3.
Tư Khả đứng tựa người vào một góc tường, mái tóc dài xõa xuống trên đôi vai gầy, khuôn mặt buồn chán ngước lên nhìn trời. Dường như thấy tôi, cô ấy quay ra nhìn, nghiêng đầu hỏi:
“Lan!? Đúng không?”
Tôi gật đầu, cậu ta cười hỏi:
“Bà ra đây mua đồ à?”
“À… không, tôi…” Tôi ấp úng trả lời, chẳng thể nghĩ ra được cái lí do nào cả. Chẳng lẽ tôi phải nói với Tư Khả là tôi cảm thấy thương cảm cậu ta. Đừng đùa cái này, chắc chắn cậu ta sẽ không tin. Nhưng Tư Khả lại không hề có ý định nghe câu trả lời của tôi, cậu ta đứng thẳng dậy, vò vò mái tóc của mình đến không ra hình dạng, chẳng khác nào cái tổ quạ cả. Tôi phì cười.
“Sao cười vậy?”
“Cậu không bao giờ buộc tóc lên sao?” Tôi hỏi.
“Không, tôi lười lắm, lại mất thời gian nữa.” Vừa nói, Tư Khả lại vuốt lại tóc của mình cho đến khi thẳng. “Bà không thích game sao? Vậy có thích mấy trò dạng gắp thú nhồi bông không?”
Tôi kinh ngạc, gật đầu. Sao không thích cho được, đó là ước mơ mong mỏi lâu nay của tôi đó, nhưng do hoàn cảnh không cho phép, tôi chỉ có thể mơ mộng mà thôi. Tư Khả nở nụ cười, giờ tôi mới chú ý, khi cậu ta cười cũng rất đáng yêu đấy chứ.
“Tui dẫn bà đi.”
Mặc dù cậu ta nói vậy nhưng cũng phải vào trong lôi đám kia ra mới đi, tôi cứ nghĩ mấy thằng đó sẽ không muốn, ai ngờ Tư Khả vừa nói đi đến quán game, đám đó vội vàng out game đang chơi, quàng vai nhau vừa đi vừa hát như mấy thằng say rượu. Đây có lẽ là lần đầu tiên, tôi nhìn thấy một mặt khác của bọn họ.
Tôi được dẫn vào một quán game rất to, nhiều người hỗn độn đi đi lại lại, không chỉ vậy, không khí cũng chẳng khác tiệm net là bao. Những người này vừa thấy Tư Khả đều thân thiết chào hỏi, tôi cảm thán: “Quan hệ thật rộng.”
Cậu ta lôi tôi chơi hết cho này đến cho khác, còn thoải mái nói cho tôi biết cách gắp được thú nhồi bông. Nhưng vì vừa hồi hộp vừa lúng túng, tôi chỉ gắp được vài con. Nhìn lại đám con trai, đứa nào cũng gắp rất siêu, khoảng mấy chục con liền. Tính ra chúng tôi chơi lâu như vậy, mất khá nhiều tiền, mà tiền đó toàn Tư Khả trả, đám con trai không phải bỏ ví ra một đồng nào.
“Sao cậu không để đám con trai trả?” Tôi lôi Tư Khả ra một góc, thắc mắc hỏi. Có thể coi tôi là đứa hẹp hòi cũng được nhưng đi chơi, không phải thường là con trai phải trả sao. Tư Khả lại không cho là vậy, cậu ta hỏi ngược lại:
“Vì sao phải để đám con trai phải trả?”
“Bởi vì cậu là con gái.” Tôi trả lời. Không phải cậu ta chơi nhiều với lũ con trai nên cũng coi mình là con trai luôn chứ. Tư Khả nói:
“Ai trả cũng như nhau, với lại tui nhiều tiền mà.”
Nếu như là lúc trước, chắc chắn tôi sẽ tin lời đồn cậu ta ngủ với đại gia nên có nhiều tiền như vậy, nhưng hiện tại, tôi không thể nào tin được lời đồn vô căn cứ đó. Trong quá trình tiếp xúc ngắn vài giờ với Tư Khả, tôi phát hiện cậu ta quen rất nhiều người, nhưng lại không phải là người tùy tiện đến nỗi vì tiền mà đi ngủ với đại gia.
Tôi đột nhiên tò mò muốn tìm hiểu về cô bạn xấu xa trong lời đồn này.
Càng ngày tôi càng ít chơi với đám kia, dường như mỗi lần tụi kia nói xấu Tư Khả, tôi đều im lặng hoặc phản bác vài câu. Số lần tôi đi chơi với đám con trai và Tư Khả càng nhiều, tôi biết bắt đầu có nhiều lời nói xấu mình nhưng tôi mặc kệ, không muốn để tâm tới chuyện đó.
Nhà vệ sinh có lẽ là nơi công cộng nhưng cũng là nơi tốt nhất để nói xấu người khác. Khi tôi và Tư Khả đi vào nhà vệ sinh, vô tình nghe được cuộc nói chuyện của mấy đứa lớp khác. Chúng nó nói Tư Khả thế này, Tư Khả thế kia, lời nào cũng đều rất khó nghe, nếu không phải cậu ta giữ tôi lại nghe nốt, có lẽ tôi đã ra đấy và cho tụi kia một trận.
“Mày không tức giận khi bị mấy đứa nói xấu à?”
Tư Khả ngáp dài một cái, cười tươi trả lời: “Không, tức giận làm gì. Miệng của người ta chứ có phải của mình đâu.”
Tôi thật sự câm nín bởi câu trả lời của cậu ta. Phải nói Tư Khả thật phóng khoáng khi không thèm so đo với mấy tụi kia. Tư Khả thực chất không hề ăn chơi đua đòi như những đứa con gái khác, chẳng qua vì gu thời trang của cậu ta có chút khác biệt, lại toàn đồ hiệu do nhà giàu nên đám đó mới ghen tị thôi. Nếu như bạn vào nhà của một cô gái, phát hiện trong phòng cô ấy không có chút son phấn nào, bạn sẽ biết ngay cô ấy ghét mấy thứ đó. Thực sự cậu ta tốt hơn đám kia rất nhiều, chỉ là mê chơi game quá thôi.
Có một lần, tôi từng thấy cậu ta đứng hàng giờ chỉ để cãi nhau với một đứa con nít. Nội dung thì vô cùng buồn cười.
“Chị là người lớn phải biết nhường con nít chứ?” Bé trai chống nạnh nói.
“Chị mới là trẻ vị thành niên, ai nói là người lớn.” Tư Khả cũng không kém cạnh đáp lại.
“Nhưng chị lớn hơn em.”
“Ai nói lớn hơn em là phải nhường. Với lại bộ đồ chơi này là bộ cuối cùng rồi, chị càng không thể nhường.”
Tôi đã bật cười khi nghe mấy câu đó, thật sự rất trẻ con, ai lại đi cãi nhau với con nít chứ. Bình thường tôi thấy cậu ta rất phóng khoáng mà, cho dù có người nói xấu, cậu ta cũng không thèm so đó. Hoàn cảnh lúc nãy, nếu không phải tôi chạy ra ngăn, chắc sẽ xảy ra cuộc chiến buồn cười nhất từ trước đến giờ.
Mọi người nói cậu ta là đứa con gái hư hỏng, chuyên đi đánh nhau, tôi thừa nhận. Tôi đã từng vô tình thấy cậu ta đánh nhau với một đám con trai, con gái, đứa nào cũng mặt mũi sáng sủa nhưng nhìn là biết dân ăn chơi. Tư Khả bị một đám vây quanh, nếu không chạy được thì chỉ có đánh thôi, chẳng lẽ mình lại để cho chúng nó đánh mình đến nhập viện. Nhưng con người ấy mà, đã có định kiến sẵn về sự xấu xa của ai đó thì cho dù người đó có làm đúng đi nữa vẫn cứ cho là sai thôi. Qủa nhiên hôm sau đi học, Tư Khả liền bị thầy gọi lên phòng giám hiệu, vì quá tò mò, gần như cả trường đều đến nghe lén.
Chúng tôi không ngờ mình vừa nhìn lén vào phòng không phải là khung cảnh học sinh đứng bị phạt mà là học sinh ngồi, thầy giáo đứng lên tức giận đỏ mặt. Thầy hiệu phó đi qua đi lại, cuối cùng cũng dừng lại nói:
“Tư Khả, em không thể có trách nhiệm một chút với bản thân của mình sao? Tại sao lại đi đánh nhau khiến mấy chục đứa kia nhập viện thế hả?”
Tư Khả ngả người ra sau ghế, thản nhiên nói:
“Vậy nếu em không đánh bọn họ, người nằm viện là em rồi.”
Thầy hiệu phó không nói được gì, yếu ớt phản biện: “Nhưng em là con gái.”
“Vậy một đám con trai vây đánh một đứa con gái thì sao? Em chưa kiện mấy đứa nó tội cố ý gây thương tích cho người khác là may rồi.”
Thầy hiệu phó cuối cùng không nói được gì nữa, ngồi xuống thở dài, từ tốn nói:
“Tuần sau bố em về, có muốn đến đón ông ấy không?”
Tư Khả giật mình, không nói gì. Tôi lần nữa lại được nhìn thấy khuôn mặt mình từng gặp qua khi lần đầu tiếp xúc với cậu ấy, một khuôn mặt buồn, chỉ khác là không có sự thất vọng. Cậu ta trầm ngâm một lát mới nói:
“Không cần đâu.”