Chương 43: Chuyện dở dang (câu chuyện nghe suýt hay)
Để hôm nay
Hai mắt rơi hai dòng
Với ta thế là xong
Ta biết ta phải lòng…
(Phải lòng – Thắng)
Cuộc họp giữa trưa là cơn ác mộng với Phương. Thân thể chị đau nhức như kim châm khi phải ngồi quá lâu trên ghế. Ánh mắt nửa ẩn nửa hiện của Nhung bên kia dãy bàn khiến mọi nơ ron thần kinh trong người chị căng lên như đang phải đối phó với thiết bị kiểm tra nói dối.
Tiếng sếp Khánh lùng bùng bên tai Phương như đến từ một nơi xa lạ. Chị không biết những người xung quanh đang trao đổi những gì, nhưng có cảm giác tất cả họ đang nói về mình. Gáy chị lạnh buốt vì gió từ đâu cứ tràn vào phòng họp, lượn lờ quanh cơ thể. Phương nhớ về cái đêm ở bãi xe tối ám đó, nhớ về bàn tay vồ lấy mình từ phía sau. “Xin lỗi…”, chị đứng lên. “Anh Khánh xin cứ tiếp tục… Tôi ra ngoài một lát”.
“Chị Phương…”, Tân lay nhẹ lên vai chị. “Mệt hả?”.
Phương sực tỉnh, nhận ra mình vẫn đang chúi mặt vào tập báo cáo trên bàn. Sếp Hạnh đang tranh cãi gì đó với lão Khánh, âm giọng có vẻ gay gắt. “Bẩn thỉu…”, Phương nghe tiếng Tân thì thào bên tai mình. “Lôi cái chuyện chị bị tấn công ra nói làm gì không biết. Tính bàn lùi vụ danh sách đây mà”.
“Khẽ thôi, Tân”, Phương thở hổn hển vì một cơn đau chèn ép lồng ngực. Mình không thể ra ngoài bây giờ… Nhưng trời ơi, đau… Chị nhờ cậu rót cho mình ly nước, cố giữ tư thế ngồi thẳng trên bàn. Khoảng cách giữa chị và hai sếp lớn chỉ cách nhau một đầu người, đối diện là Nhung đang chăm chú ghi biên bản họp. Bằng cách nào đó, chị biết cặp mắt ma quỷ của ả đang vuốt ve quanh da thịt mình, truyền tín hiệu cho khuôn miệng bôi soi nhẹ thi thoảng nhếch lên. Danh sách nhân sự đã trình lên Đảng ủy, nhưng chỉ thị mới của Trung ương dội xuống bắt buộc rút mỗi cơ sở một chỉ tiêu bổ nhiệm. Việc bàn xem nên rút ai khỏi quy hoạch được các sếp họp kín, công bố trước toàn thể nhân viên làm Phương ngồi như hóa đá suốt một tiếng liền. Thống nhất loại mình mà không hỏi qua ý kiến cấp ủy ư? Mấy lão ấy nghĩ gì mà chơi trò ấy được?
“Tôi không hiểu các đồng chí làm việc kiểu gì?”, sếp Hạnh bực bội gõ ngòi bút lên bàn. “Cấp ủy chưa thông qua mà đã trình danh sách rút quy hoạch lên cấp trên? Lại còn biên bản 100% nhất trí? Làm trò hề à? Cô Nhung, giải thích chuyện này đi!”.
“Dạ, anh cứ bình tĩnh…”, Nhung chỉnh lại kính trên sống mũi, nhìn qua ông. “Ban Giám đốc đã thống nhất cao đối với đồng chí Phương là trong thời gian dưỡng bệnh, đồng chí đã không đạt đủ chỉ tiêu đầu việc ở tổ tín dụng và tổ giao dịch cấp đặc khu. Đồng chí Phương cũng đã thống nhất trước buổi họp giao ban tháng là sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp cho những thiếu sót hiện hành, thời gian khắc phục là hai tháng. Theo quy định của hội sở, thời gian khắc phục quá ba mươi ngày sẽ được tính vào trách nhiệm người đứng đầu tổ tác nghiệp”.
“Người ta gặp tai nạn đấy”, ông Hạnh nhín mày. “Các đồng chí căn cứ vào quy định hội sở, vậy còn quy định của Đảng ủy đối với quy trình bổ nhiệm thì sao? Đồng chí Phương có hai bằng khen của Ủy ban Nhân dân thành phố không tính vào à?”.
“Vấn đề sức khỏe của đồng chí Phương cũng đã được cấp trên xem xét, anh Hạnh ạ”, lão Khánh đan ngón tay vào nhau. “Trong thời điểm áp dụng Thông tư mới của Trung ương và hướng dẫn thực hiện của Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước, tiêu chí của cô Phương đứng đầu danh sách. Chúng tôi cũng không muốn phải đưa ra quyết định này, nhưng phải thực hiện theo chỉ thị bên trên”.
“Thưa anh, nếu phải thực thi trách nhiệm người đứng đầu, vẫn có thời gian thử thách”, Tân xin phát biểu ý kiến. “Ta có thể xin lùi thời gian nộp danh sách vì lý do công vụ”.
“Nhưng để làm gì?”, lão Khánh lắc đầu. “Các đồng chí nên nhớ Trung ương không chấp nhận sự chậm trễ của các cấp mà muốn tập thể tự linh hoạt xử lý. Ban Giám đốc không chỉ phải giải trình mà còn liên đới trách nhiệm về… đồng chí Hạnh biết rồi đấy, sự thiếu cẩn trọng của cấp dưới”.
“Tôi không hiểu đồng chí nói thế là có ý gì…”, ông Hạnh nhíu mày. “Có mặt đồng chí Phương ở đây, đồng chí Giám đốc chi nhánh có thể nói rõ là đồng chí ám chỉ điều gì với một người bị tai nạn không mong muốn? Thiếu cẩn trọng nghĩa là thế nào?”.
“Là một người đứng đầu, trách nhiệm của đồng chí Phương với tổ tín dụng là điều hành công việc từ xa”, lão gãi mũi. “Việc cô Thanh ở tổ tín dụng vi phạm quy tắc ứng xử và làm đơn xin thôi việc, trách nhiệm quản lý tổ viên cũng là của đồng chí Phương. Các khoản nợ đọng ách tắc của tổ không được điều hành xử lý triệt để khiến chi nhánh ta nhận hai công văn phê bình liên tục chỉ trong một tháng. Đồng chí bảo tôi giải trình với cấp trên kiểu gì nếu để tên cô Phương trong danh sách, loại đi một người không có thiếu sót khác?”.
“Xin lỗi đồng chí, cho phép tôi thẳng thắn”, ông Hạnh nhìn thẳng vào đôi mắt ranh mãnh nhát gừng của lão. “Nếu loại nhân sự quy hoạch theo tiêu chí đó, cả đồng chí Nhung phó phòng cũng nằm trong danh sách kiểu này. Liên đới trách nhiệm của tổ tín dụng hai đồng chí ấy phải chia nhau. Đó cũng là quy định của hội sở”.
“Đồng chí Nhung đã tự động xin rút khỏi danh sách công bố dù tôi còn đang xem xét trường hợp của đồng chí ấy. Nhưng ta sẽ khuyết chỉ tiêu, vẫn phải làm danh sách bổ sung đi kèm và chắc chắn họ sẽ yêu cầu việc đó”.
“Vậy ta sẽ bổ sung ai trong tám chỉ tiêu phụ, thưa anh?”, Tân ranh mãnh nhìn lão già.
“Tân ơi, đó là vấn đề của Ban Giám đốc, không phải của đại diện Ban Thanh tra hội sở”. Nhung mỉm cười nhắc cậu.
“Nhưng em cần thông tin để đưa vào biên bản, thưa chị”, cậu vẫn không nao núng trước ả. “Với cả Cấp ủy chúng ta chưa thống nhất cao, bằng chứng là sếp Hạnh vẫn đang có ý kiến về trường hợp của chị Phương. Với trường hợp này, nếu ta không thống nhất ý kiến thì em vẫn phải để trống biên bản, và có báo cáo lên Ban Thanh tra theo quy định ạ”.
“Chắc phải vậy thôi”, lão Khánh liếc Tân bằng ánh mắt hẹp như rắn. “Đồng chí Tân có thể lưu ý các trường hợp ý kiến của Cấp ủy. Còn tôi thì sẽ tổ chức họp thống nhất phương án vào đầu giờ chiều nay. Sẽ có báo cáo gửi Ban Thanh tra trước ngày 09 tháng 11”.
“Không cần gấp, thưa anh”, Tân đóng sổ ghi biên bản. “Ta có thể gộp nội dung họp thống nhất vào đây để tránh phải giải trình thêm. Chiều nay em sẽ quay lại với hội sở mình”.
Còn tao thì muốn kết thúc cái màn kịch chó chết này, lũ khốn. Phương ôm đầu cố xua đi những lời nguyền rủa. Chị không nói một lời nào khi ra khỏi phòng họp. Tân đi đằng trước chị, ngón tay ngoắc sau lưng ra hiệu cho Phương theo mình vào thang máy. “Không nói gì là tốt”, cậu rỉ tai Phương khi cả hai đã an toàn khỏi mọi ánh mắt dòm ngó. “Chị cứ để việc này cho em và sếp Hạnh. Ta nhất định phải đòi lại công bằng cho chị…”.
“Chị đã lường trước tụi nó sẽ chơi như thế”, Phương sờ tay lên cổ, nơi vết bóp của thằng Nguyên còn hằn trên da. “Nhưng chị thôi rồi, Tân ạ. Cảm ơn ý tốt của em và chú Hạnh”.
“Sao lại thế?”, Tân thở dài. “Chị phấn đấu bao nhiêu năm, đến được đây rồi vẫn sẽ có kẻ ngáng đường thôi. Đó là chuyện thường trong chính trị. Chị không lên, mụ Nhung sẽ bóp chị đến chết và rồi chị cũng sẽ ra đi như cái Thanh. Chị đã nghĩ đến tương lai đó chưa?”.
“Chị nghĩ mình sẽ đi”, hai mắt Phương rưng rưng. “Chị không vượt qua nổi chuyện này. Có những việc em không kiểm soát được đâu, Tân ạ. Không cần phải làm khó họ thêm nữa…”.
“Nói em nghe đi”, Tân đau đáu nhìn Phương. “Em không nói rằng ai cũng phải có bản lĩnh. Nhưng chị đã cố gắng nhiều đến thế cho vị trí này. Chị phải lên thì chú Hạnh, chú Cường mới có đất tung hoành trong cái hội sở nát bấy vì quyền lực bẩn này. Chị định bỏ ngang thế sao?”.
Chúng nó giết chị hôm qua rồi, dù ta có vùng vẫy đến đâu. Phương khẽ lau nước mắt và rời đi trước cái nhìn tiếc nuối của cậu. Chị chỉ muốn về nhà, muốn rời khỏi cái Thành Phố Sắt đầy nỗi đau và nguy hiểm chực chờ này. Nó đã từng là tuổi trẻ của chị, là khao khát vượt lên mọi cản trở để thấy mình trưởng thành của chị. Một cuộc hôn nhân nát bấy, một môi trường công việc đầy nọc độc, tai họa từ trên trời rơi xuống… giữa những bão giông đó là cơn say, là ái tình, là những cuộc chia ly nhẹ tênh như một buổi sáng mở mắt đã chẳng còn ai bên cạnh.
Sự trống rỗng vô vị tràn vào lồng ngực Phương cái ngày đầu tiên chị đi làm lại. Ánh sáng, không khí, tiếng cười nói ồn ào khắp xung quanh đều mang hình dáng của thằng Nguyên đang xô đến cười cợt, nhiễu nhạo nỗi sợ hãi trong lòng Phương. “Trông em thế mà lại thích đàn bà à? Cảm giác sao?”. Nó bám lấy chị ở mỗi đoạn đường tối, mỗi khúc cua vào góc hành lang công sở, đôi khi nhảy xồ ra từ mặt mũi của người đối diện làm Phương hốt hoảng hét lên. Người ta đã chứng kiến chị bỗng dưng đánh rơi cốc nước, ngồi lỳ cả tiếng trong nhà vệ sinh lén hút thuốc như Thanh. Bàn tay chị run rẩy mỗi khi gõ phím, một phần vì đau, một phần vì thèm rượu phát điên. Cuộc đua vào danh sách bổ nhiệm phút chốc trở thành cái bóng đen thứ hai phủ lên tâm trí Phương thay cho cơn ác mộng lúc đêm về. Thằng Nguyên vẫn đuổi theo chị với con dao làm bếp trên tay, dù rẽ ở góc nào của tòa nhà thì nó vẫn luôn đứng trước mặt chị với nụ cười méo mó. Cảm giác bốn góc tường cứ thu hẹp lại ám lấy Phương khi phải ngồi ở chỗ làm việc, nơi đám cấp dưới bắt đầu nhìn chị bằng ánh mắt soi mói lạ lùng. Một ánh mắt làm Phương chỉ biết nghĩ tới Tần khi hắn phát hiện ra chị đi tìm của lạ không phải đàn ông. Ai đó đã nói… Phương suy sụp nhận ra Nhung đã găm một lưỡi dao đính nam châm lên lưng mình trước khi chị hồi phục khỏi những cơn đau.
“Chị Phương…”, lại là Tân gọi đến khi chị vừa ra tới cửa. “Chiều nay Ban Giám đốc hoãn họp. Báo để chị biết nhé”.
“Ừm, chị cảm ơn…”.
“Một việc nữa”, Tân nói. “Sau buổi chiều chị chuẩn bị đồ đạc đi, em dẫn chị về Vũng Tàu chỗ cậu em chơi cho khuây khỏa. Rủ cái Thanh đi nếu được”.
“Thằng này vẽ chuyện quá”, Phương bật cười khan. “Chắc chị không đủ sức đi chơi xa đâu. Còn đang điều trị cái chân nữa”.
“Thay đổi không khí chút cũng không tệ đâu. Em biết chị đang buồn lắm…”.
“Chị ổn mà, không sao đâu…”, một chiếc taxi dù đỗ trước mặt Phương, kiên trì đợi chị bước lên. “Cảm ơn lời mời nhé Tân. Sang tuần chị đãi mày một bữa cua rang me ở Ciao. Lâu rồi không uống với nhau cho ra trò”.
“Chân cẳng thế còn đòi ăn cua… Hì, thôi được rồi. Chị nhớ giữ gìn sức khỏe, tránh lo nghĩ nhiều nhé”.
Người tài xế ngả lưng sau lớp kín che tối. Dường như anh ta không có ý định tìm khách khác ngoài Phương. Chị liếc nhìn đồng hồ, nghĩ thế nào đó lại nhắn tin báo Nhung rằng mình sẽ nghỉ buổi chiều nay. “Mày liên hệ với con Thúy để hỏi vụ hồ sơ vay nợ nhé. Tao đau quá… vừa hay chiều nay không phải họp tiếp”.
“Bà ổn đấy chứ?”, có cảm giác Nhung vừa nhếch mép cười qua điện thoại. “Cứ dưỡng sức cho thoải mái đi. Tôi biết để không gọi bà nữa”.
Nếu có thêm vấn đề, tao sẽ bỏ tiền thuê các thầy nói chuyện với mày. Phương cúp máy, thận trọng nhìn gã tài xế đang hướng mặt về phía mình. Hắn thản nhiên châm thuốc và hạ kính cửa xe. “Bà chị gọi điện thoại xong chưa?”, hắn hạ kính bên kia xuống để Phương nhìn rõ mặt.
“Xin lỗi, chắc tôi gọi xe khác… Anh thông cảm nhé”.
“Mười hai giờ trưa rồi”, tài xế phì phèo khói. “Muốn đi ăn đâu tôi chở rồi đợi luôn. Đói bụng, cũng đang thèm nồi lẩu bò cay. Lên luôn đi, nghĩ ngợi gì?”.
“Hay nhỉ”, đột nhiên Phương muốn nổi cáu với sự dây dưa của gã. “Tôi bảo sẽ gọi xe khác”. Một tay chị run run lục vào túi xách tìm bình xịt hơi cay. Đừng… đừng có thế nữa… một thằng chó kia là đủ cho con lắm rồi, trời ơi…
Đằng sau cặp kính đen cú vọ, một khuôn mặt đầy râu với chiếc mũi cao thoáng hiện ra sau làn khói mù mịt. “Kiếm tí cháo mà bà chị cứ nhìn tôi như bắt cóc ấy. Không đi thì thôi. Mà nói trước là giờ này cháy taxi đấy. Đây lấy rẻ cho công chở, không tính công đợi. Chịu thì vào nhanh đi, công an phạt tôi giờ”.
*
Ngồi trên taxi, Phương vẫn thấy cơ thể lâng lâng chẳng khác gì rơi vào vùng chân không bất định dạng. Bằng cách nào đó, chị đồng ý đề nghị của gã mà không thể thắc mắc hay bỏ đi. Có một lực hút vô hình khiến tay chân Phương cứ thế bước vào xe gã. Bên trong xe thoang thoảng mùi nước hoa dễ chịu, một sự kết hợp lạ lẫm giữa hương lavender và cỏ sau mưa. Giai điệu bài “Doin’ time” lả lướt qua lớp đèn vàng trên trần khiến tâm trí căng thẳng của chị giãn ra như được ngâm nước nóng. Mùi thơm, Lana Del Rey… Thật tuyệt! Nếu đây là chuyến xe đưa mình vào rừng phù thủy hay kể cả mười tám tầng địa ngục thì những giây sống cuối cùng này kể ra cũng đáng giá.
Gã tài xế kì quặc chở chị là một trung niên để tóc dài như đám nghệ sĩ đường phố, mặc áo khoác đánh thuê màu xanh ngụy trang, ngồi trong xe nhưng vẫn đội mũ phớt tai bèo màu lục nhạt, cặp kính to đùng choán hết nửa khuôn mặt. Hàm râu quai nón rậm rịt trên gương mặt dài làm Phương thoáng nghĩ đến Ryan Gosling. Gã có vẻ là một tay đẹp mã nếu bỏ hết lớp hóa trang Halloween ngớ ngẩn đó ra. Nhưng ở khía cạnh khác, vẻ ngoài bụi bặm đó lại khiến gã cuốn hút theo cách riêng của mình. Một dạng đàn ông Phương rất dễ trượt chân vào nếu là trước đây.
“Chú ơi, chú biết là không nên hút thuốc khi đang chở khách chứ?”.
“Chưa thấy ai phàn nàn cả”, gã thở một hơi khói dài ra xe. “Xe của tôi có khử mùi đặc biệt. Cô muốn làm một điếu trong đây cũng chẳng sao”.
“Việc đó không liên quan”, Phương nhăn trán. “Dù là chạy chui thì cũng nên giữ phép lịch sự tối thiểu. Ý cháu là thế”.
“Chị bị nhốt trong chiếc xe này, giả sử thôi nhé. Lái xe là một thằng tỉnh lẻ lắm mồm, hỏi những câu chị không muốn trả lời, mà bởi phép lịch sự chị cũng chẳng thể bảo nó ngậm mẹ mồm lại, hoặc là tôi, chỉ trả lời khi được hỏi, với một ít thuốc lá không đáng kể. Chị sẽ chọn hắn hay tôi?”.
“Ví dụ sắc sảo đấy. Nhưng cháu không thường xuyên gặp đám tỉnh lẻ lắm mồm. Nói thì ngại, cả chú và cháu đều là dân tỉnh lẻ ở đây đấy. Chú ở đâu ngoài ấy?”.
“Hà Nội”, gã miết lưỡi lên hàm răng trắng bóng. “Tôi lại không thường xuyên gặp dân Tân Cảng tự ví mình như dân tỉnh lẻ. Nhà chị ở đây mấy năm rồi?”.
“Mười năm”, Phương trầm ngâm. “Mà… sao lại chạy hướng này? Ciao ở bên kia cầu cơ mà?”.
“Cho đồng hồ nó nhảy”, gã nhún vai. “Đùa đấy, đây là lối tắt qua gầm cầu Ánh Sao, bên kia có một đường phụ mới mở chưa cắm biển báo. Không cần lên cầu, đỡ thêm một lượt kẹt xe”.
“Chú lấy theo đồng hồ hay lấy riêng?”, Phương hỏi. “Cháu thấy máy của chú ngừng nhảy số từ năm phút trước rồi”.
“Nó hỏng lâu rồi. Tôi để cho vui thôi. Xin chị một lít rưỡi cả đi cả về”.
“Rẻ nhỉ? Công đợi taxi ở đây phải lấy hơn chú hai đến ba trăm”.
“Kiếm tiền ở thành phố này cũng nhàn nhã mà”, gã ném thuốc ra cửa sổ. “Trừ việc dễ ăn đạn của các thầy ra thì muốn có tiền nhanh lắm. Ngày mười tiếng ra đường hít bụi, tối tới Pub hát vài bài nếu có giọng. Tôi mới chạy xe hai năm thôi, cũng đủ ăn qua ngày. Lười hôm nào thì nhịn đói hôm ấy. Sống là sòng phẳng”.
“Không tích lũy gì sao?”, Phương mỉm cười. “Người như chú chắc cũng vợ con đề huề rồi”.
“Giờ nuôi mỗi thân. Nên tôi mới bảo sống ở đây nhàn nhã đấy”.
“Ca sĩ không chuyên? Chú hát cho Pub nào?”.
“Sóng Nhạc, Hà Nội Nhỏ, Fack The Hype, Khói Old School… mỗi nơi một tí…”.
“Cháu hay nghe ở Fack The Hype, sinh viên ngoại ngữ cover Lana Del Rey cũng nhiều. Chưa từng thấy chú”.
“Đi buổi nào? Bảy mười hay mười hai ba?”.
“Dĩ nhiên là bảy mười. Cháu dân văn phòng mà”.
“Thế thì đương nhiên không gặp tôi. Tôi chơi giờ kia”.
“Chú hát dòng nào?”.
“Rock alter, pop, folk tales… thi thoảng thử cả rap, nhưng có Da Sun Kid ở đó nên thanh niên chỉ chịu nghe lão hát. Tượng đài rồi, mà tôi thì không chuyên. Cứ nhảy đúng nhạc của mình là tốt nhất”.
“Ừm… Có bài nào chú từng hát trong radio này không?”.
“Đổi nhạc nhé”, tài xế bật nút chuyển kênh Soundcloud. Tiếng trống dận và nước chảy hơi giống chất liệu Âu Mỹ những năm 2015, nhưng nhạc đệm lại theo lối ngũ cung. Ca sĩ giọng nghẹt, hát theo nhịp hai hai ba, và chị nhận ra đó là giọng của ai. “Chú hát nhạc Thắng à? Cũng là lựa chọn khôn ngoan đấy. Lứa chơi đồ cổ bây giờ vẫn chưa quên anh ta”.
“Bài này tôi chưa hát lại bao giờ”, tài xế nói. “Tụi chơi đồ cổ như cô nói cũng chỉ nghe được vài bài tầm trung của tôi thôi. Nói chung vẫn kén lắm”.
Đó là một bài hát giả cổ có ca từ khá ấn tượng theo đánh giá của Phương:
Xoay nắm… tay trắng…
Công danh vẫn chưa thành
Mà con tim vỡ tan tành
Thì thôi, quỳ gối
Xin em hãy tin ta vì ta đã cố tránh ra mà…
Nhìn về phía trước
Vội vàng chân bước
Nào để tâm có ai đằng sau
Mà vận mệnh cứ bắt
Một ngày hai mắt phải gặp nhau…
Để hôm nay
Khi nắng rơi quanh phòng
Chiếu qua mắt nàng trong
Ta biết ta phải lòng…
Để hôm nay
Hai mắt rơi hai dòng
Với ta thế là xong
Ta biết ta phải lòng…
Lòng chị tan ra thành từng mảnh nhỏ vì ca từ ấy. “Bữa nào cháu sẽ thử thức khuya nghe chú hát… Chú nhớ hát bài này nhé”.
“À ha”, tài xế cười nhếch mép. “Nhớ người tình lỡ hả? Nhiều đứa nghe xong bảo đếch hiểu nó nói cái gì”.
“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, Phương nhún vai. “Âm nhạc mà. Chú chỉ cần hiểu được tâm trạng người sáng tác, hoặc kĩ thuật của họ”.
“Hoặc tốt nhất là tự viết tự hát”, gã rẽ vào một hẻm nhỏ đâm ra giữa lòng Trần Bạch Đằng, Ciao tọa lạc ở bên kia ngã ba đèn đỏ. “Khi nào xong gọi tôi. Số đây”.
Phương cầm lấy thẻ điện thoại của gã, cho vào túi xắc, nhưng vẫn ngồi yên trên xe. “Chú đói chưa?”.
“Rồi, nhưng tôi chờ được”, gã taxi rút thuốc ra châm điếu mới.
“Cháu ăn một mình. Có người ngồi nói chuyện cũng tốt’, chị nói. “Chắc chú chưa thử lẩu thịt chó ở đây, đúng không?”.
“Tôi đi cạnh nhà chị chắc người ta nghĩ tôi dí súng sau lưng chị đấy”, gã trung niên bật cười. “Cảm ơn đã mời, nhưng thôi…”.
“Ciao không đối xử tệ bạc với người ăn mặc không sang trọng”, Phương mỉm cười. “Đó là đặc trưng làm nên nơi đó. Còn với cháu, chú sang trọng hơn cái vẻ ngoài đó rất nhiều”.
*
Khi gã tài xế taxi cởi bỏ chiếc mũ bèo và cặp kính râm, Phương mới hiểu vì sao lúc nãy hắn cho chị nghe bài hát đó. “Chú… thực sự là chú sao?”.
“Và già hơn hai mươi tuổi”, người trung niên vuốt vuốt chòm râu cằm. “Dạo này đi đâu cũng gặp Kẹo con, à, giờ phải là Kẹo già rồi ấy nhỉ?”.
“Bất ngờ thật. Thắng Ngọt chặn đường cháu và mời cháu lên chuyến xe phù thủy”.
“Trông chị có vẻ không vội. Thường tôi sẽ đón khách ở bên kia cầu, nhưng hôm nay nổi hứng qua đây giữa trưa. Hà, lại được mời ăn thế này nữa… Ai bảo giờ hoàng đạo là xấu nào?”.
“Ha ha…”, Phương cười trong khi trải khăn ăn. “Nếu chú không phiền, để cháu nhắn con bé em ra gặp mặt thần tượng. Nó mê chú lắm, giới thiệu cháu nghe nhạc của chú”.
“Thôi…”, Thắng xua tay. “Nếu mà thêm người nữa là tôi trả tiền đấy”.
“Không sao đâu chú…”, Phương gọi Thanh, nhưng không thấy bắt máy. “Chán thật… chắc nó ngủ rồi…”, chị đặt điện thoại lên bàn. “Chú cứ ăn thoải mái nhé. Đừng ngại gì cả”.
“Ngại thì không ngại, nhưng mà thấy lạ lắm”, Thắng nhìn chị như một người quen. “Chị từng đến phòng khám bác sĩ Tuấn bao giờ chưa?”.
“Bác sĩ Tuấn à? Ý chú là ông Tuấn bác sĩ tâm lý?”.
“Chính thế…”, ông gật đầu. “Tôi có đợt điều trị ở đó. Toàn là dân văn phòng với cảnh sát quận. Có thấy một người giống chị lắm”.
“Cũng có mấy lần cháu đến trị liệu”, Phương nói. “Không nặng lắm, nên cũng không ở đó thường xuyên”.
“Ừm… Tôi thì dễ nhớ mặt người”, Thắng châm lửa hút thuốc. “Ở đây hay nhỉ. Phòng ốc rõ sang, mà khách khứa thì ăn mặc đúng tẩm. Lạ là không ai gây ồn ào gì…”.
“Ciao là thế mà. Nó buộc người ta phải lịch sự bằng chính cung cách của nó. Chú Thắng đi hát phòng trà nhiều, chắc không xa lạ sự im lặng thưởng thức. Nên tới đây nhiều để thấy Tân Cảng còn có nơi đáng tận hưởng”.
“Hà hà, chị không biết chứ tôi toàn hát nơi ồn ào thôi”, Thắng gạt tàn thuốc. “Đây là đất dữ. Bọn trẻ giờ thưởng thức cũng loạn lắm. Pub thì toàn đòi hát to lên nhạc giật lên. Bọn nó hearing without listening đúng như Simon và Garfunkel hát ngày xưa. Fack The Hype… ừm, gần như là nơi tôi có thể hát trọn vẹn nhất mọi cảm xúc của tôi. Lứa sinh năm 1995 ở đó lấn át đám trẻ mới lớn, và họ đòi nghe cả tình ca của những năm 60, 75 dù cách đó cả thế hệ lịch sử. Văn nghệ xứ mình tính ra cũng lạ lùng”.
“Như cháu nói đấy, đồng khí tương cầu…”, Phương gật đầu mỉm cười với người bồi bàn mang món khai vị tới. “Thế hệ của chú có tai nghe nhạc đúng chuẩn xuyên thời đại. Văn hóa đại chúng của Thành Phố Sắt bây giờ cũng ngập đầy Lana, Amy Whinehouse, Ngọt, Hà Trần… bolero còn được nghe đầy các hẻm tử thần của dân ngụ cư”.
“Đời thế mới vui, đến chết còn được hát…”, Thắng chia món pate vịt trong đĩa cho Phương. “Nãy giờ quên hỏi, chị tên gì ấy nhỉ?”.
“Cháu tên Phương…”, chị gật đầu lễ phép. “Cháu xin ạ”.
“Ừm, Phương… Chắc ta có duyên kì ngộ đấy. Khi nào cần taxi cứ gọi tôi số này. Về nói với bé em nếu muốn nghe hát thì thứ hai, thứ tư với thứ bảy hàng tuần tới Fack The Hype giờ muộn. Đi thứ bảy là tốt nhất”.
“Đảm bảo với chú… Fack hơi xa chỗ bọn cháu ở thôi, chứ nó mà biết tung tích chú ở đâu thì thứ tư hay thứ bảy không thành vấn đề”.
“Không sợ đi làm muộn à?”, người nhạc sĩ trung niên bật cười.
“Nó mới nghỉ việc ạ. Thời gian rảnh là vô tư…”.
“Ở đây mà nghỉ việc thì mệt đấy… Thế em chị làm nghề gì?”.
“Ngân hàng giống cháu”, Phương chậm rãi nhai thức ăn. “Bọn cháu làm cùng cũng lâu. Nhưng nó gặp vấn đề với môi trường làm việc nên tự động xin nghỉ”.
“Nhìn mặt chị lúc ra cổng đón xe tôi cũng hình dung được nó khắc nghiệt ra sao”, Thắng nói. “Đoán thôi… hà hà…”.
“Như chú lại sướng”, Phương nói. “Làm gì đó mình thích. Ít tiền cũng chẳng thành vấn đề. Cứ bay lượn trong cuộc đời như cánh chim, mơ gì cũng có thể làm nấy… đại loại thế…”.
“Tôi thì lại nể phục những người như nhà chị. Bám trụ ở cái thành phố dữ dằn này mười năm trời. Loạn đảng ở đây cũng không ít đâu. Ngoài chạy taxi ra tôi cũng phải cậy nhờ các thầy ở Chợ Tân Cảng để còn yên ổn làm ăn. Có lần chúng nó bắn nhau mà đạn lạc vào kính xe tôi, cách trán có nửa gang tay đấy. Lần khác thì chở nguyên ông hình sự hông găm cả mảng hoa cải, máu ướt cả ghế sau. Nhiều khi phải thắp cả hương trên đít xe mà chạy, đặc biệt là mấy hôm gió nhiều”.
“Ghê quá… Fan mà nghe chú kể chắc nể chú lắm. Nói chứ nhà cháu cũng mới gặp hạn xong… không phải chán nữa. Thứ chú thấy bên đường hồi nãy là cảm giác muốn cắm đầu xuống bánh xe tải luôn đấy. Tiếc là đường đó không có xe tải…”.
“Đừng chủ động tìm cái chết, vì nó luôn ở bên chị…”, người đàn ông cười chua chát. “Mỗi ngày, mỗi nhịp thở, mỗi lần thất vọng vì người đời… Nhưng quá nhiều lần chết đi làm tôi yêu say đắm cái cảm giác thất vọng vì người đời ấy. Nó cho tôi nguồn nhạc. Nói về thất vọng, chắc chị muốn nghe “Phải lòng” vì một người mình thương nhớ nhưng không chạm tới được, tôi đoán thôi nhé”.
“Người ấy ở bên cháu rồi…”, Phương buông nĩa, trầm ngâm. “Nhưng cháu không biết điều đó có thật không. Luôn có một bức màn mà cháu không thể thấy được khuôn mặt thật sự của họ sau những nụ cười…”.
“Nam hay nữ?”, nhạc sĩ mỉm cười.
“Nữ ạ…”, chị thú nhận. “Hi vọng chú không…”.
“Đừng quên tôi là ai”, Thắng gật đầu. “Lời khuyên cho chuyện yêu đương thì chung chung lắm. Nhưng thời nào cũng vậy, cảm xúc ấy luôn là rượu thôi. Hết cơn say, người ta mệt nhoài, dửng dưng. Mọi điều đẹp nhất đều chỉ diễn ra khi ta uống rượu”.
“Nhưng mình đâu thể say sưa hết đời hả chú… Cháu chỉ biết rằng cháu đang phải mất đi quá nhiều cho tình yêu đó”.
“Thế thì chị chưa yêu”, ông lắc đầu. “Chị chỉ đang ảo vọng về nó thôi. Như “Phải lòng” tôi hát ấy… Vận mệnh cứ bắt một ngày hai mắt phải gặp nhau. Là yêu đó. Không có định nghĩa nào khác đâu. Yêu mà sợ thiệt thân mình thì rời đi e cũng chẳng tiếc nuối gì mà buồn rầu”.
“Cháu ghê tởm chính mình đôi khi cũng vì ý nghĩ đó”, Phương nhắm mắt, cố ngăn mình không khóc. “Đôi khi cháu cũng muốn nghĩ khác đi. Nhưng cháu không chắc người ấy có thể ở bên cháu trong bao lâu. Đã quá nhiều người rời đi… Cháu chỉ không còn tin vào điều đó nữa”.
Thanh đã ở bên Phương những ngày khốn đốn nhất của cuộc đời chị. Nhưng cô cũng thường xuyên có những đêm vắng mặt, chỉ về nhà lúc tối muộn. Trên cơ thể tắm gội kĩ càng của cô, Phương vẫn ngửi thấy mùi đàn ông phảng phất. Thứ mùi của bia rượu và tanh tanh của máu. Thanh chi tiêu có vẻ khá thoải mái dù không có tiền đền bù nghỉ việc. Dù cô nói về khoản tích trữ trong ngân hàng, Phương vẫn biết rằng không có số tiền nào đủ lớn để phục vụ nhu cầu ăn uống, sắm sửa hàng ngày của cả hai quá một tháng ở Tân Cảng nếu không có lương tháng đắp vào. Chị nghĩ đến khả năng xấu nhất, không muốn phải chất vấn Thanh vì biết nữa chỉ thêm buồn. Nhưng chị không thể cứ đơn giản là cất nó vào một góc trong tâm trí mình như món đồ đã cũ. Thân xác chị đã bị vấy bẩn một cách tàn nhẫn, và Thanh có lẽ cũng không chịu đựng nổi điều đó. Nhưng sao con bé phải đi tìm một gã đàn ông thay vì phụ nữ? Rốt cuộc nó còn giấu chị điều gì nữa, và vì sao phải thế?
“Cuộc đời này chưa đủ vô nghĩa sao?”, cuối cùng Thắng kết luận trước khi ăn món lẩu. “Cái gì là vay mượn, níu lấy chỉ rách da nát thịt. Chị chẳng mất gì đâu, có thể cũng chẳng được gì cả. Nhưng được, mất cũng là từ lòng ta suy ra ngoại giới. Miễn ta thấy ấm áp trong giây phút này thì đó chính là ngọn lửa của tình yêu đang cháy”.
“Có lẽ chú nói đúng…”, Phương ngước mắt lên trần nhà, lóa mắt vì chùm đèn vàng rực như ngọn lửa hỏa thiêu phù thủy. “Chắc tại chấp niệm của cháu đáng sợ quá. Cháu có xứng được người ta yêu không nhỉ?”.
“Vào hôm đó, tôi sẽ tặng chị cả Phải lòng và Bartender”, người nhạc sĩ trung niên xuýt xoa vì mùi thức ăn hấp dẫn. “Đừng có làm cái mặt sắp khóc đó nữa. Dù đời có đang như chạm đáy xã hội thì thịt chó vẫn cứ thơm ngon như thường. Tôi gọi đấy là Chuyển kênh”.