Chương 11: Hiểu lầm
Thời gian qua đi, kỉ niệm theo đó mà dày lên. Mối quan hệ bạn bè trong lớp tôi cũng vì vậy ngày càng tiến triển, theo cả hướng tích cực lẫn tiêu cực. Tích cực rõ ràng nhất có lẽ là việc chúng tôi đã không cần mất quá ba giây để chỉ mặt điểm tên một người bạn trong lớp, cũng tự tìm được những sở thích chung, những hoạt động chung để thực hiện cùng nhau ở trường. Ví dụ như bản thân tôi và Mai Anh, thay vì căng não suy nghĩ xem hôm nay nên bắt chuyện với nhau như thế nào để không gượng gạo như cái hồi còn “trồng cây si” con nhà người ta, tôi bây giờ có thể vận dụng thuần thục cái danh xưng bạn cùng bàn để làm một người bạn tốt. Bạn cùng bàn cho tôi cơ hội để lén lút buôn chuyện ở một vài tiết học với Mai Anh, cũng cho tôi cơ hội đường đường chính chính sánh bước cùng Mai Anh khi học thể dục, khi xuống phòng máy tính giờ tin học hay thậm chí là khi đi lao động trên trường. Bởi điều này đại đa số các cặp bạn cùng bàn vẫn làm chứ chẳng riêng gì bọn tôi. Cũng nhờ thế, chúng tôi trở nên gần gũi và thân quen hơn trong mắt nhau tự bao giờ. Tuy vậy, luôn thật khó để làm hài lòng tất cả những người xung quanh ta. Đi qua những ngày đầu bỡ ngỡ, có được những nhận định ban đầu về bạn cùng lớp cũng là lúc hiện tượng chơi theo nhóm xuất hiện. Khách quan mà nói, mỗi lớp học của chúng tôi thời đó như một cái giỏ văn hoá tuy nhỏ mà đa dạng, bởi vì học sinh có thể đến từ bất cứ đâu trong tỉnh: từ thành phố đến nông thôn, từ huyện gần đến huyện xa… và cả từ nhà giàu, rất giàu đến những gia đình bình thường, tài chính kém. Xuất phát điểm khác nhau đã vô tình và hữu ý tạo cho mỗi người một nền tảng nhận thức cũng như quan điểm sống có sự khác biệt. Thế nên để có sự hoà hợp giữa tất cả học sinh đang tuổi mới lớn trong một tập thể thì vấn đề cần giải quyết không phải trong ngày một ngày hai và cần quan tâm từ những điều nhỏ nhặt nhất.
– Này, chạy làm gì nữa, thầy không để ý đâu!
Đang thong thả vừa chạy đều đều vừa tán gẫu với Mai Anh cho hết bốn vòng quanh sân trường như thầy thể dục đã giao thì Khánh chạy song song rủ rê chúng tôi “trốn học”. Tôi đánh mắt nhìn ra xung quanh các phía sân trường, ái chà, lũ bạn lớp tôi đã nhân lúc thầy không để ý mà làm ra vẻ đã hoàn thành và về vị trí xuất phát tự bao giờ. Im lặng rồi về chỗ đứng nghỉ, tôi cũng ngỡ tiết học thể chất ngày hôm ấy đã kết thúc tốt đẹp tại đây.
– Cả lớp tập hợp!
Theo hiệu lệnh của Đăng, cả lớp tôi nhanh chóng xếp thành ba hàng ngang chờ thầy cho giải tán. Bình thường thầy tôi sẽ đủng đỉnh cho cả lớp giải tán trước giờ ra chơi khoảng năm đến mười phút để lớp có thể thể thao theo ý thích hoặc đi uống nước, nghỉ ngơi,… Thế nhưng, hôm ấy lại khác.
– Bạn kia! Đứng lên đây nào!
Theo hướng thầy chỉ, là Vy. Cả lớp tôi dáo dác, ai cũng ngạc nhiên không hiểu nó đã mắc phải lỗi gì mà giọng thầy nghiêm trọng thế. Chính chủ cũng ngạc nhiên không kém, tôi còn nhìn ra vẻ bất bình từ biểu cảm của Vy. Cũng phải thôi, tôi nghỉ được một lúc mới thấy Vy dừng chạy, nó trung thực như thế mà thầy còn bắt lỗi ư. Không đen tới thế chứ?
Vy lò dò đến đứng cạnh thầy, vẻ mặt hoang mang tột độ.
– Cái lớp này riết rồi giỏi thật đấy, rèn luyện thân thể thì biếng nhác, chưa gì đã học cái thói lươn lẹo thế hả! Cả lớp ba mươi lăm con người khôi ngô xinh đẹp, thế mà sao chỉ có một người chạy đủ số vòng đã quy định hả? Sau này ra xã hội cũng giữ cái nếp sống này mà coi được à?
Thầy nghỉ một lát, nhìn lũ học sinh đang cúi gằm mặt hối lỗi là tụi tôi rồi nói tiếp.
– Trừ bạn này được phép ngồi nghỉ, cả lớp chạy tiếp gấp đôi số vòng quanh sân trường cho tôi. Rèn luyện thân thể là ấm vào thân mình, tác phong chuẩn chỉnh cho tôi! Nhanh lên!
Y như rằng, cả đám rối rít chạy. Sau giờ ra chơi hôm ấy, lớp tôi lại nổi tiếng toàn trường vì “vẫn miệt mài học thể dục dù đã ra chơi”. Để giữ lại chút thể diện cho lớp, chúng tôi đã ngầm thống nhất với nhau, tuyệt đối không ai được để lộ sự thật đáng xấu hổ này.
Thế nhưng, tin tức bay theo gió, một khi đã phát tán thì đảm bảo chả bỏ sót nơi nao. Chỉ ngay ngày hôm sau cả trường đã biết vụ lớp tôi bị thầy phạt giờ ra chơi ấy.
– Rốt cục là ai đem đi kể vậy?
Tiếng bàn tán to nhỏ vọng vào tai tôi.
– Không biết, nhưng không phải tôi.
– Cũng không phải tớ.
– Càng không phải tớ.
– Nói xem, cái vụ này chỉ có mỗi Vy là không bị ảnh hưởng, có khi nào là cậu ta đi rêu rao để nổi bật không?
Tôi nhíu mày quay ra nhìn về phía đám bạn cùng lớp đang tụm năm tụm bảy.
– Cậu nhìn gì hả Quân? Bộ tụi này đoán không có cơ sở chắc?
Oanh hỏi ngược lại khi thấy ánh nhìn khó chịu từ tôi.
– Chẳng đúng tẹo nào cả!
Tôi khẳng định là Vy không xấu tính thế. Toàn và Khánh cũng đồng tình với tôi.
– Nhưng rõ ràng cậu ta là đáng nghi nhất. Khi không thì chạy giống cả lớp đi, một mình một kiểu nên thầy mới phát hiện ra chúng mình biếng tập chứ.
Lan đang nói thì thấy Vy đi vệ sinh về tới cửa lớp, hấp tấp chạy tới hỏi thẳng Vy:
– Chuyện lớp mình bị phạt hôm qua, là cậu đi kể phải không?
Bị hỏi bất ngờ nên Vy nhìn chúng tôi ngơ ngác. Định thần lại, nó lắc đầu phủ nhận. Nhưng Oanh vẫn gặng hỏi tiếp:
– Nếu cậu có lỡ vì vui miệng đi kể thì bọn tôi sẽ bỏ qua cho!
– Hai cậu làm nói như thế mà trông được à? Dẫu sao cũng là tụi mình làm sai, sao có thể đổ lỗi cho Vy như thế?
Người vừa nói là Vân. Con gái tranh cãi mà bất bình đều thể hiện rõ trên mặt nên chúng tôi bỗng rén ngang. Nhưng chuyện này nhạy cảm, nên không thể để Vy uất ức chịu hiểu lầm được.
– Bộ Vy làm đúng yêu cầu của thầy cũng là sai hả?
Tôi hỏi. Lan biết mình đuối lí nên ngập ngừng, nhưng vẫn không qua nổi sự hiếu thắng của bản thân:
– Ban đầu chắc gì thầy đã biết lớp mình bớt vòng chạy? Có khi do cậu ấy cố chấp còn chạy chậm nên thầy mới nghi ngờ chứ?
Suy nghĩ đó thực sự khiến tôi ngao ngán.
– Đi ngược với đám đông là mặc định sai phải không Lan? Nghĩ kĩ xem, nếu người làm đúng yêu cầu là cậu rồi bị hỏi ngược kiểu này, có ức chế không?
Như để Lan ngẫm, Dương dừng lại một lát rồi nói tiếp:
– Không biết cậu thế nào, nhưng quả thực tôi khi nghe các cậu nói chuyện vừa ức chế vừa xấu hổ. Thay vì trách móc Vy, lẽ ra lớp mình phải biết cảm ơn vì chí ít giữa ba mươi lăm con người bọn mình, vẫn còn một người trung thực vào tiết học hôm ấy để cứu vãn danh dự và noi theo chứ? Các cậu nghĩ chuyện đó chỉ có lớp mình biết sao? Thầy mắng to như thế mà các lớp thể dục gần đấy không ai nghe thấy chắc? Rồi thầy dạy ở đây mấy chục năm mà không biết thời gian chạy tương đối của học sinh với bốn vòng sân trường à?
– Phải đấy, suy nghĩ logic thì thấy lỗi chẳng của riêng ai cả, chỉ có chúng mình làm khổ Vy thôi.
Sau câu chốt của Toàn thì nét mặt mọi người đã giãn ra nhiều, Lan và Oanh có lẽ đã hiểu nên im lặng không nói gì nữa. Tôi và Toàn nhìn nhau, lần đầu tiên cảm thấy bất ngờ tới thế về Dương. Nhưng tụi con trai chúng tôi vẫn là phải âm thầm cho Dương một “like” bự sau vụ việc vừa rồi, cùng với đó là rủ cậu ta đi chơi đá cầu vào giờ ra chơi tiết sau. Lúc đi ra sân, tôi đã hỏi Dương về thắc mắc trong lòng:
– Lan và Oanh là bạn thân của Mai Anh, cậu nói thế với hai người không sợ Mai Anh giận à?
Dương nhìn tôi, cười cười rồi lắc đầu.
– Giận thì thôi. Chính vì Mai Anh chơi thân với hai người kia nên càng phải chấn chỉnh cho rõ ràng, lỡ cả ba bị sa đà theo lối mòn suy nghĩ này thì mệt lắm.
Dương đi trước tôi, dáng vẻ bất cần. Ngay lúc đó, tôi đã nghĩ, thì ra đây chính là sự phóng khoáng, ngầu đét mà tụi con gái ưa thích ấy hả? Nhưng lại có vẻ rất là thuyết phục đấy.