- Một Kiếp Đợi Chờ
- Tác giả: Thành Dương
- Thể loại:
- Nguồn: Tự sáng tác
- Rating: [K] Mọi độ tuổi đều đọc được
- Tình trạng: Đã hoàn thành
- Lượt xem: 1.664 · Số từ: 2045
- Bình luận: 0 · Bình luận Facebook:
-
Lượt thích: 1 Tiến Lực
Viết quá nhiều truyện về một chủ đề lâu ngày làm tôi cạn ý tưởng. Tôi không thể nào sáng tạo ra một câu chuyện mới mà không đi vào mô tuýp cũ. Một vài người đọc quen thuộc cứ giục tôi: “Sao lâu rồi không thấy anh đăng truyện?”. Tôi không dám thừa nhận sự thật với họ vì trước đây tôi từng nói ý tưởng luôn có ở trong đầu, chỉ cần rảnh tay là tôi viết ra được, giờ soạn lại đầu óc rỗng tuênh.
Tôi là một người làm việc bán thời gian nên rất nhàn hạ. Gia sản của cha mẹ một phần nào làm suy nghĩ cầu tiến của tôi bị sựng lại. Người giàu luôn muốn mình giàu hơn nhưng tôi là kẻ nhát gan, không dám liều mình mạo hiểm. Tôi chỉ làm việc đủ ăn, đủ sống để bảo toàn tài sản cha mẹ đã cho mình.
Tôi thường hay lang thang trên các ngõ vắng để quan sát những bề nổi của tảng băng chìm. Tôi là thằng lông bông theo như nhận xét của mẹ tôi. Dù bà liên tục hối thúc tôi tìm cho bà một nàng dâu nhưng tôi vẫn cứ ậm ừ không chịu. Tôi thích cuộc sống độc thân để có thể tự do làm điều mình thích mà không lo nghĩ gì.
Tôi đạp xe trên một con đường ngoại ô. Lúc này đã gần bốn giờ chiều, đường vẫn đông nhưng không tấp nập. Lọt vào mắt nhìn của tôi là một ông cụ rách rưới đang cầm sấp vé số trên tay. Đã gần đến giờ xổ, ông cụ vừa chạy vừa rao mời. Mồ hôi ông nhễ nhại nhưng tiếng rao vẫn không ngớt. Mọi người vẫn thờ ơ, không màng đến ông. Mười ngàn một tờ vé số, giúp người xem như làm phước vậy mà họ vẫn vô tâm. Họ sẵn sàng bỏ ra vài triệu cho một tiệc rượu không đâu, bỏ ra vài trăm ngàn để ôm ấp các cô đào cho thoả nhục dục. Những cô nàng mắt xanh, môi đỏ thì sẵn sàng vung tay để mua những chiếc đầm, những thỏi son với giá trị tính bằng đô la Mỹ. Mười ngàn làm từ thiện là số tiền quá lớn đối với bọn họ.
Tôi chạy theo sau vẫy gọi ông cụ:
– Ông ơi còn mấy tờ?
Ông cụ nhìn lại sấp vé số trên tay mình, đếm đi đếm lại rồi lau mồ hôi:
– Còn mười hai tờ, chú mua tiếp tui một tờ đi.
Ông cụ là người miền Tây, không biết có cùng quê với tôi không nhưng sao tự nhiên thấy đồng cảm quá. Tôi lục lại túi mình, chỉ còn có tờ một trăm ngàn. Tôi nhìn ông ngần ngại:
– Con còn có một trăm ngàn. Con muốn mua hết cho ông nhưng không đủ rồi.
Ông cụ nhoẻn miệng cười:
– Tui bán cho chú em hết đó. Mà tui không có cho nghe, chiều mai quay lại đây trả tui hai chục ngàn nghe.
Người miền Tây vui vẻ, phóng khoáng là vậy. Tôi cất sấp vé số vào túi rồi đuổi theo ông cụ:
– Để con chở ông ra thầu.
Ông cụ lại lau mồ hôi, cảm ơn tôi rối rít. Ông ra thầu nộp lại tiền rồi nhận thêm một trăm vé cho ngày mai. Tôi đòi đưa ông cụ về nhà nhưng ông xua tay:
– Để tui đi bán dài dài về nhà luôn.
Tôi vờ làm nhà báo nghiệp dư, xin đi theo ông cụ để trải nghiệm cuộc sống người nghèo. Ông cụ vui vẻ đồng ý. Đi một đoạn ông ghé vào mua một ổ bánh mì rồi ra hàng ghế ngoài công viên ngồi nghỉ chân. Ông ngắt ổ bánh mì ra làm hai, đưa cho tôi một nửa:
– Mời chú nhà báo ăn.
Tôi từ chối nhưng ông có vẻ giận. Đặc trưng của người miền Tây là mời rất nhiệt tình, dù nghèo nhưng họ vẫn không suy tính. Tôi ngồi ăn bánh mì với ông rồi hỏi chuyện. Ông cụ cởi chiếc nón ra, quạt mấy cái rồi bộc bạch:
– Tui ở Đồng Tháp, thứ hai, tên Vĩnh. Ai ở Đồng Tháp nghe tên tôi đều biết.
Tôi giật mình ngỡ ngàng. Ông hai Vĩnh cách nay hai mươi năm nổi tiếng là người giàu có ở Đồng Tháp, ruộng đất cả ngàn công. Đến năm tôi bảy, tám tuổi thì nghe kể ông bị phá sản, rồi ông đi đâu làm gì không còn ai biết nữa. Tôi nhận đồng hương với ông:
– Con cũng ở Đồng Tháp đây.
Ông cụ nhìn tôi rồi nở một nụ cười đau xót:
– Gặp đồng hương thì càng thêm xấu hổ. Chú tên gì, con cháu nhà ai.
Tôi thưa lại tên tuổi mình, tên ông nội mình với ông. Ông nhắm mắt thở dài rồi hỏi tôi:
– Có nghe tiếng ông nội của chú nhưng không có qua lại. Chú em có muốn nghe chuyện đời tui không?
Tôi gật đầu liền cái. Ông cụ nhìn về xa xăm. Khuôn mặt hằn sâu những vết chân chim tự nhiên co rúm lại, ép những giọt nước mắt chảy ra. Ông cụ bắt đầu câu chuyện đời mình.
…
Ngày xưa ông cụ thừa hưởng gia tài bạc tỉ của cha mình nhưng ông sa chân vào cờ bạc, bao nhiêu tài sản ra đi theo mây gió.
Kể một đoạn, ông cụ lau nước mắt thở dài. Ngừng lại hồi lâu ông mới tiếp tục:
– Tài sản cha mẹ cho mình, giữ không được là tội bất hiếu. Nhưng điều làm tui đau khổ nhất là đã đánh mất người tui yêu thương. Tui quen bà ấy lúc tui còn phú quý giàu sang, nhưng khi ấy tui chỉ quen cho vui, không yêu thương gì hết. Trái lại bà ấy lại dành hết tình cảm cho tui mà bị tui nhẫn tâm phụ bạc. Sau này khi sa cơ thất thế tui có tìm bà ấy định nối lại duyên xưa nhưng lúc đó bà ấy bị tai nạn mất đi đôi chân. Bà ấy tự ti rằng không còn xứng đáng với tui nên đã lặng lẽ ra đi. Sau khi bà ấy bỏ tui đi, mấy ngày sau thì tui trúng số độc đắc. Tui lấy tiền đó gửi ngân hàng rồi đi tìm bà ấy để mong được bù đắp lại. Nhưng tui tìm đã mười mấy năm rồi vẫn không biết tung tích bà ấy ở đâu. Rồi tui lên Sài Gòn hy vọng đất rộng, người đông có thể hỏi được tung tích của bà ấy. Mười mấy năm nay dù đau yếu bệnh hoạn thế nào tui cũng không đụng đến một đồng tiền trúng số đó.
Thật là một thiên tình sử. Ông cụ đã giúp tôi có ý tưởng để viết câu chuyện mới. Tôi tạm chia tay ông cụ để về nhà vì sáng mai vẫn còn đi làm.
Tôi đã quay lại, giữ đúng lời hứa với ông cụ. Ông cụ đã đợi tôi từ trước. Trông đôi mắt ông lộ vẻ buồn bã, không còn sức sống như chiều hôm trước. Tôi lấy ra hai mươi ngàn, đưa cho ông cụ:
– Con tới hơi trễ, ông đợi có lâu không?
Ông cụ gật đầu:
– Lâu, lâu lắm. Tui đợi chú từ sáng đến giờ.
Tôi ngạc nhiên:
– Con hứa với ông chiều mới quay lại mà.
Ông cụ lắc đầu:
– Không, tui đợi chú là vì chuyện khác.
Tôi hỏi ông cụ:
– Chuyện gì vậy ông?
Ông cụ khóc như một đứa trẻ:
– Lâu nay tui chờ đợi vô ích rồi chú ơi. Bà ấy đã chết sau mấy ngày rời xa tui. Tối qua tui gặp lại em ruột của bà ấy.
Đời không có gì là trọn vẹn. Thà giữ cho mình một niềm tin vô vọng còn hơn chấp nhận sự thật trái ngang. Ông cụ sẽ đối diện với chuyện này thế nào đây.
Ông cụ nấc dài một lúc rồi lấy từ trong túi áo ra một tờ giấy được gói trong bọc ni lông cẩn thận.
– Đây là di chúc tui đã viết khuya qua. Lâu nay tui muốn để dành số tiền này để lo cho bà ấy nhưng bà ấy đã không còn thì tui còn giữ số tiền này làm gì.
Trời kéo mây đen mù mịt. Tôi kéo tay ông cụ đi tránh mưa nhưng ông khoát tay:
– Chú giữ kĩ tờ di chúc đó. Chú xứng đáng nhận được số tiền của tui vì chú đã giữ uy tín trở lại đây.
Trời đổ mưa nặng hạt, ông cụ vẫn phong phanh chiếc áo mỏng manh. Không thuyết phục được ông trú mưa, tôi cùng ông hứng trọn cơn mưa tầm tã. Ông cụ đưa tay hứng những hạt mưa, reo hò nhảy múa như một đứa trẻ. Tàn cơn mưa, ông cụ lạnh run rồi ho ra máu. Ông nằm dài xuống đường, đôi mắt lim dim, miệng cười tươi:
– Chú Thành ơi, tui nhìn thấy bà ấy rồi. Bà ấy đang đưa tay về phía tui kìa.
Ông cụ cũng đưa cánh tay mình lên khoảng không. Mắt ông từ từ nhắm lại, gương mặt đầy mãn nguyện:
-Tui nắm được tay bà ấy rồi… nắm được rồi… tui đi với bà ấy đây…
Cánh tay ông cụ chùn lại rồi rơi nhanh xuống đất. Tôi đưa tay lên mũi ông cụ. Ông đã tắt thở.
Lại là một cơn mưa, lại một người tôi quen biết đã ra đi.
Số tiền thừa kế của ông cụ tôi lập ra một quỹ từ thiện mang tên Hai Vĩnh. Tiền trúng số là tiền của thiên hạ thì phải trả về thiên hạ, không nên thuộc về một ai cả.