Tôi ngồi lặng thinh trong căn phòng trống. Phòng tôi khá thoáng mát, nội thất đơn sơ, cũng không phải thuộc dạng sang giàu cho lắm.
Ngồi yên như thế, đèn không bật, mọi thứ tối om.
Văng vẳng bên ngoài là giọng nói của bố và mẹ kế, giọng bố rất to, dường như cố tình để tôi nghe thấy.
Đã mấy hôm nay tôi và bố không nói chuyện với nhau rồi. Chúng tôi chiến tranh lạnh.
“Cái loại con cái lớn tướng rồi cần phải ra ngoài lập nghiệp nuôi cha nuôi mẹ chứ không phải cứ nằm ì ở nhà ăn bám như thế. Đuổi hết. Con cái đếch gì, không có trách nhiệm trong gia đình thì đuổi hết.”
“Tao nói là làm đấy. Chị chị em em gì đuổi hết.”
Tôi cười nhạt.
Cứ ngỡ tôi đau đớn lắm, nhưng hoá ra khi nghe bố nói vậy, tôi lại thấy nhẹ nhõm.
À, thì ra là vậy. Mình cũng chỉ là như người dưng thôi.
Gánh nặng phải làm hài lòng bố mẹ của tôi không còn, tôi thấy nhẹ nhõm đến đau lòng.
Trong người tôi chẳng còn cắc bạc nào.
Thật ra trước đây tôi vẫn có tiền, nhưng cơn trầm cảm kéo dài khiến tôi chẳng muốn làm bất cứ điều gì nữa.
Tôi nghỉ làm, tôi vứt hết những trách nhiệm trên vai, trở về căn phòng cô đơn của mình.
Và từ đó, tôi trở thành kẻ bất hiếu, ăn bám cha mẹ.
Phải rồi, nói cũng đúng.
Giấc ngủ của tôi khi nông khi sâu, đi vào đi ra thì chạm những gương mặt lạnh nhạt của người gọi là người thân. Tôi chỉ biết im lặng, tôi đột nhiên chán chường một cách khó hiểu.
Không đói không no, không muốn ăn không muốn ngủ, chỉ muốn ngồi yên một chỗ như thế.
Thi thoảng tôi lại nghe tiếng mẹ làm việc dưới bếp – công việc mà mọi hôm tôi phải làm, thì nay tôi đã bỏ bê, tôi nghe thấy mẹ tạo ra những âm thanh rất to và mạnh, còn tưởng mẹ muốn ném nồi ném chén đến nơi.
Căn bệnh trầm cảm của tôi bắt đầu lâu lắm rồi. Lâu tới mức tôi cứ ngỡ là nó đã mất.
Tôi nhớ như in lần đầu tiên tôi muốn chết là vào khoảng lớp ba. Đột nhiên hôm đó tôi tới lớp, nhìn các bạn nói cười vui vẻ, ai cũng hồn nhiên, riêng tôi tủi thân một cách lạ kỳ, và tôi đã bật khóc giữa lớp trong khi chẳng đứa nào trêu tôi cả.
Nặng nề, trì trệ, chẳng muốn sống nữa, sống để làm gì, tôi tự hỏi.
Tôi luôn luôn nghĩ về cái chết, nhưng tôi nghĩ về mẹ ruột của tôi, bà ấy đã tự vẫn khi tôi chưa tròn một tuổi.
Tôi không muốn bước theo mẹ. Hẳn là phải có cách nào đó để thoát khỏi tình trạng này, tôi luôn luôn hy vọng.
Và chỉ cần sống thôi là được.
Chỉ cần sống thôi.
Hãy sống đi.
Tôi tự nhắc tôi như thế.
Luôn luôn, ngày nào cũng vậy.
Cho tận năm hai mươi tư tuổi, mọi hy vọng mơ về một ngày thoát khỏi trầm cảm của tôi vụn vỡ.
Tôi chịu thua rồi.
Tôi không thắng được nó.
Rốt cuộc thì hạnh phúc mà thế giới thường hay nói tới, nó chẳng phải là đích đến mà tôi cần.
Có tiền là hạnh phúc, tôi cũng từng có rồi. Có nhan sắc là hạnh phúc, tôi cũng thuộc dạng xinh đẹp. Mua được những đồ mình thích, đến được những nơi mình muốn đến, công việc tốt đẹp, bạn bè đông vui, tất cả tất cả, tôi đã có rồi, nhưng vì sao trong tôi vẫn trống rỗng đến vậy?
Vui vẻ chớp nhoáng, theo đuổi cảm xúc, tất cả chỉ là giả.
Nó không tồn tại mãi mãi.
Hôm trước tôi và bố cãi nhau một trận, tôi không kìm nén như mọi khi nữa, vì nó đã quá sức chịu đựng của tôi.
Tất cả chỉ vì vài cái vỏ bưởi mà mẹ tôi ăn xong để đấy, không dọn dẹp.
“Thấy bẩn thì dọn đi chứ.” Bố ra lệnh, “Mày không thấy chướng mắt à?”
Tôi ngồi lặng thinh.
Bố lại quát: “Mày không thấy chướng mắt à?”
Tôi đốp lại: “Bố ở bẩn thì đừng dạy con sạch. Mọi hôm là ai dọn dẹp? Gà không gáy thì mặt trời vẫn mọc, con không sạch sẽ vì được bố nhắc đâu.”
Tôi sở dĩ muốn để mặc những bãi rác đó là vì tôi quá mệt mỏi. Nhà có bốn người, ba người đi xả, một người dọn.
“Mày là cái đồ mất nết.” Rồi bố lại lảng sang chuyện khác để cạnh khoé tôi, “Lẽ ra như con nhà người ta là phải nuôi cha nuôi mẹ rồi.”
Tôi phì cười: “Sao lúc trước ở trước mặt đông người, bố nói bố chả cần con nuôi? Bố nói trên đời này chả có đứa con nào nuôi được cha mẹ hết mà!”
“Đấy là tao nói thế! Chứ thật ra mày vẫn phải nuôi!”
“Đừng đòi hỏi.” Tôi lạnh giọng, “Bỏ bê con cái lúc con cần nhất thì đừng đòi hỏi quá nhiều!”
“Tao bỏ bê mày cái gì? Tao nuôi mày lớn để mày nhảy vào họng tao hả?”
“Lúc con bị hiếp dâm, bố có đứng ra bảo vệ con không? Bố khuyên con hãy quên thì thằng chó đó, bố đã nghĩ cái gì?”
“Lúc đó mày còn quá nhỏ, tao cũng chẳng còn cách nào…”
Tôi tức tới mức bật cười.
“Không phải không có cách. Mà vì bố sống đếch có đạo đức. Có thể bình thường hoá một thằng chó đi ấu dâm con gái mình, để nó nhởn nhơ ngoài pháp luật thì chắc chắn là sống vô đạo đức.”
“Lúc đó tao bận.”
“Bận gì?”
Bố quát.
“Bận đi làm kiếm tiền nuôi mày. Cái loại con cái mất dạy! Đồ bất hiếu!”
Tôi cũng to giọng.
“Con thà mang tiếng một đứa bất hiếu! Thà bất hiếu, còn hơn để thằng ấu dâm sống hạnh phúc. Để thằng chó đó vác con hàng của nó đi kiếm nạn nhân khác, đứa trẻ khác!”
Giọng bố hơi nhẹ lại.
“Chuyện có thế mày cứ nhắc đi nhắc lại hoài. Quá khứ cả rồi, sống là phải nghĩ đến tương lai.”
“Bố đã bị hiếp dâm chưa?”
Bố tôi im lặng.
Tôi gằn giọng: “Bị hiếp dâm chưa?”
Chuyện là thế đấy. Sau hôm đó, tôi và bố tôi có lẽ chẳng qua chỉ có quan hệ máu mủ, chứ tình thương giữa người với người đã bị khuất lấp mất rồi.