thì tùy vào quyết định của Cậu Tư. Có thể chị sẽ phải trả bằng việc anh ấy muốn chị làm. Nói để chị yên tâm là không bao gồm thân thể. Nhưng còn lại chị phải đáp ứng cho đầy đủ. Đặc biệt là Luật Im Lặng. Có nghe qua bao giờ chưa?”.
Mình có thể đoán được. “Dạ, chắc là không hé gì với công an? Đúng không anh?”.
“Chuẩn. Không được phiền hà Cậu Tư, không là chị nhìn thấy mặt tôi liền luôn đấy, kể cả đang ngủ. Hiểu nhau vậy ha”.
“Dạ, đội ơn các anh…”.
“Vay nhiêu, nói trước tôi ghi”.
“Dạ, hai tỉ sáu”.
“To đấy. Hỏi cái này… nợ tụi nó mới đây hay lâu rồi?”.
“Dạ lâu ạ. Hơn mười năm…”.
“Gì? Mười năm? Rồi sao còn thở vậy”, Lâm giễu cợt nhìn cô. “Nói cho thiệt. Mấy năm?”.
“Dạ thật đó anh…”, Thanh nghĩ là mình nên cho kẻ đối diện một bức tranh toàn cảnh. “Nhà em khó, mà ba thì cờ bạc miết, đánh chửi mẹ con em liên miên. Em ra đi làm cứ phải trích tiền trả nợ cho ổng. Còn bao nhiêu em uống rượu hết, cho quên đời em. Mới đây cắt được hết nợ thì ổng làm quả này ở sòng bài của tụi nó, dí em trả tiếp. Tụi nó hứa nếu cắt quan hệ cha con thì em không phải trả thêm nữa, mà chưa kịp làm thì…”.
“Hiểu. Chuyện đó viển vông thôi. Chị không bao giờ thoát đâu”, Lâm gật gù. “Chị nợ thằng nào?”.
“Dạ Đại Chó ạ, tụi nó gọi hắn vậy chứ em không biết tên thật”.
“Nó bị công an bắt tháng trước rồi. Nhưng đàn em của nó chắc là vẫn đòi tiền cho đại ca. Bị tụi nó làm gì chưa?”.
“Dạ có tạt sơn chỗ em làm. Nhưng ngoài ra chưa có gì. Em cũng đã hứa trả nợ tụi nó cuối tuần này, nên mới mạn phép tới vay tiền Cậu Tư anh”.
“Vẫn còn đi làm đó chứ?”.
“Dạ không… em xin nghỉ việc rồi. Đỡ ảnh hưởng…”.
“Tính đường cụt vậy?”, Lâm nhún vai. “Hai tỉ mốt, chị muốn trả thì phải làm ăn đi, không thì anh Hai yêu cầu gì lo làm nấy. Chọn đường nào để tôi còn nói?”.
Mình còn lựa chọn thật sao? Cô cúi gằm mặt xuống. “Dạ… Cậu Tư muốn sao em làm vậy. Chứ giờ em hết đường rồi, mong các anh hải hà độ lượng với em…”.
“Nói năng mắc cười ghê bây. Làm nghề gì?”.
“Dạ ngân hàng ạ…”.
“Hèn gì gánh được cả đống nợ. Nhưng mà Bạch Phượng… tụi nó không chỉ đòi tiền đâu. Cứ nói thiệt tôi nghe, thằng Đại có làm gì chị không?”.
Thanh khẽ gật đầu thay câu trả lời. Khuôn mặt lạnh tanh của Lâm cũng giãn ra khi hiểu hết cử chỉ đó. “Mẹ bà… đến khổ. Chị tìm tới anh Hai là xứng đáng rồi. Thôi được, để tôi…”.
“Thơm ghê ta”, một giọng nói trầm lạnh lướt vào cùng tiếng gió. “Lâm, tiếp khách đàng hoàng nghe mày. Mì gì toàn rau không có xíu thịt nào hết vậy?”.
“Lị đó ăn đây quen rồi”, A Thoòng bê ra khay thức ăn nóng hổi, hít hà. “Ngộ cho thêm cải thìa thôi. Thịt dưới đây cả lớp đó Cậu Tư”.
“Điếu mày”, gã đàn ông to lớn, khoác áo nỉ xanh lam ngồi xuống cạnh Lâm, vỗ vai. “Cô đây hả? Tên gì?”.
“Căn cước đây anh”, Lâm đưa thẻ của Thanh cho hắn trước cái nhìn như đã hóa đá của cô. “Nợ Đại Chó. Hai tỉ sáu. Trả gấp trong tuần. Anh Hai có cho vay thường không hay đổi mạng?”.
Ánh mắt của Hoàng chững lại một lúc trên tờ căn cước. Gã lặng lẽ nhìn khuôn mặt cô, và nhớ ra ngay mình đã gặp cô ở đâu.