Thanh cũng đã từng trải nhiều, nên anh biết lạc giữa rừng nên tìm về phía có nguồn nước, vì nguồn nước như một con suối chẳng hạn có thể dẫn ta đến khu dân sinh. Nếu có suối, chỉ cần đi xuôi theo hạ lưu – theo dòng nước chảy – thì tỉ lệ gặp khu dân cư là rất cao.
Đang đi giữa rừng, bỗng Thanh giật mình đứng sững lại. Mắt anh chăm chăm nhìn vào bụi rừng phía trước. Phía trong bụi cây có cái gì động đậy. Một cái mặt báo to hơn hai bàn tay người gộp lại. Con báo hoa mai từ bụi rậm bước ra, đứng đối diện với hai người thanh niên, chỉ cách chừng 6 – 7 m. Con báo hướng mắt vào hai người, nhìn họ chằm chằm. Thanh quay lại nói khẽ với Quỳnh: “Có báo. Em phải thật bình tĩnh đừng hoảng sợ”. Trước đây, Thanh đã đọc tư liệu nói về việc gặp hổ, báo phải ứng phó ra sao, nên anh khá bình tĩnh. Anh nhớ tư liệu nói phải đứng nguyên tại chỗ, đừng bỏ chạy – Vì dù sao cũng không chạy nhanh hơn báo được. Nếu bỏ chạy thì làm cho con báo thấy bạn sợ nó và sẽ đuổi theo. Không hoảng loạn, đứng yên một chỗ, làm chủ tình thế để con báo biết rằng chính bạn mới là nguy hiểm. Dù sao Thanh cũng vững tâm, anh thấy con báo dài khoảng một m, và chỉ nặng chưa đến 100 kg. Như vậy đây không phải là con báo lớn lắm. Trong khi Thanh cũng nặng tới 70 kg, và anh còn một con dao gấp, một con dao của I ta ly a mà bác anh tặng, lưỡi rất sắc và anh đã cầm sẵn trong tay. Nếu cùng lắm thì có thể sống chết chiến đấu với con báo. Chính vì nhìn nhận như vậy, mà tinh thần Thanh khá vững vàng. Quỳnh đứng sau lưng Thanh, khi nhìn thấy anh vẫn bình tĩnh, cứng cỏi và nghe theo lời anh nên cô đã không hoảng sợ nữa. Thanh nhớ đến những kiến thức anh đã đọc, nên anh giơ tay lên và hét thật to. Anh hét lên từ đáy ruột của mình. Việc giang hai tay và hét to làm cho bạn trở nên nguy hiểm hơn, và quả thực nó đã hiệu quả. Con báo dần dần lùi bước và quay đầu bỏ vào rừng. Sau khi con báo đi khuất, Thanh dừng những hành động lại, tay vẫn còn nắm chắc con dao gấp. Thế là tránh được một trận chiến. Quỳnh hết hồi hộp, cô nói với Thanh bằng những lời mến yêu:
- Anh can đảm quá, nhờ có anh mà chúng mình thoát chết rồi
Thanh nói: Con báo này chỉ nặng gần 100kg thôi em ạ. Nó không phải lớn lắm. Nếu bị dồn vào bước đường cùng, anh có thể chiến đấu với nó bằng lưỡi dao gấp này
Sau cuộc chạm trán với báo, hai người mới biết thêm về vùng rừng núi này nguy
hiểm, gian khó như thế nào.
Thanh nhớ lại cách thức mà một người bạn đi rừng ngày trước đã nói cho anh. Hãy trèo lên một cái cây hoặc mỏm đá cao nhất có thể, để nhìn xung quanh. Thanh thấy gần đó có một cái cây khá cao, rất phù hợp để quan sát, anh bắt đầu leo lên cây đó. Vì từ nhỏ ở thôn quê Thanh đã quen trèo cây, lại được rèn luyện trong quân ngũ, nên việc leo lên cây này không quá khó đối với anh. Khi lên đến gần ngọn cây rồi, Thanh đưa mắt quan sát khắp các phía. Anh cố nhìn xem có thấy một ngọn tháp, hay đồng ruộng, thung lũng, khói xám, nhà cửa, là những dấu hiệu của đời sống con người. Nhưng không thấy những điều đó, không nhìn thấy, không nghe thấy gì. Thanh cố gắng xác định vị trí một con suối từ trên cao. Anh cố nhìn xem ở đâu có những khoảng rừng xanh mướt, hơn những khoảng rừng khác thì chắc chắn ở gần đấy có sông suối. Thanh đã đưa mắt khắp các phía, tìm hình ảnh của những cánh rừng. Phải là một màu xanh mướt – phải là thế, Thanh nghĩ. Nhưng khắp nơi chỉ hiện ra một màu xanh đều đều, không thấy một khoảng nào xanh ngắt hay xanh nõn chuối, tươi tốt hơn cả, và như thế rất khó để biết đâu là có suối.
Thanh leo từ thân cây xuống. Anh chỉ biết một cách tìm sông, suối như thế, nhưng đã không hiệu quả. Rồi Thanh thấy một cái cây rừng đứng một mình, lẻ loi, cô độc, anh bước lại chỗ ấy. Anh đứng quan sát một hồi lâu, đi qua đi lại, xem xét tỉ mỉ. Quỳnh hỏi: -“Cái cây ấy thì giúp gì được mình hả anh?”
- “Em yên tâm” – Thanh bảo – “Cái cây đứng một mình này có thể giúp chúng ta xác định phương hướng đấy. Em thấy không, nửa cây hướng về phía nam thì lá cây rậm rạp, tốt hơn, còn lại nửa cây hướng về phía bắc thì cho ta thấy lá cây thưa và kém rậm rạp. Anh biết ở vùng này, làng bản thường tập trung, sinh sống ở sườn núi phía nam.”
Rồi Thanh đưa tay chỉ: “Vậy cứ theo cái cây thì hướng này là hướng nam rồi.”
Với cách xác định áng chừng như thế – khả năng gặp được thôn bản hay dòng suối thật ít ỏi. Cứ đi và đi về phía nam, với niềm tin nhất định sẽ gặp được bản làng, dù sao cũng không thể đứng chôn chân ở đây được. Chỉ đứng nguyên vị trí trong trường hợp nếu biết có đội cứu hộ hay lực lượng nào đó đang tìm kiếm thôi. Thanh là một chàng trai nghị lực, nhất là lúc này lại có Quỳnh ở bên, nên anh vẫn thấy vui và giữ tinh thần lạc quan, vững trãi như những cội cây lớn của rừng già. Lúc này, Thanh cũng đã quên hẳn căn bệnh ung thư ruột của mình. Toàn bộ tâm trí anh dồn vào việc che chở cho Quỳnh. Thanh dẫn Quỳnh đi tiếp trên con đường lá mục, ẩm ướt và thi thoảng có một vài cây hoa, nở bông đỏ thắm xen lẫn trong đám cây rừng thâm trầm. Bắt đầu con vắt xuất hiện, chúng bám vào chân hai người. Máu chảy ra làm Quỳnh sợ hãi. Những con vắt dày đặc bám vào trong dày, trong quần dài. Hai người phải dừng lại gỡ dày, gỡ quần để bắt lũ vắt ra. Máu chảy thành vệt từ đầu gối xuống. Thanh thấy Quỳnh rất sợ hãi, anh phải nghĩ ngay ra cách chống vắt. Rất may là anh biết cách chống vắt do những kinh nghiệm đi rừng ngày trước. Anh nhớ ra trong túi áo mình có một túi muối trắng, do có răng sâu và đang bị đau nên anh đã mang theo muối phòng lúc ngậm, đồng thời còn một túi thuốc lào mà anh hay hút. Anh lấy thuốc lào trộn với muối, sau đó lấy dao gấp cắt một ống giang ngắn để đựng, rồi anh lấy nước bằng cách cắt dây leo cho nước ứa ra đổ vào. Quỳnh không hiểu nên hỏi: -“Anh làm như vậy để làm gì?”
Thanh đáp: -“Thuốc lào trộn muối, bỏ nước vào sẽ chống được vắt. Cứ khi nào nó bám thì mình lấy miếng vải nhúng vào hỗn hợp ấy là sẽ đuổi được con vắt ra”
Thế là Quỳnh yên tâm vì đã có cách thức của Thanh chống lại lũ họ hàng nhà đĩa.
Khi họ đã thấm mệt thì đã vào tầm giữa trưa, trời vẫn xám xịt và không hửng nắng. Thanh thấy trời u ám như vậy, dễ chừng hôm nay sẽ có mưa, nên anh cố gắng tìm tạm một chỗ để hai người có thể trú và nghỉ ngơi. Đi thêm chừng nửa tiếng nữa, Quỳnh đã không còn đủ sức bước tiếp, Thanh để ý thấy phía xa có một vách núi, có thể nghỉ lại được nên anh cố gắng dìu Quỳnh bước về phía ấy. Đến nơi, Thanh và Quỳnh nhận ra đây là một cái hang nhỏ, mà nước mưa qua hàng triệu năm đã ăn mòn và tạo nên không gian nhỏ bé này. Hai người vào ngồi nghỉ ngơi, thư thả duỗi đôi chân đã mệt nhoài ra tĩnh dưỡng, xoa dịu những nỗi nhọc nhằn. Đây là chút thời gian thảnh thơi để Thanh và Quỳnh ngồi trò chuyện cười đùa với nhau, và khó khăn tạm thời lắng xuống. Được chừng nửa giờ trôi qua, khi Quỳnh đang tạm say trong giấc ngủ, và Thanh thì ngồi tựa vào cửa hang ngắm nhìn quang cảnh, trời bắt đầu đổ mưa. Cơn mưa dài nặng hạt lê thê, u ám và không có chút gì là nhẹ nhàng, phả hơi lạnh vào trong hang nhỏ. Thanh thấy không khí đã bắt đầu hơi lạnh, anh liền nghĩ đến việc đốt lửa sưởi ấm cho Quỳnh. Anh chợt nhớ ra trong túi áo mình còn có chiếc bật lửa mà anh hay hút thuốc, còn cả cái hộp thuốc lá nữa, giấy vỏ thuốc lá có thể dùng nhóm lửa được. Tuy nhiên, trước khi định nhóm lửa, Thanh đi sâu quanh phía trong cái hang để xem đây có phải là hang dơi không. Nếu là hang dơi, anh không thể nhóm lửa được, vì phân dơi là chất cháy nổ. Nhưng rất may, không thấy bóng dáng một con dơi nào, Thanh hoàn toàn yên tâm. Anh liền để bật lửa trong hang, đi vội ra ngoài trời mưa, ngay phía ngoài cửa hang có mấy tàu lá cây khô rơi xuống, được thân cây lớn che chắn từ nãy tới giờ nên chưa ướt mấy, Thanh liền nhặt chúng ôm thành bó rồi bước trở về hang. Anh đốt lửa nhóm củi, và thế là có ngay một cái bếp củi nhỏ, một lúc sau thì Quỳnh ngủ dậy, cô liền nói:
-“Mưa rồi à anh, anh lại còn nhóm được cả bếp lửa nữa à, anh tháo vát quá!”
-“Em ngồi xuống đây cho đỡ lạnh”
Rồi Quỳnh ngồi xuống bếp lửa cạnh Thanh, hai người lại trò chuyện cười vui quên cả núi rừng hoang vu và đầy nguy hiểm. Quỳnh xoa đôi cánh tay cho đỡ lạnh, rồi nói với Thanh:
-“Nhỡ có thú dữ nữa thì sao hả anh?”
-“Em đừng lo” – Thanh vừa nói vừa rút con dao gấp trong túi áo ra, lách ra một lưỡi dao nhỏ, lưỡi dao dài hơn mười cm. Đó là con dao của I ta ly a, trên dao còn khắc hàng chữ Ba lec mo. Lúc trước, khi đến thị xã để tìm niềm khuây khỏa, Thanh dự định sẽ đi vào rừng chơi một ngày, nên anh đã mang theo con dao, và bây giờ Thanh nói: – “Con dao này đủ sắc để anh chiến đấu với thú dữ bảo vệ em.”
Tất nhiên Thanh nói vậy có thể để cho Quỳnh yên tâm thôi, chứ con dao nhỏ xíu ấy làm sao có thể hạ được thú dữ cỡ lớn như hổ, gấu chẳng hạn.
Quỳnh liền nói:
– Anh Thanh ơi, anh có khuôn mặt thật phúc hậu.
– Em thấy điều đó à, cảm ơn em. Em có một đôi mắt thật hiền, cái hiền hậu trìu mến mà khi nhìn vào người ta cảm thấy một sự thanh tĩnh kì lạ
– Em cảm ơn anh – Quỳnh mỉm cười.
Họ vui với nhau như vậy, vì họ, một người trai và một người gái đang tuổi thanh xuân kia mà, cái tuổi luôn có những rung cảm thương yêu, và dịu dàng ấp ủ. Tự dưng khi gặp Quỳnh, lúc này trong tâm trí Thanh lại nhớ đến mấy câu thơ mà anh đã đọc ngày xưa:
– Với anh, em mãi là cô gái dịu dàng, đôn hậu
Dành cho em, anh chỉ có trái tim dũng cảm mà thôi
Nỗi khổ đau chất chứa mãi khôn nguôi
Còn lại nơi anh là tình yêu chân thật…
Anh trầm ngâm nghĩ về câu thơ, nghĩ về cuộc đời mình hôm nay, và về cuộc gặp gỡ này. Phải chăng đây là một định mệnh. Họ gặp nhau không phải trong cái tĩnh lặng, yên vui, mà là gặp nhau trong cơn lốc, khổ đau tận cùng, trong cái khát khao và trong niềm ước vọng của tương lai, trong mộng ước của một thời tuổi trẻ – như đóa hoa thạch thảo tím biếc và dịu thơm, đặt trên bàn để tỏa hương và đón ánh lê minh. Thanh khẽ khàng nhìn Quỳnh, và anh cảm thấy một niềm vui nhẹ nhàng thấm dần vào tâm hồn
Rồi chiều tối dần, Thanh chợt nhận thấy nếu mưa rừng cứ tiếp diễn nặng hạt và dai dẳng, sẽ không tìm được gì để ăn cả. Buổi trưa hai người đã không có gì lót dạ rồi. Nhưng anh cũng không thể làm gì cho cơn mưa dừng lại được. Anh liền quay sang nói với Quỳnh:
-“Em có thể dùng bữa chiều bằng nước mưa được không, chúng mình cùng dùng tay hứng nước mưa để ăn thay cơm nhé!”
-“Có anh, em dùng nước mưa cũng thấy vui rồi” – Quỳnh vui vẻ trả lời.
Rồi hai người ra phía cửa hang, chụm hai tay lại hứng nước mưa và uống từng ngụm một. Họ vừa uống nước mưa vừa cười đùa san sẻ với nhau, tạm gác những nỗi lo lắng, bận tâm lại.
Lúc này, thấy mưa đã ngớt, Thanh cầm con dao gấp để tự vệ, đi ra tìm thêm những cành gỗ hay tàu lá chưa bị ướt nhiều, đem trở về hang. Anh để chúng cạnh bếp lửa đang cháy để làm khô dần, sau đó sẽ dùng chúng bổ sung cho bếp lửa.
Đêm hôm đó, một đêm dài và sâu thẳm. Họ ngồi bên nhau trong cái bóng tối mịt mùng, tĩnh mịch, đầy vẻ đe dọa của rừng hoang ngoài kia. Trong hang, bếp lửa vẫn cháy chập chờn. Quỳnh ngồi và chìm trong tâm tư. Cô thấy thương Thanh biết bao, căn bệnh ung thư là một cái gì đó quá lớn và ghê rợn. Tự dưng cô nhớ lại một câu chuyện lúc trước, cô như vui lên và cô động viên Thanh:
– “Anh đừng quá khổ đau, ung thư chưa phải là kết thúc. Ngày trước, khi còn học phổ thông, em nhớ có mượn được một cuốn sách của người bạn. Quyển sách có tên “Quẳng gánh lo đi và vui sống” của Dale Carnegie. Trong đó có một câu chuyện thật về một người đàn ông sống ở nước Mỹ, bị ung thư bao tử. Bác sĩ nói vô phương cứu chữa, họ phải đưa cả một chiếc ống cao su vào thẳng dạ dày để hút sạch những gì đọng lại bên trong. Họ cũng khuyên anh nên lập di chúc. Vào thời điểm đối mặt với cái chết, anh nảy ra ý định đi du lịch vòng quanh thế giới. Anh mua một cỗ quan tài, cho nó lên tàu, và thỏa thuận với công ty tàu thủy để khi chết xác được giữ trong phòng lạnh cho đến khi con tàu trở về. Anh lên đường mà trong lòng tràn ngập tinh thần tận hưởng cuộc sống. Suốt một năm đi tàu biển, anh đã sống rất vui với chuyến hành trình, không hề ưu tư, lo lắng một điều gì, tâm hồn luôn vui tươi và thư thái. Anh ăn đủ mọi thức ăn trên boong tàu, kết thêm bạn, vui chơi ca hát đến nửa đêm. Đối mặt với những cơn bão biển, anh không hề sợ mà lại càng phấn chấn. Sau một năm trở về, anh đã tăng cân và khỏe mạnh hơn trước. Anh trở lại làm việc và từ đó không bao giờ đau bao tử nữa.”
Câu chuyện của Quỳnh vừa kể tác động mạnh mẽ vào Thanh. Anh thấy tinh thần nâng lên ghê gớm, một sự phấn chấn và lạc quan kì lạ. Anh nói: – “Thật kì diệu, nếu câu chuyện đó là sự thật thì anh vẫn còn hy vọng”.
-“Vâng, hãy lạc quan lên anh nhé” – Quỳnh xúc động -“Em mong cuộc gặp gỡ của chúng ta sẽ đem lại cho anh một điều gì đó, biết đâu chính cuộc hành trình này sẽ giúp anh khỏe lên thì sao”.
Thanh cảm ơn Quỳnh vô hạn, từ giờ anh sẽ không bao giờ lo lắng, ưu tư về căn bệnh. Nếu người đàn ông Mỹ đó đã vượt qua ung thư bao tử bằng một chuyến hành trình vòng quanh thế giới, vì luôn tìm thấy niềm vui bất tận trong cuộc hành trình, thì anh – một chàng trai nghị lực cũng đang tìm thấy niềm vui với cuộc phiêu lưu trong rừng này. Anh chợt nhớ tới lời một người thầy đã dạy anh về giá trị của tinh thần. Sức mạnh tinh thần là sức mạnh lớn lao, nó có thể giúp ta vượt qua tất cả. Đó là sức mạnh vạn cân. Bàn tay anh nắm chắc lại, anh tự hứa với bản thân sẽ luôn sống vô tư, lạc quan với niềm vui to lớn giúp Quỳnh về lại quê hương, và tràn đầy tin tưởng trong cuộc phiêu lưu gian khổ này.
Ba ngày mưa liên tiếp họ vẫn ở trong hang và chỉ dùng nước mưa thay cơm. Đến ngày thứ tư, nhân lúc mưa ngớt hạt Thanh tranh thủ đi quanh phía ngoài cái hang để tìm thêm chút gì đó. Đi được một đoạn anh nhận ra có một cái tổ mối, nhân lúc mưa mối bay ra hàng đàn. Anh liền bắt những con mối đó, đùm vào một cái lá cây lớn, rồi quay về hang. Gặp Quỳnh, Thanh cười nói:
– “Có thêm đồ ăn rồi, cô bé!”
Quỳnh cười:
-“Anh bắt được cả mối cơ à!”
Rồi hai người đặt đám mối lên bếp củi nướng. Mùi mối nướng bùi bùi bay lên, họ lấy tay nhặt từng con mối trên tàu lá chín để ăn, thế là không lo bụng đói toàn nước mưa nữa.
Những đêm dài, họ ngồi bên nhau và tâm sự chuyện đời, trái tim họ nồng nàn khi kể cho nhau nghe về cuộc đời nhau. Trong một đêm như thế, Thanh hỏi Quỳnh:
-“Vì sao em đã bị lừa đưa sang Trung Quốc?”
Quỳnh trầm tư, trên đôi mắt hiền mà bao người trai yêu thích ấy đã ứa ra những dòng lệ, rơi xuống rồi như không kìm được nữa, cô òa lên nức nở, nước mắt như xoáy sâu vào tâm khảm của cô, trong lúc này đây như thấy tâm tình rung lên và xoay trong ký ức. Quỳnh nghẹn ngào:
– “Em đã từng là một cô gái ở một vùng miền núi biên giới, yêu cỏ cây hoa lá và đồng nội, tâm hồn con gái cũng sáng trong, bình dị. Mười ba tuổi, em đã phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi sáu đứa em để giúp đỡ cha mẹ, em bị người ta chửi mắng và hắt hủi nhiều lắm anh ạ. Đã bảy năm rồi em sống trong nỗi truân chuyên, buồn khổ. Năm nay, ở tuổi hai mươi nhưng em nhìn cuộc đời còn đơn giản quá, chưa hiểu những cạm bẫy và những khuôn mặt dối lừa. Em có một người cô họ, luôn tỏ ra quan tâm và chăm chút cho em. Rồi một buổi sáng, bà ấy rủ em đi xuống phố huyện chơi. Em háo hức và theo bà ấy mà không ngờ mình bị cuốn vào cơn lốc của cuộc đời. Buổi trưa, bà ta đã mua cơm cho em ăn. Khi ăn xong, em không còn biết gì nữa và đến khi tỉnh dậy đã thấy mình ở bên kia biên giới, trong nhà chứa của bọn bất nhân. Em không sao quên được những ngày đầu tiên đó, em bị chúng hành hạ và đánh đập tàn nhẫn…”
Nói đến đây Quỳnh vùng dậy lao lại phía Thanh vùi đầu vào vai anh mà khóc. Những nỗi thảng thốt, bàng hoàng làm nước mắt Quỳnh tuôn trên bờ vai áo đã sờn của Thanh. Thanh vòng tay qua lưng Quỳnh, siết thật chặt, đôi mày nhíu lại vì căm giận lũ bất nhân, và đôi mắt rưng rưng vì thương Quỳnh biết mấy. Thanh nói với Quỳnh:
– “Anh biết, anh biết, người con gái đáng mến. Em bị ám ảnh trong tâm tưởng vô cùng, nhưng rồi sẽ có suối nguồn yêu thương rửa sạch những bùn đen và ám ảnh đó, sẽ có điều tốt đẹp đến với em, như hôm nay nước mắt của em và bờ vai anh đã gặp nhau rồi đấy. Cố gắng lên em nhé, cứ lúc nào hãi hùng đến trong tâm trí thì em hãy nghĩ đến hình bóng anh, hình bóng anh xuất hiện sẽ xua đi mọi nỗi hãi hùng. Và lúc nào em cũng nhớ là anh luôn đồng cảm với em, lòng anh thương em biết mấy cho vừa.”
Những lời nói của chàng trai đã làm cho Quỳnh thôi thổn thức, tâm tư cô dịu đi và nước mắt đã ngừng lại. Cô thấy trong lòng nhẹ nhõm và tâm hồn sáng trong trở lại, có lẽ bây giờ tâm hồn ấy lại đẹp đẽ như những phiến thạch anh. Cô vẫn vùi đầu vào vai Thanh, để rất lâu và cảm nhận tất cả sự bình lặng êm đềm.
Có những đêm, Thanh kể cho Quỳnh nghe về “Cánh lính chúng anh” như lời của Thanh – đó là ký ức về những ngày trong quân đội của anh. Có biết bao chuyện buồn vui của những ngày đó, Thanh muốn kể cho người bạn gái nghe. Trong một đêm mưa rừng lặng lẽ như đêm nay, anh ngồi bên em và nhớ Sư đoàn của mình. Quỳnh cũng cảm nhận hết được những dư âm đang thổn thức trong Thanh. Cô ngồi lắng nghe và chìm sâu trong những lời kể trầm ấm của người bạn trai. Thanh nói:
– “Anh đã từng đóng quân ở Thanh Hóa. Cứ đến đợt là đơn vị lại hành quân dài ngày, đi qua những vùng núi đồi mà màu xanh ấp ủ, trải dài để vào đến Nghệ An em ạ. Đơn vị đi đông vui lắm. Cả một đoàn quân dài, nối nhau đi trong chuyến hành quân. Bọn anh còn đi chặt cây keo giúp bà con ở những vùng đồi tây nam Thanh Hóa. Cánh lính lúc nào cũng hồ hởi và giữ được niềm tin yêu với cuộc đời. Mang trong mình tình yêu quê hương đất nước. Rồi cả tình cảm cá nhân nữa. Có gì buồn đâu trong một chuyến hành quân, được chứng kiến đất nước bao la, và nhớ đến nghĩa vụ của mình với quê hương.Có lúc nhớ người bạn gái cùng học chung mái trường, như anh chẳng hạn, anh thường xuyên nhớ người bạn gái ngồi bàn trên, lúc nào đến lớp anh cũng được thấy mái tóc, thấy bờ vai nhỏ nhắn và chiếc buộc tóc xinh xinh màu trắng. Đấy, có thế thôi mà trong đợt hành quân lúc nào anh cũng thấy vui rồi. “
-“Đó là cảm tình tuổi học trò của anh à?” – Quỳnh vui hỏi.
-“Đúng rồi cô bé ạ” – Thanh cũng cười vui, rồi anh kể tiếp những kỷ niệm khác trong đơn vị. Khi đêm đã rất khuya rồi, và Quỳnh đã ngủ say, Thanh còn nằm thao thức một hồi lâu, lúc ánh mắt của anh khép dần để chìm vào giấc ngủ thì trong tâm tư bao giờ cũng mang theo một nỗi niềm: Ôi, nhớ Sư đoàn biết bao!
Mưa cứ thế tiếp diễn, những ngày sau có phần dai dẳng và nặng nề hơn, không ngơi ngớt hạt. Thêm ba ngày nữa, họ chỉ sống bằng nước mưa và chút mối kiếm được. Vậy là Thanh và Quỳnh hai người đã sống trong cái hang nhỏ này luôn một tuần liền. Nhưng họ không hề lả đi chút nào dù thiếu chất, dù ăn uống đơn sơ vì niềm vui họ đã có được khi bên nhau rất lớn lao và tràn ngập. Cuộc đời hai người không hề buồn, rừng vẫn là một sự cầm chân hai mảnh đời, nhưng trong hang đá ẩm thấp, sự rung cảm thương yêu luôn tràn đầy, không lúc nào vơi. Người con trai ấy đang chở che và như một đạo quân tình nguyện, anh nguyện là tấm lá chắn cho người con gái khổ đau. Hai chữ “lá chắn” thiêng liêng biết bao, chiếc lá chắn ấy sẽ đón nhận tất cả những gian lao và nguy hiểm vào mình, để cô gái có được sự bình yên, tĩnh lặng trong những biến động của thời tuổi trẻ. Người con trai hiền hậu là anh sẽ không chùn bước, và không lúc nào quên tình cảm thương mến Quỳnh. Thương mến em, bảy năm trời khổ đau, anh thốt ra lời trong ý nghĩ như vậy.
Tuấn Lưu (1 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 325
Em có thể đọc các chương khác ko ủng hộ a xíu
Tuấn Lưu (2 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 325
Anh cảm ơn em rất nhiều, rất nhiều em nhé
Nguyên Thảo (2 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 1486