Chương 8: Vượt suối và gặp thôn bản
Rồi hai người đứng lên, họ đi tiếp dọc theo con suối nhỏ. Suối rất cạn và nước chảy nhỏ nhẹ, nên họ đi dưới lòng suối và chân lội từng bước qua từng phiến đá cuội. Họ đi mãi, đi mãi đến giữa trưa đã thấm mệt, đôi chân hai người đã rã rời và từng thớ thịt như hằn vào vết mỏi, nhưng vẫn chưa thấy được một thôn bản nào ở bên suối cả. Quỳnh mệt quá, cô níu lấy tay Thanh và kéo anh ngồi xuống một phiến đá: “Mình ngồi xuống đây nghỉ một chút đi anh”. Thanh cùng Quỳnh ngồi xuống và buông thõng đôi chân, dải núi đồi hai bên chạy dài tít tắp và vẫn giữ tất cả vẻ thâm u trầm mặc.
– Quỳnh ơi, em có mệt lắm không? – Thanh nhẹ nhàng hỏi.
– Em không còn đủ sức đi tiếp nữa rồi – Quỳnh đáp – Có lẽ mình ngồi nghỉ thật lâu anh nhé!.
Thanh tuy sức của người trai trẻ nhưng lúc này đôi chân anh cũng đã trĩu xuống, anh cũng muốn nghỉ lâu một chút. Quỳnh tựa đầu vào vai Thanh, anh lúc nào cũng là chỗ dựa cho cô, cô luôn tin tưởng anh, và trong tâm tư của cô lúc nào anh cũng là cây lim xanh quý giá và bền vững. Thanh đưa tay xoa mái đầu Quỳnh, vuốt tóc mai của cô nhè nhẹ, ôm ấp mái đầu cô vào trong vòng tay mình. Anh thấy chính cô như truyền sức mạnh cho anh, bên cạnh một người con gái yếu đuối anh thấy mình vững mạnh hơn. Đặc tính của người con trai như anh là thích che chở, nhất là khi che chở cho một người con gái. Anh nói với cô:
– Gắng gượng lên em, rồi tất cả khổ đau sẽ trôi qua hết thôi, tất cả rồi sẽ chỉ còn là quá khứ, rồi hạnh phúc sẽ đến với em, tin tưởng em nhé.
Quỳnh khẽ bảo:
– Vâng, em sẽ gắng gượng, nhất định vậy, em còn có anh cơ mà, em đâu có cô độc.
Họ cứ ngồi thủ thỉ bên nhau như vậy. Lâu lâu lại có một cơn gió nhẹ thổi qua vùng không gian quang đãng trên mặt suối, phả vào khuôn mặt hai người làm tóc Quỳnh bay lên, lau từng giọt mồ hôi đã trĩu xuống dưới khuôn mặt hai người. “ Quỳnh ơi, có lẽ nào trong tâm tư một người con gái tất cả khổ đau chỉ là một cuộc hành hình của số phận, trong tâm hồn em liệu còn góc bình lặng nào không, khi dù sao giờ đây trên cuộc đời mịt mùng em còn có một người con trai che chở, nhưng tiếc rằng anh cũng chẳng còn sống được bao lâu nữa” tự dưng một cảm nghĩ thoáng qua trong thâm tâm Thanh như vậy. Thanh lấy lại nghị lực, anh đứng lên nắm tay Quỳnh rồi nói:
– Cứng cỏi lên em, dù anh biết có thể em đã kiệt sức rồi nhưng hãy nắm lấy bàn tay anh, hãy cố gắng lên, có lẽ không còn xa nữa đâu sẽ có một bản làng ở nơi đây, anh tin là như vậy, chắc chắn sắp tới nơi rồi.
Quỳnh tuy lả đi nhưng cô vẫn cố gắng siết chặt lấy bàn tay chàng trai, miệng cô khẽ nói:
– Nếu anh tin là như vậy thì em cũng giữ niềm tin đó, em luôn tin vào anh mà.
Rồi cô gượng đứng dậy, bàn tay nhỏ bé vẫn siết chặt tay Thanh, hai người cùng bước đi theo dòng chảy của con suối về phía xa. Họ đi từng bước mệt nhọc và giữ niềm hy vọng, niềm hy vọng ấy cứ trôi chảy mãi trong họ như con suối này. Rồi bỗng dưng, đến một quãng Thanh chợt nhận ra phía trước mặt con suối đã chảy vào một con sông, hai dòng nước hòa chung vào nhau. Anh quay sang nói với Quỳnh: – Quỳnh ơi ta đã đi đến một con sông rồi, thể nào cũng có làng bản ở đây.
Hai người bước lên bờ, chen lấn đám bụi cây rậm mà đi, họ đứng bên sông ngước nhìn xa xa. Rồi họ đi dọc bờ sông, vượt qua những bãi đá, những gò đất, những đám cây rừng vô cùng rậm rạp. Khi Thanh bước lên một gò đất cao, anh ngước nhìn và reo lên vui mừng với Quỳnh:
– Anh thấy bên kia sông có những nóc nhà thấp thoáng trong rặng cây rồi em ạ, cả khói bếp bay lên cao nữa, chúng mình đã đến nơi rồi.
Quỳnh mừng vui biết bao, cô với lấy tay Thanh: “Cho em lên xem với!”
Và hai người cùng đứng nhìn về phía bên kia sông, đôi mắt cười rạng rỡ. Quang cảnh của vùng sơn cước với thôn bản thật thanh bình, có những cây cau cao vòi vọi xếp dãy hàng ngang trước bản. Hai người chẳng chờ đợi nữa, họ cùng bước ngay xuống để tìm về nơi bản ấy. Đến bên sông, họ thấy dòng nước đục ngầu màu vàng của giấy đã hoen nhiều năm, dòng chảy mạnh và trông có vẻ đáng sợ. Thanh bảo với Quỳnh: “Đây chỉ là một con sông rất nhỏ thôi, anh bơi giỏi lắm, để anh lội ra giữa dòng xem nước có sâu không em nhé.” Rồi Thanh lội xuống nước, đôi chân bước từng bước rất nhẹ, từng bước một và một lát anh đã có mặt ở giữa dòng sông.
Con sông nhỏ rất cạn, nước chỉ đến ngang thắt lưng. Anh quay lại nói to với Quỳnh:
– Không sâu đâu em ạ, em nhìn này nó chỉ đến ngang bụng anh và chảy cũng không mạnh lắm đâu.
Rồi anh bước lại phía bờ, gặp Quỳnh anh bảo:
– Để anh dắt em lội sang bên kia con sông nhỏ này nhé!
– Không, em sợ lắm, nước chảy mạnh như thế cơ mà- Quỳnh lo lắng
– Không đáng sợ như em nghĩ đâu, đấy là em đứng trên bờ thì thấy sợ hãi thôi, còn anh đã lội đến giữa sông rồi, không có gì đáng sợ cả.
Rồi Quỳnh lấy lại can đảm, cô nói với Thanh: “Em sẽ cố gắng đi qua, nhưng anh phải luôn cầm lấy tay em giữ chặt đấy nhé!”
– Ừ, được rồi, em cứ níu lấy tay anh bám thật chắc là được- Thanh đáp
Rồi Quỳnh theo Thanh bước xuống dòng nước chảy. Hai người cứ rón rén bước lần để đi. Thi thoảng Quỳnh lại sụt chân xuống, có lẽ có những hố lõm do đá phía dưới sông, làm cô chùn người xuống, và lúc ấy cô lại ghì chắc lấy cánh tay Thanh. Dòng nước chảy mạnh làm người cô có lúc dạt về một phía theo dòng chảy, thấy vậy Thanh kéo mạnh tay Quỳnh về phía mình và động viên cô: “Em đừng lo, có anh đi cùng đây sẽ không sao cả, anh luôn ở bên cạnh em mà”. Đôi tay hai người cứ níu chặt lấy nhau, khăng khít quá và dường như hai cánh tay ấy cứ muốn siết lấy nhau mãi mãi. Rồi cuối cùng họ cũng đã đến bờ, họ bước lên và lúc này Quỳnh mới thở phào nhẹ nhõm. Hai người đứng lại một lát, Thanh nói: “Thế là đã qua con sông rồi, thôn bản đã ở ngay kia, rồi chúng mình sẽ có những ngày nghỉ ngơi thanh bình sau bao nhiêu gian khó. Vậy là anh và em có một nơi ở tạm rồi”.
– Thôn bản đẹp quá anh nhỉ – Quỳnh nói – Em cũng từng mơ ước một góc bình lặng như thế này!
Đứng nghỉ một lúc rồi Quỳnh cầm lấy bàn tay Thanh và bảo: “Ta đi thôi anh!”
Trong chốc lát hai người cùng bước lại phía bản. Bản làng hiện ra với những mái nhà tranh cao thấp theo triền núi, cây cối xanh um bao trùm cả bức tranh, những thửa ruộng bậc thang trải ra mơn man lúa. Xa xa phía sau nền khung cảnh là những dãy núi trông thấy cả con đường mòn chạy lên cao. Trước bản hoa nở những bông bé xíu dịu dàng e ấp trong những nhành lá, những hàng rào bằng tre bao quanh giậu hoa và những luống rau. Tất cả đều làm nên vẻ đẹp thanh bình, hồn hậu của vùng quê xa xôi cách trở này.
Hai người bước lại gần ngôi nhà đầu tiên, đây là một ngôi nhà dựng bằng gỗ, tre nứa và lợp mái tranh phơn phớt vàng. Có một ông cụ đang ngồi trước cửa giã vừng, bên cạnh là một ấm nước trên một cái chõng tre nhỏ nhắn. Thanh cất tiếng nói bằng tiếng Quan Thoại:
– Chào bác ạ!
Người đàn ông quay sang ngước nhìn hai người khách lạ, rồi hỏi:
– Các người là những người ở đâu?
– Chúng cháu là những người bị lạc trong rừng, đã hơn một tháng nay rồi, hôm nay gặp được bản làng đây chúng cháu mừng quá. Bác có thể cho chúng cháu nghỉ lại ở nhà mình được không?- Thanh đáp
Người đàn ông chăm chú nhìn kĩ hai người, đôi mắt của người già như đang dò thăm hình dáng và biểu hiện của đôi bạn trẻ:
– Các cháu từ đâu đến?
– Chuyện của chúng cháu dài lắm, rồi từ từ chúng cháu sẽ kể cho bác nghe tất cả- Thanh đáp
– Vậy là các cháu là những người bị lạc trong rừng à, được rồi, trông các cháu cũng là những người tốt đấy, cứ ngồi nghỉ ngơi kể lại cho bác nghe xem mọi chuyện như thế nào – ông cụ bảo.
Dù sao gặp ông cụ hai người cũng mừng vui quá, quay sang nhìn nhau cười rồi Thanh nói với ông cụ:
– Chúng cháu đều là những người tốt cả, bác đừng lo!
Ông cụ bảo:
– Các cháu bị lạc trong rừng những hơn một tháng kia à, thế các cháu sống ra sao, lại đây ngồi xuống chõng nghỉ ngơi, uống chén nước cho lại sức rồi kể chuyện cho bác nghe xem nào.
Thanh nắm tay Quỳnh, hai người ngồi xuống chiếc chõng tre. Ông cụ rót nước mời hai người. Thanh và Quỳnh đưa tay nhận nước, uống từng ngụm và nhận ra đây là một thứ nước pha từ một loại cây rừng núi. Hương vị của thứ thảo mộc này nhẹ nhàng và ấm áp, làm họ cảm thấy khuây khỏa đi phần nào sự mệt mỏi. Quỳnh quay sang Thanh nói:
– Nước ngon quá anh ạ!
Thanh hỏi ông cụ:
– Đây là nước gì thế bác?
Ông cụ cười:
– Đây là nước của cây Thang Lan, bác hái ở trong rừng về pha trà, rất tốt cho tinh thần đấy!
– Vâng, quả là thứ nước này rất ngon – Thanh nói – Còn chuyện của chúng cháu ấy à, nó như thế này…
Rồi Thanh kể lại câu chuyện từ đầu đến giờ cho ông cụ nghe, chuyện của từng mảnh đời hai người, rồi sự gặp gỡ của họ và cuộc phiêu lưu cho đến hôm nay. Trong một buổi chiều tâm sự như chiều nay, khi ngoài trời phảng phất những cơn gió đi qua cánh đồng, và nước trong không khí và trên những giọt mái tranh còn rơi rớt lại sau đêm mưa, thì mọi nguồn chảy trong nỗi lòng cứ thế dâng trào. Ông cụ lắng nghe chăm chú, thi thoảng đưa tay lên vuốt râu và nâng chén nước lên làm một vài ngụm nhỏ. Sau khi Thanh kể xong, ông cụ bảo:
– Bác đã hiểu mọi chuyện của hai cháu rồi, các cháu có thể nghỉ ngơi lại nơi đây. Làng bản chẳng có gì, đơn sơ mộc mạc lắm, ăn muối, ăn rau thế thôi. Các cháu ở lại rồi đi lên nương làm rẫy với mọi người ở đây, sống cùng dân bản cho vui cũng được.
Rồi đột nhiên ông cụ nhớ ra và bảo:
– À, đúng rồi, bác có người cháu ruột đi làm xa, ở tận tỉnh lỵ, nó lái xe đường dài từ thành phố tỉnh lỵ về biên giới Việt – Trung. Nhưng nó ít khi về thăm bản lắm. Năm, sáu tháng nó mới về một lần. Hay là các cháu cứ ở đây, để đến khi nó về bác sẽ nhờ nó đưa các cháu về vùng biên giới.
Thanh và Quỳnh mừng vui:
– Thế cũng được bác ạ!
Rồi ông cụ dẫn hai người đi vào nhà, chỉ chỗ cho họ nghỉ ngơi. Sau khi gặp ông cụ, Thanh mới biết vùng rừng núi mà hai người bị lạc là thuộc tỉnh Quý Châu.
Đến chiều tối, anh chị chủ nhà, tức là con trai và con dâu ông cụ cùng mấy đứa cháu nhỏ đi làm rẫy về, cũng gặp gỡ Thanh và Quỳnh, họ cùng chào nhau và trò chuyện bên bữa cơm chiều trong ngôi nhà nhỏ. Quỳnh cũng nói được tiếng Quan Thoại, cô bị đầy ải tuy chưa lâu, nhưng quê ở vùng biên giới, dù vậy khả năng nói của cô không được tốt lắm. Cô chỉ biết ở một chừng mực nào đó thôi, và trong giọng nói phát âm của cô cũng còn bị lỗi. Hai anh chị chủ nhà cũng đã biết chuyện đời của những người khách lạ, họ cũng cảm thông và trong lòng họ cùng thấy chung tâm sự của những người khổ cực. Chị chủ nhà bảo:
– Các em cũng như anh chị thôi, cực lắm. Ở đây bữa cơm chỉ có rau, có vừng, có lạc thôi, nhưng được cái cũng thanh bình, tĩnh lặng. Các em ở đây không phải nhốn nháo, xô bồ như người thành thị đâu. Ở đây với anh chị và bác bao lâu cũng được. Ngày mai hãy đi cùng anh chị lên làm nương rẫy cho vui.
Quỳnh nhìn đôi bàn tay của chị Hà, chị chủ nhà, mà cảm thấy trong lòng se sắt lại. Bàn tay minh chứng cho cuộc đời lam lũ, khắc nghiệt và gian lao biết bao. Cô thấy, dù sao bàn tay của cô cũng còn là bàn tay con gái, còn trắng trẻo và nhỏ nhắn, chứ không xù xì, to bản và chai sạn như bàn tay của chị. Anh Thủy, chồng chị là một người lao động chất phác, hiền lành làm Thanh tự dưng lại nhớ đến anh Nhuận Thổ trong truyện ngắn “Cố hương” của Lỗ Tấn, câu chuyện mà Thanh đã được đọc hồi còn đi học. Mấy đứa trẻ thơ đen sạm và gầy gò, hồn nhiên gắp thức ăn và cười đùa vui vẻ. Tất cả những con người ấy, họ cùng quây quần lại bên một bữa cơm chỉ có cây rau, và những chén rượu miền núi nồng nàn. Ăn cơm chiều xong, Quỳnh và Thanh giúp anh chị dọn dẹp bát đũa. Quỳnh bảo:
– Để em giúp chị rửa bát!
– Để cả anh nữa, anh cũng rửa bát cùng hai chị em – Thanh nói.
– Không, anh là con trai mà, để em và chị rửa cũng được!
– Không được, anh không để em làm lụng một mình đâu, một người con trai luôn phải bên cạnh người bạn gái của mình.
Quỳnh cười, cô không chỉ cười trên môi đâu mà cô cười ngay cả trong thâm tâm của cô. Cô đã có một người trai luôn bên cạnh trong những tình huống lớn lao và trong cả những điều nhỏ nhặt. Rồi mấy chị em ngồi bên bờ giếng, tiếng nước trong gàu rơi róc rách và họ cùng cười vui nói chuyện với nhau khi rửa chén. Bầu trời tối dần, ngày hôm ấy trôi qua như thế.
Đêm, ông cụ và anh Thủy trải cho hai người hai chiếc chiếu ở một góc nhà, và họ nằm ngủ ở đấy. Thanh nằm sát cửa sổ, cánh cửa vẫn mở tự lúc nào và anh nhìn thấy đồng ruộng rì rào phảng phất, gió trời thổi lộng làm anh thấy mát mẻ và tâm hồn rộng mở. Anh nghĩ về cuộc đời mình và cả cuộc đời Quỳnh, người con gái mà giờ đây anh đang che chở. “Em sẽ ra sao nếu mình không còn nữa, nhưng không, chắc chắn mình sẽ còn sống đến ngày Quỳnh về được lại quê hương xứ sở. Chúng mình cứ ở nơi đây, dù sao mình cũng còn thấy khỏe trong người và chỉ vài tháng nữa thôi, như ông cụ nói người cháu ruột của ông sẽ về và chúng mình sẽ đi nhờ xe về vùng biên giới, thế là tất cả sẽ ổn thôi mà.” Thanh suy tư một lúc rồi anh cũng chìm dần vào giấc ngủ, giống như Quỳnh, vì cả hai đều đã thấm mệt sau ngày dài vượt suối. Ngoài kia, đêm sâu thẳm và tĩnh mịch, êm đềm.
Đến sáng hôm sau, Thanh và Quỳnh cùng dậy sớm theo anh chị và bác chủ nhà. Họ cùng thu xếp đồ đạc, dụng cụ để lên nương. Họ làm lụng trên những triền đồi bên cạnh những vạt rừng thưa. Thanh thấy sức khỏe của mình không hề yếu đi, mà anh lại còn thấy khỏe lên vì niềm vui vô hạn, có Quỳnh ở bên và trong một không khí lao động giữa vùng thiên nhiên này. Thi thoảng, Quỳnh lại hỏi thăm sức khỏe của anh và cho anh sự quan tâm dịu hiền của một người con gái. Cứ một lát, khi trên trán Thanh những giọt mồ hôi rơi xuống, là Quỳnh lại lấy khăn lau mồ hôi cho anh. Đôi lúc, giữa khi lao động anh lại dừng nghỉ và ngắm nhìn Quỳnh, chỉ là nhìn trộm thôi và Quỳnh không hay biết, vẻ đẹp của cô cũng làm anh thấy vui như sự dịu hiền của cô vậy. Và mỗi lần nhìn cô, anh lại nhớ ra sứ mệnh của mình, anh phải hăng hái vươn lên trên con đường gian khổ, phải luôn vui khỏe để đem lại hạnh phúc cho Quỳnh.