Chương 3: Đám con trai

Chương 3: Đám con trai

Lan Hà nhìn mình trong gương không chớp mắt. Trong một khoảnh khắc cô khẽ đưa tay chạm lấy bề mặt gương. Cô gái không tin vào mắt mình nữa. Chuyện gì đang xảy ra thế này? Đứa trẻ trong gương chính là cô khi còn nhỏ? Khuôn mặt này, đôi bàn tay này, dáng người này… Tất cả đều trông thật nhỏ bé? Thực sự mình đang ở thân xác của một đứa nhỏ. Là mơ chăng?

Lan Hà đưa mắt nhìn quanh, không gian này chính là căn nhà của cha mẹ cô. Có điều, căn nhà này đã có phần cũ kĩ. Nhưng năm ngoái cha đã cho thợ sửa sang lại căn nhà kia mà. Vậy tại sao, tất cả vẫn còn nguyên, nói đúng hơn nó vẫn giống năm xưa khi Lan Hà chỉ còn là một cô bé. Một giấc mộng sao lại chân thật đến thế? Nhìn mọi ngóc ngách của căn nhà cấp 4, mái bằng lòng cô lại gợn những dòng cảm xúc mênh mang. Trong lúc bản thân vẫn chưa thoát được ra khỏi những hoài niệm, bỗng một giọng nói của một người phụ nữ trung niên cất lên từ phía căn bếp nhỏ:

         Hà ơi! Xuống dọn cơm phụ mẹ đi con.

Tiếng người mẹ hiền từ vọng phía căn bếp nhỏ. Đúng là giọng của mẹ cô đây rồi! Cảm xúc của Lan Hà như lắng nghẹn lại, đã lâu rồi kể từ khi cô lên thành phố học tập cô đã không được nghe tiếng nói thân thuộc ấy. Nếu có, thì cô cũng chỉ được nghe giọng của bà qua chiếc điện thoại nhỏ. Nhớ lắm, hoài niệm lắm.

Lan Hà không tin vào những gì mình được trải nghiệm, trong thân hình trẻ con, cô nàng nhẹ nhàng di chuyển những bước chân tiến lại phía căn bếp. Cô muốn xác nhận lại, liệu bản thân có đang bị ảo giác? Mỗi bước chân tiến lại gần, lại là những hồi tim đập nhanh đến khó tả. Khi trong ánh mắt long lanh, quả thực đã phản chiếu hình ảnh một người phụ nữ.   Sợ rằng hình bóng ấy lại tan biến mau chóng như trong những giấc mơ hằng đêm, cô bé chạy thật mau đến ôm chầm lấy mẹ, không để tuột đi cơ hội như bao lần khác. Dù cho đây chỉ là giấc chiêm bao cũng được, có thể dễ dàng vỡ tan như những quả bong bóng xà phòng, … Cô đều chấp nhận phó mặc tất cả.

Mẹ cô, người phụ nữ hiền từ, mẫu mực cũng bỡ ngỡ trước hành động của đứa con gái. Bà khẽ khàng xoa đầu đứa trẻ bé bỏng. Và nói:

         Con tôi lớn tướng rồi mà sao lại khóc thế này? Thôi nào, người mẹ giờ đang bẩn lắm!

         Cho con một lát thôi. – Giọng cô bé sụt sùi mà nũng nịu.

Có ai khước từ được tình mẹ đâu? Ai chả vậy, đều hóa trẻ thơ trong tình mẹ dạt dào. Cứ vậy thời gian như ngưng đọng lại. Lan Hà cảm thấy rất hạnh phúc. Một giấc mộng ngắn lại có cảm giác chân thực thế ư?

 

Khi dọn cơm lên bàn, mẹ cô bé bỗng dưng chợt nhớ ra chuyện gì đó, bà khẽ cất giọng hỏi:

         Sao hôm qua nửa đêm nửa hôm lại bắt cậu chở về vậy con?

Cô bé Lan Hà ngơ ngác không biết mẹ đang nói về chuyện gì. Nhưng sau một hồi bỗng một kí ức ùa về trong tâm trí cô. Ôi, làm ơn đừng là cái diễn biến nhục nhã ấy!

Câu chuyện ấy xảy ra vào 9 năm về trước, cũng chính là ngày hôm qua của không gian này. Chị em Lan Hà đã được mẹ chở xuống ngoại chơi. Ở đó có những đứa em họ chạc tuổi Lan Hà nên cả bọn chơi rất hợp cạ. Vì vậy ham vui, bé Lan Hà đã xin mẹ cho ở lại chơi mấy hôm mới về. Còn thằng Tuấn – Em trai Lan Hà thì có vẻ không thích thú cho lắm nên cùng mẹ trở về trước. Cả ngày hôm ấy đám trẻ rủ nhau chơi đủ thứ trò từ các trò vận động như: đuổi bắt, trốn tìm, chạy đua, … Rồi đến khi trời đổ nắng to thì cả bọn mới lôi nhau vào trong nhà chăm chăm ôm lấy chiếc tivi xem tràn. Đột nhiên, trong đám trẻ ấy có bé Cúc mạnh dạn đề xuất xem phim ma thử lòng can đảm. Vậy là suốt mấy tiếng đồng hồ, cả bọn hết tranh nhau chăn gối để trùm kín mít, rồi lại đồng thanh hét tướng lên, có đứa nhỏ thì sợ quá khóc ầm ĩ, … Cứ tưởng chừng mọi chuyện chỉ là thú vui. Cho đến lúc đêm khuya tới giờ đi ngủ đứa nào đứa nấy đều đã say giấc, còn Lan Hà không tài nào chợp mắt được. Trong đầu cô bé cứ luôn xuất hiện những hình thù ma quái trong các bộ phim ma hồi chiều. Vì quá lo sợ, cô bé đã lay lay người Cúc than vãn:

         Cúc ơi! Cúc… Chị muốn về nhà!

Câu nói ấy chỉ vô tình nhưng lại là nguyên nhân gây nên một kỉ niệm thật xấu hổ với Lan Hà.

Bé Cúc mơ mơ màng màng liền cất tiếng gọi cha – Cậu ruột của Lan Hà:

         Cha ơi! Chị Hà muốn về nhà.

Đám trẻ đều đã chìm vào giấc ngủ từ lâu, còn người lớn ở phòng kế bên vẫn trò chuyện rôm rả. Nhận được tín hiệu từ con gái cậu Mạnh chạy qua phòng bọn trẻ xem tình hình thế nào. Ban đầu cậu Mạnh chỉ trấn an Lan Hà:

         Ráng ngủ nghe con!

Nhưng một hồi sau, chẳng biết vì lí do gì cậu bèn quay lại phòng và nói:

         Thôi được rồi, để cậu chở con về nghe!

Vậy là cứ thế, trong màn sương đêm mỏng, mờ mờ ảo ảo bao trùm khắp không gian. Trên con đường quốc lộ, chiếc xe máy đời cũ với một lớn một nhỏ bon bon trên đường. Ngồi phía ghế sau, nhưng Lan Hà vẫn cảm thấy có chút sợ hãi bởi cảnh vật xung quanh tối tăm mà ma mị. Cô bé liên tục tưởng tượng đến những con ma dị ngợm quanh quẩn đâu đây. Cô bé sợ lắm, nhưng cũng không dám nói thành lời, chỉ biết ôm chặt lấy người cậu của mình. Chốc chốc, hai cậu cháu đã tới được nhà. Nhưng lúc này cũng là đêm hôm khuya khoắt, mọi người đã đi ngủ từ lâu và mẹ Lan Hà cũng đã khóa cổng cẩn thận, trong nhà không một ánh đèn. Cậu Mạnh đành rút điện thoại ra bấm số và gọi, nhưng đầu dây bên kia chỉ để lại những tiếng Tút… tút… tút ngắt quãng rồi cúp ngay.

         Mẹ con đặt chế độ máy bay cậu ạ! Nên máy không bắt sóng được đâu. – Cô bé Lan Hà khép nép lên tiếng.

Nắm rõ được tình hình, cậu Mạnh đành gọi to vào nhà, mong sao có người nghe thấy mà ra mở cửa.

         Chị Hạnh ơi! Chị Hạnh ơi…

Một lát sau khoảng 5 – 10 phút, bên trong nhà có tiếng cửa lạch cạch. Người phụ nữ trong nhà tất tưởi chạy ra, tay có cầm chiếc chìa khóa. Sau khi giao đứa cháu gái bé bỏng trở về nhà an toàn, cậu Mạnh liền cúi đầu ra về. Cứ ngỡ bản thân sẽ bị mắng tới tát nhưng có lẽ vì đêm hôm nên mẹ chỉ nhắc nhẹ: Vào ngủ đi con!

Lan Hà nhớ rằng kể từ ngày hôm ấy, cô bé không bao giờ dám xem các thể loại phim như vậy nữa. Mà dù có muốn đi chăng nữa, thì người lớn đều cấm cản sau vụ việc này. Và cũng kể từ đó, cô bé luôn bị các anh chị em họ trêu chọc suốt một thời gian dài. Phải mãi sau, khi Lan Hà trở thành một thiếu niên chững chạc, mọi người mới dần quên và không đem chuyện cũ để chọc khuấy cô nữa. Tưởng chừng tất cả đã đi vào dĩ vãng.

Vậy mà trong khoảnh khắc này, Lan Hà như phải chịu cơn ác mộng đến 2 lần. Đứng trước câu hỏi của người mẹ, Lan Hà trong dáng vẻ một đứa trẻ liền thủ thỉ:

         Thôi mà mẹ, tại lúc đấy con sợ quá.

Người mẹ nhìn dáng vẻ đứa con gái cứ làu bàu như bà cụ non liền không chịu được dùng tay đẩy nhẹ đầu cô bé và nói:

         Rồi rồi. Lần sau chừa cái tật xem phim ma đi nghe chưa. Kẻo tối không ngủ được thì chết dở.

Lan Hà phụng phịu không cam chịu số phận. Sắp tới khi phải xuống ngoại lần nữa, chắc chắn đám trẻ ấy sẽ lại lôi chuyện này ra mà trêu ghẹo cô bé cho mà xem. Nhưng dù gì, Lan Hà giờ đây đã 20 tuổi đầu rồi, lẽ nào lại xấu hổ vì những thứ trẻ con như thế!?

 

Chiều đến, khi đang đu đưa trên cánh võng cùng với mớ suy nghĩ hỗn độn. Vậy là Lan Hà đã trọng sinh về quá khứ thật rồi. Những lời nói kì lạ của ông lão ở chùa Yên Tự, phải chẳng là chìa khóa mở cánh cổng này? Nếu vậy, đây đích thị là cơ hội ngàn vàng mà trời ban cho cô nàng rồi. Để không lún sâu vào những sai lầm kiếp trước đầu tiên cô phải cải thiện bản thân ngay từ bây giờ.

Không gian đang trong hồi yên tĩnh đến lặng thinh. Bỗng tiếng gọi í ới của một đứa trẻ vang vọng từ phía cổng:

         Hà ơi, Hà ơi. Đi chơi không?

Lan Hà lặng lẽ bước xuống khỏi võng, chạy chân trần dưới sân ra ngó phía cổng. Ngoài cổng là một bé gái nhỏ nhắn, xinh xắn, tay có cầm một khóm hoa dại. Cô nàng Lan Hà trong thân hình trẻ con với bộ óc của một thiếu niên bận rộn mò mẫm, lục tìm ký ức. Hừm… Đứa trẻ đó là ai thế nhỉ?

         Ai đứng ngoài đấy vậy?

         Tớ, Bích Phương đây!

Giọng nói ngọt xớt nhưng tone còn ngọng nghịu đáp lại lời hỏi của Lan Hà. Cuối cùng cô nàng cũng nhớ ra rồi. Nhỏ Bích Phương là bạn thời thơ ấu của cô nàng đây mà. Nhưng lên đến cấp 2, tình bạn ấy không được gắn bó như trước bởi mỗi đứa một môi trường học khác nhau đâm ra từ thân lại thành xã giao. Lan Hà chạy vội ra, nhanh nhẹn mở cổng. Cô nàng thích thú ngắm nhìn Bích Phương. Chà, đáng yêu thế nhỉ! Coi bộ con nhỏ Bích Phương hồi bé cũng đáng yêu ra phết.

Cô bé Bích Phương bị những cử chỉ lạ lùng của Lan Hà dọa sợ. Một đứa cứ đi lòng vòng ngắm nghía, một đứa thì như phải đứng yên chịu trận. Chợt Bích Phương nhớ ra chủ đề chính.

         A, đúng rồi! Ngoài đê nhiều hoa đẹp lắm! Chúng mình đi hái đi.

Lan Hà bị lôi ra khỏi sự thích thú ban đầu. Khuôn mặt quay về trạng thái ủ rũ và lười biếng. “Gì chứ! Tôi đã 20 tuổi rồi! Ai lại chơi mấy trò chán chết ấy!”. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng Lan Hà đâu dám than vãn ra ngoài miệng. Bích Phượng thấy vẻ chán trường của nhỏ bạn, liền lấy bàn tay nhỏ nhắn của mình kéo nhanh Lan Hà đi.

         Ơ này, đợi… đợi đã. Tớ còn chưa đi dép kia mà.

Mặc cho sự van xin của Lan Hà, cô bé vẫn kéo tay người bạn một cách nhanh nhẹn. Lan Hà đành miễn cưỡng chạy theo sau, một tay thì vẫn bị Bích Phương nắm chặt. “Không biết nhỏ này tính dẫn mình đi đâu đây? Mà công nhận lâu lắm rồi mình mới cảm nhận được không khí quê đúng nghĩa thế này. Vừa mới tuần trước, về quê thăm cha mẹ thì thật buồn vì ngôi làng nhỏ này đã xây thêm nhà cao tầng, khiến cho mấy phần đất trống năm xưa bị thu hẹp”. Chốc chốc, hai đứa đã tới nơi được Bích Phương gọi là “vườn hoa cầu vồng”. Nghe thật sến súa và trẻ con thật chứ!

Trong khi, Bích Phương hái những bông hoa đủ màu sắc kết thành những chiếc vòng tay, vòng đội đầu, … Thì Lan Hà lại ngồi bứt những cánh hoa khiến cho chúng rơi lả tả. Đây không phải những thứ cô nàng muốn làm, chán muốn chết. Đổi lại nếu là Lan Hà của ngày xưa, với bộ óc của đứa trẻ chắc chắn cô cũng giống như cô bé Bích Phương hiện giờ, rất mê cái trò “hái hoa, bắt bướm”. Suy cho cùng, Lan Hà chỉ mong ngóng cô bé Bích Phương mau mau hoàn thiện thú vui nhạt thếch ấy để cô nàng còn được ra về.

Cùng lúc đó, đám con trai trong làng sôi nổi rủ nhau ra đồng bắt cua bắt ốc. Chúng nó mỗi đứa một cái giỏ bằng nứa, có đứa không có giỏ đành xách tạm cái xô đựng sơn to đùng của cha, … Thấy chúng nó tranh nhau, xối xả để dành địa phận riêng khiến Lan Hà khá tò mò. Nhớ khi xưa, Lan Hà không bao giờ chơi với đám con trai, mà đó cũng chính là thủ tục chung của đám con gái rồi. Hễ những đứa nào mà ra chơi cũng bọn con trai sẽ bị gọi là “thằng” và bị bo xì ngay. Nghĩ lại mấy cái “thủ tục” con nít ấy khiến Lan Hà bật cười. Thế rồi cũng vì tò mò, cô nàng để lại Bích Phương đang chăm chú kết vòng và lén thám thính hành tung của đám con trai. Chúng nó đứa nào đứa nấy xắn ống quần cao, lội xuống ruộng mò cua, bắt ốc. Thấy đám trẻ con thi nhau thu hoạch, cô nàng bỗng dưng hứng thú. Từ bé tới năm 20 tuổi cô nàng chưa biết lội ruộng là như thế nào mặc dù mang tiếng là con người miền quê chân lấm tay bùn. Ai thì cô nàng còn ngại ngần, thiếu tự tin chứ với đám trẻ con này thì cô không chịu thua đâu. Đã trở thành một đứa trẻ con thì phải sống sao cho trẻ con hết mức!

Vậy là, Lan Hà trốn từ đùm cỏ chui ra. Bắn một câu rõ to:

         Ui dào ôi. Nam nhi sức dài vai rộng mà yếu thế!

Bị  chạm đến lòng tự trọng, một vài thằng con trai trong đám đứng phắt dậy, buông thõng chiếc giỏ đang cầm trên tay. Chúng chỉ tay về phía Lan Hà và nói:

         Có giỏi thì xuống đây mà đấu. Mạnh miệng gớm nhỉ!?

Thấy thái độ đáp lại của đám trẻ, Lan Hà càng thêm máu chiến. Có thể một vài đứa trẻ ở đây bản chất nhiều tuổi hơn cô, nhưng hiện giờ Lan Hà đây xuyên không về đã 20 tuổi rồi còn các nhóc toàn là nhãi ranh thôi. Cô nàng cử chỉ nhanh nhẹn, xắn ống tay áo, ống quần thật cao rồi rụt rè đặt chân xuống lớp bùn mềm nũn của đồng ruộng. Cái cảm giác nhũn nhũn, dính chân khiến cho Lan Hà khó mà di chuyển. Cộng thêm dáng hình bé xíu của một đứa trẻ học lớp 5 khiến Lan Hà té mấy lần. Nhưng may là nước không sâu. Thấy dáng vẻ lúng túng, gượng gạo của cô bé khi đặt chân xuống ruộng khiến cho đám con trai bật cười phá lên khinh thường. Một đứa trẻ trong đám có vẻ là thủ lĩnh cầm đầu xưng là Bách tuyên bố:

         Bé Hà con mẹ Hạnh đúng không nhỉ? Nếu bắt được đầy giỏ tụi này chia phần cho.

Cô bé Lan Hà vẫn tỏ vẻ kiêu hãnh mặc dù cảm thấy việc di chuyển khá khó khăn. Thấy đám con trai bắt được kha khá cá và còn quay ra chế giễu mình, Lan Hà tức lắm, tính bắt một con cá thật to cho tụi nó sáng mắt ra. Nhưng cá chưa vào giỏ thì cô bé Lan Hà cảm thấy có con gì đó cứ bám vào chân mình. Cô bé nhẹ nhàng nhấc chân lên khỏi mặt nước. Cô bé hoảng hốt vì đó là một sinh vật màu đen, mềm uột như ốc sên không vỏ, nó bám rất chắc vào chân cô bé không buông. Cô nàng sợ hãi hét ầm lên.

         Á… Á…Á đi ra, cái con này! Hu hu cứu với! SOS.

Đám con trai giật mình ngoái lại nhìn. Chúng nó đùa cợt nhau “Đấy là con đỉa hút máu đấy”. Câu nói ấy khiến cho Lan Hà sợ phát khiếp hét ầm lên. Cô nàng 20 tuổi đâu rồi? Có ai bảo 20 tuổi là không được sợ, không được hét? Thấy vậy, cậu bé Bách đứng đó cách một đoàn chạy bì bõm tới. Nó mau chóng dùng tay gỡ con đỉa ra khỏi chân cô bé. Nhưng cô bé đã bị sinh vật đó cắn rồi! Lan Hà làm bộ con nít, khóc toáng lên. Cũng nhân cơ hội này, Lan Hà giả bộ đau chân không lết được về. Vậy là Bách đành phải cõng Lan Hà về. Trên đường cậu bé liên tục dùng những lời lẽ dỗ Lan Hà. Cậu bé hứa sẽ cho cô bé giỏ cá mà cậu đã bắt được. Cô nàng cười khoái chí, không làm nhưng vẫn có phần.

Sau khi về đến nhà, Lan Hà bị mẹ mắng vì tội nô nghịch như con trai. Lan Hà cố giải thích là muốn đi bắt cá và tiện khoe thành tích đã bắt được đầy giỏ (giỏ cá mà Bách tặng). Thằng Tuấn đi chơi nhà bạn về gặp cảnh tượng chị gái bị mẹ mắng té tát chỉ biết bụm miệng cười, ánh mắt tỏ vẻ khinh địch.

Bích Phương kết xong vòng hoa, quay sang hỏi Lan Hà nhưng không thấy bạn đâu. Cô bé sợ quá nhìn quanh rồi quên béng vứt lại đống vòng hoa vừa kết. Trên đường về vừa đi vừa thút thít.

 

Danh Sách Chương

Thành Viên

Thành viên online: Phạm Văn Trường và 110 Khách

Thành Viên: 63395
|
Số Chủ Đề: 9327
|
Số Chương: 29139
|
Số Bình Luận: 119030
|
Thành Viên Mới: Thiện Lý