Đang rục rịch* về nước thì tụi bạn cấp hai lên kèo họp lớp. Cũng bốn năm rồi chứ ít gì. Từ hồi hè lớp tám, tự dưng không nói không rằng biến mất hút. Mà hồi đó làm gì có nhiều cái để liên lạc như bây giờ, huống hồ tôi đi vội vã, đến cả thằng bạn thân còn chưa chào tạm biệt.
Bốn năm xa cách, đất nước mình lớn lên nhiều quá, cả cái nóng Sài Gòn những trưa tháng tư cũng gắt gỏng hơn. Việc đầu tiên khi về đến nhà là gì nhỉ? Chẳng biết nữa, mà thôi, cứ húp tô phở bò, gặm thêm ổ bánh mì thịt cho thỏa lòng mong nhớ cái đã.
Tôi là Nguyễn Trình Long, sống tới nay được mười bảy năm lẻ mấy ngày. Tôi sinh ra ở đất Việt, đến năm mười ba tuổi theo gia đình sang Mỹ định cư. Nhưng vì nhớ quê, nhớ ông bà, tôi chưa ngày nào ngừng trông về Việt Nam. Giờ thì cũng đủ lớn rồi, có thể tự lo cho bản thân nên phụ huynh cũng yên tâm cho tôi về Việt Nam học, cũng một phần để tiện lo cho ông bà luôn.
Phải tới năm ngoái tôi mới có điện thoại. Tôi tìm cách liên lạc với lũ bạn cũ qua facebook, đứa nào cũng quát tôi: “Sao mày không đi luôn đi?” rồi “Vẫn còn nhớ đứa bạn này à?” làm tôi vừa mừng vừa sợ. Rất nhanh tôi đã kết bạn với gần hết lớp. Chỉ còn một người, tôi chần chừ mãi không dám gửi yêu cầu.
Nghe tin tôi về tụi nó vui tợn, giục hoài, sợ tôi hứa lèo*. Tôi về Việt Nam trước ngày họp lớp một tuần, bảy ngày thì ngủ hết năm, hai ngày cuối tuần ngóc dậy đi ăn cho đã. Bà tôi bảo chắc do lệch múi giờ, tôi bảo không tại thời tiết nóng quá thôi.
“Mười bảy bẻ gãy sùng trâu”, một mình xách ba lô lên máy bay, một mình bắt xe, hỏi đường, không ai đưa, không ai đón, không biết sợ là gì. Chỉ có lâu lâu nghĩ lại cũng chạnh lòng chút chút, xong rồi thôi. Tính tôi ghét nhất là làm phiền khác, vậy nên từ hôm lên máy bay đến hôm về tới chỉ có mình má tôi biết. Còn ba tôi đang đi công tác rồi.
Tôi ở nhà ông bà ngoại. Bác hai, dì tư ban ngày đi làm, để hai đứa con lại cho ông bà tôi trông. Hai đứa nó thấy tôi còn tưởng tôi là khách, dòm* cái mặt nghệch ra thấy ghét. Cũng phải thôi, tôi sang Mỹ từ hồi tụi nhỏ lững chững tập đi. Nhớ được tôi chắc là thần đồng luôn.
Tôi được hẳn một phòng riêng, bàn học, giường, tủ đầy đủ, còn rộng hơn ở Mỹ. Bà tôi nói này là phòng chị Tâm hồi đó.
– Chị Tâm đi làm rồi hả ngoại? – Tôi hỏi, mắt nhìn ngang dọc lối kiến trúc có phần đã cũ:
– Chị Tâm lấy chồng rồi, bây chưa biết hả?
– Trời! Hồi nào vậy ngoại?
– Năm ngoái. Đáng ra là năm nay, nhưng mà vỡ kế hoạch thành ra mới cưới sớm, nên chắc không kịp báo cho bây hay. Đừng có trách nó nghen!
Chị tâm là con cả của bác hai, lớn hơn tôi hai tuổi. Chị là cả một nửa tuổi thơ của tôi. Những viên bi, những cái bánh ú, những chiếc vòng lá dừa hay những mảng kẹo đậu phộng. Chúng tôi đã từng một thời tranh nhau những thứ nhỏ nhặt ấy, vậy mà quay qua quay lại, đứa nào cũng lớn cả. Đứa con gái ngày nào còn chành choẹ tôi việc hái lá trà, đun nước sôi phụ ngoại giờ đây đã lớn, đã lập gia đình. Trong mắt tôi chị Tâm từ một đứa trẻ quậy phá bỗng chốc lớn vụt lên như câu chuyện Thánh Gióng ngày xưa bà vẫn kể. Chị có còn nhớ những kỷ niệm ấy không? Hay cũng giống như bao người, chị không thể vượt qua khỏi quy luật của thế gian: Sinh – lão – bệnh – tử, và có những thứ rồi sẽ phai đi?
Nhà tôi gần nhà ngoại, tôi thường đi học về là tót lên đó chơi. Sau khi gia đình tôi sang Mỹ, căn nhà được thuê để làm kho chứa đồ. Tôi lên ngoại chơi không chỉ vì tôi thương ông bà, tôi lên vì một lí do khác mà tôi nghĩ nó lớn hơn hết thảy: Nhà ngoại có chị Tâm. Vậy đó, ta luôn yêu thích một nơi nào đâu phải vì nơi đó đẹp, hay rộng lớn, điều quan trọng nhất là con người, là vì nơi đó nơi gắn với một bóng hình mà ta yêu thương.
Tôi quý chị Tâm. Chị luôn bày ra những trò chơi thú vị, và ngoài chị ra thì tôi chẳng biết chơi với ai. Có lẽ chị cũng vậy nhưng chị quý tôi ít hơn, bởi chơi với một thằng nhóc như tôi thì chị không tài nào dịu dàng nổi. Thay vì chơi búp bê, chị phải chơi bắn bi, thay vì chơi trò nhảy dây, chị phải chơi đánh trận. Chị chiều theo ý tôi là do tôi đâu biết chơi mấy trò con gái. Có lần tôi thử chơi búp bê với chị, tôi chỉ ngồi yên được khoảng năm phút trước khi tính hiếu kì mách bảo tôi tháo hết các bộ phận làm nên con búp bê ra xem như thế nào. Và chị Tâm giận tôi cả tuần sau vụ đó.
Ngay từ nhỏ tôi đã đối diện với nhiều cuộc chia ly. Một trong số đó là những ngày chị Tâm theo ba má về bên nội. Tôi buồn da diết. Thầm nghe cảm giác bị phản bội ghé qua tim. Tôi biểu lộ nỗi buồn bằng cách khóc nhè cả tiếng trước khi tiễn chị Tâm lên đường. Mặc dù chị Tâm chỉ về có ba ngày cuối tuần, nhưng tôi dặn dò chị đủ thứ như thể chị đi quân dịch*, tôi sợ chị đi luôn, nên bài tiễn dặn của tôi lúc nào cũng có câu: “Chị Tâm mau lên chơi với em nha…” kèm theo gương mặt mếu máo.
Đến năm lên chín thì tôi phần nào thích nghi được với sự cô đơn. Đó cũng là lúc tôi gặp Tiếu Kha, cô bạn đầu tiên trong đời.
Tiếu Kha có cái mũi nhỏ tí tẹo. Khác xa màu da bánh mật của chị Tâm, da nó trắng muốt như lũ vịt trong chuồng ông tôi nuôi. Khả năng vận động của nó là vô hạn, nhảy dây, đá cầu, đá banh, thi chạy, nó đều thắng được tôi. Tôi tức lắm, nhưng không làm gì được. Mỗi lần thắng tôi nó đều xoa xoa đầu tôi như một con chó.
Nhưng tôi vẫn luôn mến Tiếu Kha. Hồi đó tôi học dở tệ, toàn đứng bét lớp. Mấy đứa con gái đều tỏ vẻ khinh thường tôi, chỉ có Tiếu Kha là không như thế. Nó còn chỉ bài cho tôi, cố gắng giảng giải đến tận khi tôi hiểu và làm được. Nhưng tôi rất lười học. Tôi mê mẩn sự rực rỡ của những cánh diều hay những viên bi ve hơn. Mặc dù vậy, tôi vẫn cảm kích tấm lòng của nó nên lần nào bắn bi thắng tôi cũng đem tặng nó một nửa. Có lẽ thói quen quan tâm Tiếu Kha của tôi bắt đầu từ đó, một thói quen mà mãi sau này, khi đã lớn tôi cũng không bỏ được.
Lên lớp năm, ba má tôi đe nếu mà thi rớt trường công, ba má sẽ gửi tôi về quê nội, cho đi chăn bò, nên tôi sợ lắm, chỉ biết cắm mặt vào học. Tôi không sợ về quê chăn bò, tôi sợ không gặp Tiếu Kha nữa. Đương nhiên nỗi sợ này nó đâu hay đâu biết, nhưng thấy tôi lo học, nó cũng tận tình giúp đỡ. Cô chủ nhiệm thấy hai đứa tôi chăm chỉ, giúp nhau học liền cho tôi với nó vào danh sách đôi bạn cùng tiến, cuối học kỳ được thưởng thêm ba cuốn vở mỗi đứa. Còn tụi trong lớp thì hùa nhau chọc ghẹo hai đứa tôi, nhưng tôi chẳng mảy may. Suốt cả năm đó tôi đành gác lại mấy viên bi với con diều đuôi phụng vào gian bếp cũ trên nhà ngoại. Điều này làm chị Tâm ngạc nhiên hết sức, chị hỏi:
– Bộ Long định đi đâu hả?
Tôi kêu:
– Đâu có, em phải lo học!
– Lo học? – Chị Tâm ngạc nhiên hơn nữa
– Ừ, ba má em nói không vô được Nguyễn Công Trứ là cho đi chăn bò.
Chị Tâm cười khúc khích:
– Dì ba chỉ hù Long thôi, không có chuyện đó đâu.
Trước giờ tôi luôn tin tưởng chị Tâm, chị nói gì tôi cũng cho là đúng, là thật, nhưng chuyện này thì tôi không tin được, hơn ai hết tôi hiểu ba má tôi nhất. Hồi lớp hai tôi chẳng ngăn nắp như bây giờ. Như tôi đã nói, đi học về là tôi tót lên nhà ngoại, nên là cặp sách, giày dép tôi đều quăng hết vào xó cửa. Ba má tôi nói nhẹ không ăn thua, đành ra điều kiện: Một lần nữa, ba đem vứt hết, cho xách bọc ni lông đi học. Hồi đó tôi cũng nghĩ giống chị Tâm, rằng ba má tôi chỉ hù thôi. Thế là chứng nào tật nấy, tôi bỏ ngoài tai hết mấy lời đe dọa kia. Và kết quả là hôm sau tôi xách bọc ni lông đi học thiệt, bị lũ bạn cười cho muốn thúi mặt, tởn tới già.
Nhờ sự chăm chỉ của tôi với sự nhiệt huyết của Tiểu Kha, tôi thi đỗ trường công. Và dường như trời xanh hiểu được lòng tôi, lên lớp sáu tôi với Tiếu Kha học chung lớp. Còn ba tôi, để thưởng cho thành công đầu đời của tôi, ba mua cho tôi một chiếc xe đạp thể thao. Tôi cũng bắt đầu tự đi học từ đó. Do trường chỉ cách nhà hai cây nên chẳng làm khó được tôi. Buổi đầu thấy tôi đạp xe đi học, Tiếu Kha trầm trồ dữ lắm:
– Trời, Long có chiếc xe đẹp dữ heng?
– Giờ tui tự đi học luôn đó, ngầu không?
– Ngầu thì ngầu đó, nhưng rồi Long sẽ chạy theo tụi thằng Sơn thằng Hiếu, la cà lêu lỏng thôi.
Con nhỏ này, khen người ta cũng không khen được trọn một câu nữa.
– Tui không có như vậy!
– Nói thì dễ lắm.
– Thiệt mà, tui có bao giờ lừa Kha đâu.
– Kha không tin.
– Không tin thì thôi!
Tôi giận dỗi bỏ về nhà. Mười một tuổi chưa phải con số đủ lớn để cái tính trẻ con trong tôi biến mất, lúc đó tôi nghĩ gì làm ấy, hành động luôn đi chung với cảm xúc, mà cảm xúc của tôi, đa phần là tức giận.
Nhưng trẻ con không giận được lâu, nhất là đối với con gái, tôi chỉ giận lâu lắm thì… một ngày rưỡi. Vậy nên trong khi Tiếu Kha bình thản chơi nhảy dây thì tôi lại vò đầu bứt tóc nghĩ cách nói chuyện lại với nó, sao cho đỡ ngượng ngùng nhất. Thằng Sơn, bạn mới của tôi, thấy tôi muộn phiền liền bày cách:
– Mày cứ tới giựt tóc nó cái rồi nói “xin lỗi” là xong.
Làm vậy có mà nó hận tôi đến cuối đời thì có.
– Mày chỉ toàn xúi bậy.
– Mày không dám hả? Hay là mày thích nhỏ đó rồi? – Nó nói vẻ giễu cợt
– Mày khùng quá! Ai kêu tao thích nó! – Tôi bị chọc, đâm quạu
– Vậy ra giựt cột tóc nó đi?
Lời khích tướng tai hại của thằng Sơn luôn thành công đối với mấy đứa nóng tính như tôi. Tôi lao ra như điên, rất nhanh đã cướp được sợi chun trên đầu nó. Tiếu Kha để tóc ngắn, lúc chơi thì cột bớt lên một ít nên chun rất dễ tuột. Mặc dù vậy, nó vẫn bị lực kéo của tôi làm chới với, cuối cùng ngã xuống đất. Lúc đó tôi mới nhận ra mình làm một chuyện sai trái cỡ nào. Tôi đứng đực mặt ra trước mặt đám con gái. Vài đứa đang đỡ Tiếu Kha dậy nhưng nó có vẻ không muốn đứng lên.
Một lúc sau Tiếu Kha đứng bật dậy, đi đến chỗ tôi và lấy lại sợi chun trong tay tôi. Nó không nói gì cả, cũng không đánh tôi, nhưng mặt nó đỏ bừng và mắt thì ngấn nước, điều đó còn tệ hơn gấp ngàn lần. Tôi cảm thấy tội lỗi kinh khủng. Đã không giải quyết được chuyện cũ lại thêm chuyện mới. Kiểu này chắc Tiếu Kha giận tôi luôn.
Thằng Sơn chẳng biết Tiếu Kha quan trọng với tôi đến thế, nó chỉ biết làm vui cho bản thân nó bằng nỗi khổ của người ta.
Tôi mang vẻ mặt buồn rầu cùng với tiếng trống đi vào lớp. Thằng Sơn cười hề hề khoác vai tôi:
– Khá lắm!
Tôi hất tay nó ra quát thẳng:
– Cút!
Hết chương 1
Chú thích:
Rục rịch: chuẩn bị làm gì đó trong thời gian sắp tới
Hứa lèo: thất hứa, nói mà không làm
Dòm: nhìn, trông
Quân dịch: tham gia phục vụ quân đội khi có chiến sự
Khanh Vân (5 năm trước.)
Level: 7
Số Xu: 4918
Bạn để chữ bé lại sẽ đẹp hơn đấy...