Thời tiết của ngày hôm đó nắng gắt. Đó là một ngày của biết bao ngày hạ trong năm, nhiệt độ lên cao nhưng chúng tôi – những học sinh lớp 9A trường THCS Đồng Kỵ vẫn gắng sức tận hưởng buổi học cuối cùng năm cuối cấp sơ trung.
Lớp chúng tôi là lớp chọn của trường, luận về học hành chúng tôi đứng nhất, luận về vui chơi chúng tôi cũng chẳng kém lớp thường chút nào, còn luận về những ý tưởng khác biệt chúng tôi hoàn toàn có thể tự tâng bốc mình lên đỉnh cao.
Còn nhớ rất nhiều lần lớp chúng tôi bày ra những trò chơi tuy cũ nhưng mới lạ. Ban đầu 2 bạn học trong lớp vì thiếu vợt đánh cầu lông nên đã lấy hẳn một quyển vở ra để thay thế chiếc vợt. Mấy ngày đầu còn biết giữ ý, chỉ đánh trong lớp, được vài ngày sau liền lôi đàn kéo phái ra sân trường chơi. Kết quả thu hút bao nhiêu học sinh đi qua phải ghé lại xem vì sự mới mẻ của chiếc vợt.
Được vài tuần cả lũ chán nản với chơi vợt liền nghĩ ra ý tưởng chơi đuổi bắt trên sân cỏ. Nói là làm thế là bọn họ lại lôi kéo nhau ra chơi. Vậy là lớp tôi lại thành công thu hút sự chú ý của những lớp khác với trò mèo vờn chuột trên sân cỏ kia. Đừng nghĩ ý tưởng này bình thường. Bạn nhầm rồi. Trường chúng tôi có một sân cỏ, ngoài giờ thể dục giữa giờ ra bình thường chẳng mấy ai ra đó, mặc dù sân cỏ đối diện với cửa lớp và cũng chẳng xa xôi gì. Hơn nữa nếu có chơi thì những lớp khác cũng sẽ chơi trên hành lang hoặc dưới sân trường, chẳng ai rảnh lôi nhau ra sân cỏ như lớp của chúng tôi cả. Được vài ngày trào lưu này lại kết thúc và nhường cho trào lưu khác nên ngôi.
Trường tôi cấm đi dép lê, dép tông, vân vân và mây mây, ngoại trừ dép quai hậu và giày thì những thể loại dép khác đều không được bén mảng đem tới trường. Nếu bị phát hiện vi phạm nội quy sẽ bị đuổi về thay dép. Thế nhưng lớp tôi lại vi phạm nội quy một cách trắng trợn nhưng lại chẳng bị phạt mặc dù thầy hiệu trưởng là thầy dạy toán của lớp.
Đối diện với áp lực bài tập nhiều, tinh thần căng thẳng khi kỳ thi vào cao trung tới gần chúng tôi cần được xả stress. Và biện pháp để thư giãn tinh thần là chơi đả chai. Các bạn trong lớp, mỗi người mang một đôi dép đến lớp, cho vào chiếc túi và để trong góc lớp. Ra chơi sẽ lại lấy ra để chơi, tiện thể dùng để đi trong lớp. Trò chơi lần này lại nhận được sự hưởng ứng của lớp khác một cách tuyệt đối, không lâu sau hầu như lớp nào cũng chơi đả chai. Cơ mà trào lưu này lại kết thúc nhanh chóng và nhường cho trò chơi nhảy dây của cả lớp. Học thì lười nhưng ý tưởng chơi lại vô đối. Dù đứng đầu về thành tích học tập nhưng lớp tôi lại thuộc dạng lười từ lớp trưởng cho đến thành viên trong lớp.
Những ngày cuối cùng chuẩn bị cho kì thi thật bận rộn nhưng luôn tràn đầy tiếng cười hồn nhiên.
Trời đất, quang cảnh ngày hôm đó có nóng nực hơn, chói chang hơn thì chúng tôi vẫn sẽ nhiệt huyết đến cùng, chơi thỏa thích những ngày cuối cùng của sơ trung.
Hôm đó chúng tôi học văn, một buổi văn cuối cùng. Giáo viên dạy văn lớp 8 và lớp 9 là cô Đông – phó hiệu trưởng, sau này khi ôn thi đổi thành cô Hạnh vì lý do cô Đông chuyển về trường Đồng Nguyên làm hiệu trưởng. Ấn tượng của tôi với cô khá là đặc biệt, cô ấy là một giáo viên nghiêm khắc nhưng rất hiền. Tôi vốn là một học sinh lớp thường, chính xác là ba năm là lớp trưởng của lớp thường, mặc dù năm nào cũng nhận được giấy chuyển vào lớp chọn nhưng tôi vẫn kiên quyết không nhận lời chuyển lớp, đơn giản vì ấn tượng của tôi về một lớp chọn là lớp chỉ biết cắm đầu vào học hành, mà tuổi trẻ là ăn chơi mà, chẳng có lý do gì để vùi mặt vào sách vở cả. Nhưng đến năm cuối cấp không hiểu sao tôi lại quyết định sẽ tập trung học hành, không để những thứ không liên quan chi phối đến mình, vì vậy tôi từ chức lớp trưởng và chuyển vào lớp chọn. Đối với một đứa học sinh chuyển lớp như tôi có lẽ sẽ không được các thầy cô quan tâm tới nhưng khi đó lại có đến ba giáo viên để ý đến tôi. Thứ nhất là cô chủ nhiệm, cô tên là Hiển, người nhỏ nhắn và dạy vật lý, tôi cũng không biết vì lý do gì mà cô ấy lại rất quý tôi, mặc dù tôi có gâyra ít rắc rối rối vào ngày đầu chuyển lớp, còn chuyện gì thì không kẻ được đâu ha. Người thứ hai là thầy hiệu trưởng – thầy Chứ, một người thầy rất giỏi và tâm huyết nhưng lại cực kì đáng sợ. Tôi từng một phen hú vía khi bị thầy bắt tại trận do không mặc áo đồng phục. Phần lớn cả trường có ấn tượng về thầy khá là hài hước: một người nghiêm khắc và sở hữu quả đầu hói có một không hai. Trong suốt cả năm học, thầy là người luôn sát sao việc học toán của tôi. Và cuối cùng là cô Đông – phó hiệu trưởng, cô là giáo viên ngữ văn và cô cũng chính là người đầu tiên tin tưởng vào khả năng của tôi mà lựa chọn tôi vào đội tuyển văn, mặc dù đến cuối cùng tôi đã chọn thi Giáo dục công dân, tuy môn học yêu thích là Lịch sử nhưng khi đó đã có một bạn học được chọn đi rồi. Ngày chia tay cô chúng tôi đã khóc rất nhiều. Còn cô Hạnh thì cô khá là dễ tính, tự do và cô vô cùng bá đạo: một con người không sợ sếp, thậm chí chúng tôi còn thấy cô cãi tay đôi với thầy hiệu trưởng để thầy giảm bớt buổi học toán cho lớp. Buổi cuối học văn, cô phát tài liệu cho chúng tôi, và cho cả lớp tôi chơi cả buổi hôm đó.
Trong khi cả khối 9 đang bận học tiết học cuối cùng này thì chúng tôi lại nhốn nháo đi ký lưu bút. Sự tình nhốn nháo này diễn ra cũng do tôi là người khơi mào trước. Cứ như vậy cho đến khi trống ra về, chúng tôi vẫn chưa tan buổi.
Cái nóng nực ngày một tăng cao. Chúng tôi bỏ mặc tất cả, chỉ chỉn chu với công việc viết lưu bút. Những dòng chữ nguệch ngoạc, những màu chữ xanh, đỏ, đen chen lấn, cái chúng tôi trao đi không phải chỉ là những con chữ mà là cả một bầu trời tâm tư.
Sân trường hôm đó không hiểu sao lại hoài niệm biết bao. Những tán cây xanh che đi cái nắng mùa hạ, sân cỏ nơi chúng tôi vui đùa xanh mát rười rượi, những bông hoa mọc thưa thớt như buồn đi vì những ngày sau không còn ai ngắm mình mỗi khi chán nản học hành như tôi nữa. Chúng tôi vui vẻ nhưng trong tâm thật sự rất nặng nề. Đứng trên tiền sảnh, ngay phía sau cột cờ, chúng tôi chụp những bức ảnh cuối cùng nhau. Trong mắt tôi ngôi trường này rất đẹp, nó như một khung cảnh thơ mộng, hằng ngày sân trường vẫn luôn rộng lớn biết bao vậy mà hôm đó tôi còn thấy ngôi trường tôi học bốn năm sơ trung kia lại như một nơi mênh mông bát ngát nào đó. Ngôi trường của chúng tôi vẫn luôn nghiêm trang như vậy. Qua bàn tay ươm mầm của thầy hiệu trưởng kính mến ngôi trường thay đổi diện mạo đẹp hơn bao giờ. Nơi đó thật sự như mộng cảnh nơi tiên giới. Những dòng lưu bút ngắn gọn thay cho sự biệt ly sau này. Những tấm ảnh lớp, gửi gắm tâm tư những ngày sau hội tụ. Chúng tôi mãi ghi nhớ ngày hôm đó, ngày cuối cùng của thanh xuân sơ trung, chúng tôi, vui đùa bên nhau lần cuối cùng.
Chưa khi nào tôi yêu cái nắng mùa hạ như ngày hôm đó. Lần đầu tiên tôi thấy được những tia nắng gắt đó thật đẹp, thật mĩ miều làm sao.