Nhìn bóng lưng Quang vào bếp, tôi lại nghĩ vẩn vơ về chuyện của mình.
Từ khi bỏ việc về nhà, tôi nghĩ, ừ thì mình cũng nên làm gì đó cho gia đình ngay cả khi tôi không có gì. Từ việc nấu ăn, dọn dẹp, ngày nào ngày nào tôi cũng làm.
Lúc ấy thái độ của mẹ kế bớt căng thẳng với tôi ngay, tôi ngây ngô nghĩ, có lẽ chúng tôi vẫn có thể hàn gắn được.
Cho đến một hôm tôi mệt tới nỗi không thể rời giường, tôi không làm gì cả.
Ngay lập tức bố mẹ quay ngoắt một trăm tám mươi độ, chửi rủa tôi tới mức tôi không kịp vuốt mặt.
“Bố mẹ đi làm về là phải có cơm ăn ngay rồi! Mày là con, có mỗi mấy cái việc nhỏ này mà cũng không làm được hả? Đã không phải đi làm kiếm tiền rồi thì ở nhà phải biết mà làm chứ!”
“Con mệt.”
“Mệt đéo gì? Mày ở nhà mà mệt cái đếch gì? Tao đi làm mồ hôi mồ kê ướt áo còn chưa kêu, mày là cái gì?”
Tôi sững sờ. Và bất chợt tôi nhận ra một sự thật phũ phàng, khi người ta làm quá nhiều, thì chỉ cần không làm một lần, lập tức những công sức mình bỏ ra đều công cốc trong mắt họ.
Tôi đau ốm cũng không chìa tay xin một nghìn, chỉ biết nhốt mình trong phòng cho đến khi bệnh tự đỡ.
Và từ ấy, tôi cũng chẳng tự ép mình phải làm này làm kia cho bố mẹ nữa, mọi công sức của tôi không được tôn trọng đến vậy, thì cũng đâu cần thiết phải cố gắng làm gì.
Có lúc tôi đã nghĩ, hay là mình đi làm rồi cuốn gói khỏi đây cho rồi?
Nhưng sực nhớ, chẳng phải năm cuối cấp ba, khi tôi rời khỏi gia đình tôi cũng đã nghĩ vậy hay sao? Rồi nhân duyên đưa đẩy, tôi lại phải trở lại căn nhà cũ, giải quyết những khúc mắc cũ.
Tôi nghĩ, nếu bài này tôi chưa học xong, thể nào tôi cũng phải gặp chuyện tương tự để tiếp tục giải bài, không thể trốn tránh thêm nữa.
Tôi có giận, có hận, có muốn đi làm kiếm tiền đi chăng nữa, thì động cơ của tôi cũng không tốt lắm. Thời điểm đó tôi không khao khát tiền, bởi có tiền rồi tôi cũng chẳng biết tiêu vào đâu.
Mà kiếm tiền vì để thắng cái nhìn của bố mẹ, khiến bố mẹ sáng mắt ra càng chỉ là vì tôi cố hơn thua và cố chứng minh bản thân mình cho họ mà thôi.
Tôi không muốn chứng minh gì nữa.
Ai chấp nhận được thì chấp nhận, không thì ráng mà nhìn trong sự khó chịu đi.
Nhưng không có tiền cũng chẳng phải là chuyện tốt cho lắm, nên tôi đã viết lách kiếm ít đồng. Một tháng tầm vài ba triệu, đủ để nuôi sống tôi, vậy là được rồi.
Nhưng cho dù là không xin đồng nào từ bố mẹ, có vừa kiếm được tiền, vừa ở nhà, tôi vẫn khiến bố mẹ thấy chướng mắt.
Haizzz, biết làm gì hơn được nữa đây?
Mẹ kế tôi thủ thỉ bên tai bố mà bị tôi bắt gặp, bảo hãy đuổi tôi đi, lúc đó bố im lặng.
Tôi cười khẩy, thuở tôi còn nhỏ thì bà ta còn có thể chửi thẳng mặt tôi, đay nghiến tôi mà chẳng sợ hãi gì. Giờ tôi lớn rồi, bà ta thầm lặng rủ rỉ tai bố tôi hơn là đứng trước mặt tôi, hoặc có chăng cũng chỉ là thái độ lạnh nhạt, dằn mâm xán chén.
Nếu bà ta dám đuổi tôi đi, tôi chắc chắn sẽ nói rằng.
Mẹ nghĩ mẹ có quyền đuổi tôi đi sao? Đừng quên, nếu mẹ tôi không chết, nếu tôi không tồn tại, mẹ đừng mơ bước chân vào căn nhà này.
Nhưng ngặt nỗi mụ không chịu nói, chỉ âm thầm tỏ ra khổ sở và hy sinh trước mặt tôi, than vãn kêu ca trước mặt người ngoài rằng “ôi thôi, mệt chết đi được, đã đi làm giờ còn phải về nấu ăn đây này”.
Đây cũng là một loại người đạo đức giả. Tôi không hoan nghênh sự hy sinh, bởi đằng sau sự hy sinh là động cơ khác, tâm tư khác, nó còn bất thiện hơn là thẳng thắn ghét bỏ người ta.
Bà ta ở trước mặt người lạ kêu ca về gia đình mình, để người ta thấy rằng trong gia đình đó mỗi mình bà ta chịu khổ, còn chúng tôi – những người còn lại là kẻ xấu.
Ai không tỉnh táo sẽ bị cái lòng dạ đen tối này thao túng, sẽ bị cuốn theo và tự ép mình phải khổ sở như bà ta.
Tâm tư bà ta tôi đọc được tất thảy, bởi tôi cũng là đàn bà, tôi hiểu sự đố kỵ và cay nghiệt của đàn bà độc cỡ nào.
Nhưng người ta bây giờ dễ bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài nên sẽ khó nhìn ra.
Có lần tôi đang tắm, mẹ ruột thừa đứng ở ngoài quát con trai của bà, một mũi tên trúng hai con nhạn (tôi biết bà ta nghĩ thế).
“Mày mau đi làm kiếm tiền ngay khi hết học đi! Bây giờ đang là hè nên chưa nhập học, muốn mua gì thì cũng phải đi làm chứ ở nhà nằm dạng háng để bố mẹ nuôi hả?”
Tôi biết bà ta nói kháy tôi, đây luôn là thói quen của bà. Khi bà ta mắng mỏ, luôn chọn lúc có tôi ở đó để mắng, còn ở riêng với hai mẹ con họ thì tôi không chắc.
Nhưng mà, tôi chỉ thấy buồn cười, bà nghĩ tôi ăn tiền của hai người chắc? Ngay cả căn phòng riêng của tôi, bố cũng chẳng xây miễn phí đâu, thu mấy chục triệu của tôi đấy. Và sau đó bố đi kể công vào những lúc bố và tôi cãi nhau, đại loại như.
“Mày nghĩ mày đang ở trong nhà của ai?”
Hầy, tôi cũng lười tranh cãi. Tôi cứ thích lì lợm như vậy đấy.
Thế là tôi lại ngộ ra, không phải bà ta ghét tôi vì tôi không làm ra tiền. Mà kể cả bây giờ tôi cũng có vài đồng, thì chỉ cần trông tôi ở nhà, luôn tỏ vẻ an nhàn, gõ lạch cà lạch cạch bình yên như thế, thì đối với người thường phải nai lưng chịu khổ như bà sẽ cảm thấy khó chịu.
Thật thú vị, lòng người là thứ thú vị hơn tôi nghĩ. Tôi hiểu lòng dạ này vì tôi đã từng như bà ta, nhưng lúc ấy còn bé nên không biết đọc vị của chính mình. Tôi đã ghen nổ đom đóm mắt vì tôi luôn chịu đựng chửi rủa còn con trai chung của bố và bà ta lại luôn được nhường nhịn.
Cho nên tôi nhìn một phát là ra ngay, tâm tư này cũng chẳng dễ giấu.
Bởi thế, tôi chịu đựng ở lại đây cũng bởi vì tôi muốn xem thử tâm tư của chính tôi sẽ trở nên thế nào khi hai người họ liên tục gây hấn với tôi.
Và không ngờ con quỷ trong chính mình lại to lớn đến thế, hận thù, căm ghét, thậm chí vẽ ra những âm mưu thâm độc khiến họ chết trong lặng lẽ nếu tôi ra tay, bởi tôi quan sát họ rất lâu, tôi hiểu tâm tư của họ, hiểu thói quen của họ rõ như lòng bàn tay.
Vì mải mê nghĩ về chuyện cũ nên Quang dọn cơm tối xong xuôi, tôi cũng chưa nhận ra.
“Có vẻ cô đang đăm chiêu nhỉ, có thể dành chút thời gian quý báu đó để ăn cơm cùng tôi không?”
Anh ta là người thấu hiểu nhân sinh, tôi nghĩ, nếu người này không lựa chọn trở thành người hiền, thì chắc chắn sẽ trở thành kẻ nguy hiểm.
Nhưng tôi trời sinh nhạy cảm, năng lượng anh ta toát ra sáng và ấm áp lắm, nó khiến người ta có cảm giác dễ chịu, ngay cả khi anh ta không cần nói gì hay làm gì.
Nhân gian thường nhìn người qua con mắt trần tục, bị đánh lừa bởi những nụ cười ngây ngô mà không nhìn vào cảm nhận sâu thẳm nhất, thành thử đau khổ từ đó sinh ra nhiều càng thêm nhiều.
“Được thôi.” Tôi cười đáp.
“Cô cười rất xinh đẹp.” Anh ta nhìn thẳng vào mắt tôi.
“Vậy sao? Tôi cũng thấy thế.” Tôi gật gù.
“Cô cũng nhận ra điều đó sao, cô có thấy chúng ta đồng điệu về mắt nhìn không?”
“Không.”
“Ồ.”